Giáo xứ Vinh Hương

http://gxvinhhuong.net


Viết cho Linh mục Maximilian Kolbe!

Viết cho Linh mục Maximilian Kolbe!

Cha kính yêu,
Ngay từ nhỏ, con luôn ngưỡng mộ và thích thú về câu chuyện anh dũng của cha. Ngưỡng mộ vì cha đã dành cả một đời để chăm lo chữa trị căn bệnh thời đại: Thờ ơ với tôn giáo. Vả lại, con thích thú vì tinh thần quả cảm của cha dám chết thay cho một tù nhân trong thời Đức Quốc Xã. Hôm nay Giáo hội mừng lễ của cha, con có dịp đọc lại tiểu sử và sống lại những năm tháng thi hành sứ mạng tông đồ của cha trên quê hướng đất nước Ba lan.

Từ ngày cha mở mắt chào đời (ngày 7 tháng 1 năm 1894), ông bà cố cứ lo lắng không biết cuộc đời cha sẽ ra sao. Các ngài có lý để lo lắng than thở bởi sức khỏe của cha không được tốt như những đứa trẻ cùng thời. Tuy vậy, Thiên Chúa và Đức Mẹ đã quan phòng cho cha với một sứ mạng lớn lao. Còn nhớ có lần Ðức Mẹ hiện ra, tay cầm hai triều thiên, một màu trắng, một màu đỏ, rồi Ðức Mẹ hỏi cha có muốn nhận các triều thiên ấy không. Con ngỡ ngàng nghe câu trả lời thánh thiện khôn ngoan của cha: "Con muốn cả hai! (Màu trắng là thanh khiết, màu đỏ là tử đạo.)"

Từ đó cha lên đường thực thi sứ mạng Chúa trao. Mới 16 tuổi cha nhanh chóng gia nhập tiểu chủng viện Dòng Phanxicô. Sau những năm học triết và thần học, cha được Thiên Chúa tuyển chọn lên chức Linh mục ở tuổi 24. Từ đó cánh cửa mục vụ của cha bắt đầu ở toang với những giấc mơ mà cha hằng ấp ủ. Đầu tiên, cha nhạy bén nhận ra căn bệnh thờ ơ tôn giáo của thời đại vùng trời Châu Âu. Lúc ấy cách mạng công nghiệp và tri thức duy lý lên ngôi, con người tưởng chừng làm được mọi sự và họ cho Thiên Chúa ra rìa. Để chữa căn bệnh nguy hiểm này, cha mau chóng sáng lập tổ chức Đạo Binh của Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Đường lối và mục đích của Đạo Binh này không gì khác hơn là chống lại sự dữ, sự thờ ơ tôn giáo bằng con đường cầu nguyện, làm việc lành phúc đức và đón nhận đau khổ. Bên cạnh đó, cha còn phát hành tờ Hiệp Sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm như một phương tiện truyền thông hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng.

Để vận hành tờ báo này, cha thành lập một "Thành Phố của Ðức Vô Nhiễm" ở Niepolalanow. Hằng ngày có đến 700 tu sĩ Phanxicô làm việc ở đó. Nhanh chóng tờ báo như một món ăn tinh thần không thể thiếu cho người dân Ba Lan. Cả tổ chức và tờ nguyệt san của cha có khi lên đến 1 triệu hội viên cũng như độc giả. Đó là phương tiện mà cha miệt mài gieo hạt giống đức tin, thông truyền niềm hy vọng và lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa cho mỗi độc giả của cha. Phải chăng nhờ thế mà căn bệnh thờ ơ tôn giáo ngày càng thuyên giảm trên mảnh đất Ba Lan. Rồi sau này Ba Lan nhanh chóng trở nên đất nước Công Giáo với tinh thần sống đạo dâng cao.

Với thành công trong sứ mạng, với nhiều hy vọng trong tương lai, Thiên Chúa lại trao cho cha triều thiên tử đạo. Nếu cả thế giới kinh hoàng với sự tàn ác của chế độ độc tài Hiltle, thì đất nước láng giếng Ba Lan của cha lại là nước hứng chịu nhiều nhất. Từ khi lên nắm quyền năm 1933, Hiltle kiểm soát mọi mặt của đời sống. Một trong những chính sách bạo tàn của Đức Quốc Xã dưới thời Hiltle là diệt chủng, bài Do Thái và các chủng tộc hạ đẳng. Kết quả là hàng triệu người Do Thái và các nạn nhân khác, nếu Quốc Xã cho là "đáng ghét, hạ đẳng, không mong muốn", đều bị khủng bố và tàn sát trong cuộc diệt chủng Holocaust. Tiếc thay cha là một trong số hàng triệu nạn nhân trong cuộc diệt chủng này.

Tại sao họ lại bắt cha? Khi Đức Quốc Xã xâm lược Ba Lan vào tháng 9 năm 1939 (sự kiện mở màn chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu), cha và các tu sĩ Phanxicô nhanh chóng trong tầm ngắm của họ. Đơn giản Hiltle thừa biết mức độ ảnh hưởng của cha cũng như những việc tông đồ cha đang làm. Trước khi bị bắt, cha làm chủ biên tờ báo “The Knight Immaculate” và tờ “The Little Daily”. Đây là hai tờ báo được phát hành trong vùng phát xít chiếm đóng ở Ba Lan. Họ bắt cha và nhiều tu sĩ Phanxicô khác, nhưng chưa đầy ba tháng tất cả được trả tự do. Con nhớ trong lần tù đày này, cha không ngừng khuyên nhủ bạn tù: "Hãy can đảm lên các con. Các con không thấy chúng ta đang trên đường thi hành sứ vụ hay sao?”

Tuy vậy năm 1941, cha lại bị bỏ tù vì Đức Quốc Xã xem cha thuộc giới tri thức, có mức độ ảnh hưởng lớn lao và là vị lãnh đạo tài ba. Từ ngày hôm đó, phúc tử đạo của cha bắt đầu hé mở nơi trại tập trung kinh hoàng nhất của chế độ diệt chủng: trại tập trung Auschwitz.

Một trong những nguyên tắc bất di bất dịch của trại tập trung Auschwitz là hễ ai bỏ trốn thì 10 người khác phải chết thay. Vào ngày 31 tháng 7 năm 1941, có một tù nhân trốn thoát. Thế là 10 tù nhân trong trại phải lãnh án tử hình. Cha may mắn không thuộc nhóm này. Tuy nhiên, tên cai tù ngạc nhiên khi tù nhân số 16670 can đảm bước ra để xưng phong thế chỗ cho một tù nhân đang khóc than: "Tôi còn vợ và con!" Thế là cha Kolbe được chết thay cho trung sĩ Francis Gajowniczek.

Trong hầm giam, người ta ngỡ ngàng nghe được những bài thánh ca mà nhóm của cha cất lên. Thay vì oán trời trách đất, cha đã giúp họ cầu nguyện để chết đói trong bình an. Gần nửa tháng sau, chỉ còn bốn người sống sót, trong đó có cha. Thấy thế, tên cai tù kết thúc cuộc đời cha bằng một mũi thuốc độc. Sau đó cả nhóm của cha bị thiêu đốt. Vậy là cha đón nhận triều thiên màu đỏ vào trước ngày Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (14 tháng 8 năm 1941).

Là linh mục thánh thiện, là chủ biên tập tài năng và là vị tử đạo kiên cường, cha được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong bậc hiển thánh ngày 10 tháng 10 năm 1982. Cũng từ đó, cha thánh Maximilian Kolbe được đặt làm bổn mạng các nhà văn, nhà biên tập và ký giả phò sinh. Trong ngày mừng lễ của cha, xin cha giúp chúng con chữa trị căn bệnh thờ ơ với tôn giáo trong thời đại hôm nay. Xin cha đồng hành với những nhà văn, nhà báo và ký giả. Được như thế, chúng con ước mong phương tiện truyền thông có thể mang con người đến gần Thiên Chúa và Đức Mẹ hơn.
Mừng lễ của cha thánh Maximilian Kolbe, ngày 14 tháng 8

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ 

https://www.youtube.com/watch?list=PL58g24NgWPIzvBk2IQVES_xC4WTm6-CDI&v=33H24aw0pig
 



Ngày 14 tháng 8
THÁNH MAXIMILIANÔ MARIA KOLBE
(1894-1941)

1. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Cha Maximilianô Kolbe sinh tại Zdusnka Wola, nước Balan, ngày 8-1-1894. Năm 1907, nhập học tại chủng viện dòng Phanxicô, được gởi qua học ở Roma. Ngày 28-04-1918, thụ phong linh mục. Là một tông đồ nhiệt thành về lòng sùng kính thánh mẫu Maria, Cha Kolbe đã tích cực cổ võ lòng tôn sùng ấy đặc biệt bằng báo chí (Nguyệt san “Người hiệp sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm”) phát hành một lần tới một triệu số năm 1938) và bằng một trung tâm thánh mẫu. Năm 1930, cha qua Nhật và thành lập một trung tâm tương tự. Năm 1936, cha trở về Balan.

Ngày 1-9-1939, quân đội Đức của Hitler tấn công Balan, mở đầu cho cuộc thế giới chiến tranh thứ II.

Mười ngày sau, mật vụ Đức bắt giam cha Maximilianô Kolbe gần ba tháng. Được trả tự do, cha trở lại đời sống hoạt động tông đồ cho đến ngày 17-2-1941, thì bị bắt lại. Và lần này cha bị giam ở trại tập trung Auschwitz, nơi đã từng tiêu diệt 6 triệu người Do Thái và vô số những người khác trong các phòng hơi ngạt. Cha Kolbe cũng chết tại đó.

30 năm sau, ngày 17-10-1971 tại thánh đường Phêrô, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã long trọng phong cha lên hàng chân phước. Tại buổi lễ này người ta thấy có sự hiện diện của cụ Giasowniczek, người mà trước kia cha Maximilianô Kolbe đã chết thay cho.

Rồi ngày 10-10-1982 Đức Gioan Phaolô II đã phong Ngài lên bậc hiển thánh.

2. CHỨNG NHÂN ANH DŨNG

“Hôm ấy là ngày 30/7/1941, trong nhà giam số 14 tại trại tập trung Auschwitz, nơi mấy tháng trước đó, một nhóm tù nhân vừa được dẫn tới, trong đó có cha Maximilianô Kolbe, tu sĩ dòng Phanxicô Balan. Hôm ấy thiếu mất một tù nhân. Các tử tù biết rằng cứ một tù nhân đào thoát là hai mươi tù cùng trại phải nhịn ăn cho đến chết. Đêm ấy không ai trong khu nhà giam chợp mắt được. Mọi người đều sợ hãi, mặc dù nhiều lúc họ vẫn mong chờ cái chết đến để giải thoát họ.

Chết dưới làn đạn, có lẽ còn chịu được, nhưng chết đói chết khát thật là một cái chết kinh sợ nhất. Từ căn nhà hành hình, phát ra những tiếng la rú rùng rợn. Đêm ấy, cha Kolbe lo an ủi đồng bạn và giải tội cho những ai cần.

Sáng hôm sau khi điểm danh, tên cai ngục đã báo tin người ta đã không tìm lại được kẻ đào thoát. Cả trại 14 đứng im như trời trồng và hồi hộp chờ án lệnh. Viên cai ngục dừng lại trước hàng những tù nhân và tuyên bố: “Mười đứa trong tụi bay sẽ chết thay nó. Lần sau sẽ là 20 đứa”. Tuyên bố xong hắn ta chậm rãi đi ngang qua hàng đầu, có vẻ suy nghĩ, rồi nói : “Tên này... tên này... tên này. Tất cả 10 người. 10 người bị tử hình”. Lúc đó một trong số những người ấy kêu lên: “Ôi vợ tôi, các con tôi!”. Những người còn đứng trong hàng ngũ thở ra nhẹ nhõm.

Nhưng rồi một chuyện bất ngờ xảy ra: Có một người tù không thuộc nhóm những người bị chỉ định, mạnh dạn bước ra khỏi đám người đang xếp hàng im lặng trong sợ hãi, nhìn thẳng vào người cai ngục. Tên này kinh ngạc lùi lại một chút rồi hô to: “Đứng lại!”

Cha Maximilianô Kolbe dừng lại trước mặt y. Thế rồi một cuộc đối thoại chưa từng nghe đã diễn ra. Một cuộc đối thoại điên khùng mà những người sống sót đã kể lại thật chính xác:

- Xin ông cho phép tôi được chết thay cho một trong những người bị lên án này!

Viên cai tù kinh ngạc nhìn cha.

- Anh là ai ?

- Là một linh mục công giáo.

- Anh muốn chết thế cho ai?

- Người này. Cha Kolbe chỉ vào người vừa mới la khóc.

- Tại sao?

- Bởi vì đời tôi không còn giúp ích gì mấy. Trong khi ông này còn có gia đình.

Viên cai trại suy nghĩ, rồi đưa tay ra hiệu đồng ý. Cha Kolbe nhập bọn với đám tử tội.

Một phút im lặng. Không ai hiểu rõ sự việc vừa xảy ra.

Các tù nhân bị lột hết quần áo, nhốt vào một căn hầm. Kể từ giây phút đó, người tù không còn gì để ăn và điều kinh khủng là không có gì để uống gì nữa.

Trước kia căn nhà hầm này luôn vang lên những tiếng kêu la thảm thiết. Thật là một địa ngục nhỏ. Nhưng lần này có cái gì đã thay đổi. Mấy người lính Đức quốc xã rất đỗi ngạc nhiên. Đám tử tù cầu nguyện và ca hát. Vẫn có tiếng rên rỉ, nhưng không còn là những tiếng kêu tuyệt vọng nữa.

Ngày thứ 12, tức ngày 14-08-1941 cửa phòng giam đói được mở ra. Mọi người đều đã chết, trừ một mình cha Kolbe, với đôi mắt vẫn sáng dù thân mình tàn rũ. Cha ngồi giữa đất, đầu tựa vào tường, thân mình ngay thẳng và khuôn mặt rạng rỡ. Viên cai ngục bắt ngài đưa tay ra và chích cho một mũi thuốc độc ân huệ. Vị linh mục chết ngay. Họ đưa xe đến xúc xác ngài và các bạn tù đem đi. Như bao nhiêu người khác, xác cha bị hoả thiêu trong lò và nắm tro tàn bị ném tung trong gió bốn phương.

3. THAY CHO LỜI KẾT

Đây là lời của Đức thánh Cha Phaolô VI

“Lịch sử sẽ không thể quên được trang sử ghê tởm này (của thời Đức quốc xã) nhưng giữa sự kinh hãi, người ta vẫn không thể không nhận ra những tia sáng tố giác bóng tối và đồng thời lướt thắng bóng tối. Một trong những tia sáng ấy, và có lẽ là tia sáng rực rỡ hơn hết, được ban cho chúng ta trong khuôn mặt tiều tụy và bình thản của cha M. Kolbe, vị anh hùng luôn bám chắc vào một niềm hy vọng nghịch lý nhưng có suy nghĩ. Tên tuổi Ngài mãi mãi lớn lao và sẽ nhắc nhở cho ta thấy rằng giữa những con người khốn khổ, vẫn có thể tồn tại những năng lực và giá trị luân lý phong phú biết bao !” (Bài giảng của Đức Phaolô VI…)

Và đây là những lời của Đức Hồng Y Wojtyla sau này là Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tại phòng họp báo toà thánh Vatican ngày 14-10-1971

“Chân phước Maximilianô Kolbe không biết đến hận thù là gì. Trong nhà tù Pawiak, ở Vacsava, trong trại tập trung Auschwitz Ngài nhìn những người hành hình cũng như những kẻ bị hành hình với cùng một cái nhìn trong sáng đến nỗi những kẻ tàn bạo nhất cũng phải quay mặt đi : “Đừng nhìn bọn tao như thế”. Con người mang bản số 16670 ấy đã dành được một cuộc chiến thắng khó khăn nhất: ấy là cuộc chiến của tình yêu biết xá tội, biết thứ tha. Ngài đã đi vào trong cái vòng luẩn quẩn hiểm ác của hận thù với một cõi lòng nóng bỏng tình yêu và lập tức cái “ngón trù ếm” quỉ quái của nó bị giải độc. Tình yêu đã mạnh hơn sự chết.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây