Giáo xứ Vinh Hương

http://gxvinhhuong.net


Đức Bênêđictô XVI: một tang lễ thanh đạm và đầy xúc động

Từ sáng tinh mơ ngày thứ năm 5 tháng 1, giáo dân đã chờ để dự tang lễ cố giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Từ sáng tinh mơ ngày thứ năm 5 tháng 1, giáo dân đã chờ để dự tang lễ cố giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI tại Quảng trường Thánh Phêrô.


Nếu Vatican tổ chức tang lễ được đánh dấu bằng trang nghiêm long trọng cho Đức Bênêđictô, thì với sự hiện diện của 50.000 người hành hương, chúng ta thấy được lòng kính trọng của họ với ngài.
 

Ông Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh tuyên bố: “Đây là tang lễ long trọng nhưng thanh đạm.” Tang lễ đã diễn ra theo đúng chương trình, nghiêm túc và được đánh dấu qua nét buông bỏ đến trần trụi. Thử thách mang tính biểu tượng vừa nhằm tôn vinh cố giáo hoàng danh dự, vừa cho thấy đây không phải là tang lễ của giáo hoàng tại vị.

Như thế, ở nước nhỏ nhất thế giới, ngày thứ năm 5 tháng 1 tuy không chính thức là ngày quốc tang, nhưng các siêu thị đóng cửa trong thời gian tang lễ cử hành. Và các nhân viên được nghỉ làm để đến dự tang lễ, với điều kiện tính liên tục của dịch vụ được đảm bảo.

50.000 giáo dân hành hương tỏ lòng thành kính với “người ông” của Vatican

Nghi thức trong việc chính thức mời các nguyên thủ quốc gia đã giảm đến mức cần thiết, vì chỉ có nước Đức và Ý được mời, đại diện là thủ tướng Đức Frank-Walter Steinmeier và tổng thống Ý Sergio Mattarella. Vì thế các phái đoàn và nhân vật khác có mặt là “với tư cách cá nhân”. Các nhân vật chính trị khác như thủ tướng Ý Giorgia Meloni, vua Philippe và hoàng hậu Mathilde của Bỉ, nữ hoàng Sofia của Tây Ban Nha, hay tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đều đến dự.

Sự giản dị – hơi quá triệt để với một số người ở Vatican và trong quần chúng – đã không ngăn được khoảng 50.000 giáo dân thức dậy từ bình minh và chờ trong giá lạnh dưới màn sương mù để bày tỏ lòng tôn kính cuối cùng với người mà Đức Phanxicô gọi là “người ông” của Vatican. Một con số khiêm tốn, khác xa với ba triệu giáo dân đã về Thành phố Vĩnh cửu để dự tang lễ Đức Gioan Phaolô II. Nhưng trên hết, có lẽ là con số 3700 linh mục đến đồng tế đã làm nhiều người xúc động, bảo đảm cho sự mến chuộng Đức Bênêđictô XVI của hàng giáo sĩ, họ xúc động mạnh trong buổi lễ. Một trong các linh mục nói với chúng tôi: “Chính nhờ Ngài mà tôi đã vững vàng trong ơn gọi. Tại một thời điểm, tôi trải qua một cuộc khủng hoảng cá nhân. Tôi kiệt sức, tôi tức giận và buồn bã. Nhờ ngài, nhờ sự kiên định trong Sự thật của ngài, tôi đã có thể tìm lời, tìm hành động giúp tôi đứng vững trở lại và cho tôi sức mạnh để tiếp tục.”

“Một người trấn an và đặt chúng tôi trở lại con đường”, đó cũng là hình ảnh đọng lại của một nhân viên Vatican không thể đến dự tang lễ vì phải đi làm, họ gởi cho chúng tôi lời chứng qua e-mail: “Bằng cách nào đó tôi được trấn an nhờ sự hiện diện của ngài ở Vatican, dù sự hiện diện này bị lu mờ. Khi tôi đến gần đan viện nơi ngài ở để làm các thủ tục hành chính, tôi không thể không bùi ngùi liếc nhìn về đó. Đức Phanxicô nói về ngài như một người ông, một người ông minh triết, và đó là sự thật. Chúng tôi có thể dựa vào ngài, vào giá trị suy nghĩ của ngài. Ngài cũng giúp tôi sống đức tin. Khi tôi cầu nguyện với Chúa Kitô, tôi biết tôi hiệp thông với giáo hoàng danh dự, người đã cống hiến một công trình lịch sử cho Chúa Giêsu.”

“Tảng đá trong cơn bão”

Những người hành hương khi nào cũng là những nhóm với đủ mọi ngôn ngữ, văn hóa, họ đi từng nhóm, từng gia đình từ khắp nơi trên thế giới, nhưng đặc biệt là từ Đức, Ý, Ba Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Bà Suzanna người Ý, người gắn bó với Giáo hội thú nhận: “Tôi không hào hứng lắm với Đức Bênêđictô, mà theo tôi, ngài không may đã đến sau Đức Gioan Phaolô II với năng lực mặt trời có thể đốt cháy đám đông. Rõ ràng ngài không có sức thu hút này. Chúng tôi hỏi vì sao bà đến đây, bà giải thích: “Tôi đã học thần học, tôi ấn tượng với sự tinh tế trong suy nghĩ của ngài. Với tôi, ngài đã để lại một tác phẩm tuyệt vời Chúa Giêsu thành Nadarét, vì đó là thần học không khó hiểu như thường lệ, quần chúng có thể đọc được.”

Bà Pilar, từ Tây Ban Nha đến cùng hai con, bà nói về “đức tin lan truyền” của Đức Bênêđictô XVI. Bà đặc biệt nhớ Ngày Thế Giới Trẻ ở Madrid vì tại đây bà đã gặp chồng mình, bà vừa nói vừa cười to: “Đúng là tôi đặc biệt mắc nợ ngài.”

Những Ngày Thế Giới Trẻ trẻ năm đó là thời điểm xây dựng của nhiều người khi giáo hoàng và tín hữu ở bên nhau bất chấp cơn bão. Bà nói: “Tôi đặc biệt nhớ cơn bão này, chúng tôi nghĩ ngài sẽ về, cơn bão thật lớn. Nhưng ngài giữ vững, tôi thấy ngài đứng dưới cơn mưa tầm tã, mặc áo mưa che kín người. Tôi nghĩ hình ảnh này mô tả rất rõ về ngài: một tảng đá trong cơn bão.”

Hoặc như trong truyện ngụ ngôn, cây sậy uốn cong nhưng không gãy. Đó là xác tín của sơ Clara người Brazil sống lâu năm ở Amazon: “Với tôi, đóng góp của Đức Bênêđictô luôn mời gọi mọi người hướng về Chúa Giêsu, bằng công việc thần học cũng như qua thái độ của ngài. Trong thời điểm thế giới có nhiều khủng hoảng, Chúa Kitô là tảng đá duy nhất để bám vào.”

Theo sơ, điểm nổi bật nhất triều giáo hoàng của ngài vẫn là việc ngài từ nhiệm: “Ở thời buổi của tự quy và tự mê, ngài chấp nhận xóa mình, khi ngài là người ở vị trí đầu tiên trong thứ bậc Giáo hội công giáo. Sau đó, mỗi lần khi người khác chống đối Đức Phanxicô, ngài im lặng và nói Đức Phanxicô là giáo hoàng duy nhất: ngài chú tâm đến việc hiệp thông. Sự quên mình này là minh chứng quan trọng cho thời đại chúng ta khi mọi người chăm chăm lo cho hình ảnh cá nhân mình. Khi ngài mờ nhạt nhất là khi ngài cao cả nhất.” Chứng từ của sơ bị gián đoạn vì tiếng vỗ tay của đám đông khi quan tài bằng gỗ tùng bách của Đức Bênêđictô vừa  đặt xuống bên dưới bàn thờ, lúc đó là 8:50 sáng.

Bài Tin Mừng Người Trộm Lành, một chọn lựa mạnh và độc đáo của ban nghi lễ phụng vụ, có thể được Đức Phanxicô đồng ý trước hoặc do chính ngài chọn, cũng đã làm mọi người xúc động. Phúc âm Thánh Luca kể cuộc đối thoại giữa hai người kẻ trộm bên cạnh Thánh giá Chúa Giêsu, và người trộm lành sau khi bênh vực Chúa Kitô khỏi những lời chế nhạo của tên trộm dữ, ông ăn năn và nhận ra thiên tính của Chúa Kitô, vì thế ông là người đầu tiên vào Nước Trời.

Trong bài giảng, cũng rất giản dị, với nét mặt rất nghiêm trọng, Đức Phanxicô bắt đầu suy niệm về bàn tay của những người bị đóng đinh, “những bàn tay bầm dập đưa ra để gặp gỡ, để tận hiến, để chúng ta biết được tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, để chúng ta tin vào Ngài”. Sau đó, ngài đưa ra các phẩm chất của người mục tử: “Tận tâm phục vụ Chúa và dân của Ngài, hết lòng cầu nguyện, hình thành và tôi luyện cách âm thầm giữa ngã tư đường, giữa những mâu thuẫn mà người mục tử phải đối diện, một tận hiến được Chúa Thánh Thần nâng đỡ an ủi, Đấng luôn đi trước trong sứ mệnh.”

Sau đó ngài trích dẫn một suy tư về tình bạn thiêng liêng của Thánh Grêgôriô Cả: “Giữa những giông bão của cuộc đời, tôi tự an ủi với niềm tin tưởng bạn sẽ giữ vững tôi trong cầu nguyện, và  nếu gánh nặng lỗi lầm của tôi làm tôi gục ngã và sỉ nhục tôi, bạn sẽ cho tôi mượn nhân đức của bạn để nâng tôi lên.” Có thể ám chỉ đến sự hỗ trợ thông qua lời cầu nguyện mà cố giáo hoàng danh dự  đã đảm bảo với Đức Phanxicô trong suốt những năm ngài về hưu chọn cuộc sống cầu nguyện để phục vụ Giáo hội ở đan viện Mẹ Giáo hội, nhưng có lẽ còn hơn thế nữa cho những người đồng hành với các mục tử của họ bằng lời cầu nguyện. Đức Phanxicô giải thích: “Đó là ý thức của người mục tử biết mình không thể gánh vác một mình, trong thực tế, ngài không bao giờ có thể gánh vác một mình và vì thế ngài biết xóa mình để cầu nguyện và chăm sóc những người được giao phó”.

“Bênêđictô, người bạn trung thành của Phu quân”

Chính trong phần kết bài giảng, lần đầu tiên Đức Phanxicô trực tiếp đề cập đến vị tiền nhiệm của ngài: “Chính những người trung tín của Chúa, đã quy tụ lại với nhau, đồng hành và phó thác cuộc đời cho vị mục tử của họ. Giống như người phụ nữ trong Phúc âm ở ngôi mộ, chúng ta ở đây với hương thơm của lòng biết ơn và dầu thơm của hy vọng để một lần nữa chứng tỏ cho thấy tình yêu không bao giờ mất đi.” Đức Phanxicô vinh danh “sự khôn ngoan, tinh tế, sự cống hiến mà ngài đã làm trong những năm qua”. Trong một hơi thở, Đức Phanxicô kết thúc bài giảng của ngài: “Bênêđictô, người bạn trung thành của Phu quân, ước gì niềm vui của bạn được trọn vẹn khi nghe giọng nói của Phu quân, thật sự và mãi mãi!”

Thành ngữ “người bạn trung thành của Phu quân” là theo truyền thống được liên kết với Thánh Gioan Tẩy Giả, người loan báo Chúa Kitô trong Tin Mừng. Một cách để giáo hoàng chỉ định Đức Bênêđictô là người loan báo Chúa Kitô. Sự đề cập này được giáo dân hành hương đánh giá cao mà với một số người, họ đã muốn tôn vinh Đức Bênêđictô XVI là “tiến sĩ của Giáo hội”. Ông Pierre người Pháp nói: “Không thể nghĩ một di sản trí tuệ như vậy trong thời đại khủng hoảng như thời đại chúng ta lại không được ghi dấu ấn bằng con dấu của thể chế có thẩm quyền. Joseph Ratzinger là nhà thần học có đức tin sâu sắc và suy nghĩ chắc chắn, điều này đặc trưng cho một tiến sĩ Giáo hội.”

Sau santo subito năm 2005 được giáo dân xin trong tang lễ của Đức Gioan Phaolô II, một biểu ngữ cũng viết câu này được giăng vào cuối thánh lễ. Ngoài ra có một băng rôn mang hàng chữ “Bênêđictô XVI, tiến sĩ Giáo hội” được người làm ra đăng trên  mạng xã hội, dường như lặp lại thông điệp được chia sẻ nhiều nhất. Một số bài báo đã nói về chủ đề này. Hồng y Bagnasco, tổng giám mục danh dự của Genoa đã nói về việc này trong một phỏng vấn trên truyền hình, cũng như hồng y Koch, bộ trưởng bộ Cổ Vũ Hiệp Nhất Kitô Giáo, trong một cuộc phỏng vấn dành cho La Nuova Bussola. Khi được hỏi về khả năng phong thánh cho Đức Bênêđictô XVI một cách nhanh chóng, ngài trả lời: “Thứ nhất, Chúa là người phán xét ai là thánh, nên tôi phải để ngài phán xét. Thứ hai, giáo hoàng quyết định. Tôi nghĩ Bênêđictô XVI là người thầy vĩ đại, là tiến sĩ Giáo hội với thần học và huấn quyền của ngài, đó là điều quan trọng nhất với tôi. Nhưng tất cả chúng ta đều được kêu gọi để nên thánh.” Việc này tạo tranh luận, một số người khó chịu trước khuynh hướng phải phong thánh bằng mọi giá cho các giáo hoàng, một người mỉa mai, “giống như một loại trá hình của phong thánh ngay, santo subito.”

Thánh lễ kết thúc, quan tài được đưa đến Hầm mộ của các giáo hoàng, bên dưới vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Trước khi di quan, Đức Phanxicô đến cúi đầu, đặt tay lên hòm gỗ đông cứng vì giá lạnh mùa đông. Trong đám đông, nhiều người khóc. Ban nhạc Bavaria quê hương cố giáo hoàng diễn hành qua quảng trường. Một người đàn ông đến từ Bavaria bật khóc và nghẹn ngào nói trong hơi thở: “Ngài đã để lại một khoảng trống lớn.” Sau lưng ông, một nữ tu cũng khóc, sơ nói: “Nhưng lịch sử là vậy. Các giáo hoàng đã nối tiếp nhau trong 2000 năm, Giáo hội vẫn tiếp tục.”

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây