Giáo xứ Vinh Hương

http://gxvinhhuong.net


Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo về chủ nghĩa thực dân mới

Giáo sư Paolo Maggiolini thuộc Đại học Thánh Tâm ở Milan trình bày về chủ nghĩa thực dân mới, dựa theo lời giảng dạy của Đức Thánh Cha
Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo về chủ nghĩa thực dân mới


Trong phần kết của sứ điệp video gửi đến các Phong trào Nhân dân, nhân cuộc họp thế giới lần thứ IV, vào 16/10/2021, Đức Thánh Cha đã đưa ra những lời khích lệ, tái khẳng định sự cần thiết phải từ chối mọi hình thức chủ nghĩa thực dân mới.

Để hiểu rõ hơn và có thể đem áp dụng lời dạy này của Đức Thánh Cha trong thực tế, báo Quan sát viên Roma, tờ báo chính thức của Toà Thánh đã cho đăng một bài viết của giáo sư Paolo Maggiolini thuộc Đại học Thánh Tâm ở Milan. Trong đó, khởi đi từ tư tưởng của Đức Thánh Cha, giáo sư đã trình bày rõ ràng về chủ nghĩa thực dân mới.

Với tựa đề “Cần có một dấn thân cụ thể cho một nhận thức lịch sử chung”, giáo sư Paolo nhắc lại rằng chủ nghĩa thực dân mới là một cảnh báo luôn được Đức Thánh Cha lặp đi lặp lại trong các bài phát biểu, và lần này, ngài muốn làm nổi bật sự rõ ràng về vấn đề này.

Theo giáo sư, chúng ta không thể dửng dưng trước sự lựa chọn sử dụng khái niệm này của vị cha chung nhằm tóm tắt các trách nhiệm khác nhau đằng sau nhiều bất ổn của thời đại chúng ta.

Thực tế, sự từ chối rõ ràng này không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của “những ai nắm quyền quyết định”, nhưng là lời cảnh báo đối với tất cả hệ thống quan hệ chính trị-kinh tế và tài chính đang chi phối hiện nay, trong đó, tất cả chúng ta đều sống với những vai trò và khả năng ảnh hưởng khác nhau.

Chủ nghĩa thực dân mới chắc chắn không phải là sự trở lại đơn giản của một hiện tượng được cho là gắn liền với lịch sử của châu Phi và châu Á về nền độc lập từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Thực tế, trong nhiều thập kỷ, cuộc tranh luận văn hoá đã làm rõ rằng chủ nghĩa thực dân không chỉ là một kinh nghiệm lịch sử được xác định và kết thúc theo thời gian, nhưng nó đại diện cho một tương quan phức tạp của các mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng ràng buộc giữa hai phía, thực dân và thuộc địa cả về vật chất lẫn tinh thần.

Vì lý do này, nói về chủ nghĩa thực dân mới không chỉ có nghĩa là nhìn nhận rằng chúng ta đang sống trong một thế giới, trong đó sự bất công vẫn còn sâu sắc, một sự bất công dựa trên bất bình đẳng có hệ thống và sự tích luỹ làm cho tất cả mọi người phải trả giá ở mọi lĩnh vực. Nhưng cũng cần phải ý thức rằng thách đố văn hoá và luân lý đạo đức để lưu trữ những kinh nghiệm như vậy chưa bao giờ được giải quyết hoàn toàn. Thực tế, văn hoá và động lực nền tảng của chủ nghĩa thực dân trong quá khứ vẫn tiếp tục tồn tại trong hiện tại của chúng ta. Như Đức Thánh Cha đã nhắc lại trong thông điệp Laudato si' điều này xảy ra do sự suy yếu của cảm thức thuộc về cùng một nhân loại, và sự phai nhạt giấc mơ và khả năng cùng xây dựng công lý và hoà bình.

Mặt khác, văn hoá thực dân luôn dựa trên sự lèo lái những khác biệt và sự vượt trội trong việc kể về người khác. Nó dựa trên những lập luận về sự vượt trội văn hoá của một bên đối với bên kia và bắt nguồn từ việc đòi hỏi quyền của một số ít được tự do định đoạt các nguồn lực của người khác, về thể lý và tâm trí.

Do đó, con đường thoát khỏi cơ chế quyền lực chỉ có thể trước hết là văn hoá và toàn diện, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại là phía thực dân mới và phía thuộc địa mới phải cam kết đi chung một con đường trong những quyết định và chia sẻ. Người ta không thoát ra khỏi các hình thức của chủ nghĩa thực dân mới chỉ bằng cách nuôi dưỡng một văn hoá mặc cảm tội lỗi với quá khứ hoặc cho rằng chúng ta có thể nhanh chóng quét sạch những lập luận đã dẫn đến những thách đố hiện nay. Tốt hơn cần có một cam kết văn hoá chung, theo trách nhiệm và sự tham gia hỗ tương. Con đường này phải đưa đến việc thúc đẩy một ý thức lịch sử đúng dựa trên sự xác tín rằng “nếu các quyền của cá nhân không được sắp đặt hài hòa với thiện ích lớn hơn, thì rốt cuộc quyền đó sẽ tự cho mình là vô giới hạn và từ đó trở thành nguồn xung đột và bạo lực” (Fratelli tutti 111).

Bạo lực và chủ nghĩa thực dân mới và cũ sống trong tương quan cộng sinh, nuôi dưỡng nhau. Ngày nay, các hình thức mới của chủ nghĩa thực dân đã bén rễ trong lòng và trong lý lẽ của “Chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh”, điều được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Một cuộc xung đột đương đại cho thấy bản thân nó là “từng mảnh” không chỉ vì nó phổ biến trong nhiều bối cảnh khu vực, nhưng còn vì lý luận tạo nên nó cũng khác nhau và phân mảnh. Chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh là chất xúc tác mạnh mẽ cho quá trình xói mòn chủ quyền quốc gia đã diễn ra từ khi cuộc xung đột lưỡng cực kết thúc và ngày nay đi cùng với các hình thức chủ nghĩa thực dân mới. Nó có thể xuất hiện thích ứng theo hoàn cảnh, dưới các hình thức chiến tranh giành nguồn lực, cạnh tranh tài chính và thị trường, đối đầu bè phái, đối đầu giữa các mục tiêu địa chính trị và địa kinh tế xung đột, và xung đột không đối xứng. Nhưng nó luôn đáp ứng mục tiêu duy nhất là lợi ích của số ít hơn là số nhiều, và tiêu chí sức mạnh cơ bắp của người có quyền chống lại người không có. Nó không còn là vấn đề về xung đột giữa các quốc gia, nhưng chia cắt các cộng đồng thành các phần khác nhau, ngăn chặn và đóng băng họ, thao túng căn tính và động lực của họ, giam giữ xã hội của chúng ta sau những bức tường gây ra sự ngờ vực và ảo tưởng về việc đảm bảo quốc phòng và an ninh.

Tình trạng này là một sự lừa dối đối với những người ở xa các cuộc chiến tranh, những người nghĩ rằng họ có thể thoát khỏi nó, như thể nó không liên quan đến sự tồn tại của họ hoặc như thể bạo lực này cũng không ảnh hưởng đến hiện tại của họ. Và đó là một bi kịch cho những người đang sống trong tình trạng bạo lực thường xuyên trong bối cảnh xung đột, đóng băng và tuyệt vọng.

Tình trạng bạo lực này không gì khác hơn là một xung đột lợi ích và cho phép các hình thức thực dân mới tự áp đặt và sinh sôi nảy nở. Thật vậy, chính vì điều này mà các thể thức nham hiểm và gây tranh cãi nhất của chủ nghĩa thực dân mới đã được hiện thực.

Về phạm vi này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những lời rất rõ ràng. Cho dù đó là các quá trình văn hóa làm biến mất và loại bỏ ý kiến cá nhân, hay việc áp đặt các mô hình thị trường tiêu chuẩn hoá và phân mảnh, hoặc hậu quả của việc sử dụng công cụ quân sự ngay cả “dưới những động cơ hoặc tỏ vẻ cao quý nhất”, thì cần phải thừa nhận rằng các hình thức mới của  sự thống trị và lệ thuộc nảy sinh từ chủ nghĩa đơn phương và từ một phát biểu không rõ ràng về quyền.

Trước tình huống này, chắc chắn không có một lối ra nhanh chóng và ngay lập tức. Ở cấp độ quốc tế, trong sứ điệp video, Đức Thánh Cha kêu gọi “ngừng các cuộc tấn công, phong tỏa và các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại bất kỳ quốc gia nào ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới” vì bất cứ lý do nào; tốt hơn, cần hướng đến “các yêu cầu đa phương, như Liên Hiệp Quốc”. Một cảnh báo dường như không thể tránh khỏi, thậm chí được coi là đương nhiên để nhắc nhở về sự cần thiết phải luôn vận động cho hòa bình và tìm kiếm sự đồng thuận lâu dài.

Vai trò phát ngôn của Toà Thánh và các tổ chức quốc tế luôn quan trọng đối với “Chiến tranh thế giới thứ ba từng mảnh” này, trong đó các hình thức thực dân mới tăng nhanh, được thúc đẩy bởi cảm giác ngờ vực và mất tín nhiệm đối với mọi trường hợp đa phương.

Trong tình huống này, điều cần thiết là không được lơ là trong vấn đề cải tổ Liên Hiệp Quốc và việc thúc đẩy sự trở lại chủ nghĩa đa phương mà chỉ vài thập kỷ trước đây, dường như đã có thể thực sự phát triển thành công.

Liên quan đến việc cải tổ Liên Hiệp Quốc, chắc chắn điều quan trọng không chỉ giới hạn ở kế hoạch công nghệ và hoạt động, nhưng trên tất cả, công việc đó được thực hiện để tìm được sự đồng thuận thực sự về nguyên tắc chung cho việc cải tổ.

Tác giả bài viết: Ngọc Yến

Nguồn tin: Vaticannews

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây