Giáo xứ Vinh Hương

http://gxvinhhuong.net


Hoạt động ngoại giao của Đức Thánh Cha và Toà Thánh trong 10 năm qua

Hoạt động ngoại giao của Đức Thánh Cha và Toà Thánh trong 10 năm qua
Trong mười năm, Đức Thánh Cha đã từ bỏ sự thận trọng ngoại giao truyền thống của Tòa Thánh, thay vào đó chọn cách tiếp cận đối thoại trực tiếp. Các hướng dẫn cho cách tiếp cận này có thể đọc trong tông huấn Evangelii Gaudium. Một cách nào đó văn kiện này là nền tảng tư tưởng của triều giáo hoàng. Đức Thánh Cha có ý định mở ra các tiến trình, thay vì đề xuất các giải pháp.

 

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha, một số Hồng y, Giám mục và cả các nhà báo đã đưa ra những nhận xét về các hoạt động của Đức Thánh Cha trong tư cách là người đứng đầu Giáo hội Công giáo. Một trong số đó có những nhận định về đường lối ngoại giao của Đức Thánh Cha.

Một trong những nỗ lực ngoại giao “công khai” gần đây nhất của Đức Thánh Cha là ngài đã nhiều lần lặp lại sự sẵn sàng đến Kyiv, nhưng chỉ khi chuyến đi này sẽ có thể được kết hợp với cuộc viếng thăm ở Matxcơva. Ý định này chứng tỏ ý muốn ngoại giao mạnh mẽ của Đức Thánh Cha. Ngài muốn nói chuyện với tất cả, ngay cả khi ý muốn đối thoại bằng mọi giá này có thể bị hiểu sai.

Đó là một kim chỉ nam không đổi trong suốt triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong mười năm, Đức Thánh Cha đã từ bỏ sự thận trọng ngoại giao truyền thống của Tòa Thánh, thay vào đó chọn cách tiếp cận đối thoại trực tiếp. Các hướng dẫn cho cách tiếp cận này có thể đọc trong tông huấn Evangelii Gaudium. Một cách nào đó văn kiện này là nền tảng tư tưởng của triều giáo hoàng. Đức Thánh Cha có ý định mở ra các tiến trình, thay vì đề xuất các giải pháp.

Nhìn từ quan điểm này, tất cả các hoạt động ngoại giao của triều Giáo hoàng dường như phù hợp với một luận lý nhất định. Tiêu chí này áp dụng cho cả thành công ngoại giao đầu tiên của Tòa Thánh, đó là khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Cuba vào năm 2014, và hiệp định gây tranh cãi với Trung Quốc về việc bổ nhiệm Giám mục, được ký vào năm 2018 và đã được gia hạn hai lần. Nhưng cũng áp dụng cho cuộc gặp đầu tiên của một Giáo hoàng với một Thượng phụ của Matxcơva, diễn ra ở Cuba vào năm 2016, và trung gian hòa bình cho cuộc chiến ở Ucraina .

Ý tưởng về các tiến trình mở cũng được kết hợp với mong muốn phát triển một cuộc đối thoại đại kết và liên tôn, dẫn đến một liên minh giữa các tôn giáo về các vấn đề cụ thể. Hơn nữa, phần lớn hoạt động ngoại giao của Đức Thánh Cha dựa trên khái niệm về nghĩa vụ bảo vệ, và đây cũng là một hướng dẫn áp dụng cho nhiều trường hợp. Cuối cùng, có một ngoại giao về các chuyến tông du của Đức Thánh Cha đã được áp dụng.

Ngoại giao trong các chuyến tông du

Đến nay, Đức Thánh Cha đã thực hiện 40 chuyến tông du quốc tế. Chuyến đi tiếp theo sẽ là Budapest từ ngày 28 đến ngày 30/4, và Đức Thánh Cha sẽ đến Lisbon cho Ngày Giới trẻ Thế giới vào tháng Tám. Thêm vào đó, trên chuyến bay trở về từ Nam Sudan, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ ý muốn thăm Mông Cổ, và Marseilles của Pháp. Có thể Đức Thánh Cha đến Marseilles để tham gia cuộc họp của các Giám mục Địa Trung Hải, và từ đó, ngài sẽ đi đến Mông Cổ, nơi cho tới nay chưa có vị Giáo hoàng nào đến viếng thăm.

Theo lịch trình này, chuyến đi sẽ cho thấy hai tiêu chí chính của Đức Thánh Cha trong việc lựa chọn các quốc gia để viếng thăm. Đầu tiên: không đến những quốc gia đã vững mạnh rồi. Ngài sẽ không đến Pháp, nhưng đến Marseilles, không qua thủ đô Paris, điều này nhấn mạnh rằng việc đi qua lãnh thổ Pháp sẽ chỉ dành cho một sự kiện. Điều này cũng xảy ra vào năm 2014, khi ngài đến Strasbourg để thăm Hội đồng Âu châu.

Tiêu chí thứ hai: ưu tiên cho các quốc gia nhỏ, đi đến nơi cần Chúa. Mông Cổ là một quốc gia chưa từng được Đức Giáo Hoàng viếng thăm và có một đàn chiên Công giáo rất nhỏ. Không phải ngẫu nhiên mà Đức Thánh Cha tấn phong Hồng y cho Phủ doãn Tông toà Ulaan Bator, Đức cha Giorgio Marengo. Ngài báo hiệu một sự ưu tiên đối với quốc gia này, trong số những điều khác, có biên giới với Trung Quốc.

Rồi Đức Thánh Cha luôn muốn các chuyến tông du mang một ý nghĩa đối thoại đặc biệt. Ở châu Âu, sự lựa chọn địa điểm hầu như luôn rơi vào những nơi mà người Công giáo là thiểu số: Bulgari, Romani và Bắc Macedonia vào năm 2019, các nước vùng Baltic vào năm 2018, Hy Lạp và Sýp vào năm 2021, Thụy Điển vào năm 2016, và chuyến viếng thăm Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới năm 2018.

Đó là các lựa chọn nhằm mở ra các bước tiếp theo. Như chuyến đi đến Bulgari cũng là một cơ hội gặp gỡ với Giáo hội Chính thống Bulgari, một Giáo hội không tham gia vào Uỷ ban Thần học Chính thống Công giáo Hỗn hợp.

Vai trò trung gian của Toà Thánh

Cuba đã trở thành địa điểm diễn ra hai thành công ngoại giao quan trọng trong triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha. Đó là cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Kirill, nhưng cũng là nơi từ đó ngài đến Hoa Kỳ, để tượng trưng việc mở ra quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia mà Toà Thánh làm trung gian và tạo thuận lợi. Và ngài đã làm điều này nhân danh 75 quan hệ ngoại giao không  gián đoạn với quốc đảo và nhân danh những điều tốt đẹp đã làm trong quá khứ. Trong Giáo hội, không có gì xảy ra bất ngờ, tất cả là kết quả của một công việc lâu dài. Do đó, từ những chuyến tông du, người ta hiểu được công việc ngoại giao của Toà Thánh.

Con đường đối thoại cũng đã được áp dụng trong quan hệ khó khăn với Trung Quốc. Đức Thánh Cha muốn có một hiệp định bổ nhiệm giám mục, được ký vào năm 2018 và đã gia hạn hai lần. Cho đến nay, sau hiệp định chỉ có sáu giám mục được bổ nhiệm, trong khi Bắc Kinh dường như muốn đẩy các tôn giáo, và không chỉ Công giáo, ngày càng nhiều hơn vào một quá trình được gọi là “Trung Quốc hóa”.

Tuy nhiên, đường lối trước hết là phải có một hiệp định, ngay cả khi không hoàn hảo, để có cơ sở đàm phán.

Các cuộc chiến trên thế giới

Tiêu chí đối thoại bằng mọi cách là cơ sở cho các nỗ lực ngoại giao của Đức Thánh Cha về cuộc chiến ở Ucraina. Từ khi các cuộc biểu tình xảy ra ở Maidan vào năm 2014, Tòa Thánh đã theo dõi tình hình ở Kyiv. Đức Thánh Cha đã phát động một cuộc quyên góp đặc biệt, trong khi vào năm 2019, ngài muốn có một cuộc họp liên bộ tại Vatican với Thượng Hội đồng và các Giám mục của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ucraina.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha muốn giữ các kênh mở với Matxcơva. Vì thế khi chiến tranh bùng nổ, ngay lập tức ngài đã đến đại sứ quán Nga để cố gắng nói chuyện với tổng thống Vladimir Putin.

Sau đó Đức Thánh Cha liên tục nhấn mạnh rằng có nhiều vùng lãnh thổ đang tham gia vào cái mà ngài gọi là “một cuộc chiến tranh thế giới từng phần” như Iraq, Yemen và Syria.

Ngoại giao cầu nguyện

Một cách thức ngoại giao khác của Đức Thánh Cha là ngoại giao cầu nguyện. Syria là một ví dụ về “ngoại giao cầu nguyện” của ngài, bởi vì chính tình hình ở Syria mà vào tháng 9/2013, Đức Thánh Cha đã công bố một ngày ăn chay và cầu nguyện cho Syria và Trung Đông. Và lần cầu nguyện cho hòa bình ở vườn Vatican vào tháng 6/2014 đã được coi như một chìa khoá ngoại giao để cố gắng tạo ra một điểm gặp gỡ.

Với tầm nhìn của Đức Thánh Cha, các tôn giáo phải gặp nhau để tạo ra công ích, đối thoại liên tôn là một phần của ngoại giao. Mối quan hệ được khôi phục với Đại học al Azhar ở Cairo, một trong những trung tâm chính của Hồi giáo Sunni, có thể được đọc dưới ánh sáng này.

Trong cuộc viếng thăm Ai Cập năm 2017, Đức Thánh Cha đã tham gia Hội nghị Hòa bình Quốc tế, và một lần nữa ngài nhắc lại rằng không thể có bạo lực nhân danh Chúa.

Từ đây, cũng có quyết định đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, từ ngày 3 đến 5/2/2019, cũng như quyết định đến Marốc, vào ngày 30 và 31/3/2019. Sau đó, tại Abu Dhabi, ngài đã ký với Đại Imam Đền thờ Hồi giáo Al Azhar Tuyên ngôn về Tình huynh đệ Nhân loại, vốn trở thành kim chỉ nam ngoại giao. Vì tầm quan trọng của văn kiện, Đức Thánh Cha luôn tặng bản sao cho tất cả các nguyên thủ quốc gia đã đến thăm ngài.

Một hướng dẫn ngoại giao, đó là Tuyên bố về Tình huynh đệ, được thể hiện rõ ràng trong chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Iraq từ ngày 5 đến 8/3/2021, mà đỉnh điểm là cuộc gặp với Đại Ayatollah al Sistani và cuộc gặp với các tôn giáo khác tại Đồng bằng Ur. Và một hướng dẫn ngoại giao khác cũng hiện diện trong chuyến đi mới nhất của Đức Thánh Cha đến Vùng Vịnh, ở Bahrain, vào năm 2022.

Chủ đề tình huynh đệ đã dẫn đến thông điệp Fratelli tutti, được phát triển trong thời đại dịch và hiện là một phần của các công cụ ngoại giao của Tòa Thánh và được trình bày vào ngày 15/4/2021 tại một sự kiện cấp cao tại Liên Hiệp Quốc.

Mạng lưới ngoại giao

Trong những năm gần đây, mạng lưới ngoại giao của Tòa Thánh đã phát triển. Trong triều Giáo hoàng của Đức Thánh Cha, có ba quốc gia đã tham gia mạng lưới ngoại giao của Tòa Thánh. Năm 2016, Mauritania đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ. Năm 2017, chính Myanmar đã củng cố mối quan hệ với Tòa Thánh, từ đó mở đường cho chuyến tông du của Giáo hoàng tới đất nước này. Và, vào tháng 2/2023, Tòa Thánh và Oman đã thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tòa Thánh hiện có quan hệ ngoại giao với 184 quốc gia trên thế giới. Và Việt Nam, nơi Tòa thánh hiện có một đại diện không thường trú, hy vọng sẽ sớm được bổ sung vào các quốc gia có quan hệ ngoại giao.

Những thách đố tiếp theo

Trong 10 năm qua, chính sách ngoại giao của Đức Thánh Cha đã tuân theo những hướng dẫn này. Có một số chủ đề lớn được trở lại. Trong nhiều bài phát biểu, Đức Thánh Cha thường cảnh báo chống lại thực dân hóa ý thức hệ, và đã bảo vệ các nền văn hóa bản địa, đặc biệt là trong các chuyến tông du đến châu Mỹ Latinh và chuyến đi gần đây nhất của ngài đến Canada.

Đường lối của Đức Thánh Cha là ngoại giao thực tế. Một nền ngoại giao phát sinh trên hết từ các mối quan hệ cá nhân, hơn là từ các cuộc tranh luận lớn. Do đó, hiện nay có hai tốc độ ngoại giao tại Tòa Thánh: một mặt, Phủ Quốc vụ khanh, cơ quan tiếp tục chương trình công du, duy trì các trọng tâm đặc biệt và hoạt động thông qua các kênh ngoại giao truyền thống; và mặt khác, Đức Thánh Cha, làm việc và quyết định một cách tự chủ cũng trên cơ sở các đề xuất cá nhân. Thành công của mô hình này trước hết nằm ở khả năng của các bên tham gia, và của Đức Thánh Cha.

Tác giả bài viết: Ngọc Yến

Nguồn tin: Vaticannews

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây