Giáo xứ Vinh Hương

http://gxvinhhuong.net


Hướng về ngày ĐTC thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ

Hướng về ngày ĐTC thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ
Trước tình hình chiến tranh tại Ucraina tiếp tục kéo dài và gây ra nhiều đau thương tàn phá, Đức Thánh Cha mong muốn đặt hai dân tộc Ucraina và Nga dưới sự che chở của Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, qua một cử hành phụng vụ. Do đó, chiều ngày 15/3 vừa qua, Phòng Báo chí Toà Thánh đã thông báo rằng “vào thứ Sáu ngày 25/3, trong nghi thức Thống hối do Đức Thánh Cha chủ sự vào lúc 5 giờ chiều tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ thánh hiến hai nước Nga và Ucraina cho Trái tim Vô nhiễm của Đức Mẹ.

 

Thông cáo của Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết thêm: “Vào cùng ngày (25/3), hành động tương tự sẽ được thực hiện tại Fatima bởi Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha”, người được Đức Thánh Cha phái đến Fatima.

Mời các giám mục và linh mục cùng tham gia thánh hiến Nga và Ucraina

Sau đó, vào ngày 18/3/2022, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh xác nhận với các nhà báo rằng Đức Thánh Cha đã mời các giám mục trên toàn thế giới, cùng với các linh mục của các ngài, hiệp với Đức Thánh Cha trong lời cầu nguyện cho hoà bình và trong việc thánh hiến và phó dâng hai nước Nga và Ucraina cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Mẹ.

Hơn thế nữa, các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới cũng được mời gọi hiệp ý cầu nguyện và tham dự nghi thức thánh hiến.

Thánh hiến là gì?

Chúng ta đã từng nghe nói đến việc thánh hiến, vậy thánh hiến nghĩa là gì? Một người hoặc một quốc gia được thánh hiến nghĩa là được dành cho một mục đích thánh. Thuật ngữ thánh hiến được dùng rất nhiều trong Công giáo, được áp dụng cho nơi chốn như nhà thờ, hay cho con người như tu sĩ hay giáo dân thánh hiến, hoặc các đồ vật phụng tự. Bằng lòng đạo đức, một người cũng có thể thánh hiến mình cách cá nhân cho Chúa Ki-tô qua Mẹ Maria. Từ thời Trung cổ, việc thánh hiến cá nhân này đã được mở rộng đến các thành phố. Vào năm 1638 vua Louis XIII đã thánh hiến nước Pháp cho Mẹ Maria, và hành động này đã được các giám mục hoặc Giáo hoàng noi theo, thánh hiến các quốc gia và nơi chốn, thậm chí là thánh hiến toàn thế giới.

Bộ Phụng tự định nghĩa việc thánh hiến cho Mẹ Maria là sự thừa nhận công khai về “vai trò đặc biệt của Đức Maria trong Mầu nhiệm của Chúa Kitô và của Giáo hội, về tầm quan trọng phổ quát và gương mẫu của chứng tá Tin Mừng của Mẹ, về sự tin cậy vào lời chuyển cầu của Mẹ, và hiệu quả của sự bảo trợ của Mẹ.”

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II - người đã thánh hiến toàn thể Giáo hội và thế giới cho Mẹ Maria ba lần trong triều đại giáo hoàng của ngài - đã dạy rằng bằng cách thánh hiến mình cho Mẹ Maria, chúng ta chấp nhận sự giúp đỡ của Mẹ trong việc dâng mình trọn vẹn cho Chúa Kitô.

Tại sao lại thánh hiến nước Nga?

Trong lần hiện ra tại Fatima vào ngày 13/7/1917, Đức Mẹ đã yêu cầu thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ. Nữ tu Lucia, một trong ba trẻ mục đồng được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra, nói rằng Mẹ Maria đã nói với chị: “Nếu những yêu cầu của Mẹ được chú ý, nước Nga sẽ được hoán cải, và sẽ có hòa bình; nếu không, nó sẽ gieo rắc sai lầm của mình ra khắp thế giới, gây ra chiến tranh và đàn áp Giáo hội. Những người tốt phải tử đạo; Đức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ; các quốc gia khác nhau sẽ bị tiêu diệt.”

“Cuối cùng, Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ sẽ chiến thắng. Đức Thánh Cha sẽ thánh hiến nước Nga cho Mẹ, và nó sẽ được hoán cải, và một thời kỳ hòa bình sẽ được ban cho thế giới.”

Thánh hiến Giáo hội và thế giới

Sau những lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nhiều Giáo hoàng đã thánh hiến toàn Giáo hội và thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria.

Vào ngày 31/10/1942, Đức Piô XII đã thánh hiến toàn thế giới, và vào ngày 7/7/1952 ngài đã thánh hiến các dân tộc của Nga cho Trái tim Vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria trong Tông thư Sacro vergente anno: “Cũng như cách đây vài năm, chúng ta đã thánh hiến toàn thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Thiên Chúa, thì bây giờ, theo cách đặc biệt nhất, chúng ta thánh hiến tất cả các dân tộc của Nga cho cùng Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội.” - Đức Giáo Hoàng Piô XII

Vào ngày 21/11/1964, thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã tái thánh hiến nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội trước sự hiện diện của các nghị phụ của Công đồng Vatican II.

Sau đó, để đáp lại những yêu cầu của Đức Mẹ trọn vẹn hơn, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II muốn thực hiện rõ ràng trong Năm Thánh Cứu chuộc hành động phó thác vào ngày 7/6/1981, được lặp lại tại Fatima vào ngày 13/5/1982. Để nhớ đến lời thưa Xin Vâng của Đức Maria vào giây phút Truyền tin, ngày 25/3/1984, tại Quảng trường thánh Phêrô, trong sự hiệp thông thiêng liêng với tất cả các giám mục trên thế giới, đã được “triệu tập” trước đó, thánh Gioan Phaolô II đã phó thác mọi dân tộc cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria.

Việc Đức Gioan Phaolô II dâng hiến cho thế giới ngày 25/3/1984, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, đã gây ra nhiều tranh cãi và thậm chí cả thuyết âm mưu. Vào tháng 6/2000, Tòa Thánh đã công bố phần thứ ba của bí mật Fatima. Vào thời điểm đó, Đức tổng giám mục Tarcisio Bertone, Tổng Thư ký Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ, đã nhấn mạnh rằng nữ tu Lucia, trong một lá thư năm 1989, đã đích thân xác nhận rằng hành động thánh hiến trọng thể và phổ quát này tương ứng với những gì Đức Mẹ muốn. Chị viết: “Vâng, nó đã được thực hiện giống như Đức Mẹ đã yêu cầu, vào ngày 25/3/1984”.

Yêu cầu của các giám mục Ucraina

Quyết định thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ đã được Đức Thánh Cha Phanxicô loan báo sau khi các giám mục Ucraina xin ngài thực hiện hành động thánh hiến này. Trong thư được đăng trên trang web của các giám mục hôm thứ Tư Lễ Tro ngày 2/3/2022, các giám mục Ucraina nói rằng họ đã viết thư thỉnh cầu Đức Thánh Cha “trong những giờ phút đau đớn khôn lường và thử thách khủng khiếp đối với nhân dân của chúng tôi”. Đáp lại nhiều yêu cầu thánh hiến, các giám mục “khiêm tốn xin Đức Thánh Cha công khai thực hiện hành động thánh hiến Ucraina và Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, theo yêu cầu của Đức Trinh Nữ ở Fatima.” “Xin Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương Hòa bình, cầu cho chúng con: Regina pacis, ora pro nobis.” Các giám mục Ucraina cũng đăng trên trang web của mình một kinh cập nhật bằng tiếng Ucraina về việc thánh hiến nước này cho Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ, yêu cầu các tín hữu đọc kinh này cách cá nhân và sau mỗi Thánh lễ.

Phản ứng của các giám mục Ucraina về việc thánh hiến

Quyết định thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ đã được các giám mục của Ucraina và Nga hân hoan đón nhận. Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 16/3/2022, Đức tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk, tổng giám mục trưởng của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina, giải thích rằng đó là một “hành động tinh thần được người dân Ucraina chờ đợi từ lâu”, không chỉ kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công hiện tại của Nga mà còn kể từ khi bắt đầu bị Nga xâm lược, vào năm 2014, những người Công giáo Ucraina thỉnh nguyện việc thánh hiến này “như một nhu cầu cấp bách để tránh sự gia tăng chiến tranh và những nguy cơ đến từ Nga”. Đức tổng giám mục Shevchuk cho biết thêm rằng sau cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24/2/2022, những lời cầu nguyện đã đến từ khắp nơi trên thế giới để sự thánh hiến này diễn ra. Ngài khẳng định: “Với những cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Thánh Cha, tôi đã đệ trình mong muốn này của các tín hữu của Giáo hội chúng tôi”.

Lãnh đạo Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina tuyên bố cách mạnh mẽ: “Chúng tôi phó thác cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria mọi đau khổ và hy vọng về hòa bình cho dân tộc tử đạo của chúng tôi.” Chính ngài, vào ngày 23/10/2016, tại Fatima, đã thánh hiến Ucraina cho Trái tim Đức Mẹ.

Phản ứng của các giám mục Nga về việc thánh hiến

Về phần mình, Đức tổng giám mục Paolo Pezzi, Tổng giám mục Giáo phận Mátxcơva, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Liên bang Nga, khẳng định với hãng tin SIR của Ý rằng ngài đã hoan nghênh quyết định của Đức Giáo hoàng với “niềm vui và lòng biết ơn to lớn”. Ngài nói: “Fatima, ít nhất là đối với Giáo hội Công giáo, có mối liên hệ đặc biệt với Nga và với mọi xung đột phát sinh trên thế giới”. Ngài nhấn mạnh rằng ý nghĩa biểu tượng của sự thánh hiến này tất nhiên gắn liền với nhu cầu để ngăn chặn đổ máu ở Ucraina.

Còn Đức cha Clemens Pickel của giáo phận Saratov của Nga nói rằng các giám mục Nga vui mừng vì Đức Thánh Cha đã quyết định thực hiện việc thánh hiến. Ngài nói với Vatican News rằng các giám mục Nga đang chuẩn bị cho Hành động Thánh hiến bằng cách chú trọng đến việc giúp tín hữu Nga hiểu rõ việc này. Ngài giải thích: “Điều quan trọng là chính chúng ta cùng cầu nguyện và nó thuộc về tấm lòng của chúng ta.” Ngài nói thêm rằng “việc dâng mình cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria không phải là ma thuật; đó là lời cầu nguyện.” “Chúng tôi muốn cầu xin Đức Mẹ với quyền năng trên trời của Mẹ cho sự đổ máu có thể ngừng lại, càng sớm càng tốt.”

Nhiều giám mục trên thế giới sẽ tham gia việc thánh hiến vào ngày 25/3/2022

Đáp lại lời Đức Thánh Cha mời gọi cùng với ngài thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ, nhiều hội đồng giám mục đã công khai bày tỏ sự ủng hộ và tham gia sáng kiến của Đức Thánh Cha. Tại Hoa Kỳ, nhiều giám mục của các giáo phận đã thông báo chương trình cử hành ngày 25/3 tới đây với các Thánh lễ hay giờ cầu nguyện và mời gọi các tín hữu cùng tham gia cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina và trên thế giới. Nhiều nhà thờ sẽ đánh chuông vào giờ quy định để nhắc các tín hữu cầu nguyện theo ý chỉ của Đức Thánh Cha.

Tại Syria, Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, cho biết ngài mời gọi các giám mục Syria hợp với Đức Thánh Cha thánh hiến Ucraina và Nga cho Trái tim Đức Mẹ. Ngài nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Liệu chúng ta có thể thoát ra khỏi vòng xoáy của đau đớn và chết chóc này không? Liệu chúng ta có thể lại học cách bước đi và bước đi trên những con đường hòa bình không? Cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa, dưới cái nhìn của Mẹ Thiên Chúa, tôi muốn trả lời: Vâng, điều đó có thể cho tất cả mọi người!’”

Tại Âu châu, các giám mục Anh và xứ Wales thông báo hôm 17/3/2022 rằng họ sẽ tham dự việc thánh hiến. Đức Hồng y Vincent Nichols, Chủ tịch Hội đồng giám mục Anh và xứ Wales, sẽ thực hiện việc thánh hiến trong Thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Westminster lúc 5:30 chiều ngày 25/3/2022.

Còn Đức cha Mark O’Toole của Plymouth, miền nam nước Anh, sẽ hướng dẫn giờ lần hạt Mân Côi tại Nhà thờ Chính tòa Đức Maria và Thánh Bonifaxio vào sáng ngày thánh hiến. Ngài nói: “Tôi rất cảm động trước sáng kiến của Đức Thánh Cha và mong muốn được hợp nhất với ngài, các giám mục anh em của tôi, và những người Công giáo ở Anh và xứ Wales trong hành động thánh hiến này.” “Chúng ta biết rằng chúng ta rất cần món quà của hòa bình và hòa giải, và chúng ta sẽ phó thác tất cả những ai đang đau khổ vào thời điểm này cho Đức Mẹ, vì biết rằng Mẹ sẽ dâng tất cả những đứa con đau khổ của Mẹ cho Chúa của chúng ta.”

Trong khi đó, các giám mục Mỹ châu và vùng Caribe cho biết các ngài sẽ tham gia vào sáng kiến thánh hiến được Đức Thánh Cha khởi xướng. Các ngài mời các tín hữu Công giáo, và 22 Hội đồng giám mục trong vùng hợp với ý chỉ của Đức Thánh Cha.

Từ Á châu, các giám mục Philippines và Malaysia cũng đã bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của Đức Thánh Cha trong việc thánh hiến Nga và Ucraina cho Đức Mẹ.

Tác giả bài viết: Hông Thủy

Nguồn tin: Vaticannews

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây