Giáo xứ Vinh Hương

http://gxvinhhuong.net


Chủ đề điện ảnh và nội dung Tin Mừng

19 7 21 2


Làm thế nào để nhờ phim ảnh mà nên thánh, nên hoàn hảo hơn? Đó là câu hỏi mà các Kitô hữu cần đặt ra mỗi khi xem phim hoặc làm phim. Điều này đòi hỏi các tín hữu của Chúa cần phải cầu nguyện khi xem phim, cần phải khám phá ra dung mạo của Chúa và sứ điệp Tin Mừng có thể tìm thấy sau khi xem phim, và nhất là trước đó phải biết chọn phim để xem hoặc thực hiện, nghĩa là cần phải biết xếp loại phim theo các chủ đề (themes) khác nhau, và sẽ xem phim hoặc làm phim theo thứ tự ưu tiên của các chủ đề.

Dưới góc nhìn của những người muốn hiểu sâu về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài thì các chủ đề phim theo thứ tự ưu tiên để xem sẽ là:

  • Chúa Giêsu
  • Kinh Thánh
  • Các Thánh
  • Linh đạo, sống đạo, truyền đạo
  • Nhân vật giống Giêsu
  • Giá trị đạo đức, nghệ thuật
  • Xây dựng, mở mang kiến thức
  • Giải trí.

Khi xem những phim có chủ đề như trên, Kitô hữu cũng cần biết đánh giá những phim này theo những tiêu chuẩn nghệ thuật, kỹ thuật, lý thuyết chủ yếu (theories) của điện ảnh, và đánh giá chúng dựa trên các chủ đề chuyên biệt (themes) của giới điện ảnh nữa.

Theo chuyên môn điện ảnh, đánh giá phim theo chủ đề phim (theme), chính là lượng giá phim theo 4 chữ S:

  • Style (Genre - Thể loại phim)
  • Storytelling (Cách kể chuyện phim)
  • Structure (Cấu trúc phim)
  • Script (Kịch bản phim).

1. STYLE (THỂ LOẠI PHIM - GENRE)

Tim Dirks đã phân loại phim ảnh thành 3 nhóm thể loại khác nhau: Thể loại chính, Thể loại phụ và Thể loại hỗn hợp.

Các thể loại chính

Các thể loại chính của phim ảnh gồm:

  • Phim Hành động (Action): gồm các phim có nội dung chiến đấu, với những pha nguy hiểm và rượt đuổi. Ví dụ: phim của James Bond.
  • Phim Phiêu lưu (Adventure): gồm các phim gây ra cảm giác mạnh và những câu chuyện thú vị xoay quanh các chủ đề như leo núi, chèo thuyền, săn bắn động vật... ví dụ phim Jumanji.
  • Phim Hài (Comedy): được thực hiện để gây cười và làm cho khán giả giải trí. Loại phim này chủ yếu cường điệu hóa các nhân vật, các tình huống và ngôn ngữ. Cảm thức về thời điểm thích hợp là yếu tố cần thiết trong các bộ phim hài. Ví dụ: phim Munna Bhai M.B.B.S.
  • Phim Chính Kịch (Drama): xoay quanh các đề tài nghiêm túc, hiện thực và có cốt truyện nghiêm chỉnh. Ví dụ: phim Ba Thằng Ngốc.
  • Phim Lãng mạn (Romance): làm nổi bật tình yêu, niềm đam mê và cảm xúc giữa các cá nhân, ví dụ: phim Titanic.
  • Phim Sử Thi (Epic): tập trung vào cuộc đời của các nhân vật lịch sử, thần thoại và huyền thoại, ví dụ: Ben-Hur.
  • Phim Khoa Học Viễn Tưởng (Science Fiction): xoay quanh khoa học và công nghệ, khái niệm người ngoài hành tinh, nhân vật người máy và các chủ đề liên quan đến các hành tinh, ví dụ: phim Chiến tranh giữa các vì sao.
  • Phim Nhạc Kịch (Musicals): Phong cách âm nhạc của phim nhấn mạnh các chủ đề liên quan đến khiêu vũ, bài hát, âm nhạc và nhạc cụ, ví dụ: phim La La Land.
  • Phim Kinh Dị (Horror): Những bộ phim này gây sợ hãi kinh hoàng cho mọi người trong mọi khoảnh khắc của phim, ví dụ: phim Psycho.
  • Phim Tài Liệu (Documentary):  thể hiện thực tại, không hư cấu.

Các thể loại phụ

Các thể loại phụ của phim ảnh gồm:

  • Phim Tiểu Sử (Biopics): dựa trên tiểu sử của những người quan trọng như những người đấu tranh cho tự do, các nhà phát minh, các nhà lãnh đạo quốc gia… là những người đã đóng góp rất nhiều cho xã hội thêm tốt đẹp, ví dụ: phim Lincoln
  • Phim Phụ Nữ (Chick Flicks): tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến phụ nữ, ví dụ: phim The Holiday (Kỳ nghỉ)
  • Phim Tóa Án (Courtroom Dramas): liên quan đến diễn biến của các sự kiện trong phòng xử án và các thủ tục pháp lý, ví dụ: phim Erin Brockovich.
  • Phim Thám Tử (Detective): trọng tâm là những phạm nhân và những tội phạm đang được điều tra, ví dụ: phim Seven (Bảy).
  • Phim Thảm Họa (Disaster): chủ đề chính là các thảm họa do con người tạo ra và các thiên tai, ví dụ: phim The Day After Tomorrow (Ngày mốt).
  • Phim Thể Thao (Sports): nói về trò chơi, thể thao, các cuộc thi đấu và tinh thần thể thao, ví dụ: phim Million Dollar Baby (Cô gái triệu đô).
  • Phim Siêu Anh Hùng (Super Hero): dựa trên các nhân vật trong phim hoạt hình, có sức mạnh và khả năng phi thường, ví dụ: phim Superman (siêu nhân).
  • Phim Tình Cảm Tâm Lý (Melodrama): có cốt truyện lôi cuốn cảm xúc của khán giả, ví dụ: phim Far from heaven (Xa cõi thiên đường).
  • Phim Noir: khắc họa góc nhìn tội phạm, bạo lực, kích dục, tham lam của những kẻ phản anh hùng, ví dụ: phim The Maltese Falcon (Chim ưng đảo Malt).

Thể loại hỗn hợp

Thể loại chính và thể loại phụ kết hợp với nhau làm thành thể loại hỗn hợp của phim ảnh, ví dụ: phim Hài hành động, phim Phiêu lưu sử thi, phim Chính kịch giả tưởng, phim Hài lãng mạn, phim Sử thi phương Tây, v.v.

2. STORYTELLING (CÁCH KỂ CHUYỆN)

Câu chuyện chính là hệ thống thần kinh, kết nối các cảnh phim và trình tự trong một bộ phim. Nếu bộ phim không thành công trong cách thức kể lại câu chuyện thì bản chất của bộ phim sẽ không thể được truyền tải hay truyền đạt đến khán giả một cách mạnh mẽ.

Trong cuốn sách ‘Film: A Critical Introduction’, tác giả Maria Pramaggiore Tom Wallis đã nêu rõ bản chất của cách kể chuyện trong phim: “Nhiều nhà làm phim đã sắp xếp các chi tiết câu chuyện một cách có hệ thống để giúp cho khán giả hiểu được ý nghĩa và trải nghiệm được những thời khắc thú vị khi xem phim.”

Một câu chuyện có thể được những người làm phim kể lại theo nhiều góc độ khác nhau: góc độ của nhân vật, của nơi chốn, đối tượng, tình huống, hành động và của chủ đề.

Mục tiêu chính của người phê bình phim là phát hiện ra câu chuyện của phim đang được tường thuật từ góc nhìn của ai. Điều này sẽ giúp nhà phê bình phim đánh giá được thực chất của phim và lượng giá phim dựa trên góc nhìn của người làm phim.

Cốt truyện và nút thắt trong cách kể chuyện của phim sẽ khiến phim trở nên thú vị và hấp dẫn hơn. Và câu chuyện phim sẽ nói đến nhiều nhân vật, trong đó có nhân vật chính và nhân vật phản diện.

Nhân vật chính là nhân vật chủ chốt được nhà làm phim tạo ra để câu chuyện xoay quanh người này. Nhân vật chính của một bộ phim không cần phải là một người tốt hoặc thậm chí không cần phải là một con người. Nó có thể là bất cứ thứ gì.

Còn nhân vật phản diện là nhân vật trong câu chuyện đang ngăn cản nhân vật chính đạt được mục tiêu.

Phê bình phim không chỉ là đánh giá các nhân vật của câu chuyện mà còn là lượng giá mô hình kể chuyện (pattern of storytelling). Hầu hết các câu chuyện trong phim đều được xây dựng dựa trên các sự kiện, các tình huống có thật trong đời thực. Do đó, nền tảng thể lực, xã hội và tâm lý của nhân vật chính cũng như nhân vật phản diện phải được quan sát và đánh giá xem: liệu những nhân vật này có được xây dựng đúng với bối cảnh (context) thực hay không?

3. STRUCTURE (CẤU TRÚC PHIM)

Giống như chất lỏng có hình dạng của vật chứa đựng nó, thì truyện phim cũng vậy. Việc kể chuyện trong phim sẽ hiệu quả hơn khi nó được thuật lại từ một khuôn khổ cấu trúc. Cấu trúc câu chuyện liên quan đến quá trình tổ chức câu chuyện, xây dựng kịch bản, sắp xếp thứ tự nội dung và thứ tự thời gian của các sự kiện diễn ra trong phim.

Nếu cấu trúc của câu chuyện được xây dựng tốt, thì những câu chuyện được kể trong phim sẽ dễ dàng được truyền tải cách sống động. Vì thế, đánh giá một bộ phim cũng có nghĩa là đánh giá cấu trúc của truyện phim.

Một nhà phê bình phim cần nhận thức được cấu trúc và khuôn khổ qua đó câu chuyện được nối kết cách sống động và có thẩm mỹ.

Cấu trúc Ba Hồi (Three Act Structure)

Một trong những cấu trúc tường thuật nổi bật nhất là cấu trúc ‘Ba Hồi’ của ‘Thi pháp’ có từ thời Aristotle. Gregory V. Eckler nói rằng trong một bộ phim dài hai giờ, ‘Hồi đầu tiên’ và ‘Hồi thứ ba’ thường kéo dài mỗi hồi khoảng 30 phút, còn ‘Hồi giữa’ kéo dài khoảng một giờ.

Cấu trúc Ba Hồi giúp cho hành động của nhân vật chính được diễn tiến cách tốt đẹp và thành công theo thứ tự:

    • Triển khai: Giới thiệu địa điểm và nhân vật
    • Đối đầu và Mưu đồ với chướng ngại vật
    • Giải quyết: Điểm dẫn tới cao trào.

Cấu trúc ‘Hành trình của Người hùng’ (The Hero's Journey)

Hành trình của Người hùng được gọi là monomyth - một ý tưởng được nhà thần thoại học nổi tiếng Joseph Campbell tạo ra. Ông đề xuất mô hình cấu trúc 5 giai đoạn để kể một câu chuyện giống hệt với cuộc đời và hành trình của một vị anh hùng, là người sẽ thành công ở cuối câu chuyện:

  • Lời mời gọi phiêu lưu: Người hùng chấp nhận lời mời gọi.
  • Hành trình gian khổ: Một hành trình dài và khó khăn mà người hùng phải thực hiện để đạt được mục tiêu.
  • Đạt mục tiêu: Người hùng đạt được mục tiêu của mình.
  • Trở lại thế giới bình thường: Sau khi đạt được mục tiêu, người hùng trở về vị trí của mình với một chiến thắng.
  • Thể hiện mục tiêu: Người hùng sử dụng sự thành đạt của mình (kho báu, địa vị mới…) để cải thiện đời sống của những người xứng đáng được tưởng thưởng.

Cấu trúc 8 cảnh (The sequence Approach, Eight sequence structure)

Phương pháp ‘Tiếp cận theo trình tự - Sequence Approach’ được gọi là ‘Cấu trúc 8 cảnh - Eight sequence structure’. Nó là một hệ thống cấu trúc được phát triển bởi Frank Daniel. Theo cấu trúc này, câu chuyện được chia thành 8 cảnh. Mỗi cảnh là một mini-movie (phim ngắn) dài 10-15 phút và được kể lại dựa trên lý thuyết Ba Hồi. Hai cảnh đầu tiên được kết hợp lại để tạo thành Hồi đầu tiên, bốn cảnh tiếp theo tạo ra Hồi thứ hai của bộ phim và hai cảnh cuối cùng tạo thành Hồi thứ ba.

Cấu trúc ‘Tường thuật phi tuyến tính’

Mô hình ‘Tường thuật phi tuyến tính’ không tuân theo cách kể chuyện thông thường. Bộ phim có thể bắt đầu từ góc nhìn của bất kỳ ai ở phần đầu, phần giữa hoặc phần cuối. Đôi khi trong các câu chuyện phi tuyến tính, có thể có 3 câu chuyện trong cùng một bộ phim. Ví dụ: phim The Ballad của Buster Scruggs.

4. SCRIPT (KỊCH BẢN)

Kịch bản (script) là truyện phim ở dạng chữ viết. Nếu không có kịch bản này, người làm phim khó có thể hoàn thành các nhiệm vụ tiếp theo.

Kịch bản giúp các nhà làm phim hình thành ý tưởng về độ dài và cảm giác của bộ phim. Chỉ với một kịch bản hay, một đạo diễn có thể thuyết phục nhà sản xuất hăng hái bắt tay vào việc làm phim.

Kịch bản cũng giúp đạo diễn chuyển đổi kiểu suy nghĩ của mình thành những hình ảnh phù hợp để truyền đạt thông điệp hiệu quả hơn.

Kịch bản cũng hướng dẫn các nhà sản xuất, trợ lý đạo diễn, diễn viên, nhà quay phim, biên tập viên và các thành viên khác của đoàn làm phim thực hiện đúng tinh thần của chuyện phim.

Việc lập kế hoạch ngân sách và ước tính chi phí chỉ có thể được thực hiện khi kịch bản được thực hiện tốt.

Người phê bình phim cần để ý đến kịch bản và các thành phần của kịch bản, đặc biệt là lời thoại. Lời thoại - và hành động kết hợp với lời thoại - mang lại sự biểu đạt hữu hiệu cho câu chuyện.

Một nhà phê bình phim giỏi sẽ đánh giá sức mạnh của một kịch bản và mức độ phù hợp của nó với hành động và các nhân vật.

Kịch bản có thể được chia thành nhiều loại khác nhau:

Story script (Kịch bản câu chuyện): tóm tắt câu chuyện (toát yếu).

Spec script (Kịch bản tự giới thiệu): do người viết gửi đi không lấy tiền, với hy vọng sẽ có người mua kịch bản chính thức của mình.

Pitch script (Kịch bản quảng cáo): Đó là bản phác thảo giúp nhà sản xuất dựa vào đó để quyết định chọn chuyện phim.

ScreenPlay (Kịch bản phim) - Tất cả các ‘kịch bản phim’ đều là kịch bản, nhưng không phải tất cả các kịch bản đều là ‘kịch bản phim’. ‘Kịch bản phim - ScreenPlay’ đưa ra thông tin về các nhân vật, địa điểm, thời gian, ngày tháng, đạo cụ, và quan trọng nhất là hành động cùng với lời thoại được viết theo phần mềm kịch bản phim (slug line).

Editing Script (Kịch bản cho người dựng phim): đưa ra các hướng dẫn cho người dựng phim với những thông tin về vị trí lồng tiếng, hiệu ứng âm nhạc, thời lượng của các cảnh quay…

Shooting Script (Kịch bản cho người quay phim): Đây là phiên bản công phu nhất của kịch bản. Đạo diễn và nhà quay phim tham khảo ý kiến ​​của nhau và viết shooting script để đoàn làm phim hiểu được những gì đang diễn ra và những việc phải làm trong thời gian sản xuất phim. Shooting script được phân nhỏ thành các cảnh quay. Các thuật ngữ quay phim như close-up, wide, over-exposed, dolly in… cũng được đề cập trong kịch bản này. Shooting script cũng bao gồm các chi tiết về thời gian của mỗi cảnh quay, không gian, địa điểm, đối thoại, tạm dừng, nhân vật, hiệu ứng ánh sáng, vị trí máy ảnh, khung hình máy ảnh và bố cục, thậm chí cả chi tiết về đặc tính cần thiết cho mỗi cảnh quay.

Vi Hữu (TGPSG) tổng hợp theo Eilers và Jenith Sekar

Nguồn tin: www.tgpsaigon.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây