Giáo xứ Vinh Hương

http://gxvinhhuong.net


Kinh nghiệm truyền giáo của một linh mục trẻ

Kinh nghiệm truyền giáo của một linh mục trẻ
KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO CỦA MỘT LINH MỤC TRẺ

 Hằng năm các giáo xứ đều có một bản báo cáo tổng kết gửi về Văn phòng Tòa Giám Mục. Một trong những mục cần tổng kết là số người được rửa tội trong năm. Số người rửa tội từ 0 đến 7 tuổi và số người lớn rửa tội là bao nhiêu. Khi nhìn lại thật kỹ số người lớn được lãnh bí tích rửa tội, tôi nhận ra rằng đa phần trong số họ là những người rửa tội để lãnh bí tích hôn phối. Rất ít người rửa tội theo Đạo chỉ vì yêu mến Đạo Chúa. Bản thân tôi từ khi làm linh mục cũng mới rửa tội được cho một số rất ít người theo Đạo không phải vì lý do hôn nhân.

Một lần nọ, trò chuyện với một linh mục trẻ, tôi giật mình khi nghe câu chuyện truyền giáo của ngài. Phải thú thật rằng tôi thực sự bất ngờ. Ngài chia sẻ với tôi rằng mỗi năm ngài đều rửa tội cho ít là vài chục người lớn theo Đạo. Tất cả đều theo Đạo vì lòng yêu mến Chúa và Giáo hội chứ không vì lý do hôn nhân.

Tốt nghiệp Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, được truyền chức linh mục cho Tổng giáo phận Hà Nội, ngài được cử về một giáo xứ nhỏ bé vùng Hòa Bình. Họ nhà xứ có rất ít giáo dân. Xung quanh nhà xứ đa phần là anh chị em lương dân. Các gia đình gốc Công giáo chỉ còn lại mấy bà già. Đa phần con cái không được rửa tội và không biết gì đến Đạo cả. Ban đầu, ngài bảo rất khó để gặp gỡ và tiếp cận với người dân. Không có mấy người dám vào nhà xứ. Thế là ngài quyết định làm một bàn uống trà ở gần cổng nhà xứ. Cửa nhà xứ luôn rộng mở để đón tiếp mọi người. Ngài luôn chuẩn bị chè thuốc và cả một ít bánh kẹo. Khi người dân đi làm về ngang qua nhà xứ, ngài mời họ vào uống nước. Dần dần đôi bên làm quen với nhau. Tương quan trở nên thân mật hơn. Người dân không còn sợ hãi như trước nữa. Ngài có thể chia sẻ với họ về chuyện Đạo chuyện đời, về tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống.

Khi đã gặp gỡ và nói chuyện với họ được rồi, ngài chủ động đến thăm các gia đình. Ngài ưu tiên các gia đình còn người mẹ già theo Đạo. Trong các chuyến thăm viếng đó, luôn có một bữa ăn quy tụ mọi thành viên trong đại gia đình. Cơm xong, ngài lại mời họ lên nhà xứ uống cà phê trò chuyện tâm tình. Những bữa ăn đó đã phá tan hàng rào ngăn cách. Cha con hiểu nhau khiến họ càng cảm thấy gần gũi với nhà thờ và gần Chúa hơn.

Tháng 11 hằng năm là tháng các linh hồn. Ngài mời gọi họ đi dọn vườn thánh để ngài dâng lễ cầu cho các linh hồn ông bà tổ tiên của họ. Lễ xong, ngài lại tổ chức một bữa ăn tại nhà xứ để liên hoan. Thấy những việc làm như thế, họ bắt đầu cảm phục vì tổ tiên bao đời được quan tâm và cầu nguyện. Họ nói với ngài rằng sang năm phải tổ chức to hơn năm nay. Có lẽ việc nhớ đến người đã khuất một cách cụ thể luôn đánh động mọi người, vì người dân Việt chúng ta luôn có truyền thống kính nhớ tổ tiên một cách đặc biệt.

Tháng 5 là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ. Ngài luôn mời gọi các bà các chị lương dân lên tập dâng hoa với người có Đạo. Nhờ những cuộc tập luyện và dâng hoa kính Đức Mẹ mà những chị em lương dân có lòng yêu mến Chúa. Đây quả là một cách tiếp cận rất nhẹ nhàng mà hiệu quả.

Ngoài ra, ngài còn tổ chức các môn thể thao để quy tụ mọi người. Bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền luôn là những môn thể thao yêu thích của người dân. Nhờ những cuộc giao lưu thể thao mà mối thân tình giữa cha xứ và cộng đoàn giáo dân càng thêm tốt đẹp.

Các lớp giáo lý dự tòng được mở ra. Ngài chỉ dạy cho họ vào buổi tối vì ban ngày họ còn phải đi làm việc. Mỗi khóa học kéo dài khoảng ba tháng. Không cần nhiều kiến thức thần học. Quan trọng là tấm lòng yêu mến Chúa. Trong 7 năm làm mục vụ ở giáo xứ trong đó có 5 năm với tư cách là cha giám quản, ngài đã giúp cho khoảng năm chục gia đình theo Đạo. Con số rửa tội trung bình hằng năm cho người lớn là khoảng 25 đến 30 người.

Tôi biết rất rõ về con người của vị linh mục trẻ này. Ngài không có tài giảng thuyết, cũng không có khả năng chuyên môn gì nổi trội. Thế nhưng, ngài có tấm lòng của một vị mục tử, một trái tim nhân hậu, một tính cách hiền hòa và nụ cười luôn tươi nở trên môi. Hình ảnh của ngài làm tôi liên tưởng tới cha thánh Gioan Maria Vianney, cha sở xứ Ars. Người đời tưởng rằng cứ phải tài giỏi thì mới thành công. Nhưng Thiên Chúa lại dùng những gì thế gian cho là hèn mọn để thể hiện quyền năng của Chúa.

Nhìn vào những công việc mà vị linh mục trẻ đã làm, chúng ta thấy chẳng có gì to tát cả. Chỉ là những cuộc gặp gỡ, giao lưu chia sẻ, những công việc mà linh mục nào cũng vẫn quen làm. Tuy nhiên, việc làm không quan trọng bằng người làm. Phẩm chất của người làm mới quan trọng. Nếu người làm việc như một cỗ máy thì lại chẳng có giá trị gì. Chỉ khi làm với tình yêu thực sự thì kết quả công việc mới mỹ mãn. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa về những gì Chúa đã thực hiện nơi người anh em linh mục trẻ này. Nhờ ngài mà có nhiều tâm hồn nhận biết Chúa và trở về với Chúa. Câu chuyện của ngài cũng nhắc nhở tôi và anh em linh mục chúng ta hãy quan tâm tới sứ vụ truyền giáo. Chúa Giêsu đã phán: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt” (Lc 10,2). Thực ra thợ gặt thì cũng không phải là quá thiếu nhưng thợ gặt lành nghề thì mới thiếu thực sự. Trong năm truyền giáo của Tổng Giáo phận Hà Nội, ước mong mỗi linh mục và mỗi người giáo dân ý thức được bổn phận và sứ mạng của mình. Chúng ta cùng nhau cộng tác để loan báo Tin mừng cho anh chị em xung quanh. Nguyện xin Chúa chúc lành cho mỗi chúng ta.

 
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 127 (Tháng 01 & 02 năm 2022)

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa

Nguồn tin: www.hdgmvietnam.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây