Giáo xứ Vinh Hương

http://gxvinhhuong.net


Sử dụng tiền của cách Khôn Ngoan

Marinus van Reymerswaele, Dụ ngôn người quản gia bất lương, ca.1540. Wien, Kunsthistorisches Museum

Marinus van Reymerswaele, Dụ ngôn người quản gia bất lương, ca.1540. Wien, Kunsthistorisches Museum


Danh họa Marinus van Reymerswaele người Hà Lan sinh vào khoảng năm 1490/95 và qua đời khoảng năm 1567. Bức tranh “Dụ ngôn người quản gia bất lương” do ông vẽ vào khoảng năm 1540. Hiện nay bức tranh được trưng bày trong viện bảo tàng lịch sử nghệ thuật ở thủ đô Wien, Áo Quốc.

Tranh của Marinus van Reymerswaele có những nét đặc trưng sau: Quần áo của các nhân vật được chăm chút rất cẩn thận và rất nổi bật. Cũng vậy các chiếc nón hay khăn đội đầu cũng được họa sĩ chú ý đến. Đôi bàn tay của các nhân vật thường rất dài và các ngón tay với các đốt xương và cử điệu cùng cử chỉ của nó được họa sĩ diễn tả rất sống động. Khuôn mặt và dáng điệu mang nét rất tự nhiên. Ngoài ra, cách thức diễn tả các nhân vật cũng mang ý hướng phóng đại và đôi lúc đi đến chỗ chế giễu.

Ngắm nhìn bức tranh “Dụ ngôn người quản gia bất lương” , ta thấy ở phần tiền cảnh của bức tranh là chiếc bàn làm việc với sổ sách, giấy tờ và cây viết trên đó, cùng một hộp tròn đựng vật dụng bàn giấy.

Nổi bật trên bức tranh là hai nhân vật với hình dáng lớn nhất. Đàng sau hai nhân vật là một cái kệ với xấp giấy tờ và các hóa đơn nằm trên đó, có một số hóa đơn được treo lủng lẳng.

Nhân vật đầu tiên đang ngồi, mặc chiếc áo khoác mầu đỏ với đường viền rất chỉnh tề và sang trọng, đầu đội chiếc nón màu xanh lá cây đậm, chiếc nón có mũi nhọn hướng lên trên với hai cạnh cũng nhọn hướng về phía trước và phía sau, làm nên một hình tam giác. Chiếc nón được làm thật cẩn thận, ở phía hai tai vạt nón được khoét cẩn thận bao quanh lỗ tai và có hai vạt nón với điểm nhọn ở cuối thòng xuống hai bên. Ngoài ra, có một chiếc khăn trắng quấn xung quanh phần trên của nón làm nổi bật sự chỉnh chu sang trọng của người phú hộ giàu sang.

Sự giàu sang của ông còn được tỏ lộ qua chiếc vòng trên cổ với một hình bầu dục và chiếc nhẫn thật lớn đeo trên ngón trỏ của bàn tay phải.

Ông phú hộ đang ngồi với đôi mắt nghiêm nghị cùng với những nét nhăn trên vầng trán, ông nhìn về người quản gia mà ông cho gọi tới, vì ông nghe biết người quản gia phung phí tài sản ông trao. Ngón trỏ của bàn tay phải của ông với chiếc nhẫn đang chỉ vào sổ sách ở trên bàn, như muốn chỉ ra sự phung phí của anh quản gia. Đó là lý do mà ông muốn đuổi việc anh ta. Bàn tay trái với năm ngón giơ ra hướng về người quản gia diễn tả quyết định đuổi việc anh quản gia của ông. Quyết định của ông phú hộ được họa sĩ viết bằng tiếng La tinh ở trên tấm bảng được treo bên phía phải. Lời này được trích dẫn từ Tin Mừng Luca 16,2: “redde rationem vilicationis tuae iam enim non poteris vilicare – Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!

 Người quản gia bị đuổi việc ngồi kế bên ông phú hộ. Anh ta mặc  chiếc áo khoác màu xanh lá cây đậm với đường viền vàng. Chiếc áo không chỉnh chu lắm diễn tả tình trạng công việc bấp bênh của anh. Ở phía dưới áo phần bên trái từ chiếc túi có một thanh kiếm lộ ra với hình hài đầu của con chim đại bàng, như là vật dụng quen thuộc của người quản gia. Chiếc áo bên trong màu đỏ, ở bên phía trái của phần tay áo thật rộng lòi ra ngoài diễn tả tâm trạng đang rối bời của anh quản gia. Bên trong là chiếc áo trắng. Trên cổ có khoác một chiếc khăn ngắn và bàn tay phải với ngón cái đang giữ chặt chiếc khăn. Đó cũng là thái độ diễn tả tâm trạng bất an bị đuổi việc. Anh quản gia như đang đi tìm một cách thức để “nắm lấy vận mệnh” mới của anh.

Khuôn mặt của anh không nhìn người chủ là nhà phú hộ giàu sang. Với những nét nhăn trên trái, anh hơi cúi đầu xuống về phía phải và đôi mắt anh nhìn về phía trước với nét lo lắng suy tư tính toán cho tương lai sắp tới của anh. Đầu anh không đội chiếc nón nào và lộ ra mái tóc xoăn ngắn cùng bộ râu quai nón cũng xoăn. Họa sĩ cũng “tặng anh quản gia” bộ râu mép. Như thế, với khuôn mặt đó anh quản gia biểu lộ rõ rệt công việc vất vả của anh, cũng như sự thiếu cẩn trọng của anh trong công việc, làm phung phú tài sản của chủ, đến nỗi người phú hộ quyết định đuổi việc anh.

Bàn tay trái với ngón trỏ lòi ra và chỉ lên cao, trong khi đó bốn ngón còn lại được khép lại. Hình ảnh này tương hợp với người phú hộ cũng dùng ngón trỏ chỉ về phía sổ sách. Cử chỉ bàn tay trái diễn tả hùng hồn và rõ rệt sự tính toán của anh, là anh đã tìm được một con đường và một cách thức để phòng hờ và chuẩn bị cho trường hợp anh bị đuổi việc: Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ! (Lc 16,3-4).

Bên phía phải của bức tranh, họa sĩ lồng vào cảnh người quản gia thực hiện ý định gian dối nhưng rất khôn lanh của anh ta.

Có bốn nhân vật trong cảnh. Người quản gia lần này đội chiếc nón mầu nâu, vẫn là chiếc áo choàng màu xanh và áo đỏ bên trong. Anh ta cho gọi từng con nợ của chủ đến. Anh nói chuyện riêng với từng con nợ. Tay trái anh cầm giấy nợ của con nợ đang trình cho anh. Tay phải anh “hạ thấp” xuống, như là anh tự giảm nợ cho con nợ. Trong cảnh ta thấy có một con nợ mặc áo trắng như đã thỏa thuận xong với người quản gia và đang ngồi viết lại số nợ được anh quản gia giảm cho, còn một người mặc áo đỏ thì đang trao đổi tính toán với anh quản gia, người thứ ba mặc áo khoác vàng cùng chiếc nón vàng đang hướng mắt nhìn người quản gia và đợi tới lượt mình.

Trong tin Mừng ta đọc được:

Với người thứ nhất anh quản gia hỏi: Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?

Người ấy đáp: Một trăm thùng dầu ô-liu.

Anh quản giá khôn lanh bảo: Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”.

Rồi anh ta hỏi người khác: Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?

Người ấy đáp: Một ngàn giạ lúa.

Anh ta bảo: Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.

Anh quản gia tự cho mình có quyền giảm nợ cho người mắc nợ, với dụng ý người mắc nợ sẽ biết ơn anh sau này, để rồi khi anh bị đuổi việc họ sẽ đền ơn anh, tiếp rước anh và chu cấp cho anh. Đó chính là sự khôn ngoan cần có của người quản gia của đời này, biết chuẩn bị cho tương lai bấp bênh của mình.

Ngắm nhìn cảnh anh quản gia đang thỏa thuận với con nợ cùng dung mạo của anh ngôi bên cảnh người phú hộ, ta thấy điều rất thú vị qua đôi tay của anh. Tay phải của anh đang giữ chặt chiếc khăn được kẹp vào giữa ngón tay cái và tay trỏ, còn ba ngón khác như đang chỉ về phía sau, nghĩa là chỉ đến cảnh anh thỏa thuận với ba con nợ. Bày tay phải mạnh mẽ hùng hồn với ngón trỏ chỉ lên cao cùng khuôn mặt với đôi mắt khôn lanh và quyết đoán của anh đang hướng về điều anh cần làm, là chuẩn bị cho tương lai sắp tới của anh.

Hành động của anh đưa người đọc dụ ngôn nhận ra sứ điệp của Chúa Giê-su mời gọi:

 Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại. Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.

 Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 13,8-9.13).

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Nguồn tin: www.dongten.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây