Giáo xứ Vinh Hương

http://gxvinhhuong.net


Phụng sự Chúa trong mọi người

Phụng sự Chúa trong mọi người
Con người thời đại, nhất là giới trẻ, thường có cái nhìn về bản thân con người và xã hội với cái nhìn thuần túy nhân loại, thiếu chiều kích tâm linh và đạo đức. Mạng xã hội mà người trẻ tiếp xúc mỗi ngày củng cố và lan truyền lối suy nghĩ này, khiến cho những kiến thức về đạo đức khó thâm nhập vào tư duy cuả con người thế kỷ 21 này. Xin đan cử một vài luận điệu của người trẻ khi nhìn về cuộc đời.

Người trẻ phân tích: Tại sao ‘một mẹ nuôi được 10 con mà 10 không nuôi được một mẹ?’. Là vì khi người mẹ nuôi đứa trẻ, họ có một niềm hy vọng vì người con lớn dần lên và người mẹ sớm được giải thoát khỏi những chăm sóc nặng nề; trong lúc chăm sóc người cha mẹ già thì không có một hy vọng tiến triển mà ngược lại ngày càng nặng nề hơn. Đó là một quan sát đúng thực tế, nhưng không phải là câu trả lời đầy đủ. Tôi nghĩ : sở dĩ con cái không chăm sóc cha mẹ là vì thiếu lòng đạo đức, đạo đức làm người và làm con Chúa, vì nạnh kẹ nhau và vì ích kỷ. Vấn đề ở đây là thiếu đạo hiếu và thiếu lòng tri ân; thêm vào đó là lỗi luật Chúa : ngươi phải thảo kính cha mẹ. Thực tế thì gánh nặng và sự lo toan của cha mẹ với con cái có khi nào vơi nhẹ đâu, có chăng là thay đổi về cách thức, và có những đứa con tật nguyền thì cha mẹ vẫn kiên trì yêu thương chăm sóc suốt mấy chục năm trời.

Ngại lập gia đình. Người trẻ lan truyền cho nhau những thông tin và luận điệu, những con số thống kê…để cổ vũ nhau: lập gia đình làm gì vì có mấy người chung thủy, vì trách nhiệm, vì mất tự do. Thật khó để nói với người trẻ rằng: để tránh dâm dật thì mỗi người hãy có vợ có chồng (lời Thánh Phao lô), ơn gọi của mỗi người là nên hoàn thiện như Cha trên trời : Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu trao ban và chia sẻ, con người phải có lý tưởng sống liên đới với người khác chứ không chỉ là để kiếm tiền và hưởng thụ, một cuộc sống chỉ quy về mình ; cuộc sống tu trì hoặc hôn nhân có mục đích là tìm một sự nâng đỡ nhau, liên đới và giúp nhau nên hoàn hảo hơn; Sách Sáng Thế nói “Con người ở một mình không tốt”, điều này muốn nói rằng con người phải có một tương giao, bổ túc, liên đới – nếu chỉ khép lại nơi bản thân thì đến một lúc nào đó sẽ cảm thấy cô đơn, thấy cuộc đời minh vô nghĩa và đi đến thất vọng – đến nỗi có nhiều người thừa mứa vật chất mà lại chọn tự tử như con đường giải thoát.

Trong thời đại hôm nay, ma quỷ tấn công vào gia đình, hủy hoại các giá trị của gia đình và xem chừng chúng rất thành công. Gia đình là tế bào căn bản của xã hội và Giáo hội, điều dễ hiểu là khi các tế bào căn bản này biến dạng thì xã hội và Giáo hội sẽ lung lay tận gốc rễ. Chuyện lỗi phạm điều răn thứ 6 với những hình thức biểu lộ và hệ lụy của nó như dâm dật, ngoại tình, hôn nhân đồng tính, phá thai và ly dị… nay được chia sẻ và truyền bá qua các mạng xã hội. Người trẻ với tâm thức phải cập nhật những điều mới lạ để không bị tụt hậu đã miệt mài tìm hiểu những xu hướng của các cộng đồng mạng, đến nỗi chẳng màng đến những thứ nền tảng khác: sách học làm người, tìm hiểu thêm về giáo lý của đạo như kinh thánh, tu đức… Nếu nói ‘gia đình là một xã hội thu nhỏ, nơi đó có những người già – trẻ em, thanh niên, người khỏe, người bệnh, cha mẹ và con cái, thì cũng không sai. Những người già và các bậc cha mẹ thường cảm thấy khó truyền đạt những giá trị đạo đức cho con cái - là những người trẻ, vì chúng dường như không quan tâm; một khi tâm hồn con cái đã không có những nền tảng tu đức thì cách ứng xử của chúng với các vấn đề thời đại sẽ rập khuôn theo lối ứng xử mà cộng đồng mạng đã nắn đúc nên nhân cách của chúng. Sẽ không lạ gì nếu người trẻ không hiểu người già và người già khó cảm thông với người trẻ: không chịu khó làm việc, không chịu đựng nhau, dễ bỏ nhau, không tôn trọng sự sống và bỏ rơi người cao tuổi…

Tuy khó nói chuyện đạo đức với người trẻ, nhưng cha mẹ là người giáo lý viên đầu tiên để thông truyền những giá trị đạo đức cho con cái mình, trước hết bằng gương sáng – kế đến là lời nói, phải biết tận dụng những cơ hội phù hợp để nói với con – và quan trọng nhất là cầu nguyện cho con cái được biết kính sợ Chúa. Hãy biết răng năng lực của lời cầu nguyện có sức mạnh hơn là của những lời nói.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo 2 đã nói: xây dựng một gia đình hạnh phúc và thánh thiện là một chỉ tiêu lớn trong cuộc đời. Một nhà tu đức nói: Để có một gia đình hạnh phúc có rất nhiều yếu tố, nhưng không thể thiếu sự tri ân và khiêm tốn. Người ta không tri ân nhau là vì nghĩ rằng mình xứng đáng ( mình có tiền nên có quyền, mình có sắc đẹp nên mình có quyền), trong hôn nhân thì không như vậy, bạn cứ ngẫm nghĩ thì sẽ nhận ra rằng mình phải biết ơn người bạn đời vì họ đã trao hiến cả cuộc đời cho mình, để ở bên cạnh mình và chịu đựng mình, chăm sóc mình và động viên mình. Lòng tri ân sẽ giúp mình trở nên khiêm tốn, biết tôn trọng người bạn đời và đáp lại tình yêu đó bằng cách làm đẹp chính mình: làm đẹp bên ngoài và làm đẹp tâm hồn. Một thảm cảnh xảy ra trong nhiều gia đình là thái độ gia trưởng: mọi người phải nghe theo mình và cung phụng mình, nếu không thì đánh đập; đôi khi có những phụ nữ gia trưởng, nhưng đa số trường hợp ở VN – khi nói đến gia trưởng là nói đến người đàn ông, người cha trong gia đình, vợ và con cái là nạn nhân.

Hãy học nơi gia đình Thánh Gia bài học yêu thương, phục vụ, quan tâm, tự hủy và cầu nguyện, để ai nấy hoàn thành sứ mạng của mình trên trần gian.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây