Giáo xứ Vinh Hương

http://gxvinhhuong.net


Tạ ơn trời cảm ơn người

Tạ ơn trời cảm ơn người
Nếu ta gặp một ai đó cứ liên tục cảm ơn ta, ta gặng hỏi ‘vì lý do gì?’, thì kẻ ấy có thể kể vu vơ một vài chuyện chung chung. Ta có thể suy ra một vài động lực trong việc cảm ơn của người đó là do tật ba hoa, muốn chứng tỏ bản thân, xu nịnh để lấy lòng ta...

Kẻ ấy muốn chứng tỏ mình là một người có văn hóa, vì sự thường ai cũng được biết người có giáo dục phải biết nói hai chữ cảm ơn và xin lỗi. Kẻ ấy cảm ơn ta về những chuyện mà ta không có một sự cộng tác hoặc công trạng gì nhiều, chỉ là việc bổn phận; nếu nói lời cảm ơn một lần thì cũng tạm chấp nhận – kiểu như xã giao, nhưng nói nhiều lần thì dẫn đến tình trạng mơn trớn và không trung thực. Tôi nghĩ việc cảm ơn cũng phải cẩn trọng, chỉ nên cảm ơn vừa phải mà không mơn trớn và xu nịnh cấp trên, vì hai tiếng cảm ơn giả tạo cũng làm cho người nghe thêm kiêu ngạo – tưởng rằng mình có công lớn, trong lúc mình cũng chỉ là đầy tớ vô dụng. Cha Vĩnh Sang DCCT kể chuyện của ngài: Ngài sang thăm người em ở Úc, người em này có một vị ân nhân người bản xứ, người này có rất nhiều vật nuôi trong một khu vườn rộng và đẹp; theo thói quen ở VN, mỗi lần thấy một loài vật hoặc một cây cảnh thì ngài đều khen hết lời; một lát sau, đứa cháu gái chừng 12 tuổi kéo riêng ngài ra và nói rằng: “Bác không nên nói những lời vô duyên và tâng bốc như vậy’: hóa ra ở VN, chúng ta thường hay giả dối với nhau trong lời khen hoặc cảm ơn, nói để lấy lòng mà không thật bụng.

Nhân tiện nói về cách ứng xử của vợ chồng và những người có giáo dục, ngoài hai từ cảm ơn và xin lỗi, Đức Phanxico còn đến một từ thứ 3 nữa là ‘xin phép – xin vui lòng’ . Từ này chúng ta ít sử dụng là vì chúng ta chưa tôn trọng người khác cho đủ. Có thể kể ra một số biểu hiện của sự vô cảm về tình người: chúng ta hay xầm xì so sánh và kết án kẻ khác – chúng ta mời tiệc tùng quá mức cần thiết mà không cần biết tình cảnh của kẻ được mời, chỉ thỏa mãn nhu cầu thể hiện của mình là được – và còn một biểu lộ khác là tật ép kẻ khác phải ăn uống như ý mình muốn, đó là biểu hiện của tính gia trưởng và độc tài. Văn hóa phương tây luôn có chữ ‘xin vui lòng, xin phép’ khi mình muốn có một sự giúp đỡ và thông cảm, khi mình muốn đi vào đời tư của người khác hoặc muốn làm một việc gì đó có thể làm phiền đến người khác. Người Việt mình thì chỉ có con cái và bề dưới mới xin phép cha mẹ hoặc cấp trên, nhưng thực ra chữ này nên được sử dụng thường xuyên trong giao tế hằng ngày – là dấu chỉ của lòng khiêm tốn, biết lưu tâm đến kẻ khác.

Tin Mừng Luca 18,9-14 còn nói đến một lời cảm ơn ‘không đúng’ nữa là cảm ơn khoe khoang. Người biệt phái khởi đầu lời cầu nguyện ‘Lạy Chúa, tôi cảm ơn Chúa vì…vì… những lý do ông đưa ra chỉ là để khoe mình tốt, nhiều công trạng, trổi vượt hơn kẻ khác. Đôi khi chúng ta cũng cư xử như thế với người đời: lời cảm ơn chỉ là câu mở đầu, tiếp đến là một tràng những chuyện khoe mình và ẩn chứa trong đó là chê bai người khác. Nhiều tân linh mục tổ chức rất nhiều lễ tạ ơn: “Tạ ơn Chúa đã thương chọn con làm linh mục của Chúa, dù con bất tài yếu đuối”, lời cầu nguyện như vậy là rất phải, lời cầu có hai vế: chức linh mục thì cao trọng, kẻ lãnh nhận lại yếu hèn, nhưng càng dâng nhiều lễ tạ ơn và được nhiều người tán dương, cái tôi của vị tân linh mục càng dễ lớn ra – để cảm nhận được rằng: mình là kẻ được Chúa chọn, cho lãnh nhận thiên chức, mình đáng được tôn kính và trổi vượt hơn người khác - vì được chọn giữa muôn người.

Khi cầu nguyện tạ ơn Chúa, chúng ta cũng nên có những lý do và tâm tình cụ thể, đừng cứ tạ ơn trên môi miệng mà lòng thì trống rỗng. Chính chúng ta cần nêu lên cho mình những lý do trong từng lời tạ ơn Chúa. Trong một bài hát sinh hoạt, có nêu lên những lý do để ta cảm ơn trời: Cảm ơn trời, xin cảm ơn trời  cho con hai con mắt , cho con đôi bàn tay, cho con sinh làm người, cho con hai lỗ mũi - cho tôi đôi vành tai, cho tôi vui làm người. Mỗi ngày chúng ta có thể cảm ơn trời đã cho mình sinh làm người, cho được làm con Hội Thánh, được hưởng muôn ơn lành từ Chúa Giê su và Hội Thánh, có không khí để thở , có bánh để ăn, có nước sạch để dùng, có mẹ cha yêu thương, có mái gia đình để tựa nương, có anh em đồng đạo đồng hành, có chữ viết để học hành, có máy vi tính để đọc được muôn điều tốt và hay, có cha xứ dâng lễ và coi sóc linh hồn, có con cái và người bạn đời để sum vầy hạnh phúc… và kể cả những phép lạ đã xảy ra trong cuộc đời, đáng cho ta tạ ơn mãi. Càng tạ ơn Chúa, chúng ta càng tin tưởng, yêu mến và trông cậy Ngài hơn.

Khi bàn về phép lịch sự, người ta nói lịch sự được ví như dầu mỡ làm cho các mối tương giao được trơn tru tốt đẹp. Nhưng đừng quá xã giao mà nên chân thành trong từng lời chào hỏi, từng cái bắt tay, từng nụ cười và cả trong tiếng cảm ơn. Còn đối với Chúa, lời cảm ơn không bao giờ là giả dối và thừa cả, vì chúng ta lãnh nhận tất cả từ Chúa, nhưng tâm trí cần kể ra những ơn lành đã nhận - để con tim có cơ hội rung cảm bởi tâm tình tri ân cảm tạ Chúa.    

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây