Giáo xứ Vinh Hương

http://gxvinhhuong.net


Tôi tớ không hơn chủ, Mt 10,24-33

Tôi tớ không hơn chủ, Mt 10,24-33
Nhiều người nêu lên câu hỏi: “Tại sao Đạo Kitô đi tới đâu thì bị bách hại đến đó?”. Đúng như họ nhận định, Thầy Giêsu đã bị giết thê thảm oan ức, 11 môn đệ trụ cột đều bị tử đạo (riêng thánh Gioan bị đi đày và chết già), GH Roma tiên khởi bị bách hại gần 300 năm bởi nhà cầm quyền Do Thái và các hoàng để Rôma, Giáo Hội VN cũng trải qua 300 năm bách hại - với chừng 130.000 vị tử đạo, rồi Giáo hội Nhật Bản – Triều Tiên – Trung Hoa đều trải qua những cuộc bách hại đẫm máu… vì người ta muốn tận diệt mầm mống người theo đạo Kitô. Mãi cho đến hôm nay, máu tử đạo vẫn không ngừng đổ xuống khắp nơi – nhất là trong những vùng Kitô giáo là thiểu số. Tại sao thế? Đức Gioan-Phaolô 2 đã nêu lên tên của hơn 100.000 vị tử đạo của thế kỷ 20. Trong lúc những tôn giáo khác hầu như không bị bách hại như vậy.
 
Đức Giêsu sống rất tử tế, tốt bụng, khôn khéo và được toàn dân kính trọng… nhưng những mạc khải về thiên tính của Ngài: “Ta với Cha là một, Ta làm và nói những gì đã thấy ở Cha”. Hơn thế nữa, lòng nhiệt thành nhà Chúa còn thúc đẩy Ngài thanh tẩy đền thờ và đem dân chúng trở về với cách thờ phượng Thiên Chúa đích thực là ‘Tin vào Đấng Ngài đã sai đến’… những điều nầy đụng chạm đến uy tín và quyền lợi của các biệt phái và luật sĩ, họ bèn vẽ ra những âm mưu đen tối để khử trừ Ngài: Belzêbul, kẻ xúi dân nổi loạn chống Rôma, phạm thượng…
 
Nhưng tội của các Kitô hữu là gì? – Thưa đó là tội họ tôn thờ Thiên Chúa như là chủ của vũ trụ và của cuộc đời mình, và lòng nhiệt thành với nhà Chúa cũng thúc đẩy họ lên án những tội ác – bất công trong xã hội – không chấp nhận ‘tôn thờ’ các vua chúa trần gian. Và điều này cũng làm các vua quan trần thế chạm tự ái – phải khử trừ họ như tấm gương phản chiếu những tội ác của chế độ: bóng tối đã không chấp nhận ánh sáng. Một phần vua chúa trần gian cũng không thể tin rằng những người Kitô có thể đánh đổi mạng sống mình vì một niềm tin ‘vớ vẩn’, nên họ áp dụng thật nhiều cực hình để thử xem sao! Điều đáng tiếc là những cực hình ghê rợn đã kích thích thú tính man rợ trong nhân loại, nên về sau họ xem việc hành hình như một thú tiêu khiển: hý trường Côlyssê ở Rôma là một bằng chứng, nó được xây như một sân vận động – có chỗ ngồi thoải mái cho các quan quyền và dân chúng ngồi xem - hò hét để cổ vũ cho những màn hành hình các Kitô hữu: các con thú bị bỏ đói đã vồ xé những Kitô hữu đang cố chạy thoát thân, những người khác thì bị tẩm dầu và đốt cháy rực sáng trong đêm.
 
Ai cũng sợ đau đớn vì những hành hạ, khổ vì đói khát và hôi hám trong tù, trống vắng cô đơn vì chia lìa và sợ những khổ nhục đến mất mạng. Bên cạnh đó, cái giá trao đổi càng nới rộng hơn: nếu chấp nhận bỏ đạo, họ sẽ được ân ban nhiều phúc lộc. Tuy vậy, với ơn Chúa, Các Thánh Tử đạo đã mạnh mẽ tuyên xưng Danh Chúa Giêsu là Cứu Chúa của vũ trụ và là chủ cuộc đời mình: “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời thì Thầy cũng tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy”.

Dù hồng ân tử đạo rất cao quý, người Kitô hữu không tự tìm đến cái chết. Họ chịu chết vì đạo khi đã hết cách, và vẫn có những quy luật khác chi phối hành vì tử đạo: luật bác ái và tuân hành ý Chúa. Nếu họ tìm đến cái chết như một vị anh hùng thì công trạng của họ chẳng đáng là gì: nó chỉ có giá trị khi sự dâng hiến mạng sống là một sự tuân phục Thánh ý Thiên Chúa. Trong những năm rao giảng Tin Mừng, Thánh Phaolô đã trải qua muôn vàn tủi nhục và bắt bớ, nhưng đối với Ngài, việc ở lại trong thân xác hay ra ngoài thân xác là tùy Chúa định liệu, miễn sao sinh ích lợi cho Giáo hội. Bài ca đức mến: “Nếu tôi nộp mình chịu thiêu – mà không có đức bác ái, thì tôi không được ích gì”(1Cor 13,3).
 
Tuyên xưng danh Chúa bằng lời rao giảng, bằng cuộc sống phù hợp với Tin Mừng - với lẽ sống là làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Bên cạnh đó, vẫn có những người sống buông xuôi, không biết mình sống để làm gì và chẳng có ích cho ai. Hãy tập hy sinh thiếu thốn đôi chút ngay từ trong gia đình, mới mong làm sáng Danh Chúa trước mặt người đời.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây