Giáo xứ Vinh Hương

Đức Giêsu là ai?

Thứ sáu - 27/08/2021 09:33
Đức tin Kitô giáo không chỉ là một học thuyết như nhiều giáo lý khác: Trên hết, đó là trải nghiệm gặp gỡ cá nhân với Chúa.
Đức Giêsu là ai?
Đức Giêsu là ai?
Chúa Giêsu từng hỏi các môn đệ: "Còn anh em, anh em bảo Con Người là ai?" Tin Mừng cho chúng ta biết khi đó ông Simon Phêrô trả lời: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Và Chúa Giêsu đáp: "Hỡi Simon, con Giôna, anh thật có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng từ Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 16,15 -17).

Lời tuyên xưng đức tin này xuất hiện vài tháng trước khi lên Giêrusalem lần cuối: đó là đỉnh điểm của gần ba năm theo chân Chúa Giêsu. Tại sao Phêrô chờ đợi suốt thời gian này để cuối cùng nhận ra danh tính đích thực của Chúa Giêsu? Chẳng phải chỉ một ngày ở trong nhà Chúa là đủ sao?

Để hiểu Chúa Giêsu là một con người đặc biệt được ban cho không ít quyền năng phi thường, chắc chắn chỉ cần một ngày là đủ. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để khẳng định Ngài là Con Thiên Chúa! Đối với người Do Thái, thật không thể tưởng tượng nổi khi nghĩ Thiên Chúa lại làm người. Họ đang chờ đợi Đấng Thiên Sai, nhưng họ không thể ngờ Đấng Thiên Sai này lại chính là Thiên Chúa. Người Do Thái thậm chí không dám phát âm hoặc viết tên của Chúa! Để nói "Thiên Chúa", họ đã sử dụng một từ viết tắt gồm bốn phụ âm JHWH, và do đó không thể phát âm được. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Chúa Giêsu không qui tụ các môn đệ trước đó mà đã tuyên bố với họ Ngài là Thiên Chúa? Mọi người sẽ cho rằng Ngài là một kẻ điên và họ bỏ về ngay lập tức!

Vậy Chúa Giêsu đã làm gì? Mức độ hiểu biết và niềm tin vào Đức Giêsu của các môn đệ tăng dần từ ngày này qua ngày khác. Các ông trước hết chứng kiến Ngài thực hiện những phép lạ kỳ diệu. Sau đó, họ nhận ra con người này biết cách hiểu họ hơn bất cứ ai, Ngài có thể tiết lộ những mong muốn sâu thẳm nhất của họ. Lại nữa, họ phát hiện ra lời dạy của Ngài thực sự là chìa khóa để hiểu đầy đủ bí ẩn của cuộc sống. Từng chút một, họ nhận ra những tiên báo trong Kinh Thánh đều được ứng nghiệm một cách hoàn hảo nơi Ngài. Cuối cùng, khi bầu khí tin cậy và quý trọng sâu sắc đã hình thành giữa các môn đệ và Chúa Giêsu, thì Ngài tiết lộ danh tính của mình cho họ. Hãy lưu ý sự tinh tế của Chúa Giêsu: Ngài không bao giờ cố áp đặt, nhưng nhẹ nhàng dẫn dắt họ thực hiện "từng bước đến niềm tin này", đôi khi bằng cách trao cho họ những trợ lực như trong đoạn Tin Mừng trên.

Nhưng chưa phải là tất cả: Tin Mừng cho chúng ta biết rằng sau đó Chúa Giêsu dẫn Phêrô và hai môn đệ khác lên một ngọn núi cao. Và ở đó, "Ngài đã biến hình trước mặt các ông. Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, và y phục Ngài trở nên trắng tinh như ánh sáng. (...) Chợt có đám mây sáng bao phủ các ông và từ trong đám mây có tiếng phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, hãy nghe lời Người" (Mt 17,1-9). Những sự kiện này cho chúng ta thấy đức tin Kitô giáo không chỉ là một học thuyết như nhiều giáo lý khác: Trên hết, đó là trải nghiệm gặp gỡ cá nhân với Chúa.

Tác giả Thánh Vịnh đã tiên báo rằng "viên đá thợ xây loại bỏ sẽ trở nên tảng đá góc tường" (Tv 118,22). Đức Kitô tự mình công khai xác nhận lời tiên báo nhiệm mầu này để đáp lại những chỉ trích của người Pharisêu (Mt 21,42): Tảng đá góc chính là Ngài, Con Thiên Chúa, Đấng sẽ bị các thượng tế và luật sĩ loại trừ... để rồi sau đó trở thành nền tảng của Giáo Hội mới. Chính vì nhận mình là Con Thiên Chúa nên Ngài bị kết án tử hình (Mt 26,63-64). Cần lưu ý rằng Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, không tỏ hiện thần tính trong thời gian thử thách, mặc dù Ngài có quyền làm như vậy. Khi được yêu cầu khẳng định thần tính của mình, và để làm chứng cho sự thật, Ngài chỉ đáp: "Đúng như các ông nói, chính là Tôi đây" (Lc 22,70).

Việc nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa cũng có thể trở thành chướng ngại chia rẽ nhân loại: "Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì đã bị lên án rồi, vì đã không tin vào Danh của Con Một Thiên Chúa" (Ga 3,18): Các môn đệ quì gối sụp lạy sau khi chiêm ngắm vinh quang Con Thiên Chúa trên núi Tabor; ngược lại, các thượng tế lại buộc Đức Kitô phải quỳ gối trước khi dẫn lên đồi Golgotha ​​để đóng đinh Đấng mà họ cho rằng không xứng đáng là Con Thiên Chúa. Ánh sáng cũng dễ gây nhầm lẫn cho những ai đắm chìm trong tối tăm.

Tác giả bài viết: "Qui est Jésus?" - qe.catholique.org/la-personne-de-jesus-christ - Huuchanh chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây