Giáo xứ Vinh Hương

Sau khi chết - Còn gì nữa?

Thứ sáu - 17/09/2021 21:17
Kitô hữu xác tín rằng "xác loài người sẽ sống lại" như Đức Kitô Phục Sinh.
Sau khi chết - Còn gì nữa?

Có đời sau không? Đó là thắc mắc mà bất cứ ai cũng đều tự hỏi vào một thời điểm nào đó trong đời mình. Một số trả lời phủ định: "Không có gì cả", hoặc "Nấm mồ, và sau đó không có gì cả". Vậy mà đến cuối đời, sau khi sống như không có gì, họ lại bắt đầu nghĩ "có lẽ có gì đó".

Kitô hữu không phải là những người đầu tiên khẳng định có sự sống sau cái chết. Những nền văn hóa có phong tục chôn cất với vật phẩm dùng cho cuộc sống như để ăn uống, săn bắn, bảo vệ bản thân ở "thế giới bên kia", đều đã nhận thức rằng con người không được sinh ra để "chết là hết". Bằng việc dâng cúng "lễ vật" cho người đã khuất cũng như cho các các vị thần, người ta cũng tin rằng sẽ có công lý, quả báo, các phép thuật khác nhau có thể xảy ra ở kiếp sau.

Với người Hy Lạp, "con thuyền Charon" dùng để băng qua sông phân cách Hades, được đánh dấu tượng trưng cho con đường vĩ đại hướng tới "Champs Élysées" (Vườn Địa Đàng), biểu tượng của một đời sống khác. Các triết gia Hy Lạp, chẳng hạn như Plato, không chỉ nghĩ về một "thế giới bên kia", mà cũng có quan niệm sống "kiếp trước, kiếp sau". Trong khuôn khổ này, cuộc đời trần thế sẽ chấm dứt và thể xác sẽ mục nát. Cái chết là giải thoát linh hồn khỏi gánh nặng của thể xác.

Ý tưởng về một đời sống vĩnh cửu sau cái chết vì thế không xa lạ với con người, đó là lẽ tự nhiên đối với loài người chúng ta.

Nhận định về kiếp sau rõ ràng là rất khác nhau và không phát sinh theo cùng một cách kể từ khi có Đức Kitô và ảnh hưởng của Kitô giáo đối với nhận thức của loài người:

- Người Anh cổ đại, trước Kitô giáo, đã hình dung đời sống sau khi chết như một chuỗi ba cuộc đời - cuộc sống đầu tiên ít nhiều là mô hình chắc chắn của hai cuộc đời sau - hoặc có thể như  một cuộc sống thứ hai không xác định thời gian kết thúc tại một hòn đảo cách biệt tuyệt đối với kiếp sống đầu tiên.

- Người theo chủ nghĩa duy vật phủ nhận sự sống sau cái chết. Tuy nhiên, họ cũng có thiên đường của mình: một xã hội vô giai cấp của một "ngày mai tươi sáng". Cuộc phiêu lưu trên trời sẽ được các thế hệ tương lai trải nghiệm nơi "thiên đường trần thế". Ý tưởng đã lạc hậu từ lâu và khiến nhiều người theo chủ nghĩa này nản lòng.

- Người ủng hộ luân hồi thay thế bằng một cách giải thích khác về đời sống vĩnh cửu: Đó là tái sinh ngay tại thế giới này vài lần nhưng với vai trò khác, con người khác; khác với "ba cuộc sống của người Celtic" ở chỗ là người tái sinh kiếp sau và người kiếp trước là một.

- Người Hồi giáo tin vào một "thiên đường", nơi sẽ nhìn thấy phần thưởng nhờ những việc làm tốt đẹp khi còn sống, nhưng nặng tính vật chất và cách mô tả gây sửng sốt liên quan đến nguyện vọng sâu xa nhất của con người.

Với Kitô hữu, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài, Đức Giêsu Kitô, xuống thế làm người để bày tỏ cho chúng ta tình yêu và lời hứa phục sinh của Ngài. Chính Chúa Giêsu đã sống lại vào ngày thứ ba sau khi chết. Ngài ra khỏi mồ và hiện ra với các môn đệ, và họ, những người nhìn thấy Ngài, đã làm chứng điều đó.

Lịch sử không thể trực tiếp nắm bắt được biến cố Phục Sinh của Đức Kitô; điều này đặt ra nhiều vấn nạn cho lịch sử và cho mọi người. Nhưng, chứng từ của các tông đồ về cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh chính là lịch sử. Các ngài đã làm chứng cho sự thật và đã chết vì sự thật.

Niềm tin vào sự sống lại từ cõi chết dựa trên sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta, đã không thực hiện điều đó cho môi trường sống trần gian như một trò đùa hay một điều phi lý: Vì tình yêu, từ khi chúng ta chưa hiện hữu, Ngài đã ban cho chúng ta sự sống, và Ngài vẫn tiếp tục. Vì tình yêu, Ngài mời gọi chúng ta tiến về cuộc sống vĩnh cửu với Ngài. Đây được gọi là "Thiên đường", là sống vĩnh cửu hạnh phúc vô tận với Chúa và các thánh.

Đây không phải là một thiên đường vật chất, nơi chúng ta sẽ sống lại cuộc đời trần thế (Chứng nhân Giêhôva), cũng không phải là một thiên đường thiêng liêng nơi linh hồn hoàn toàn bị tước bỏ mọi hóa thân (Plato) và mọi thuộc tính cá nhân (Phật giáo). Trong Kinh Tin Kính, bản tóm tắt đức tin của mình, Kitô hữu xác tín rằng "xác loài người sẽ sống lại", tức là linh hồn và thể xác, như Đức Kitô Phục Sinh.
Lược dịch từ "Y a-t-il une vie après la mort?", qe.catholique.org

Tác giả bài viết: Huuchanh VH

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây