Giáo xứ Vinh Hương

Tháng Mười - Tháng Mân Côi

Thứ sáu - 01/10/2021 05:47
Kinh Mân Côi không chỉ là sự lặp đi lặp lại thuần túy: đó là một chuỗi ngẫm suy và đón nhận mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng chạm đến và dự phần vào cuộc sống chúng ta.
Tháng Mười - Tháng Mân Côi
Tháng Mười - Tháng Mân Côi
Kinh Mân Côi là tên của một kinh nguyện hình thành từ bốn chuỗi hạt cầu nguyện, trong đó cuộc đời Chúa Giêsu được suy ngắm từ nhãn quan của Mẹ Maria. Năm 1883, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ban sắc lệnh dành trọn tháng 10 năm đó cho việc sùng kính "Nữ Vương Mân Côi", gọi tắt là "Tháng Mân Côi". Kể từ đó, tháng Mười luôn là tháng của Ca Vịnh Đức Maria.

Mỗi năm các tu sĩ Đa Minh tổ chức hành hương Mân Côi đến Lộ Đức. Kinh Mân Côi gồm 150 kinh Kính Mừng được chia làm ba phần. Nguồn gốc kinh Mân Côi là gì? Và đọc kinh Mân Côi như thế nào?

"Kinh Kính Mừng" không xuất hiện một lần. Lời cầu nguyện dâng lên Mẹ Maria từng ít một được khai sinh từ lòng mộ đạo của Giáo Hội, và không cố định ở hình thức như ngày nay cho đến khoảng năm 1500. Tuy nhiên, từ thế kỷ XII, Thánh Bernard góp phần phát triển lời cầu nguyện với Mẹ Maria dưới dạng Kinh Mân Côi, còn gọi là tràng hạt. Và vào thế kỷ sau đó thánh Đa Minh truyền bá việc sử dụng, qui định các tu sĩ của mình mang chuỗi Mân Côi trên thắt lưng. Trận đại dịch năm 1349 tàn phá các vương quốc ở Châu Âu, làm cho rất nhiều cộng đoàn gia tăng lòng sùng đạo, điều này cũng góp phần vào sự gia tăng lòng sùng kính Đức Mẹ Maria. Và dần dần, hình thức cầu nguyện này được gọi là Kinh Mân Côi.

Đức Giáo Hoàng Piô V khuyến khích toàn thể Giáo Hội thực hiện hình thức cầu nguyện này trước sự tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa châu Âu. Đây là nguyên nhân mà chiến thắng quyết định của Lepanto năm 1571 được cho là nhờ vào Kinh Mân Côi. Lễ Đức Mẹ Mân Côi, cử hành vào ngày 7 tháng 10, được Đức Giáo Hoàng Piô V thiết lập năm 1573, để tạ ơn Đức Mẹ về chiến thắng này. Năm 1883, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII long trọng tuyên bố bằng một sắc lệnh: Tháng Mười năm đó sẽ hoàn toàn dành cho "Nữ Vương Mân Côi". Kể từ đó, tháng 10 hàng năm cũng như tháng 5, là tháng đặc biệt dành riêng cho việc tôn sùng và cầu nguyện với Đức Mẹ Maria, và được gọi là tháng Mân Côi.

Chuỗi Hoa Hồng

Nói một cách chính xác, tràng hạt là một "chiếc mũ nhỏ" hoặc giống như một chiếc vương miện. Vào thời Trung cổ, người ta có phong tục đội vương miện kết bằng hoa hồng cho các bức tượng Đức Mẹ, mỗi bông hồng tượng trưng cho một lời cầu nguyện, do đó có từ "tràng hạt" hay "chuỗi hạt".

Kinh Mân Côi bao gồm 150 "Kinh Kính Mừng", nhắc nhở đến 150 Thánh Vịnh, và từ lâu đã được gọi là Thánh Vịnh về Mẹ Maria. 150 "Kinh Kính Mừng" được chia thành ba phần, để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi. Sau đó, mỗi 10 kinh Kính Mừng được mở đầu bằng một kinh Lạy Cha và kết thúc bằng kinh Sáng Danh, để tôn vinh Ba Ngôi Chí Thánh.

Suy ngẫm về lịch sử cứu độ

Kinh Mân Côi là một hình thức cầu nguyện rất đơn giản và lặp đi lặp lại, giúp chúng ta suy niệm về vị trí của Mẹ Maria trong mầu nhiệm cứu độ để được kết hiệp với Mẹ. Thực ra lời cầu nguyện này không chỉ là sự lặp đi lặp lại thuần túy: đó là một chuỗi ngẫm suy và đón nhận mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng chạm đến và dự phần vào cuộc sống chúng ta. Như vậy, Kinh Mân Côi cũng là một suy niệm và đón nhận Tin Mừng về cuộc đời Chúa Giêsu của tín hữu.

Trong việc đọc kinh Mân Côi, mỗi mầu nhiệm được xướng lên hoặc suy ngẫm và sau đó là một chục kinh Kính Mừng. Tín hữu dùng một chuỗi hạt có một trăm năm mươi hạt, được gọi là "tràng hạt", là nguồn gốc của chuỗi hạt hiện nay. Đã từ lâu, Kinh Mân Côi suy niệm mười lăm mầu nhiệm, được chia thành 3 chuỗi: Năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng, tạo thành 150 kinh Kính Mừng, làm thành một chuỗi 150 Thánh vịnh của Đức Maria. Nhưng vào năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thêm vào năm mầu nhiệm mới: Năm sự Sáng. ...

Theo nhịp sống của con người

Giáo Hội có thông lệ phân chia lời cầu nguyện và suy ngẫm Kinh Mân Côi theo ngày trong tuần, để các mầu nhiệm được thấm nhuần trong toàn bộ đời sống: Thứ Hai và Thứ Bảy: 5 sự Vui; Thứ Ba và Thứ Sáu: 5 sự Thương; Thứ Tư và Chúa Nhật: 5 sự Mừng; Thứ Năm: 5 sự Sáng.

Đức Gioan Phaolô II đã nhiều lần lặp lại sự phong phú của việc cầu nguyện này, do đó trong bài giảng ngày 29 tháng 10 năm 1978, Ngài nói: "Tôi muốn hướng sự lưu tâm của anh chị em đến Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện yêu thích của tôi. Một kinh nguyện tuyệt vời. Tuyệt vời vì đơn giản mà sâu sắc. Trong Kinh Mân Côi, chúng ta lặp đi lặp lại lời của Tổng lãnh thiên thần và bà Elizabeth với Đức Trinh nữ Maria. Cả Giáo Hội hiệp thông vào những lời cầu nguyện này. Chúng ta có thể nói được rằng: Từng quãng đời của Chúa Giêsu trải dài nơi sâu thẳm của chuỗi Kinh Kính Mừng, kết nối trong các Mầu nhiệm Vui, Thương và Mừng, dẫn đưa chúng ta vào sự hiệp thông sống động với Chúa Giêsu qua Trái Tim của Mẹ Người. Đồng thời, chúng ta có thể kết hiệp nơi từng chục kinh cuộc đời cá nhân hoặc gia đình mình, cuộc sống của đất nước, của Giáo hội, của nhân loại: nghĩa là, qua Mẹ Maria, hiệp dâng lên Chúa những sự kiện của riêng mình hoặc của tha nhân, đặc biệt là của những người thân thiết nhất, những người mà chúng ta nhớ đến nhất".

Đây chính là cách mà lời cầu nguyện đơn sơ của Kinh Mân Côi tuôn trào theo tiết tấu cuộc đời Kitô hữu.
Lược dịch từ "Octobre, le Mois du Rosaire", Lm. Jacques Nieuviarts -
croire.la-croix.com

Tác giả bài viết: Huuchanh VH

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây