Giáo xứ Vinh Hương

Cành nho và thân nho

Thứ ba - 17/05/2022 20:42
Cành nho và thân nho
Cứ thử tưởng tượng xem, lần đầu tiên khi mỗi người nghe Chúa nói : “Thầy là cây nho, chúng con là cành, cành nào kết hợp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái; cành nào lìa cây sẽ khô héo liền, chúng con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, thì ai cũng thấy thú vị và quá đúng, nhưng với thời gian thì chúng ta không nhận ra điều mới mẻ của câu chuyện và không còn bị đánh động nữa.

Sự liên lạc giữa cành nho là mối liên hệ trực tiếp liên quan đến sự sống còn, hơn hẳn những mối liên hệ mà chúng ta cứ tưởng là rất bền chặt như: mẹ và con, vợ chồng, bằng hữu, thầy trò. Tình mẹ con tuy là cao đẹp và vĩ đại nhất trên trần gian này, nhưng nó chỉ mang tính thiết yếu và sống còn khi đứa con còn nằm trong dạ mẹ, khi đứa con ra đời thì tình này chỉ mang tính phụ thuộc và tương đối. Còn tình yêu nam nữ, tuy là nguồn cảm hứng cho thơ văn, nghệ thuật, đam mê… và là phản ảnh của mối tình cao cả của Đức Giê su hiến mình vì Giáo hội, cũng chỉ là mối liên hệ mang tính tương đối. Khi dùng hình ảnh cây nho và cành nho, Chúa làm nổi bật chân lý: sự kết hợp của linh hồn với Chúa là điều quan trọng nhất trên trần gian, vì cành cây chỉ sống và sinh hoa trái khi có nhựa sống của cây truyền tới.

Dịch Covid đã tạm ổn định, đó là một điều mừng và đáng để tạ ơn Chúa. Nhưng có những người vẫn không tới nhà thờ với lý do sợ covit, phải chăng đó là ngụy biện – trong lúc tiệc tùng vui chơi khắp nơi thì không sợ dịch. Có những người không đi lễ được vì bận tập thể dục thể thao, đọc báo trên mạng, vì bận mưu sinh – trong lúc khá no đủ rồi! Có người trẻ đến nay còn đi lễ online, có kẻ không đi lễ vì ca đoàn hát không hay, người chơi đàn dở, cha giảng dài, đọc kinh nhiều. Rất nhiều lý do, nhưng ẩn chứa đàng sau là ‘không cần Chúa’, và những lý do đưa ra chỉ là ngụy biện. Đấng Đáng Kính F.Nguyễn Văn Thuận nói: “Ai không đến nhà thờ vì người khác thì họ đến nhà thờ cũng không phải vì Chúa”.

Ngày xưa, ông bà Nguyên tổ được sống trong sự thân mật với Chúa, nhưng hành động hái trái cấm để ăn muốn nói rằng: họ không cần Chúa, Chúa là hàng thứ yếu trong mơ ước muốn tự do và thông biết của họ, họ nghi ngờ tình yêu Chúa là một âm mưu kìm hãm sự lớn lên của họ. Ai đó đã nói: Theo phật thì tốn tiền hoa quả, theo đạo thì mất ngủ vì lễ lạy; đó là cái nhìn trần tục và tục hóa những hành vi thờ phượng rất linh thiêng của tôn giáo. Thỉnh thoảng, báo chí đưa tin những vụ bách hại của các tín đồ Ấn Giáo với các tu sĩ Công Giáo, tìm hiểu trên google thì được biết: “Đa số tín đồ Ấn Giáo rất sùng đạo”, tôi mới chợt suy nghĩ: hình như tín đồ Ki tô giáo không mấy sùng đạo, nhiều người bỏ đạo lâu năm, nhiều người không sống giáo lý của đạo, nhiều người không hiểu giáo lý đạo mình đang theo, giới trẻ và ngay cả các linh mục trẻ không bao giờ nói về đạo trong những cuộc gặp gỡ mà cứ hăng say nói về chuyện tầm phào về xe cộ, công an giao thông, các phương tiện thông tin đời mới nhất… chứng tỏ rằng lòng trí họ chỉ quan tâm đến những chuyện trần tục chứ không phải là trao đổi về cách đào sâu mối thân tình với Chúa Giê su, về đời sống đạo và cách hành đạo trong hoàn cảnh sống của nhau.

Giáo hội VN cứ nhức nhối mãi về chuyện tỷ lệ 7% của tín đồ Công Giáo của mình, một con số kéo dài từ ngày thành lập hàng Giáo phẩm VN (1960) đến nay. Chúng ta tự hào vì đã có những đóng góp sống động cho các nước có người VN định cư nhiều, vì đã có rất nhiều dòng tu hiện diện và làm việc khắp đất nước, vì có nhiều tu sĩ linh mục được đào tạo bài bản và được du học, vì các chủng viện miền được sinh hoạt và cung cấp số linh mục tạm đủ, vì người giáo dân VN siêng năng tham dự phụng vụ, vì các sinh hoạt hội đoàn ở cấp Giáo xứ và Giáo phận rất đầy đủ, nhưng dường như người ngoại đạo vẫn nhìn chúng ta một cách nghi ngại. Đành rằng con số không nói lên tất cả, đành rằng có những phần tử xấu là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng có một điều gì đó trầm trọng còn tồn đọng ngay trong lòng Giáo hội và trong lòng mỗi cá nhân. Tôi đưa ra hai lý do chúng ta thiếu đời sống cầu nguyện và nhiều người Công Giáo không hành đạo. Nhiều người phản đối rằng: biết bao người đi lễ hằng ngày, đọc kinh lòng thương xót, các tu sĩ thì đọc kinh Thần vụ, các gia đình đọc kinh tại tư gia… vậy thì thiếu cầu nguyện ở chỗ nào?- Tôi xét mình thì thấy rằng nhiều khi chúng ta đọc kinh mà không cầu nguyện, không quen nói chuyện trực tiếp với Chúa, không mấy khi cầu nguyện cho các nhu cầu xã hội và cho các nhu cầu truyền giáo… vì không tin hiệu quả của lời cầu nguyện! Jacques Philippe nói: “Thiên Chúa hành động theo lòng trông cậy của chúng ta”, điều đó có nghĩa là: khi ta cầu nguyện mà không có lòng tin tưởng thì Chúa không thể hành động được. Còn việc không hành đạo, nhất là sống lỗi đức bác ái, lỗi phạm 10 điều răn, thì đó là phản chứng về đạo, nhưng nhiều người phạm tội mà không nhận ra tội mình và họ thường đưa ra những ngụy biện.

Mưu chước của ma quỷ là làm cho chúng ta bận rộn để không giữ được mối liên lạc thân tình với Chúa Giê su. Chúng ta bận rộn với công việc, với những đam mê, với những ảo ảnh về thành công – sức khỏe – sắc đẹp – nổi tiếng – được yêu mến… đến nỗi xem việc đến nhà thờ là việc quá mất thời gian. Và khi chúng ta bỏ nhà thờ, ví như những phách mạnh của đời sống tâm linh, thì cuộc sống không còn có những giây phút hướng lòng về Chúa nữa, thì sự sa ngã là chắc chắn sẽ xảy ra - sớm hay muộn thôi.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây