Giáo xứ Vinh Hương

Lãng quên phận mình

Chủ nhật - 30/01/2022 05:06
- Xin cho con đừng xầm xì, lẩm bẩm kêu trách và lên án; để con được Chúa yêu thương ấp ủ đêm ngày

Trong tuần vừa qua, chúng ta được nghe câu chuyện vua Đa vit phạm tội ngoại tình và sát nhân, tội tày đình mà vua không nhận ra. Đến khi tiên tri Na than được Chúa sai đến nói cho vua biết thì nhà vua mới ăn năn sám hối. Điều này nói lên một sự thật rằng: thật khó để biết mình, chúng ta thường quên rằng mình là kẻ có tội. Dịp cuối năm, chúng ta cùng hồi tâm một chút về sự lãng quên thân phận mình,vì sự lãng quên này dẫn đến nhiều điều không mấy tốt đẹp. Một câu nói nổi tiếng của đức Phanxico: “Tôi là một tội nhân”.
 
- Câu chuyện thứ nhất được rút ra từ câu chuyện người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng Gioan (8,1-11). Chúa Giê su nói với đám đông hôm ấy: “Ai trong các ngươi vô tội, hãy ném hòn đá trước đi”. Trong truyền thống đạo Do Thái, không ai là vô tội trừ một mình Thiên Chúa, là Đấng Thánh. Khi nghe Chúa Giê su nói thế, từng người một cùng rút lui, bắt đầu những người nhiều tuổi nhất. Điều này chứng tỏ một điều: càng sống lâu càng nhiều tội. Nhưng thường chúng ta không nhận ra sự thật là mình là tội nhân, yếu đuối bất tài. Bằng chứng là chúng ta thường chê bai người khác về điều này điều nọ, từ những người thân trong gia đình tới những người lãnh đạo tôn giáo và xã hội. Chúng ta ném đá tha nhân vì tin rằng mình tốt hơn họ và mình không có tội. Chúng ta thường nhầm lẫn về người khác đã đành mà còn nhầm lẫn về chính mình: giá trị, tài năng, nhân đức và sự thánh thiện. Nếu mình có sai lỗi thì chúng ta thường tìm cách biện minh: người kia sai nhiều hơn, do sơ ý và không cố ý, mình cũng có quyết tâm và thiện chí, thiên hạ cũng đầy người sai như mình
 
- Câu chuyện thứ hai là của Cha Minh Anh. Người kia có giấc mơ: anh bước vào một lâu đài, anh đang bước tới thì trước mặt anh có một ngã rẽ với tấm bảng chỉ đường: bên phải là người có đạo, bên trái là lương dân, dĩ nhiên anh rẽ bên phải; đi thêm một lát lại có lối rẽ, bên phải là người có đức tin mạnh, bên trái là người tin nửa vời, và anh ta rẽ phải; đi  một lát nữa lại gặp tấm bảng, bên phải là người phục vụ giáo hội, còn bên trái là người bình thường, anh rẽ phải; anh ta tiếp tục bước tới và khi cánh cửa cuối cùng mở ra thì cả một biển lửa đang chờ anh, anh rú lên vì khiếp sợ và tỉnh ngủ ! Tuy chỉ là chuyện tưởng tượng, nhưng cũng nói với ta một điều: sự tự hào về nhân đức của mình không phải là điều đẹp lòng Chúa, thiên đàng vĩnh cửu trên hết là một quà tặng mà Chúa hào phóng ban cho kẻ Ngài yêu; tự sức mình, con người chẳng làm nên công trạng gì tốt đẹp, vì họ chỉ là phàm nhân yếu đuối. Trên đường trọn lành bạn đừng so sánh mình với người khác để cảm thấy yên lương tâm, vì cuộc chiến đấu nội tâm của mỗi người mỗi khác, ân sủng và ơn gọi mỗi người mỗi khác. Chúa ban cho ai  nhiều thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều hơn, Chúa nói với ông Phê rô: kẻ khác ra sao thì mặc họ, còn anh cứ theo Ta (Ga 21,22).

Một thực tế cuộc sống cho ta biết rằng: chúng ta dễ dàng lên án và khó tha thứ cho anh em, là vì chúng ta không ý thức rằng mình cũng là kẻ yếu đuối và hay sa ngã. Một nhà tu đức đã dạy rằng: khi nhìn thấy ai đó phạm tội, bạn đừng vội lên án họ và hãy tự nhủ rằng ‘trong hoàn cảnh như họ, có khi mình còn làm điều tồi tệ hơn’. Nhân đức khiêm nhường là nền móng của tòa nhà nhân đức, đối nghịch lại lòng kiêu ngạo là nết xấu đứng đầu và làm cho linh hồn con người nên xấu xa trước mặt Chúa. Tôi có dịp nói chuyện với một tu sỹ trẻ, anh ta kể chuyện về linh đạo của kẻ tu trì là phải có lòng ước ao chịu sỉ nhục; điều này làm tôi ngạc  nhiên, vì sự thường chúng ta xin Chúa cho mình vui lòng chịu lụy (bị động), còn lòng ước ao được sỉ nhục vượt qua sự phải chịu để tiến đến sự ước muốn được dẹp bỏ hoàn toàn ý riêng mình, vì yêu Chúa.

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương.
Cảm ơn trời ban thêm năm mới, ta tiến hơn trên con đường trọn lành.
Xin cho con đừng xầm xì, lẩm bẩm kêu trách và lên án; để con được Chúa yêu thương ấp ủ đêm ngày. Amen

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây