Giáo xứ Vinh Hương

Ta không biết các ngươi

Chủ nhật - 06/11/2022 19:36
Ta không biết các ngươi
Người ta thường tưởng tượng những chuyện xảy ra ở cổng thiên đàng để nhấn mạnh một điểm giáo lý nào đó hoặc để trào phúng, và chúng ta dễ nghĩ rằng: chuyện thiên đàng hỏa ngục chỉ là chuyện phiếm, không có thật và chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng – nói để mà cười cợt một niềm tin đơn sơ của ai đó. Lời Chúa Giê su nói với chúng ta thật rõ ràng,‘ 4 sự sau’ (chết, phán xét, thiên đàng và hỏa ngục) là chuyện có thật chứ không phải dụ ngôn, Chúa biết mọi sự chứ không tưởng tượng: “Hãy cố gắng mà qua cửa hẹp. Ta không biết các ngươi”.

Không thể có chuyện Chúa không biết rõ một ai đó, trong Tin Mừng luôn nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa thấu suốt mọi sự - cả nơi kín ẩn, biết rõ từng người. Nhưng ở đây, câu ‘Ta không biết các ngươi’ chỉ muốn nói rằng Chúa không chấp nhận những người gian ác vào dự bàn tiệc nước trời. Đã có quá nhiều giáo lý của Chúa về đời sau, chúng ta đừng than rằng: không ai nói cho ta biết chuyện sau khi chết, vì kẻ đã xuống mồ là tuyệt đối im lặng! Đúng là Chúa muốn giữ bí mật hoàn toàn về số phận những kẻ đã chết, ngoại trừ với một số linh hồn thánh thiện, thì các linh hồn nơi luyện ngục có hiện về để xin cầu nguyện, như ‘Nhật Ký Thánh Faustina’ kể lại. Nhưng chỉ cần dựa vào Lời Chúa Giê su thì chúng ta cũng đủ để ‘biết rõ’ về đời sau: “Thầy đi để dọn chỗ cho các con và Thầy sẽ trở lại để đem các con đi với Thầy để Thầy ở đâu thì các con ở đó”. Qua dụ ngôn cây vả trồng trong vườn nho, Thiên Chúa khoan giãn và chờ đợi con người hoán cải sống theo Lời Ngài, nhưng thời gian của mỗi người ở trên đời có hạn thôi. Điều quan trọng nhất trên trần gian là nhận biết, yêu mến và thờ Chúa. Sau cái chết là phán xét, để phân loại cá tốt và cá xấu, lúa tốt và lúa lép (cỏ lùng), kẻ phụng sống theo thế gian và kẻ là bạn hữu của Chúa. Thật đáng thương cho kẻ gian ác, vì muôn đời họ sẽ bị loại ra khỏi bàn tiệc nước trời.

Cha Nguyễn Tầm Thường có một tác phẩm mang tên Đường Đi Một Mình, trong đó cha nói rằng hành trình đức tin của mỗi người khác với người khác, một mình mình đi và một mình mình chịu trách nhiệm. Có người than thở rằng ‘trong thời gian bệnh, ít người đến thăm’. Điều này gợi lên cho ta nhiều suy nghĩ: đi thăm người bệnh là một việc tốt, việc bác ái. Mỗi lần phải nằm một chỗ lâu ngày và bất lực trong việc chữa chạy, mất hy vọng, ta mới thấy cần sự động viên của những người khỏe mạnh. Ai đó đã từng nói: “Đã làm người là phải chấp nhận sự cô đơn”, điều này luôn đúng cho mọi người và ở mọi giai đoạn cuộc sống, nhất là khi đau – già – chết, vì không ai có thể hiểu ta hoàn toàn và đi với ta tới cùng, họ chỉ hỗ trợ và tháp tùng ta hết sức có thể, khi ta đau đớn và đi vào cõi đời đời thì đó là chuyến đi một mình, chỉ có Thiên Chúa luôn ở cùng ta và đồng hành với ta. Trong cơn gian nan thử thách, ta múc lấy sức mạnh từ nơi Thánh tâm Chúa, hãy chiêm ngắm Con Thiên Chúa chịu treo trên thập giá vì yêu ta, một thảm kịch bất công và một cuộc tự hiến vì tình yêu, một bằng chứng không thể chối cãi rằng Chúa luôn yêu tôi đến nỗi trao ban cho tôi Con Một của Ngài. Đừng nghĩ rằng chỉ có các linh mục tu sỹ là cô đơn trong tuổi già, mà ngay cả những người lập gia đình, dù có con cái cháu chắt đùm đề - nhưng mỗi người mỗi cảnh, dường như Chúa cho ai nấy cũng trải qua cảnh cô đơn và tủi nhục để cảm nghiệm sự mong manh và mau qua của trần gian, từ đó giúp họ bám chặt hơn vào Chúa. Biết bao minh tinh màn bạc, sau những ánh hào quang của sân khấu và sau những đống tài sản khổng lồ, đã cảm nghiệm sự trống rỗng cô đơn và vô nghĩa của cuộc đời không có Chúa, đến nỗi chọn cái chết để giải thoát. Và từng ngày một, từng người chúng ta cảm nghiệm sự già nua của chính mình và những người quen biết, để rồi cảm nghiệm sự tương đối của trần gian: sẽ đến một ngày thân xác tôi sẽ tàn tạ, linh hồn tôi đến trình diện Chúa, sợ rằng Chúa không ‘biết’ tôi.

Trong Tin Mừng, chúng ta nhận thấy những người có đức tin mạnh, biết cảm ơn Chúa, biết cải tà quy chánh… toàn là những người ngoại, quan chức Roma, thu thuế và gái điếm, trong lúc dân chúng thì theo Chúa từng đoàn và chứng kiến nhiều phép lạ nhưng họ cứ xin thêm dấu lạ - mãi cho đến khi treo Chúa trên thập giá. Phải chăng đó cũng là bối cảnh nơi thiên đàng? – Chúa nói: “từ phương Đông cho tới phương Tây mọi người đều được mời dự tiệc, kẻ đầu hết sẽ nên cuối hết”. Hãy coi chừng con cái trong nhà lại bị loại ra ngoài, vì họ không nên giống Chúa Giê su – Đấng mà họ tôn thờ.

Khi đến trình diện Chúa, chúng ta chỉ được Chúa đón nhận, dựa vào 2 tiêu chí mà Chúa đã từng sống và dạy, đó là giới luật tình yêu: yêu Chúa và yêu người. Yêu Chúa là tìm kiếm Thánh ý Chúa và yêu người là hiến mạng vì bạn hữu: cư xử tử tế, biết xót thương, biết trao ban. Bạn cứ nỗ lực bước đi trên con đường hẹp có tên là Tình Yêu, còn hạnh phúc thiên đàng là phần thưởng bội hậu của lòng thương xót. Liệu rằng khi vào thiên đàng, gia đình của tôi có thiếu mất mấy người? Có tôi ở đó không?

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây