Giáo xứ Vinh Hương

Thương lắm dân Việt ơi!

Thứ ba - 12/10/2021 05:41
Thương lắm dân Việt ơi!
Hàng ngàn người dân từ Đồng Nai về quê ở miền Tây ngày 2.10 khi được “xả trạm” Nguồn ảnh: Thanhnien.vn


Những ngày qua, chúng ta phải quặn lòng khi chứng kiến cảnh người người, nhà nhà từ thành phố Sài Gòn đổ về quê ồ ạt sau khi có chỉ thị nới lỏng giãn cách xã hội. Lặng nhìn, những người dân nghèo đang phải vượt hàng ngàn cây số với chiếc xe máy đơn sơ kèm theo những tư trang cá nhân. Họ phải đội mưa, đội nắng, đội gió và đội cả những nguy hiểm tiềm ẩn trên con đường về quê. Lặng nghe những tiếng khóc của những đứa trẻ mới được sinh ra đang phải cùng cha mẹ trên chặn đường đi tìm bình an. Và lặng thấu những người dân đang nằm quyệt quỵ trên ngã ba đường hay dưới những hầm cầu để tránh những cơn mưa đang vội ập tới. Họ mệt mỏi, đói khát và đang cần sự bình an, bởi, hậu quả mà đại dịch mang đến thật tàn khốc và đau đớn. Và sự trở về, thiết tưởng, đó là con đường giúp họ tránh được cơn đại dịch và hậu quả mà nó mang đến. Dẫu biết rằng, sẽ có những nguy hiểm, khó khăn và thử thách, nhưng chỉ cần một nghị lực kiên cường và tấm lòng bao dung của tất cả mọi người, họ sẽ kiếm được sự bình an.

Ôi dân tôi, quanh năm dầm mưa dãi nắng vất vả nơi phố thị đô thành để kiếm miếng cơm manh áo hay để được đổi da đổi thịt. Thế nhưng, từ ngày mà cơn đại dịch ập đến, cuộc sống trở nên chao đảo và nghèo khổ. Từng ngày, từng đêm họ phải chật vật trong những căn phòng nhỏ bởi sự hoành hành của cơn đại dịch. Các công ty, xí nghiệp phải đóng cửa cho nên họ rơi vào cảnh thất nghiệp và không có nguồn chi tiêu hàng ngày. Cuộc sống của họ đã nghèo nay lại nghèo hơn nữa, khi mất đi cái ăn cái uống hàng ngày. Hơn bao giờ hết, họ phải trở về quê hương nơi đồng xanh lúa chín, nơi cuộc sống yên bình và nơi cho họ sự bình an.

Anh Lộc đạp xe chở vợ về quê Sóc Trăng dù chị đang mang bầu tháng thứ 8 – Nguồn: Thanhnien.vn

Quả vậy, chúng ta đang sống trong một xã hội mà người ta cho rằng là văn minh, là hiện đại và đầy đủ nhất. Khi các ngành công nghiệp, khoa học, quân sự, y tế không ngừng phát triển và có những bước ngoặt mới trong các phát minh. Tuy nhiên, sự phát triển đó có đưa lại cho toàn thể con người cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình an không? Mỗi ngày chúng ta nhìn thấy cảnh những người vô gia cư hay người nghèo khổ phải đi tìm và đi xin thức ăn, thuốc uống để qua ngày. Đặt biệt, khi mà đại dịch covid hoành hành, chúng ta lại thấy hàng ngàn, hàng triệu người phải sống trong cảnh thiếu thốn nhu yếu phẩm thường ngày. Vậy đứng trước những thương tích trên đâu là liều thuốc để băng bó và chữa lành?

Cha ông ta thường nói: “Lá lành đùm lá rách” hay “Thương người như thể thương thân”. Đó là những đạo lý hay châm ngôn sống mà cha ông đi trước đã đút rút được. Hơn bao giờ hết, tình yêu và lòng cảm thông đó là phương dược để an ủi và như phần nào chữa lành được thương tích mà địa dịch mang đến. Và tình yêu đó được biểu lộ qua những việc làm thiết thực nhất, khi những chai xăng không đồng, cơm hộp miễn phí hay chỉ là những chai nước lọc đơn giản đang được sẻ chia tới những người dân nghèo trên đường về quê. Tình tương thân tương ái lại một lần nữa được khơi gợi và sống lại trong thế giới hôm nay và đó là một dấu chỉ minh chứng cho sức mạnh của tình thương.

“Làm ơn! cho tôi một chút tình thương”, đó là tiếng kêu cầu chung của những người nghèo khổ, bất hạnh, neo đơn và những người đang phải lao đao vì đại dịch covid, họ đang cầu cứu sự quan tâm giúp đỡ sẻ chia của mỗi chúng ta. Cho nên, đứng trước lời kêu cầu đó chúng ta đừng vô cảm khi họ đang than khóc chỉ vì không có miếng ăn, họ đang buồn rầu chán nản vì không ai quan tâm đến họ, họ đang tuyệt vọng và mất niềm tin vào cuộc sống vì sự thờ ơ của mỗi chúng ta. Làm ơn! hãy mở cánh cửa tâm hồn và đón nhận họ như món quà mà tạo hóa trao ban, đừng bỏ rơi họ như người cha nhẫn tâm bỏ rơi đứa con trước những băng giá của cuộc đời. Hãy yêu thương lấy nhau vì tất cả chúng ta là anh em.

Mọn Hèn

Nguồn tin: www.dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây