Giáo xứ Vinh Hương

Ước mơ làm lớn

Thứ hai - 26/09/2022 03:46
Ước mơ làm lớn
Thánh Luca trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 9,46-50) nói rằng : một ý nghĩ ‘ai là người lớn nhất trong các ông’ chợt đến trong đầu họ, và Chúa đã biết. Thực ra, ý nghĩ về sự cao lớn của chính mình, sự long lanh của ‘cái tôi’ luôn lởn vởn trong tâm tư con người chúng ta, không phải chợt đến mà là thường xuyên đến, mãi cho đến ngày ta lìa đời.

Khi nói về những cơn cám dỗ thường xảy ra với các linh mục và tu sĩ, ai đó đã nói: cơn cám dỗ về danh vọng luôn mạnh hơn và đi trước cơn cám dỗ về tiền và về tình. Ai trong chúng ta vẫn thích ‘tỏ lộ’ về những tài năng, công trạng, thành tích, nhân đức của mình. Đọc truyện thánh Au gus ti nô, có một chi tiết: những kẻ ăn chơi đàng điếm cũng  ganh đua nhau xem ai trổi vượt hơn và sành điệu hơn, xem đó như thành tích đáng tự hào! Nhìn kỹ vào lòng mình, ta tự hào vì mình có đạo, vì mình không phạm tội công khai, vì mình có công đức, vì mình hy vọng vào thiên đàng. Nhìn vào tha nhân, dĩ nhiên ta thấy họ xấu xa và có tội này tội nọ - họ ngoại đạo,ta ngạc nhiên tại sao họ chưa bị phạt ? Và ta thấy vui trong lòng khi những kẻ đó gặp tai ương: gia đình xào xáo, con cái hư hỏng, làm ăn sa sút, bệnh tật xảy đến. Nhiều khi ta làm việc cho Giáo hội, không vì danh Chúa cả sáng mà muốn thể hiện bản thân, muốn được thiên hạ chào bằng Ông, để cho cái tôi thêm lung linh. Đó là những biểu hiện cho tâm trạng : Tôi là kẻ lớn hơn, tốt hơn, đáng kính trọng hơn.

Sách Giop có một lời cầu nguyện đáng cho ta thuộc lòng: “Thân trần truồng, tôi sinh ra từ lòng mẹ. Tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, và Ngài lại lấy đi, xin chúc tụng danh Chúa”(1,21). Cha Nguyễn Tầm Thường có hai suy niệm về sự chết (ngày lễ vàng, ngày lễ bạc) rất hay: sau khi chết, ai cũng bình đẳng: thân xác tàn rữa hôi thối, sọ người thông minh và người thất học đều giống nhau, khi sống mình xum xoe từng lọn tọc, bối rối nên xài loại nước hoa nào, tranh cãi nhau từng chi tiết về kiến thức … Sau 50 năm, chẳng ai biết mình, chẳng còn tên trong sổ sách, tựa bông hoa nở và tàn lụi – nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích. Hãy nghĩ đến ngày tận số mà sống cho ra con người khôn ngoan, đừng lo lắng nhiều chuyện hão huyền nữa, mà hãy chuyên tâm tìm kiếm những của cải vững bền ở quê trời.

Chúa Giê su nói một câu đáng cho ta phải suy tư thêm: “Ai tiếp đón một trẻ nhỏ vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Như vậy, Chúa muốn nói đến con đường tự hủy của Ngài: hóa thân làm người, sống kiếp nghèo, vô danh, bị đô hộ, tiếp đón những tội nhân, bị nộp cho người đời và bị giết như một phạm nhân. Thời xưa, đàn bà và trẻ em là những người không được đếm số trong cộng đoàn, trong các phép lạ, vô danh tiểu tốt. Tại sao Chúa nói: các con hãy nên như trẻ nhỏ, Thầy hiện thân nơi trẻ nhỏ, ai nhỏ nhất trong anh em sẽ trở thành người lớn nhất? – Thưa, trẻ nhỏ là người tùy thuộc hoàn toàn vào người lớn, vào cha mẹ; chính khi con người biết cậy dựa hoàn toàn vào Chúa thì Chúa sẽ thực hiện được công trình cứu độ của Ngài, vì thế mà Mẹ Maria đã cất lời: Chúa đã làm cho tôi biết bao điều kỳ diệu.  Đối với con cái, chúng ta mừng khi chúng tự lập (tự đứng vững, tự lo liệu và kiếm sống) , nhưng đối với Chúa thì khác, chính lúc chúng ta cậy dựa vào mình để làm việc cho Giáo hội thì thất bại là chắc, còn khi mình trở nên nhỏ lại thì quyền năng Chúa mới tỏ hiện, vì Giáo hội là của Chúa và Chúa thích dùng con số nhỏ - kẻo loài người kiêu ngạo mà tưởng rằng đó là công của mình.

Câu chuyện sa tan tranh luận với Thiên Chúa về ông Giop hé lộ cho ta biết: những thử thách xảy đến là một cơ hội rèn luyện nhân đức, tựa như lửa thử vàng. Ông Giop đã trung thành với Chúa: không nguyền rủa Chúa, không chấp nhận những tai ương là sự trừng phạt vì tội mình, mà vui lòng đón nhận mọi sự từ tay Chúa: mình biết đón nhận ơn lành từ tay Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?. Chúa Giê su cũng đã thưa với Cha: Nếu có thể được thì xin cất chén đắng này cho con, nhưng xin đừng theo ý con mà là theo ý Cha.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây