Giáo xứ Vinh Hương

Thánh Gioan Baotixita, Người làm chứng cho chân lý và ánh sáng.

Thứ tư - 13/04/2011 04:40

Thánh Gioan Baotixita, Người làm chứng cho chân lý và ánh sáng.

- Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của chân lý, chứng nhân của ánh sáng.

 



A. Chứng nhân chân lý.

Chúa Giêsu đã quả quyết về sứ mệnh của chính mình: "Tôi đã sinh ra và đến trong thế gian vì mục đích này. Đó là để làm chứng cho chân lý" (Ga, 19,37). Lời Chúa trên đây đã ứng nghiệm nơi Gioan Baotixita, vị Tiền Hô được sinh ra và được sai đi để làm chứng cho chân lý. Chân lý là một vũ trụ bao la, gồm nhiều lãnh vực. Lãnh vực Ngài được sai vào để làm chứng là lãnh vực cứu độ. Chân lý căn bản là chính Chúa Giêsu.

1. Chân lý cứu độ. Suốt đời, thánh Gioan Baotixita ý thức mình được sai đi dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông Dacaria đã hiểu như thế về con mình: "Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao. Con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người" (Lc 1,76). Thực vậy, Gioan Baotixita đã đi trước và đã giới thiệu Chúa Giêsu Một hôm, Gioan Baotixita thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới, khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì Ngài có trước tôi" (Ga 1,29-30). Như thế, chân lý cứu độ là chính Chúa Giêsu. Ngài là Đấng mà Gioan Baotixita tôn thờ, kính yêu. Thái độ khiêm tốn của Gioan Baotixita trong chức vụ dọn đường đã được Ngài bộc lộ nhiều cách: "Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc: Hãy sửa đường cho thẳng, để Đức Chúa đi" (Ga 1,23)."Người phải nổi lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Ga 3,30). "Tôi không đáng quì xuống cởi dây giày cho Người" (Mc 1,7). Khi giới thiệu Chúa Giêsu là chân lý cứu độ, thánh Gioan Baotixita không đưa ra một học thuyết nào của Chúa Giêsu để khuyên người ta tin theo học thuyết đó. Nhưng Gioan chỉ khuyên người ta hãy đến gặp Chúa Giêsu, hãy tiếp xúc với Chúa Giêsu. Cách giới thiệu như thế coi như đơn sơ mà lại rất sâu sắc. Bởi vì đến một lúc nào Chúa muốn, người gặp gỡ Chúa sẽ cảm nghiệm được sự thực về Ngài như thánh Phaolô xưa: "Những gì xưa kia tôi là cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rơm rác, để được Đức Kitô, và được kết hợp với Người" (Ph 3,7-8). Thực không gì hạnh phúc bằng gặp được Chúa Giêsu, Đấng đã phán: "Chính Thầy là con đường, là chân lý và là sự sống" (Ga 14,6). 2. Chân lý kêu gọi sám hối. Chúa Giêsu chú trọng rất nhiều đến sám hối. Trước khi Chúa Giêsu rao giảng sự sám hối, thì Gioan đã dọn đường bằng việc sám hối. Gioan coi đó là một sự thực quan trọng. Gioan xuất hiện trong hoang địa, rảo quanh các thành, khuyên bảo mọi người bỏ đàng tội trở về đàng lành. Gioan làm phép Rửa cho những ai thống hối, như một dấu chỉ tha tội. Sở dĩ uy tín của Gioan về việc rao giảng sám hối được dâng cao, một phần cũng do uy tín con người và cuộc sống của Ngài. Ngài rất khó nghèo, rất từ bỏ, rất khắc khổ, nhất là chìm sâu vào cầu nguyện chiêm niệm. Như có một thứ phản ánh nhiệm mầu đến từ Đức Kitô. Thánh Gioan tông đồ viết về Gioan Baotixita: "Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng. Nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng" (Ga 1,6-8). Sự sám hối, mà Gioan Baotixita khuyên mọi người hãy ráng thực hiện, là hãy ăn năn về thói quen làm hại người khác, do phạm đến công bình bác ái, bê trễ với bổn phận, lối sống nông nổi, không chịu đi tìm chân lý, nhất là chân lý về mục đích đời mình. Thực là dại dột, nếu tưởng mình biết nhiều sự thực đủ loại, nhưng sự thực về chính mình thì lại không biết rõ, không biết đúng và không biết đủ. Những thiếu sót đó mới đáng sợ. Cần phải sám hối về những lỗi lầm đó. Bởi vì những lỗi lầm đó có thể sinh ra những trái xấu, gây tai hại khủng khiếp cho chính mình, đời này và đời sau. "Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa" (Mt 3,10). 3. Chân lý đem lại sự sống dồi dào. Có lúc Gioan Baotixita muốn cho các môn đệ của mình hiểu thêm về Chúa Giêsu, nên đã sai họ đến hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác. Chúa Giêsu trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều các anh đã mắt thấy tai nghe. Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng" (Mt 11,3-5). Với những chi tiết đó, Chúa Giêsu đã cho Gioan thêm một hình ảnh về Người. Đó là hình ảnh chân lý mang lại sự sống, sự sống dồi dào. Đây là một hình ảnh mà chính Đức Kitô đã đưa ra để làm chứng về mình. Hình ảnh này sẽ là một bổ túc cần thiết cho sứ mạng giới thiệu của Gioan. Gioan lúc đó sắp bước vào giai đoạn kết thúc đời mình. Khi nhận được một hình ảnh đẹp như thế về Đấng Cứu thế, Gioan được an ủi nhiều. Ngài có thể an tâm ra đi, vì Đấng Cứu thế mà Ngài giới thiệu, chính là tình yêu thương xót. Những ai gánh nặng có thể đến với Người (Mt 11,28). Những ai như những con chiên không được ai chăm sóc, có thể tin tưởng vào Người (Mt 9,37). Thánh Gioan Baotixita không để lại của cải gì cho các môn đệ. Ngài chỉ để lại một hình ảnh đẹp nhất, dễ thương nhất, mà mọi người đang rất cần. Hình ảnh ấy là hình ảnh Chúa chiên lành nơi Đức Giêsu. Chúa chiên có trái tim đầy tình thương xót. Với trái tim ấy, Chúa Giêsu kêu gọi: "Nếu ai khát, hãy đến cùng Ta. Ai tin vào Ta, hãy đến mà uống. Như Kinh Thánh đã nói: Từ trái tim Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống" (Ga 7,38). B. Chứng nhân ánh sáng Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh. Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó. Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường. Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết. Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí. Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi. Thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của Ngài. Nhìn vào cuộc đời Ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:

1.Ánh sáng của sự khiêm nhường. Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh Ngài. Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Êlia vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả. Ngài tự nhận mình chỉ là một "tiếng kêu trong sa mạc". Ngài khiêm nhường nói rằng Ngài không xứng đáng xách giày cho Đẫng Cứu Thế. Thật là khiêm nhường tự hạ. Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo Ngài một làn ánh sáng. Ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của Ngài càng có sức thuyết phục. Ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.

2. Ánh sáng của sự khổ hạnh. Phần lớn đời Ngài ẩn dật trong sa mạc. Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe doạ của thú dữ, thánh Gioan Baotixita còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc. Y phục của Ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của Ngài là châu chấu và mật ong rừng. Sự khổ hạnh không chỉ loé sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai. Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại. Người khổ hạnh là người đặt niểm hy vọng ở tương lai. Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa. Tương lai tươi sáng mà thánh Gioan Baotixita chờ đón chính là Đức Giêsu Kitô mà Ngài loan báo.

3. Ánh sáng của sự trung thực. Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên Ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có. Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình. Trung thực với lòng mình, nên Ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên Ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hêrôđê không đựơc phép lấy chị dâu. Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Đức Giêsu Kitô.

4. Ánh sáng của sự quên mình. Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật. Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết. Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng. Khi mọi người tuôn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Đức Giêsu, nên Ngài nói: " Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người" (Ga 1, 27). Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Đức Giêsu. Khi thấy đám đông đã bỏ Ngài để đi theo Đức Giêsu, Ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên Ngài nói: "Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Ga 3, 30 ).

Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo. Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên. Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Ngài đã biết tự huỷ mình đi để Chúa được nhận biết. Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa. Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.


Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của chân lý, chứng nhân của ánh sáng.


 


 

Tác giả bài viết: LM. Giuse Nguyễn Hữu An

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây