Giáo xứ Vinh Hương

Thánh Phêrô NGUYỄN KHẮC TỰ, Thày giảng (1808-1840)

Thứ năm - 09/07/2020 06:53
- Ngày 10 tháng 07 - Chiếc khăn tình nghĩa

Cuộc tử đạo của thánh Phêrô Tự là một biểu hiện sâu xa mối tình thày trò, mối tình cha con tinh thầntrong giáo hội. Ngày 31.07.1838, sau khi quân lính bắt được linh mục thừa sai Borie Cao, các tín hữu sợ liên lụy nên làm ngơ như không quen  biết. Nhưng thày giảng Tự lẽo đẽo theo đám lính, vừa khóc lóc vừa xin đi theo gót thày mình. Quân lính thấy thế sinh nghi, bắt thày đưa đến trước mặt vị thừa sai. Cha Cao vì không muốn thày bị liên lụy, liền giả bộ không hề biết “người thanh niên” này là ai, sau tình nguyện bỏ tiền ra để chuộc tự do cho anh ta.
 
Nhưng thày Tự đã quyết tâm thực hiện ý định của mình khi làm điều đó. Thấy tuyên bố thẳng, mình là đệ tử của người bị bắt, và năn nỉ với ngài: “Xin cha cho con theo cha đến cùng”. Trước thái độ chí tình, vị linh mục xúc động, xé chiếc khăn quàng  làm hai, trao một phần cho người môn sinh, cũng là cộng tác viên đắc lực nhiều năm qua và nói: “Cầm lấy, hãy cầm lấy nó làm bằng chứng cho lời thày đã hứa”. Và thày Tự đã giữ miếng vải đó suốt hai năm trời cho đến ngày tử đạo, trong đó gần bốn tháng cùng giam với người cha linh hồn. Thày đã ghi lại cuộc tử đạo anh hùng của người cha yêu quý, để cùng với ngài theo chân Đức Kitô, vị Tôn sư duy nhất đến đỉnh đồi can -vê của mình.
 
Xin theo cha đến cùng
 
Phêrô Nguyễn Khắc Tự  sinh năm 1808 tại Ninh Bình thời vua Gia Long. Từ nhỏ cậu Tự  đã được vào nhà Đức Chúa Trời, rồi trở thành thày giảng theo giúp cha già Quế. Khi cha già qua đời, thày được cử đến giúp linh mục  Dumoulin Borie Cao. Trong bốn năm giúp cha Cao, thày tỏ ra rất nhiệt tình, hiền từ  và tận tuỵ. Bốn năm cùng làm việc tuy chẳng lâu, nhưng đã phát sinh  một mối tình thân thiết đặc biệt giữa hai người. Chính sự gắn bó đó đã đưa thày Tự vào vòng lao lý khi muốn theo vị linh mục đến cùng.
 
Sau khi áp giải cha Cao và thày Tự từ bố chính về Đồng Hới, quan cho nhốt hai người riêng. Nhưng nhiều lần cả hai cùng với linh mục Khoa, Điểm và ông năm Quỳnh  bị đưa ra tra khảo chung. Lần đầu tiên thày bị đánh 20 roi vì tội không chịu quá khoá. Hôm sau quan cho điệu riêng thày ra tra khảo: “Ngươi gặp đạo trưởng đã lâu chưa?”. Thày đáp: “Được bốn năm”. Quan hỏi tiếp: “Vậy ngươi gặp đạo trưởng ở đâu?”. Để tránh liên lụy đếm mọi người thày Tự nói: “Tôi gặp ông ấy ở trên thuyền, và rồi chúng tôi ở chung với nhau”. Quan tức giận quát lớn: “Nói dối, tên này dám khai man. Lính đâu cho nó 30 roi”. Thày Tự đã nhẫn nhục chịu đòn, không hề kêu ca một lời.
 
Những cuộc tra khảo, đòn vọt và ép buộc quá khóa như thế cứ tái diễn nhiều lần trong bốn tháng. Một hôm để ép buộc cha Cao  khai những nhà đã cho trú ẩn, quan lôi thày ra đánh trước mặt ngài, cũng may là người linh mục cũng nhanh trí khai tên những người đã chết, để thày bớt bị đòn vọt. Thày Tự luôn kiên vững với niềm tin. Thày vẫn khuyên nhủ các tín hữu đến thăm hãy chấp nhận thánh ý Chúa, trung thành vì đạo và cầu nguyện cho nhau đủ sức chịu đựng đến cùng. Khi có thể thày tận dụng hoàn cảnh để dạy giáo lý và cắt nghĩa  về đạo cho những bạn tù và những lính canh ngoại giáo. Thêm vào đó, thày siêng năng cầu nguyện, xin Chúa cho mình can đảm hy sinh vì Chúa. Hai lần cha Ngôn đã khéo léo cải trang  vào ngục thăm viếng và cho thày rước lễ.
 
Ngày 24.11.1838, thừa sai Dumoulin Cao (bấy giờ đã nhận được sắc phong giáo mục) cùng hai cha Điểm và Khoa  bị điệu đem ra xử tử. Cũng trong bản án đó, thày Tự và một tù nhân  khác, ông năm Quỳnh được vua Minh Mạng phê như sau: “Tuy không phải là đạo trưởng, nhưng hai kẻ này là mù quáng cố chấp không kém, nên cũng thuộc vào số những kẻ đáng cho trẫm ghét bỏ. Do đó cả hai đều kết án xử giảo (xiết cổ cho chết), nhưng chưa xử ngay”.
 
Theo thừa sai Miche Mịch, nhà vua trì hoãn việc xử vì muốn chờ ông Quỳnh, một người có uy tín lớn, nản lòng bỏ đạo. Ba bốn bận các quan gởi sớ vào xin thi hành bản án, nhưng vua Minh mạng viết thư yêu cầu  nhẫn nại chờ đợi.
 
Lãnh phúc trên mảnh đất thấm máu người cha
 
Thấm thoát gần hai năm trôi qua, thày Tự và ông năm Quỳnh  vẫn vững vàng giữ trọn niềm tin của mình. Nhiều lần được đưa ra trước công đường và bị tra tấn, cà hai người đều không thay đổi lập trường. Cuối cùng vào tháng 07.1840, nhà vua cho lệnh thi hành bản án. Khoảng 100 binh lính áp giải chứng nhân Chúa Kitô ra pháp trường Đồng Hới. Rất nhiều tín hữu cũng như lương dân đi theo. Đến nơi thày Tự hỏi cho biết chính xác chỗ trước đây đã xử Đức Cha Cao, rồi vui vẻ quỳ ngay xuống đó để cầu nguyện. Hai người con ông Quỳnh đến chào giã biệt thày, thày hứa sẽ cầu nguyện cho họ, và nhắn lời chào giả biệt đến các tín hữu.
 
Giờ hành quyết đã điểm. Thày Tự nằm xuống cho lính thòng dây qua cổ. Được lệnh hai người lính cầm hai đầu dây  cùng xiết mạnh, đưa thày giảng 32 tuổi về hưởng phúc với Chúa Kitô, tại chinh nơi đầu người cha tinh thần thày rơi xuống. Ông Quỳnh cũng bị xử giảo (xiết cổ) như vậy. Hôm đó là ngày 10.07.1840.
 
Gần 60 năm sau, Đức Lêo XIII đã suy tôn thày giảng  Phêrô Nguyễn Khắc Tự lên hàng chân phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Tác giả bài viết: Lm. Đào Trung Hiệu, OP

Nguồn tin: www.thanhlinh.net

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây