Giáo xứ Vinh Hương

Chia sẻ gánh nặng cho nhau

Thứ năm - 12/05/2011 10:30

Chia sẻ gánh nặng cho nhau

Ai muốn làm lớn trong anh em, kẻ ấy hãy là người hầu hạ và phục vụ anh em mình một cách khiêm tốn ...

 

 

Trong tác phẩm ‘Những người lữ hành trên đường hy vọng’ có câu chuyện kể về một người tù ở Trung Quốc. Người tù ấy cũng phải chịu những hoàn cảnh khổ sở về lao động, thiếu thốn về thức ăn áo mặc như mọi tù nhân khác; nhưng có điều rất khác là người tù linh mục ấy có cặp mắt tinh anh, dáng người tuy hao gầy nhưng lại luôn sẵn sàng giúp người khác gánh chiếc gánh của họ, đó là linh mục Shah.

Có một hôm tôi gặp một linh mục khi đến thăm ngài ở nhà xứ. Ngài mời tôi uống ly nước hoa quả ngay trong nhà bếp. Uống nước xong, tôi còn lóng ngóng không định rửa chiếc ly dơ của mình – vì nghĩ rằng đã có bà bếp và mình rửa sẽ không được sạch như khuôn phép của nhà xứ. Vị linh mục cũng uống nước xong và ngài rửa luôn cả những đồ dơ đang ngâm trong chậu. Ngài nói: “Nhiều người lấy làm khó hiểu khi thấy tôi rửa chén bát, vì họ nghĩ đã có bà bếp; nhưng thực ra bà ta lại bị nấm ở tay, nên tiếp xúc với nước nhiều cũng không tốt, và mình thường giúp một tay”. Tôi vội trả lời với ngài: “Mang đỡ gánh nặng của nhau cũng là một nhân đức mà!”. Nhưng sau đó, tôi tự nghĩ chẳng lẽ có nhân đức mới được thêm vào các nhân đức khác như tin, cậy, mến, khiêm nhường, khó nghèo hay sao?- Vâng, biết quan tâm đến nhau, biết chia sẻ gánh nặng cho nhau cũng là một nhân đức, vì là con đẻ của đức yêu thương (bác ái).

Đọc lại sách Công Vụ Tông Đồ, Giáo hội sơ khai sống đượm tình huynh đệ, chia sẻ của cải cho nhau đến nỗi chẳng ai trong họ phải thiếu thốn. Thuở ấy, chính các Giám mục là các Tông đồ cũng phục vụ bàn ăn và những nhu cầu thường ngày của anh em mình; về sau mới chọn thêm những trợ tá, để các Tông đồ chuyên tâm lo việc giảng dạy Lời Chúa. Nhưng các Ngài vẫn luôn được mời gọi phục vụ anh em mình trong tinh thần khiêm tốn: Ai muốn làm lớn trong anh em, kẻ ấy hãy là người hầu hạ và phục vụ anh em mình một cách khiêm tốn, theo gương Thầy chí Thánh.

Tâm lý thời đại thường nghĩ rằng người Thánh thiện phải là người có một lối sống khắc khổ nhiệm nhặt và có những hoạt động xã hội thiết thực phục vụ anh em mình. Nhưng đâu phải ai cũng có tài để làm được như vậy? Thực ra một khu vườn đẹp không nhất thiết phải trồng một loại hoa và bông nào cũng giống hệt nhau, mà là có một sự hài hòa giữa nhiều loại hoa khác màu khác giống. Sự thánh thiện của Kitô giáo cốt ở sự liên kết với Thiên Chúa là Đấng Thánh và luôn cố gắng sống trọn tinh thần Phúc âm trong hoàn cảnh cụ thể của mình, và mọi người luôn được mời gọi nên thánh như Cha trên trời là Đấng Thánh.

Người trẻ hôm nay dễ bị cuốn vào lối sống thực dụng: thỏa mãn cơn đói vật chất hơn là những lý tưởng cao thượng. Địa vị, danh vọng, lạc thú, xa hoa… vẫn luôn là chùm đèn lấp lánh cuốn hút những ‘con thiêu thân’ hơn là những đòi hỏi của Tin Mừng, nhiều người vội vã tìm đạt đến những mục đích trên bất chấp nhân phẩm và đạo lý. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn trong bài hát ‘Một Đời Người, Một Rừng Cây’ nêu lên một câu hỏi thật thấm thía: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai?”, đó chính là tiếng vọng của Lời Chúa: Hãy ra công làm việc, không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh. (Ga 6,27)

Mỗi người chỉ có một kiếp người. Tôi chọn Chúa hay chọn thế gian nầy. Tôi chọn phục vụ anh em hay chỉ biết thu vén cho cá nhân tôi…Những thảm cảnh gia đình và xã hội xảy ra là do sự vô tâm của ‘ai đó’ đối với cuộc đời anh em mình. Những bao rác được vứt xuống bên vệ đường sẽ làm thành bãi rác, kể cả chai lọ thủy tinh và rác y tế… là một thách đố cho tiếng nói lương tâm và là thước đo của tình yêu con người dành cho nhau.

Hãy góp cho đời một chút gió mát tình thương, bằng cách tập nghĩ đến người khác khi mở miệng nói một lời gì đó, hoặc khi làm một hành động dù rất nhỏ như cất đi một chướng ngại vật trên đường đi của một người mù. Và thỉnh thoảng nên dành thời gian thăm viếng những kẻ bất hạnh, bệnh tật và cô đơn quanh ta. Mỗi ngày hãy tự nguyện và ý thức làm một vài cử chỉ phục vụ những người thân yêu nhất trong gia đình mình… Đó là chúng ta đã biết nâng đỡ gánh nặng cuộc đời cho nhau.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây