Giáo xứ Vinh Hương

Ngây dại vì danh tiếng

Thứ ba - 26/09/2017 20:39
Chúng ta quá ngây dại trước những người nổi tiếng vì chúng ta lúc nào cũng nhìn bề ngoài để tìm chuyện vĩnh cửu.
 


Chúng ta ngây dại vì danh tiếng. Đa số chúng ta đều nghĩ rằng những người giàu và danh tiếng có một địa vị thần thánh, còn đời sống chúng ta thì dường như nhỏ bé, trống rỗng, gần như chẳng đáng sống so với những gì chúng ta tưởng tượng về họ.

Chúng ta nghĩ những người có danh tiếng có đời sống cao cả hơn đời sống chúng ta. Chúng ta chỉ sống ở một chỗ, vô danh, trong nhà, không ai biết, còn người danh tiếng, hình ảnh của họ được mọi người nhận biết, tên của họ mọi người quen thuộc, giống như Chúa, họ hiện diện gần như bất cứ đâu. Chẳng ngạc nhiên khi chúng ta xem họ như thần thánh và tôn thờ họ.

Nhưng còn hơn thế: chúng ta nghĩ danh tiếng sẽ làm mình bất tử. Người danh tiếng tuy chết, nhưng họ vẫn sống – Marilyn, Elvis, Diana – chẳng cần ghi đầy đủ họ tên, ai cũng biết. Ngoài nấm mồ, có một cái gì của họ vẫn còn ở lại. Chắc chắn danh tiếng để lại một cái gì không gột đi được. Chúng ta sợ cuộc đời chúng ta bị bỏ quên, chúng ta mất hút, còn những người danh tiếng ở lại.

Vì thế không ngạc nhiên khi chúng ta ngây dại trước những người danh tiếng. Đối với chúng ta, họ là những vị thần hiện diện khắp nơi và bất tử.

Nhưng có thật danh tiếng làm cho cuộc đời cao cả hơn không? Nếu khuôn mặt được xuất hiện trên các trang bìa tạp chí, trên các áp-phích khắp nơi, liệu đương sự có đi trên con đường đúng hay không? Địa vị danh tiếng làm cuộc sống họ cao lớn, liệu cuộc sống của họ có cao lớn hơn cuộc sống của chúng ta không? Danh tiếng có đi kèm theo một loại bất tử không?

Ở bề mặt, có. Danh tiếng và để tên lại trong lòng dân tộc, nói cách khác, là hiện diện và đó cũng là một hình thức bất tử.

Nhưng, cao lớn hơn cả cuộc sống và bất tử là những khái niệm rất mù mờ. Có một cái gì mờ mờ và không thực tế trong loại hiện diện khắp nơi và bất tử do danh tiếng đem lại. Bạn không thể tiêu hóa nó và bạn cũng không thể có mặt chỉ vì cái tên. Cuối đời, danh vọng không làm bạn cao cả thật sự, cũng không cho bạn được bất tử khi bạn đi theo nó. Cô đơn, cuồng hoảng, sợ sệt, gãy đổ, cay đắng, nghiện ngập, trống rỗng đầy dẫy trong cuộc sống của những người danh tiếng. Không phải tình cờ mà ba người nói trên – Marilyn, Elvis, Diana – sống sao chết vậy. Danh tiếng chính nó, không làm cho cuộc đời thành bất tử hoặc cao cả hơn.

Cái gì làm cho cuộc sống chúng ta cao cả và bất tử? Lòng trắc ẩn và chiêm nghiệm.

Lòng trắc ẩn: Tất cả các tôn giáo lớn, từ Ấn giáo đến Thiên Chúa giáo đều dạy cuộc đời chúng ta nhỏ bé không phải vì nơi chốn, vô danh hay địa vị nhưng nhỏ bé vì tính ích kỷ, tự đủ, ego và ái kỷ. Tuy nhiên với lòng trắc ẩn, tôi có thể phá vỡ cái vỏ bọc tính ích kỷ của tôi, tôi thông cảm với cảm nhận và suy nghĩ của người khác, vì thế cuộc sống của tôi sẽ trở nên cao cả hơn.

Tôi quen một vị ẩn tu sống một mình 35 năm. Ông sống cô độc và ít người biết đến ông. Tuy nhiên, ngược lại, cuộc đời của ông lại rất cao cả. Đó là người tôi biết họ nối kết với rất nhiều người. Theo ông nói, ban đêm khi cầu nguyện là lúc ông cảm thấy nhịp tim của ông cùng đập chung với nhịp tim của vũ trụ, với từng niềm vui, nỗi buồn của từng người.

Điều này rất ngược với kinh nghiệm chung của chúng ta, chúng ta ở trong lòng cuộc sống xáo trộn ngoài xã hội, chúng ta lại chẳng cảm thấy gì, chúng ta chỉ bận tâm đến cuộc sống nhỏ nhặt của mình.

Chiêm nghiệm cũng có cùng tác dụng: Chúng ta kết hiệp sâu xa với thế giới bên ngoài và chúng ta thưởng thức được hương vị bất tử khi chúng ta chiêm nghiệm một mình. Vì sao?

Chiêm nghiệm không phải là một trạng thái mà trí óc không nghĩ gì hết, một tình trạng trống rỗng. Cũng không nhất thiết phải nghĩ những gì tinh tế, cao siêu, thánh thiện. Chiêm nghiệm, như Thomas Merton định nghĩa, là tâm trạng trong đó chúng ta hiện diện với những gì xảy ra trong cuộc sống, trong vô tận, trong chiều kích vĩnh cửu của sự việc. Chúng ta cô đơn và chiêm nghiệm khi chúng ta ý thức mình đang uống ly nước là đang uống ly nước.

Merton mô tả giây phút ân sủng của chiêm nghiệm:

Trong thế giới bình thường, đời sống hôm nay như thế là đã quá đủ, đói ăn, khát uống, lạnh nóng, thức dậy và đi ngủ. Làm giường xếp giường, pha ly cà-phê uống buổi sáng. Xả đá tủ lạnh, đọc sách, chiêm nghiệm, làm việc. Tôi sống như tổ tiên tôi đã sống trên quả đất này, cho đến ngày chết. Amen. Không cần phải khẳng định cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống của tôi, chẳng nghi ngờ gì, đó không phải là cuộc sống của người khác. Tôi phải học dần dần để quên chương trình dự án và chuyện màu mè bên ngoài?

Chúng ta quá ngây dại trước những người nổi tiếng vì chúng ta lúc nào cũng nhìn bề ngoài để tìm chuyện vĩnh cửu, chuyện làm chúng ta cao cả và bất tử. Nhưng những chuyện chúng ta tìm thì nó đã ở sẵn trong lòng chúng ta, chúng ta chỉ cần thức chúng dậy, gọi tên chúng, hiệp thông với lòng trắc ẩn với tất cả những gì là hương vị của bất tử và vĩnh cửu, ý thức cảm nhận nóng lạnh trong chính cuộc sống chúng ta. 

Tác giả bài viết: Ronald Rolheiser  -  J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây