Giáo xứ Vinh Hương

Thiên Chúa, tác giả tối cao của khoa học viễn tưởng

Chủ nhật - 30/07/2017 06:41
Khoa học viễn tưởng cũng nhắc nhở chúng ta rằng điều mà thế gian cho là hạnh phúc không phải lúc nào cũng hạnh phúc nhất.

Tác giả Guy Consolmagno S.J.
nhà thiên văn của Vatican

Tháng mười một năm 2015, Grayson Clary viết trên The Atlantic một bài báo gây nhiều tranh cãi với tựa đề "Tại sao nhiều người Công giáo quan tâm đến khoa học viễn tưởng". Trên thực tế, khoa học và khoa học viễn tưởng là một nguồn vui lớn, thậm chí cả niềm vui tinh thần, hài hòa cùng những niềm vui khác, như nguyên tắc căn bản của linh đạo dòng tên: "Tìm  thấy Thiên Chúa trong mọi sự".

Gần đây tôi tham gia một hội thảo tại Notre-Dame University về chuyên đề: "Tìm cách nói về Thiên Chúa". Chủ đề của hội nghị - như các nhà tổ chức cho biết, được lấy từ 'Winter Sun' (Mặt Trời Chiến Thắng) của tác giả Fanny Howe - đề cập đến sự do dự của nhiều tác giả khi viết về tôn giáo hay tâm linh tại thời điểm mà tôn giáo bị nhìn bằng con mắt ngờ vực hay bị coi là một thứ gì đó quá tầm. Bằng cách tránh những thuật ngữ tôn giáo truyền thống, một số nhà thơ, tiểu thuyết gia, tác giả hồi ký và khoa học viễn tưởng đã quay lại với đề tài tôn giáo và tâm linh, và một số tác giả đã nỗ lực tìm cách thức diễn đạt mới để nói về Thiên Chúa".

Hội nghị tổ chức thảo luận về thơ ca, tiểu thuyết, về những nỗ lực sáng tạo và viết tiểu sử, về tiểu thuyết giả tưởng và về khoa học viễn tưởng. Sự kiện này qui tụ các nhà văn nổi tiếng và những tác giả mới nổi khác, theo các nhà tổ chức, đang "đấu tranh trong tác phẩm của họ với lý lẽ tâm linh và cố gắng làm theo một cách mới". Trong bối cảnh này, tôi sẽ thử xem xét những câu chuyện giả tưởng và khoa học viễn tưởng từ quan điểm Công giáo.

Cá nhân tôi bắt đầu đọc khoa học viễn tưởng từ lúc còn rất trẻ, khi tôi là thành viên ca đoàn. Trong thư viện thành phố nơi tôi lớn lên có một kệ sách khoa học viễn tưởng, ngay trước khu vực sách "dành cho người lớn". Có lẽ cán bộ thư viện đã đặt chúng ở đó vì nghĩ rằng sách thuộc loại này không được phù hợp lắm với người lớn. Với tôi, đó là món khai vị trong thế giới tiểu thuyết "hiện thực", gần giống như một cậu bé thành viên ca đoàn lần đầu tiên tham dự vào phụng vụ của Giáo Hội. Mọi người trong gia đình tôi thường xuyên và cần mẫn vào thư viện và, khi chọn được những cuốn sách ưng ý, anh em chúng tôi đứng chờ mẹ tìm sách tại khu vực dành cho người lớn, bên cạnh kệ sách khoa học viễn tưởng.

Cuốn sách thực sự khiến tôi quan tâm đến khoa học viễn tưởng là một tuyển tập các câu chuyện cổ điển về "thời kỳ vàng son" (vào thập niên bốn mươi, thế kỷ trước), "Kho tàng khoa học viễn tưởng" của đạo diễn Anthony Boucher. Boucher, biệt danh William A. P. White, là người sáng lập và biên tập viên của "Tạp chí Khoa học Giả tưởng và Viễn tưởng", đã từ lâu được xem là tạp chí về khoa học viễn tưởng có uy tín nhất. Rõ ràng, trong thế giới khoa học viễn tưởng, Boucher cũng được biết đến là một người Công giáo hoạt động. Vào thời điểm mà chủ nghĩa duy vật cứng nhắc được coi là điều kiện tiên quyết căn bản cho một con người của khoa học "hiện đại" và "hợp lý", giáo lý công giáo của ông thực sự bị coi là điều gì đó kỳ quặc.

Mặc dù hiện nay rất khó tìm sách truyện trong các hiệu sách và tạp chí khoa học viễn tưởng truyền thống ít phổ biến, thì truyện ngắn vẫn là điểm khởi đầu tốt nhất cho một người đọc hoặc một nhà văn khoa học viễn tưởng. Không giống như tiểu thuyết, một truyện ngắn có thể phát triển trên một ý tưởng thông minh và một số nhân vật được phác thảo khéo léo. Hơn thế nữa, trong định dạng ngắn không có không gian để phát triển những cạm bẫy như đã có quá nhiều trong các tiểu thuyết xấu (không chỉ là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng): sự kiện đi kèm không cần thiết và mô tả nhàm chán. Trái lại, tác giả phải chú ý đến cách thức hoạt động trong câu chuyện để làm nổi bật cốt lõi của chính nó.

Kỹ thuật phát triển chủ đề một cách liên tục trong bản văn được Jo Walton - nhà phê bình và là tác giả chuyện khoa học viễn tưởng - gọi là "incluing" (exposition - mô tả, trưng bày). Dưới đây là một ví dụ: Hãy hình dung rằng trong thế giới hư cấu của mình, bạn đã sáng tạo ra một yếu tố quan trọng của chủ đề, một cỗ máy phổ biến trong vũ trụ và câu chuyện đang phát triển, cũng như trong thế giới chúng ta, một chiếc máy photocopy chẳng hạn. Không ai trong thế giới thực mất thì giờ để giải thích sự vận hành của chiếc máy vì hầu như ai cũng có một chiếc. Bây giờ phải làm sao để các nhân vật trong câu truyện nói về cách thức vận hành của chiếc máy? Do vậy bạn sẽ phải viết một cảnh về chiếc máy bị hỏng. Sau đó, như một nhân vật phàn nàn với nhận vật khác về lý do chiếc máy bị hỏng, người đọc sẽ tự biết phải làm gì để chiếc máy hoạt động lại...

Một trong những yếu tố hấp dẫn và thu hút độc giả khoa học viễn tưởng - nhưng có thể tác dụng ngược lại đối với người khác - chính là niềm vui được hình thành từ việc tìm ra manh mối, bằng cách giải quyết câu đố mà tác giả tưởng tượng ra. Sau hết, đây chính xác là những gì mà một nhà khoa học phải làm khi ông tìm hiểu vũ trụ. Thiên Chúa là bậc thầy về trưng bày: tác giả tối cao của khoa học viễn tưởng!

Lý do thực sự tôi muốn nghiên cứu các hành tinh là muốn đưa chúng vào chuyện khoa học viễn tưởng, trong đó chúng đem lại những cuộc phiêu lưu cho nhân vật giống như tại những vị trí vật lý. Hiện nay, điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng trước đây không phải vậy. Trong quá khứ, người ta nghĩ rằng các hành tinh là những điểm sáng trên bầu trời. Trước thời đại không gian, kể từ thời Ptolemy - bao gồm Copernicus, Kepler và Newton, và đến nửa đầu thế kỷ XX - thiên văn học chỉ nghiên cứu chuyển động của các hành tinh.

Mục đích là để tìm cách dự đoán, tại một thời điểm, vị trí chính xác của những điểm sáng đó so với các chòm sao. Có thể xác định điều đó từ những cuốn sách nổi tiếng và từ tài liệu thiên văn học thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, trong thư viện của Đài thiên văn Vatican. Các tác giả này đôi khi đề cập đến kích thước và khối lượng của các hành tinh và mặt trăng của chúng, những vật thể khó quan sát chuyển động hơn. Nhưng không một tác giả nào mất công chia khối lượng và thể tích để tính toán tỉ trọng của một hành tinh, và thậm chí không suy đoán về vật chất bên trong để khả dĩ cho biết mật độ của chúng.

Ngoại lệ duy nhất là cha Angelo Secchi, linh mục dòng Tên người Ý, đã viết "Cơ cấu vật lý của hệ mặt trời" vào năm 1859, trong đó, cha mô tả bề mặt sao Hỏa và các hành tinh khác. Cha là người đã thực hiện một khám phá nổi tiếng về các bóng đen trên sao Hoả mà theo ngài là "những con kênh". Được biết, cha Secchi cũng là người đầu tiên đưa ra một bảng phân loại có hệ thống các ngôi sao theo quang phổ, nghĩa là theo thành phần cấu tạo của chúng: đó là những bước đầu tiên của bộ môn mà chúng ta gọi là "vật lý thiên văn".

Chính khoa học viễn tưởng là lý do thực sự khiến tôi năng lui tới Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Đức tin Công Giáo dạy chúng ta biết cách nhìn vào lịch sử của mình. Những cuộc phiêu lưu trên các hành tinh khác cho ta biết rằng qui luật về những gì đúng hoặc sai cũng bắt nguồn từ vũ trụ, chẳng hạn như định luật hấp dẫn vũ trụ. Và khoa học viễn tưởng cũng nhắc nhở chúng ta rằng điều mà thế gian cho là hạnh phúc không phải lúc nào cũng hạnh phúc nhất.

Tác giả bài viết: Huuchanh dịch từ bản tiếng Pháp của Constance Roques, Zenit

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây