Giáo xứ Vinh Hương

Thời đại Chúa Thánh Thần

Chủ nhật - 12/06/2011 10:26

Thời đại Chúa Thánh Thần

- Hồng ân Thánh Thần ban cho Giáo hội là sự bình an, hiệp nhất và xây dựng cộng đoàn.

Chúa Giêsu đã nói cho chúng ta một sự thật: “Thầy đi thì có lợi hơn cho anh em, vì nếu Thầy không ra đi thì Đấng phù trợ sẽ không đến, chính Ngài sẽ nhắc anh em nhớ lại những lời Thầy đã nói với anh em”. Chúa đã về trời và Chúa Thánh Thần đã đến với Giáo hội trong ngày lễ Ngũ Tuần (CVTĐ 2,1-4)

Ai trong chúng ta cũng biết mình đang sống trong thời đại Chúa Thánh Thần, tuy có một thời gian dài Ngài bị lãng quên, không được yêu mến và kính thờ như Một Ngôi Vị Thiên Chúa. Chúng ta tri ân Thiên Chúa Cha vì công trình tạo dựng và tình thương bao bọc của một người cha dành cho con cái; chúng ta tri ân Chúa Giêsu vì công trình Nhập thể, Chết và Phục sinh để giải thoát muôn người khỏi án tử muôn đời; nhưng chúng ta thường chỉ nhớ đến Chúa Thánh Thần khi cầu xin ơn soi sáng trợ giúp cho một giờ cầu nguyện, chứ mấy khi xác tín về sự hiện diện và hoạt động của Ngài trong mọi biến cố cuộc đời, mấy khi ta ta thân thưa với Ngài: “Lạy Chúa Thánh Thần, là Ngôi Ba Thiên Chúa, con  yêu mến Ngài”; thậm chí có nhiều người còn làm dấu Thánh Giá “Nhân danh Cha và Con và Thánh và Thần”.

Có người còn nhận định về Giáo hội rằng: “Đây là thời kỳ hậu Kitô giáo”. Họ muốn ám chỉ rằng: Kitô giáo đã đi vào giai đoạn suy tàn, nền văn minh Kitô giáo không còn sức hấp dẫn nhân loại nữa, người ta đang mong chờ một nền văn minh khác đến chủ đạo cho tương lai nhân loại: có thể là Hồi Giáo hay Phật giáo. Nhưng không bao giờ có một nền văn mình nào có thể thay đổi nền văn minh Kitô Giáo cả, một nền văn minh dựa trên tình thương, hiệp nhất và đem lại bình an cho con người. Quả thật, chúng ta đang sống trong thời đại Chúa Thánh Thần, sự hoạt động của Ngài tuy âm thầm nhưng mãnh liệt, như lửa sưởi ấm và thiêu đốt, như nhúm men làm dậy cả khối bột. Không ai đóng khung cho hoạt động của Ngài: Gió muốn thổi đâu thì thôi, không ai biết được Gió từ đâu tới và sẽ đi đâu.

Cha Trần Sỹ Tín kể lại kinh nghiệm truyền giáo của Ngài ở vùng Pleiky: Thập niên 70 (10.10.1969), nhóm của Ngài lên vùng truyền giáo, chẳng có cơ sở và phương tiện nhiều, chẳng có cơ hội nói về Chúa cho ai, có những người anh em bỏ mạng, trong 20 năm năm trời chẳng rửa tội được cho ai… Thế mà  thập niên 90, sau biến cố phong thánh cho 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, các buôn làng trở lại rất đông, đông đến rửa tội không kịp, có những làng trở lại đạo hết – vậy mà trước đây chúng tôi chưa hề đặt chân đến đó. Đúng là việc Chúa làm.

Trong khối liên hiệp Âu Châu, một vùng đất được mệnh danh là mái nhà Kitô giáo: luật pháp, kiến trúc, văn học nghệ thuật đều mang đậm nét Tin Mừng. Vậy mà giờ đây, đa số dân chúng tỏ ra thờ ơ với tôn giáo, họ muốn quên nguồn gốc Kitô giáo của mình, họ sửa đổi luật pháp cho phù hợp với dục vọng của đa số dân chúng như ly dị, phá thai, hôn nhân đồng tính, chết êm dịu, họ có khuynh hướng tương đối hóa về niềm tin – xem như một sinh hoạt cá nhân, các nhà thờ và tu viện của họ trở nên thừa thãi và trống rỗng…Quả là một bức tranh ảm đạm về tôn giáo đang diễn ra ở Âu Châu, nhưng  có một bức tranh khác đầy sinh động lại diễn ra ở nơi khác, chúng ta hãy xem một vài con số: Trên hai phần ba tín hữu Kitô hiện sống ở Á Châu, Phi Châu, và Nam Mỹ Châu. Sau đây là những con số Jenkins cho biết: Âu Châu ngày nay có 560 triệu Kitô Hữu và Hoa Kỳ có 260 triệu, tuy nhiên nhiều người chỉ mang danh là Kitô Hữu. Trong khi có 480 triệu Kitô Hữu ở Nam Mỹ, 313 triệu ở Á Châu, và 360 triệu ở Phi Châu. Phần lớn những người này là Kitô Hữu có sống đạo. Kitô giáo vẫn là một Tôn giáo có nhiều tín đồ nhất và chưa bao giờ Giáo hội lại có mặt khắp năm châu như bây giờ (Điều Vĩ Đại Của Kitô Giáo).

Bước qua ngàn năm mới, thế giới trở nên hỗn loạn với nạn khủng bố của một số người Hồi giáo quá khích. Nhiều vụ nổ bom phá hủy các nhà thờ của tín hữu Kitô, nhiều vụ bắt cóc và thảm sát các giáo sỹ rất tàn ác, nhiều Kitô hữu phải tị nạn sang châu Âu, theo số liệu thống kê cứ 5 phút có một người theo đạo Kitô bị sát hại vì niềm tin của mình. Chúng ta nghĩ rằng nạn khủng bố gây nên bởi các người qua khích về tôn giáo chẳng bao giờ chấm dứt và dường như càng ngày càng gia tăng. Nhưng có một câu chuyện thực sự đã gây nên niềm hy vọng: Một nhà thờ làng Sol, một làng quê Aicập đã bị phá hủy bởi những người Hồi giáo cực đoan. Nhưng điều không ai ngờ đã xảy ra: một nhóm thanh niên hồi giáo và một số lãnh tụ kitô tại Cairo đã tức tốc đến Sol để giải quyết vấn đề. Nhóm người này đã từng sát cánh bên nhau trong cuộc cách mạng ôn hòa tại quảng trường Tahrir. Trong những ngày nổi dậy, các tín hữu Kitô đã dàn ra để bảo vệ người Hồi giáo khi họ cầu nguyện. Người Hồi giáo cũng làm như thế khi các tín hữu Kitô tham dự thánh lễ. Cũng có lúc tín đồ Hồi giáo và các tín hữu Kitô nắm tay nhau để bảo vệ Hội đuờng lịch sử của người Do thái tại Cairo. Phóng viên Bruce Feiler của tạp chí Time thuật lại rằng, vài tuần lễ sau, ông đã trở lại Sol và chứng kiến cảnh mọi người, già trả lớn bé, thuộc mọi giai cấp xã hội và tôn giáo, đang góp công xây dựng ngôi Thánh đường. Phóng viên Feiler viết: "Ðây là biểu hiện tỏ tường của một Trung đông đang biến chuyển". Ở Ai cập, Người Hồi giáo, người Kitô giáo và người Do thái giáo đang tìm được tiếng nói chung để hướng đến một cuộc chung sống hòa bình.

Hồng ân Thánh Thần ban cho Giáo hội là sự bình an, hiệp nhất và xây dựng cộng đoàn. Mỗi người là một chi thể trong Nhiệm thể Chúa Kitô, có những đặc sủng riêng Chúa ban để xây dựng Giáo Hội thêm lớn mạnh. Chúa Thánh Thần là Tình yêu liên kết Ngôi Cha và Ngôi Con, Chúa Thánh Thần trực tiếp cộng tác trong công cuộc cứu độ từ lúc khởi đầu mãi cho đến ngày tận thế. Và thiết thực hơn với mỗi người chúng ta, Chúa Thánh Thần là Tình Yêu liên kết mọi tâm hồn - phá đi sự phân rẽ của tháp Babel ngày xưa, đâu có tình yêu thương là ở đấy có sự hiện diện của Ngài.

Hãy trở nên dễ dạy với tiếng nói của Chúa Thánh Thần – nói với ta qua lương tâm, qua hoàn cảnh sống, qua Kinh Thánh, để tích cực dựng xây một Giáo hội trưởng thành về niềm tin, dạt dào tình mến và vững niềm cậy trông… cho đến khi Chúa Kitô lại đến.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây