Giáo xứ Vinh Hương

Tôi xin chọn Người (kỳ 23): Gia nghiệp đời tôi

Thứ ba - 03/03/2015 07:25
Các bạn thân mến

Sau khi Gioan Tẩy Giả đã làm phép rửa cho Đức Giêsu nơi dòng sông Gio-đan, ông đã làm chứng rằng Đức Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng sẽ xóa tội trần gian. Ngài là Đấng mà Gioan Tẩy Giả đã từng loan báo sẽ đến sau ông nhưng cao trọng hơn ông gấp bội phần thậm chí ông còn chẳng đáng để cúi xuống cởi quai dép cho Người. Lời chứng này của Gioan đã làm chính hai môn đệ của ông nảy sinh tò mò vì thế họ đã bước theo Đức Giêsu khi nghe thầy của mình giới thiệu như thế. Họ bước đi theo Đức Giêsu có lẽ đã được một quảng đường thì Đức Giêsu quay lại chợt thấy hai ông đi theo mình liền hỏi: “Các bạn tìm gì thế?”. Họ đã đáp lại : “Thưa thầy, thầy ở đâu?” Người đã mời gọi họ: “Hãy đến mà xem!”

Nghe lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả, các ông đã lên đường ra đi, đến với Chúa Giêsu và quan trọng hơn, các ông đã ở lại với Ngài. Cuộc gặp gỡ giữa các môn đệ với Chúa không chỉ là một vài lời thăm hỏi xã giao, nhưng họ đã ở lại, quan sát, lắng nghe, suy nghĩ và nhờ đó, họ đã thực sự xác tín chàng thanh niên có tên là Giêsu đang hiện diện giữa họ, đích thực là Đấng Messia mà họ đang mong chờ. Các môn đệ đã thực sự tìm kiếm và họ đã gặp. Họ tìm kiếm chân lý và họ đã gặp được Đấng là Nguồn của Chân lý. Họ tìm kiếm sự sống và họ đã gặp được Đấng Ban Sự Sống. Họ tìm kiếm hạnh phúc, bình an và họ đã gặp được Đấng Ban Bình An, một thứ Bình an mà thế gian không thể ban cho họ. Một trong hai môn đệ là Anrê sau khi đã gặp gỡ và ở lại với Chúa, ông đã trở về và “gặp Simon, anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”. Một lời khẳng định chắc nịch và đầy sự xác tín vì ông đã ở với Đức Giêsu và Ngài đã gợi lên trong lòng ông một niềm vui khó tả. Niềm vui khó tả ấy cũng diễn tả rằng các môn đệ đầu tiên đã tìm thấy và bắt đầu xác tín chỉ có Chúa là gia nghiệp và phần phúc của chính mình.

Các bạn thân mến

Một câu hỏi xem ra hơi bất thường, đúng ra, Chúa Giêsu phải hỏi: “Tại sao các lại đi theo tôi?”. Khi đặt câu hỏi: “Các anh tìm gì thế?”, một câu hỏi xem ra đơn giản, nhưng Chúa Giêsu đã muốn các ông làm một điều hết sức quan trọng, đó là xác định rõ mục đích của cuộc đời các ông. “Các bạn tìm gì thế?” không chỉ là câu hỏi dành riêng cho hai môn đệ nhưng được dành cho mỗi người chúng ta. Ta đang tìm kiếm gì trên cõi đời này? Ta đang mải miết theo đuổi những cái chi? Tiền bạc, danh vọng, những thú vui, hay sắc đẹp sẽ tàn lụi theo thời gian. Danh vọng và quyền lực thì nay còn mai mất. Để thấy rõ hơn chúng ta đang tìm gì, chúng ta có thể nhìn lại các lời cầu nguyện của mình. Nếu trong lời cầu nguyện của chúng ta tất cả đều bắt đầu bởi chữ xin: xin cho con được mạnh khỏe, xin cho con làm ăn thành công, hay là xin trời nắng, xin trời mưa, xin trúng số… thì những điều ta đang tìm kiếm chỉ mới giới hạn ở cuộc sống hiện tại, một cuộc sống rất hay thay đổi. 

Nhìn lại mình, ta sẽ thấy có lẽ chúng ta vẫn còn “đi theo” chứ chưa “đi tìm” Chúa. Ta vẫn còn “đi theo” gia đình và những người chung quanh đến nhà thờ, đến với các sinh hoạt tôn giáo nhiều năm nay, nhưng tâm hồn, ý muốn của ta chưa thật sự một lần “đi tìm” Chúa. Chỉ vì “đi theo” nên thời gian đến với Chúa của mỗi người chúng ta thật nặng nề và đời sống chúng ta chưa có sự đổi mới thật sự. Chúng ta còn ngại hy sinh, còn sợ chia sẻ. Chúng ta còn tính toán, so đo hơn thiệt về những danh vọng, của cải ở cuộc sống này. Cũng chỉ vì “chưa tìm”, nên chúng ta cũng “chưa gặp”.

Nhìn lại kinh nghiệm của hai môn đệ của Gioan ngày xưa, có lẽ ta phải bắt chước các môn đệ “đến và ở lại với Chúa”, nghĩa là, có một lần trong đời, loại bỏ tất cả những lo lắng về cuộc sống vật chất này, dành thời gian để xác định rõ mục đích cuộc sống của mình. Ta phải trả lời cho được câu hỏi “Tôi sống để làm gì?”. Mặt khác, để đạt được mục đích cuối cùng của cuộc sống, mỗi người chúng ta còn phải kiểm điểm và củng cố lại hằng ngày trong giờ kinh sáng tối. 

“Các bạn tìm gì thế?” mãi mãi vẫn là câu hỏi đang được gởi đến cho mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta hãy trả lời thật lòng mình với Chúa. Nếu ta vẫn mải miết tìm kiếm những thứ mau hư mất trên trần gian này thì đây là cơ hội để ta thay đổi bằng cách tìm cho mình một điều gì trường tồn và thật chắc chắn không bị thời gian huỷ diệt, và cũng không ai có thể chiếm đoạt mất. Ta chẳng thể vun vén cho đời mình gia nghiệp nào khác hơn ngoài chính Thiên Chúa. Thánh Augustinô sau một đời kiếm tìm sự khôn ngoan nơi các nhà hiền triết, hùng biện đã thốt lên: “Vì Chúa đã tạo dựng nên chúng con cho Chúa, nên bao lâu chúng con chưa được nghỉ yên trong Chúa, thì lòng chúng con những bồi hồi khắc khoải”. Các bạn có khắc khoải bồi hồi như thánh Au-gus-ti-nô không?


Tác giả bài viết: Jos. Nguyễn Huy Mai

Nguồn tin: www.vietvatican.net

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây