Giáo xứ Vinh Hương

Tôi xin chọn Người (kỳ 25): Niềm vui được cứu độ

Thứ bảy - 21/03/2015 21:23

Các bạn thân mến

Ngay sau khi A-đam và E-và bất tuân Thiên Chúa vì đã ăn trái cấm, Thiên Chúa đã bắt đầu dự phóng một kế hoạch để cứu độ con người. Ngài không đành tâm để con người mãi bị đọa đày bởi tội lỗi và sự dữ. Vì thế, Ngài hứa ban Con Một của mình để giải phóng con người khỏi kiếp nô lệ lầm than.

Khi thời gian đã chín mùi, Ngôi Hai đã Nhập thể làm người trong lòng trinh nữ Maria. Ngài đã trở nên một con người thực thụ như bao người. Ba năm sống đời công khai đi rao giảng, Ngài chỉ rao giảng một chân lý duy nhất là: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất”. Và Thiên Chúa đã ban Con Một mình cho thế gian một cách cụ thể qua biến cố khổ nạn, như sự trao hiến tuyệt đối tình yêu của Ngài cho nhân loại.

Khi cảm thấy giờ của mình đã đến, Đức Giêsu dẫn các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem để hoàn tất đỉnh cao của kế hoạch cứu độ. Đây là ngày toàn thể dân Do Thái hằng trông ngóng. Ngay khi Đức Giêsu vào thành để dự lễ Vượt Qua, dân chúng đã đổ xô ra đường, chặt cành lá, trải áo, tung hô để đón rước Ngài như một vị vua. Họ quá vui mừng và tràn trề hy vọng vào Đức Giêsu. Họ muốn Ngài đứng ra làm vua Thiên Sai theo ý họ, giải thoát họ khỏi ách thống trị của ngoại bang. Có vài người trong nhóm Pha-ri-sêu tỏ ra bực tức và khó chịu. Nhưng Đức Giêsu phản ứng rằng nếu dân chúng lặng thinh và không tung hô để đón Người thì sỏi đá sẽ thay họ lên tiếng. Thật là một niềm vui khôn tả. Niềm vui không chỉ đụng chạm đến cõi lòng con người nhưng còn khiến sỏi đá phải rộn ràng reo vui. Ngày hồng phúc muôn dân hằng mong đợi cuối cùng cũng đã đến.   

Thế nhưng, Đức Giêsu đã vào thành không phải trên lưng một con ngựa chiến, nhưng là trên lưng một con lừa khiêm nhu. Ngài đã không thoả mãn những đòi hỏi theo cái nhìn trần thế của đám đông dân chúng. Bởi lẽ Đức Giêsu đến trần gian không phải để làm một vị vua theo nghĩa chính trị, nhưng là để “gánh tội trần gian” (Ga 1, 29). Thế là dân chúng đã thay đổi thái độ. Họ chuyển những lời tung hô, chúc tụng thành lời kết án. Chính họ đã trao nộp Đức Giêsu cho tổng trấn Philatô, một người dân ngoại. Tệ hơn nữa, khi được Philatô hỏi về số phận của Đức Giêsu, dân chúng đã xin ông tha cho Ba-ra-ba, một tên trộm cướp, giết người và họ đòi đóng đinh Đức Giêsu. Họ đã coi Đức Giêsu không bằng một tên cướp.

Các bạn thân mến

Có lẽ các bạn sẽ chê trách thái độ vô ơn, bạc bẽo, phụ bạc của dân Do thái. Thế nhưng, đây cũng có thể là thái độ của mỗi người chúng ta. Như dân Do Thái xưa, khi có người không vừa ý với chúng ta, chúng ta đã vội kết án, và tìm đủ cách để dìm người đó xuống, mà không màng tới lẽ phải và công bằng. Chẳng cần phải phụ bạc hay nộp Chúa cho dân ngoại nhưng nếu ta không sống tâm tình biết ơn vì được cứu độ thì ta cũng phụ nghĩa vong ân như dân Do Thái xưa. Ít nhất dân Do Thái còn cảm thấy chút vui mừng dù họ chỉ hy vọng được giải thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Còn bản thân mình, chúng ta có cảm thấy chút nào biết ơn và cảm động vì niềm vui được cứu độ mà Thiên Chúa thương ban cho ta không? Bao mùa Phục Sinh đã đến rồi qua đi mà chẳng để lại một dấu ấn nào đặc biệt nơi đời sống của chúng ta. Chúa xuống thế làm Người rồi chịu chết để cứu độ nhưng điều đó dường như chẳng liên quan gì đến ta.

Tuy nhiên, nếu Chúa Giêsu không chịu nạn chịu chết thì lấy ai đền thay tội lỗi riêng của từng người trong chúng ta? Ai sẽ giúp chúng ta được phục hồi địa vị con Thiên Chúa khi chúng ta đã cam tâm tình nguyện làm nô lệ cho tội lỗi? Và hơn hết ai sẽ giúp tái thiết lại vũ trụ mới của sự sống và tình thương khi Thiên Đàng ngày xưa đã bị phá hủy bởi nguyên tội? Tất cả chỉ có thể được hóa giải nhờ cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu mà thôi.

Đức Giêsu chắc cũng chẳng cần ta phải bày tỏ niềm vui vì được cứu độ một cách cuồng nhiệt, phô trương và mù quáng như dân Do Thái đã làm. Niềm vui của họ bốc đồng như cơn gió thoảng qua, gió chiều nào thì xuôi theo chiều ấy. Nhưng Đức Giêsu mời gọi ta hãy biết quý trọng và diễn tả niềm vui được cứu độ ấy một cách âm thầm bằng việc “tin vào Con Thiên Chúa”. Chẳng cách thế nào diễn tả niềm tin vào Con Thiên Chúa mạnh mẽ cho bằng luôn sống trong sự thật. Mỗi người chúng ta hãy từ bỏ đời sống bất công, gian dối trong công ăn việc làm cũng như học hành, cùng với những lời nói hành, nói xấu người khác. Cũng cần loại bỏ dứt khoát thói nói dối, đổ thừa cho người khác, và tuyệt đối không được gian lận trong việc học hành thi cử. Chúng ta cần sống ngay thẳng, công chính cho dù mọi người chung quanh có gian dối, bất công. Nếu chúng ta luôn lấy sự thật làm lẽ sống cho đời mình là ta đang cộng tác với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. 

 

Tác giả bài viết: Jos. Nguyễn Huy Mai

Nguồn tin: www.vietvatican.net

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây