Giáo xứ Vinh Hương

Bằng mọi giá phải tránh 15 loại bài giảng này

Thứ sáu - 07/07/2017 22:56

 


Theo bạn, thế nào là một bài giảng tệ, thế nào là một bài giảng hay? Giảng lễ là khó, bài giảng hay là khó! Nhưng bài giảng trong giấc mơ của bạn là bài giảng nào? Gần đây, Đức Phanxicô khuyên 19 tân linh mục soạn bài giảng làm sao để bài giảng của họ không gây nhàm chán: bài giảng phải đến từ tâm hồn!

Sau đây là một vài loại bài giảng phải tránh:

Bài giảng tự phát: Đó là bài giảng linh mục chuẩn bị khi linh mục mặc áo lễ, mang giây, mang khăn thánh để ra làm lễ.

Bài giảng theo sách vở: Bài giảng mang mùi sách, mùi văn phòng; bài giảng hàn lâm, lạnh như đá cẩm thạch, bài giảng không nói lên từ tâm hồn, không nói cùng ngôn ngữ với người đang nghe.

Bài giảng khảo cổ: Đó là bài giảng khi linh mục thích thú đi thám hiểm các chi tiết phụ về người pharisêu, người essenia, giờ thứ sáu, sân vận động La Mã… Linh mục không giải thích Lời Chúa nhưng giải thích các chuyện hiếu kỳ bên ngoài.

Bài giảng tiểu thuyết hóa: Khi linh mục đi tìm nước mắt, nụ cười, nước đường qua các tán thán từ, các tiếng reo, tiếng kêu, khi giảng theo ngôn ngữ gia trưởng với các tính từ êm đềm, các chuyện thu nhỏ hay thổi phồng lên.

Bài giảng mị giáo dân: Hết lời này qua lời khác, bài giảng tìm cách làm vui lòng giáo dân, phản lại nội dung Phúc Âm cũng như mục đích của Phúc Âm, làm sai, làm méo mó giáo điều của Chúa Kitô.

Bài giảng văn chương: Bài giảng không còn là bài giảng thiêng liêng mà thành bài văn chương thi phú.

Bài giảng hợp tuyển thơ văn: Khi bài giảng là dịp để cho người giảng nhắc lại các câu trích, châm ngôn, bài thơ, bài văn, các định nghĩa mà họ học thuộc lòng hoặc có trong sách vở.

Bài giảng mềm nhũn: Bài giảng không xương sống, không chất dính, không lập luận, không nội dung, không chủ đề. Bài giảng không chấm dứt một chủ đề mà đã bắt qua một chủ đề khác.

Bài giảng cục gạch: Bài giảng thuần ý tưởng, không dính với đời sống cụ thể của cộng đoàn. Bài giảng phải làm sao vào được căn bếp của bà nội trợ, phòng làm việc của người cha, phòng học của sinh viên… Nhưng bài giảng cục gạch thì quá nặng nề nên không đến được những nơi này.

Bài giảng cọng bún: Bài giảng uốn éo qua về, uốn và uốn… làm phiền người nghe, làm họ phải ngáp.

Bài giảng từ chương: Đề cập đến nhiều chủ đề mà không chú tâm vào một chủ đề.

Bài giảng lặp lại Phúc Âm: Bài giảng không rút tỉa được bài học từ Phúc Âm mà chỉ lặp lại đoạn Phúc Âm đã đọc. Có phải là vì người giảng không có một tư tưởng trong sáng và không trình bày được không? Người nghe không phải là người dốt!

Bài giảng kỹ thuật: Bài giảng dùng các thuật ngữ thần học không ai hiểu được: metanoia, ba vua học, kitô học, cánh chung học. Bài giảng không phải là bài thần học, nhưng là bài nói chuyện thân tình với giáo dân.

Bài giảng hỗn tạp: Người giảng thêm thắt các chữ lóng, hạ thấp Lời Chúa, phẩm cách của ngôn sứ, phẩm cách của tín hữu, những người mà Thánh Phaolô gọi là “các thánh của Chúa”. Người giảng không bao giờ được hạ thấp mình, vì họ giảng nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội.

Bài giảng của phi công tồi: Người giảng không biết cất cánh và hạ cánh. Ông lái nhiều vòng nhưng không bao giờ chấm dứt. Ông còn loan báo: “Và để kết thúc…”, nhưng ông lại bay lên cao, mất hút vào đám mây… “Và bây giờ, để chấm dứt…”, ông lại bay thêm một vòng. Xin ông vui lòng hạ cánh và chấm dứt nhanh!

Bây giờ thì quý vị đã biết thế nào là một bài giảng phải tránh, chỉ còn định nghĩa thế nào là một bài giảng hay… và một tín hữu tốt!

Tác giả bài viết: fr.aleteia.org, Linh mục Antonio Rivero  -  Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây