Giáo xứ Vinh Hương

Biếng nhác: một thái trạng uể oải nặng nhọc, chán nản vô vị

Thứ hai - 29/06/2020 21:00


Trích sách Bảy căn bệnh thiêng liêng, Sơ Catherine Aubin. Nhà xuất bản: Salvator – Novalis, 2019

“Đừng tìm được giải thoát bằng cách lánh xa căn nhà của người giải thoát mình!”

1. Một chán ngán tai hại, một thiếu vắng ý vị sống

Đây là căn bệnh không chừa một ai. Các độc giả thân mến, quý vị đã biết và có ngày quý vị sẽ hiểu căn biếng nhác thiêng liêng, một căn bệnh rắc rối và phức tạp mà chúng tôi sắp mô tả sau đây. Căn bệnh này ngấm ngầm và bất ngờ len lỏi vào tất cả ngóc ngách của bản thể.

Nếu chúng ta đến nhà tâm lý học, họ sẽ giải thích hội chứng uể oải tẻ nhạt này như một loại rả rời năng lượng, bị kiệt sức nghề nghiệp hoặc một dạng trầm uất. Nhà đạo đức học thì cho rằng sự chán ngán này là do tội lỗi; nhà hướng dẫn thiêng liêng, người thông hiểu nội tâm và từng có kinh nghiệm về hội chứng này, sẽ giải thích chúng ta đang sống trong chứng biếng nhác thiêng liêng. Điều quan trọng là hiểu thấu sự phức tạp của những gì đang diễn biến trong chính mình vì chúng ta rất dễ bị dụ đểđi tìm sự trợ giúp không đúng chỗ.

Biếng nhác thiêng liêng là một hội chứng phức tạp: nó dung dưỡng tất cả các căn bệnh khác và có nguồn gốc vừa từ ham muốn, dũng lực và trí lực; nó chạm tới cả thể xác lẫn tâm hồn. Để thử nhận diện nó, chúng ta có thể nói căn bệnh này vừa vô cảm vừa năng động, vừa tê liệt và cuồng nhiệt, vừa bất mãn và hung hăng, lẫn tránh cái tốt và bị lôi cuốn vào cái xấu. Kết quả là la bàn nội tâm, đà Sống, việc đi tìm đời sống thiêng liêng bị tàn lụi.Một lúc nào đó trong đời, chúng ta sống một loại biếng nhác riêng của mình, đó là lý do tại sao nó rất khó xác định. Buồn bã, chị em sinh đôi với biếng nhác không giống nhau; buồn bã còn có cách chữa trị, vì nó chỉ thoảng qua và một phần,  trong khi chứng biếng nhác thiêng liêng thì dai dẵng và toàn bộ. Người sống trong tình trạng này như bị quản thúc.

Một số biểu hiện mâu thuẫn cần gia giảm

Đầu tiên đương sự cảm thấy rất bất ổn và giao động quá mức dẫn đến nhu cầu thay đổi. Vì thế biếng nhác thiêng liêng làm dấy lên cơn cám dỗ rời bỏ nơi đang ở, vượt thoát mọi giới hạn, đạt được tự do không gì ràng trói. Tuy nhiên đương sự lại mang cảm giác thiếu khả năng chịu đựng và không đủ kiên trì, tiếc là đã dấn thân; đó là một dạng thức buông thả tâm hồn, tinh thần đầu hàng, thậm chí là một hình thức nhu nhược. Tâm trạng này dẫn đến cám dỗ đặt lại câu hỏi điều gì thật sự thiết yếu trong cuộc sống và nghĩ rằng vẫn còn thời gian để “làm việc khác”.Trường hợp này được thấy nơi các cặp vợ chồng, khi một người cảm thấy cần phải thay đổi bạn đời.Khi người tu sĩ muốn liên tục thay đổi cộng đoàn hoặc rời khỏi nhà dòng. Một số “ra khỏi” dòng hay cộng đoàn là do căn bệnh nham hiểm, không tên, chưa được phân định chứ không nhất thiết đây là một thách thức của ơn gọi.

Thêm vào giao động này là một hình thức nhàn cư vi hay biếng nhác, mà với tu sĩ được diễn tả qua hình thức khinh suất lặp đi lặp lại trong giờ kinh nguyện đều đặn của họ. Ngược lại thì chúng ta cũng thấy biểu hiện khác, đó là hoạt động quá mức không kiểm soát dưới danh nghĩa hy sinh hết mình. Đương sự đánh mất con người của mình trong “công việc” và không ngừng biện minh cho động thái này. Họ khinh suất điều thiết yếu và và lạc lối trong sự phán xét của người khác, lấy đó là bổn phận của mình. Rốt cuộc, điều này dẫn đến tình trạng kiệt sức toàn thân, dễ dàng đi tới suy nhược. Đó đúng là thiếu vắng nặng nề lòng sốt sắng trong mọi chuyện. Một hệ lụy khác của dạng đen tối này: biếng nhác thiêng liêng làm cho tâm trí đen tối và đui mù, như thể đang bị bóng đêm bao phủ. Khi đó chúng ta không thể nắm bắt được sự thật hoặc nhận chân được các ưu tiên thiết yếu của cuộc hiện sinh. Đây chính là lý do làm cho con người, qua ảnh hưởng cảm xúc này chuyển hướng và rời xa hiệp thông hay cảm mến Chúa. 

Thử tìm các định nghĩa

Biếng nhác thiêng liêng, tiếng Pháp là acédie có nguồn từ tiếng Hy Lạp akèdia, nghĩa đen là “không lo cho phần rỗi của mình”.Biếng nhác thiêng liêng là việc không còn quan tâm đến đời sống thiêng liêng, bị xem là một gánh nặng hoặc một đòi hỏi phiền toái vì nó buộc phải có những từ bỏ.Bệnh này thường tìm cách bù đắp cho sự trống rỗng thiêng liêng bằng vô số việc làm và các các giải trí tiêu khiển.Không còn chỗ cho Chúa; tâm hồn rời trọng tâm đích thực là Chúa, cảm thấy khó chịu, buồn bã, một nỗi u ám sâu đậm mà nó cố quên bằng cách chạy trốn trong các hoạt động bên ngoài. Căn bệnh biếng nhác thiêng liêng không còn chỗ cho niềm vui, phấn khích và hoan hỉ.

Vào thế kỷ thứ 4, giáo phụ Evagre le Pontique nhấn mạnh vào hai chiều kích của biếng nhác thiêng liêng: không gian (cảm giác bị tù túng) và thời gian (cảm giác thời gian đọng lại). Biếng nhác thiêng liêng hiện thân như một cảm giác ngột ngạt, tù túng xét về cả khía cạnh địa lý, tâm lý hay thiêng liêng.Vài tác giả nói đến nhàm chán, vô vị, suy sụp, chán nản lấy đi động lực, nhiệt tình và quan tâm đến các chuyện thiêng liêng. Do đó, biếng nhác thiêng liêng phù với một tình trạng nào đó của thói lười biếng và ác cảm, mệt mỏi và yếu đuối, đờ đẫn và uể oải, thiu thiu ngủ và buồn ngủ.

Thánh Jean Climaque xem biếng nhác thiêng liêng là “sự xao nhãng tâm hồn”, một hình thức buông lỏng tinh thần hoặc thậm chí là bỏ bê khổ hạnh, làm cho đương sự mềm lòng và không còn đảm lược, thiếu tập trung và không kiên định. Dưới ảnh hưởng của căn bệnh này, tâm trí trở nên tê liệt không còn khả năng hoạt động tâm linh, thờ ơ với tất cả các công trình của Chúa, thậm chí làm mất hết giá trị thiêng liêng.

Thánh I-Nhã nói về căn bệnh này theo ngôn ngữ sầu khổ: theo ngài, biếng nhác thiêng liêng đúng là thử thách ngăn chúng ta tiến đều điều tốt. Nếu lấy hình ảnh của một cây đang phát triển, chúng ta có thể nói căn bệnh này là chướng ngại ngăn không cho cây phát triển lành mạnh. Cây không lớn vững mạnh, không sinh hoa kết trái. Bệnh này làm người bệnh trở nên vô sinh: người sống với căn bệnh này, dù họ có nhiều con cái, dù họ là giám đốc trung tâm chăm sóc bệnh nhân hoặc các tổ chức từ thiện nào khác, họ luôn bị phân tâm – có nghĩa là họ làm nhiệm vụ của mình vì năng động, vì theo thói quen hoặc theo kiểu “công chức.” Họ vật vờ làm việc không khác gì cỗ máy.Kết quả là nhựa sống của niềm vui phục vụ và tình yêu vô vị lợi tắt ngúm.Niềm tin không còn nhưng nhất là hy vọng đã bay xa. Không còn chút hương vị cho bất cứ điều gì, mọi thứ đều nhạt nhẽo và vô vị, không có gì để mong đợi, còn lại chăng biếng nhác, thờ ơ, vô cảm, không còn gì để mong chờ.

Căn bệnh này là một thử thách và đau khổ, dường như không còn gì có thể giúp họ tìm lại ý nghĩa cuộc sống.Hy vọng đã mất, người “biếng nhác thiêng liêng” không còn hy vọng, họ không chờ gì ở cuộc sống, ở Chúa.Thậm chí họ còn phạm thượng, vì đối với họ, đời sống thiêng liêng không còn một chút gì là quan trọng, họ phủ nhận những gì đã làm cho họ sống trong tận sâu thẳm lòng mình.Họ thấy mình không còn sức mạnh, cũng không còn sinh lực. Ký ức về niềm vui cũng như về Thiên Chúa trong lòng họ đã biến mất: theo một nghĩa nào đó, biếng nhác thiêng liêng cũng là căn bệnh trí nhớ, vì thế nên Chúa bị lãng quên. Người tín hữu kitô mang căn bệnh này từ khước Thiên Chúa của mình. Vì thần trí u minh, họ làm mọi thứ ngược lại, đi vào lầm lạc và biện minh cho các tệ hại của mình.

Kéo dài trạng thái hờ hững với đời sống tâm linh trở nên cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe thể xác cũng như phần rỗi linh hồn. Các nạn nhân này thấy mình bị ở trong tình trạng khinh suất, nguội lạnh, đờ đẫn tinh thần làm cho họ khép lòng lại, dẫn đến tuyệt vọng hoặc tìm đến các thỏa mãn nguy hại, đôi khi có thể biến mình thành kẻ lệ thuộc. Ngày nay, nhiều người cho rằng đây là “căn bệnh” của thế kỷ và của thế giới phương tây. Con người ngày càng trở nên thờ ơ, vô cảm và mất phương hướng. Như thể cái nhìn rõ ràng về thiện hảo đã biến mất khỏi tầm nhìn của họ.

Vì sao chúng ta sống biếng nhác thiêng liêng?Đâu là nguyên nhân?

Một trong nhiều nguyên nhân của căn bệnh này là do thái độ bất cẩn, lười biếng hoặc thờ ơ của chúng ta đối với các ưu tiên của cuộc sống: chẳng hạn như đi tìm điều tốt đẹp, lòng bác ái, ơn ban và cầu nguyện. Đối với những người sống một đời sống tâm linh thực sự, căn bệnh này là thử thách để kiểm chứng sự gắn bó của họ với Chúa và lòng trung thành của họ. Vì một biểu hiện khác của căn bệnh này là khả năng dạy chúng ta, rằng tự chúng ta, chúng ta không thể giữ được lòng hăng say, ý thức về tội hay lòng bác ái với tha nhân. Nói cách khác, biếng nhác thiêng liêng dạy chúng ta hiểu, chúng ta phải trọn vẹn thuộc về Chúa và rằng tự chúng ta, chúng ta “không thểlàm gì”, (xem Ga 15, 5 ‘vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được’).Ân sủng của Thiên Chúa hằng tuôn đổ trên chúng ta. Đó là lý do vì sao chúng ta có thể xem biếng nhác thiêng liêng như một khởi đầu, một tiến trình, một con đường để nhận biết chính mình trong sự thật và nhận ra ân sủng của Chúa làm cho cuộc sống chúng ta viên mãn.

2. Vài liệu pháp cần theo ngay để không yểu mệnh

Tránh ngủ nhiều và các biện minh cho nó

Simon, anh ngủ à?Anh không thức nổi một giờ sao? (Mc 14:37)

Nếu có thể, hãy cố gắng bằng mọi cách đừng ngủ quá nhiều. Thật vậy, ngủ quá nhiều cản lập luận, đi tới, phản ứng và phân định các cám dỗ khác nhau, mà sự biện minh cho các hành động mâu thuẫn nhau, tạo các yếu tố lo âu như: ra đi, đổi  chỗ, tăng các giao tiếp ăn chơi trần thế v.v. Đương sự tìm thấy tất cả “lý do tốt xấu” để biện minh cho hành vi không mạch lạc và hủy hoại của mình. Tất cả lý do cho các hành vi vô trật tự của mình đều tốt cả. Đó là lý do vì sao, bằng bất cứ giá nào phải giúp cho những người bị “chứng biếng nhác thiêng liêng” đừng rơi vào các thảo luận vô ích và vô căn cứ.

Làm việc với bàn tay của mình

Xin củng cố việc tay chúng con làm (Tv 89, 17)

Làm việc tay chân là một trong các phương thuốc của các Giáo phụ đưa ra. Nó có thể là những việc đơn giản như rửa chén, nấu ăn, giặt ủi hay sửa chữa vật dụng v.v. Những việc đại loại như vậy giúp tránh nhàm chán, bất ổn, thờ ơ và buồn ngủ, như thế sẽ giúp cho sự chuyên cần, sự hiện diện, nỗ lực và sự chú ý mà đời sống thiêng liêng đòi hỏi, cònchứngbiếng nhác tìm cách hủy hoại. Công việc tay chân mang lại sự kiên định và tập trung tinh thần, cũng như sự hài lòng của một công việc được làm đến cùng.

“Tôi nhớ”

Lạy Chúa, con chìm sâu trong phiền muộn… con tưởng nhớ đến Ngài. (Tv 42, 7).

Dưới đây là chứng từ của một phụ nữ trẻ, được hỏi vì sao cô luôn tươi cười phục vụ. Một ngày nọ, có người hỏi cô: “Bí mật của cô là gì?” Người phụ nữ chỉ ở tuổi hai mươi đơn giản trả lời: “Mỗi ngày, tôi nhớ mình từ đâu đến”. Câu trả lời này có thể được nghe và hiểu theo nhiều cách. Với chủ đề của chúng ta, câu trả lời này được nghe trên bình diện xuất xứ. Nhớ mình là ai, nhớ mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu: đây là một liều thuốc giải độc cho chứng biếng nhác thiêng liêng.

Trong một số tu viện, hộp sọ của các bề trên nam nữ đã chết trong các thế kỷ trước được trưng bày trong tủ kính. Mỗi ngày, các nam nữ tu sĩ nhìn và quan sát các hộp sọ này. Không có gì ghê rợn khi ngắm các hộp sọ này, nhưng đúng hơn là hài hước và nhận thức về con người và nguồn gốc của nó.Thật vậy, hoài niệm về cái chết nhắc con người luôn ý thức mình là thân hữu tử, rằng cái chết có thể đến với mình bất cứ lúc nào.Không gì bằng khi sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời, hòng xua đi các mê muội, buồn chán và uể oải.Vì thế ký ức về cái chết là để nhắc chúng ta đừng lãng phí thời gian quý báu để tìm ơn cứu độ, để sống từng khoảnh khắc với mức độ thiêng liêng sâu đậm tối đa.Nghĩ rằng mỗi ngày có thể là ngày cuối cùng là liều thuốc giải độc cho sự chán nản.

Ở lại, bất chấp tất cả và giống như ngọn núi

Ai tin tưởng vào Chúa, khác nào núi Si-ôn: Chẳng bao giờ lay chuyển, muôn thuở vẫn trường tồn  (Tv 124, 1).

Không chạy trốn khỏi nơi chúng ta đang sống hoặc, ít nhất, không rời đi trong giai đoạn đang trải qua trạng thái biếng nhác thiêng liêng. Phải vững vàng như ngọn núi, nghĩa là phải tìm sự ổn định nội tâm sâu lắng và, để chế ngự sự kích động hoặc lo lắng do biếng nhác thiêng liêng, hãy an định chính mình để giành chiến thắng trong sự hiện diện, trong sự nhận thức về chính mình, về ân sủng của Thiên Chúa nơi chính mình và hành động của Thánh Linh. Hiện diện như ngọn núi sẽ đem đến một giá trị khác cho thời gian và vĩnh cửu. Chúng ta cũng cần phải học cách sống vô vi, đơn giản là sống mà không phán xét. Giống như ngọn núi, có nghĩa là kiên tâm cho dù chán nản và mệt mỏi.

Duy trì niềm tin và hy vọng

Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi mà chi?

Hãy cậy trông Thiên Chúa!

Lần nữa, tôi dâng lên lời tán tụng: Người là Đấng cứu độ, và là Thiên Chúa của tôi! (Tv 42, 6)

Cũng như với tình trạng buồn bã, phương thuốc để chữa trạng thái biếng nhác thiêng liêng là có hành động tin tưởng. Duy trì niềm tin làm cho quả tim được “ấm áp” và rộng mở. Thảm kịch biếng nhác thiêng liêng là đánh mất tâm hồn. Hành động tin tưởng và hy vọng là phương cách thật sự chống lại nguội lạnh, chai  cứng và vô cảm của trái tim do sự tàn phá chết người này. Các bài tập tin cậy này có thể rất đơn giản, nhưng lời nói phải đi theo hành động và phải dấn thân hết mình. Chẳng hạn, trước một cuộc gặp gỡ, một sự kiện hay một ngày u ám, chúng ta lặp đi lặp lại bằng tất cả tâm thức của mình: “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Người, Thần Dũng Lực, xin cho con tin vào Chúa, Đấng của Sự Sáng, xin dẫn dắt con trong Hy vọng.” Qua các hành động đơn giản của đức tin này, băng giá của trái tim chúng ta sẽ tan chảy và trái tim của Cha chúng ta sẽ đến để gặp trái tim đau khổ của chúng ta theo cách mà chỉ có Ngài biết. Một cách nào đó hành động tín thác là phương thế để gắn kết với bàn tay của Đấng luôn muốn trợ giúp chúng ta bằng ân sủng của Ngài.

Hướng lòng

Nếu con lắng tai nghe lẽ khôn ngoan, và hướng lòng theo sự hiểu biết (Cn 2, 2)

Lòng tin tưởng phải đi kèm với sự kiên nhẫn trước các khó khăn của trạng thái biếng nhác thiêng liêng. Điều này gắn liền với hình ảnh ngọn núi; trong sự bất di bất dịch của nó là kiên nhẫn chờ những gì sẽ tới: trời tốt, trời tuyết, giông bão hay giá băng…. Dù phải gánh chịu thăng trầmtheo một thứ trật khác, mục đích vẫn là tiếp tục trong sự hiện diện của Chúa, một cách kiên nhẫn. Chính nhờ sự kiên nhẫn mà chúng ta tiếp tục tin tưởng và lớn lên trong sức mạnh của trái tim. Điều này đòi hỏi tấm lòng khiêm hạ, chống lại mọi hình thức tự phụ và giả dối. Như con cá trong lòng biển, khi sóng đến, nó tiếp tục bơi dưới làn sóng mà không bị sóng nhấn chìm. Để chống lạichứng biếng nhác, chúng ta phải ở trong lòng khiêm cung này bằng cách hướng lòng, nhìn về chính mình và tác động của Thánh Linh trong chính mình, cho dù chúng ta không nhận thấy được. Sự nhàm chán thiêng liêng và việc thờ ơ đối với những gì thuộc về Thiên Chúa có thể lớn đến mức chúng ta cảm thấy không thể cầu nguyện, đôi khi còn hung bạo theo một kiểu nổi loạn nội tâm, quay lưng lại với Chúa. Đó là lý do cần nhờ đến một người gần gũi với Chúa để có thể giúp chúng ta tìm lại được ánh sáng và niềm vui.

Tìm lại hương vị cầu nguyện

Hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống (Tv 41, 3)

Một khó khăn lớn là trạng thái biếng nhác này thúc chúng ta bỏ cầu nguyện. Một đoạn trong Bài Tập Linh Thao, Thánh I-Nhã giải thích, “không phải biết nhiều mà làm tâm hồn chúng ta thỏa mãn, nhưng là cảm nhận và nếm những thứ bên trong tâm hồn mình”. Đó là ân sủng và phương thuốc chống lại trạng thái biếng nhác, vì những gì sẽ lấp đầy và nuôi dưỡng tinh thần không phải là kích động, không phải mê muội, cũng không phải hoạt động điên cuồng, nhưng nhận thức sâu sắc về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Trong lời cầu nguyện, chính Thiên Chúa là người đến để lấp đầy trái tim với hương vị khó tả này. Andrienne von Speyr viết:

Khi chúng ta thành tâm cầu nguyện, lời cầu nguyện của chúng ta được thành sự ngay lúc chúng ta khấn xin. Và chúng ta ngạc nhiên trước vô số khả thể, phong phú và đa dạng mà Chúa ban tặng. Trong sự kinh ngạc này, chúng ta được kéo khỏi thế giới của mình để đến với thế giới của Đấng làm tâm hồn chúng ta no thỏa.Ở đó, chỉ có viên mãn và bất ngờ.Rào cản sụp đổ, sự kết hợp được thiết lập và mọi thứ hội tụ trong niềm vui. Điều cần thiết duy nhất tỏa sáng: lắng nghe lời Chúa luôn cao cả, trong sự kiện toàn mãn và không ngừng làm chúng ta mở lòng ra với Chúa.”

Cầu nguyện là thưởng thức hương vị của Chúa từ bên trong, mà không do công trạng của chúng ta. Đó là ân huệ Chúa ban để chúng ta hiểu Thần Khí của Thiên Chúa và lời phát ra từ Ngài nuôi dưỡng và tăng sức mạnh cho chúng ta (sách Đệ Nhị Luật 8.3). Không có phương thuốc cầu nguyện này, tất cả các phương pháp điều trị khác chỉ có hiệu quả một phần; trái lại, từ lời cầu nguyện, các phương thuốc kia sẽ kéo hết sức mạnh của nó. Bởi vì, với chứng biếng nhác thiêng liêng, các phương thuốc chủ yếu là thiêng liêng, chúng phải làm chúng ta kêu cầu đến Chúa bằng mọi cách, bền bỉ và liên lỉ.Điều cần thiết là quyết tâm chống trả.Cầu nguyện bằng cử chỉ nghiêng mình, phủ phục, quỳ gối hay đứng thẳng sẽ hồi sinh không chỉ cơ thể, mà còn cả tâm hồn và trí lực.Điều này sẽ khơi dậy tương tác giữa thể xác và tâm hồn.Cầu nguyện với toàn bộ cơ thể sẽ đem lại một hình thức cảnh tỉnh, chú tâm và hy vọng. Ngay cả khi đôi môi không nói gì, cơ thể sẽ cầu nguyện bằng cử điệu, như người đứng khoanh tay chữ thập.

Xin xót thương con, hỡi Con Thiên Chúa!

Lê Quang Phúc dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây