Giáo xứ Vinh Hương

Chúng ta đừng quay lưng lại với Giáo hội!

Thứ năm - 13/09/2018 19:46
- Nhà báo Antoine Pasquier, báo Gia đình Công giáo và Linh mục đan tu Jean Pateau, có buổi nói chuyện “Chúng ta đừng quay lưng với Giáo hội” .

Mất phương hướng bởi các vụ lạm dụng tình dục gần đây, các tín hữu cảm thấy mình nhục nhã và điếng lòng. Một số người muốn quay lưng với Giáo hội. Đây có phải là thái độ đúng trong lúc Giáo hội bị khủng hoảng không? Là tín hữu, làm sao đối diện trước tình trạng này? Các câu trả lời của linh mục đan tu Jean Pateau, đan viện Fongombault. 

Antoine Pasquier: Khuynh hướng rời Giáo hội khá lớn ở một số tín hữu sau các vụ tiết lộ về các hành động ấu dâm và về sự im lặng của những người có trách nhiệm. Làm thế nào các tín hữu có thể đi qua thử thách này về mặt thiêng liêng?

Linh mục Jean Pateau: Trước hết, như Đức Phanxicô thường hay nhắc, chúng ta không nhìn Giáo hội từ ban-công, hay nhìn Giáo hội như một đồ vật tiêu thụ để dùng hoặc không dùng. Không, không phải như thế: chúng ta là Giáo hội. Giáo hội thánh thiện và tinh tuyền, nhưng Giáo hội gồm những người tội lỗi trong các thành viên của mình. Như thế không phải quay lưng với Giáo hội, nhưng quay lưng và nói “không” với tội lỗi, đôi khi các tội này lại do những người ở chức cao của Giáo hội phạm trên các trẻ vị thành niên, trong hành vi tội lỗi của đồng tính… Làm thế nào mà những người theo lẽ phải đưa anh em mình về với Chúa Kitô, lại lạm dụng những người được giao cho mình hướng dẫn? Làm thế nào đứng trước các đau khổ không thể chịu đựng được này mà lại giữ im lặng, không hành động?

Khi những việc như vậy được đưa ra ánh sáng, suy nghĩ đầu tiên của tín hữu là phải hướng về các nạn nhân. Sự đau khổ phải thức tỉnh tâm hồn tín hữu theo hình ảnh đã bị biến dạng của Giáo hội trước thế giới. Hình ảnh Chúa Kitô, Ánh sáng của các dân tộc (Lumen gentium) sẽ trở thành như thế nào? Chúng ta tất cả là Giáo hội. Yêu Giáo hội là đau khổ với Giáo hội, cho Giáo hội, đôi khi do chính tội của các anh em mình.

Cuối cùng, các sự kiện này thử thách đức tin chúng ta và mời gọi chúng ta đào sâu đức tin của mình. Chúa Kitô vẫn là đầu của chi thể Giáo hội. Chúng ta thường thanh lọc cái nhìn quá mang tính người của Giáo hội, đôi khi lại theo thực dụng vì thế chúng ta phải tái tập trung cái nhìn của mình về Chúa Kitô. Thật nghịch lý khi Công đồng Vatican II đưa ra lời giáo huấn phong phú về Giáo hội thì Giáo hội lại ít được yêu mến.

Trong lịch sử, Giáo hội có trải qua cơn khủng hoảng nào như vậy không?

Chúng ta sẽ bị sốc vì trong quá trình lịch sử, tôi có thể nói chế độ thường tình con đường trần gian của Giáo hội là khủng hoảng! Chúa Giêsu cũng đã sống như vậy. Trước mặt các tông đồ, Ngài nói Phêrô sẽ chối mình ba lần. Phêrô tin chắc vào mình, ông phủ nhận ngay: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”. (Mt 26, 35) Và Phêrô chối Chúa. Và đó là cách Chúa chọn các tông đồ của mình! Rồi đến ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, các môn đệ bỏ Chúa. Đó là ví dụ cho thấy lòng trung thành của con người. Ba dục vọng cũng có trong Giáo hội: “Dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của”. (1 Ga 2,16)

Làm thế nào Giáo hội có thể đứng dậy với các cơn khủng hoảng liên tục này?

Chúng ta lấy trường hợp của Phêrô và Giu-đa. Người bán Chúa hối hận, trả tiền cho tội ác của mình, hy vọng làm như vậy sẽ chuộc được tội của mình. Nhưng một mình ông, ông không giải thoát ra được, ông treo cổ. Còn việc chối Chúa của Thánh Phêrô, Thánh Luca chỉ kể: “Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: ‘Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần’. Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Lc 22, 61-62). Chúng ta thấy sự tế nhị của Chúa Giêsu. Cái nhìn của Ngài nói lên tất cả, Ngài không lên án. Giọt nước mắt của Thánh Phêrô từ một tâm hồn từ nay đã được thanh tẩy khỏi tính tự ái đã bị sụp đổ. Nó cũng phải như vậy với mọi người. Để đứng lên được, phải đón nhận cái nhìn thanh tẩy của Chúa Kitô trên đời mình, nhận biết và khóc lóc các tội lỗi của mình và ăn năn hối cải.

Cũng vậy với tình trạng hiện nay, phải tái khẳng định một cách mạnh mẽ, phải được đón nhận như lời mời gọi tái tập trung vào Chúa Kitô và hoán cải. Đối với các mục tử, Đức Bênêđictô XVI tóm tắt ơn gọi của họ như sau: là “người phục vụ khiêm tốn trong vườn nho của Chúa”. Khiêm tốn và quyết tâm phục vụ là các điều kiện đầu tiên để tránh các cơn khủng hoảng và như thế mới giải quyết được cơn khủng hoảng này.

Với mức độ tai tiếng lớn lao như vậy, có thể có bàn tay của Quỷ không. Có quá đơn giản để giải thích như vậy không?

Điều không nghi ngờ là Quỷ ở trong công việc này. Tất cả những gì là xấu đều do Quỷ xúi giục hay ít nhiều được nó làm cho thuận lợi. Mức độ tai tiếng lớn lao này là kết quả của các xúi giục và mưu mô của chúng. Nhưng điều cũng chắc chắn là, mọi sự xảy ra đều được Chúa cho phép vì một lợi ích lớn hơn. Chúng ta có thể nhìn lại qua năm thánh hiến chức linh mục mà Đức Bênêđictô XVI đã làm năm 2009-2010 khi có các tiết lộ đầu tiên các vụ tai tiếng tình dục của các linh mục: cũng vậy, cơn khủng hoảng hiện nay chỉ xảy ra vài tháng sau khi Đức Phanxicô dâng kính Mẹ Maria là Mẹ hoàn vũ cũng như Mẹ Giáo Hội. Một người Mẹ đích thực như Mẹ Maria sẽ làm việc để thanh tẩy con cái mình. Vì thế quan trọng hơn là phải xem đây là việc của Chúa chứ không phải việc của Quỷ: Chúa làm việc trong sự thanh tẩy này, lại càng khẩn cấp hơn khi sắp tới ngày Thượng hội đồng Giới trẻ được tổ chức vào tháng 10.

Trong thư gởi Dân Chúa, Đức Phanxicô mời gọi giáo dân ăn chay cầu nguyện. Làm thế nào các vũ khí thiêng liêng này lại có thể giúp chúng ta chống các vụ lạm dụng?

Trước hết, Đức Phanxicô nhắc cho chúng ta nhớ sự cần thiết của ăn chay cầu nguyện, đó là phương tiện để làm cho các con quỷ nổi loạn nhất phải bỏ trốn, ngài nhắc lại lời giảng dạy của Chúa Giêsu (Mt 17, 21; Mc 9, 29). Cầu nguyện dâng lên Chúa là Đấng Toàn Năng. Lời cầu nguyện xin Chúa chữa lành các tâm hồn đã bị hư hại do tội của những người trong Giáo hội và phục hồi họ lại trong tình yêu của Chúa, trong tình yêu của Giáo hội, trong tình yêu của người anh em và trong tình yêu cho chính mình. Ngày nay ăn năn sám hối không còn được tôn trọng ngay cả trong Giáo hội, nhưng ăn năn sám hối trong một xã hội chỉ đi tìm khoái lạc là phương tiện để cân bằng, qua quyết tâm từ bỏ những thái quá trong việc tiêu dùng của cải thừa mứa của quả đất này. Cầu nguyện và ăn năn góp phần cực mạnh để làm tiến hóa cái nhìn của con người về tạo dựng. Cầu nguyện không phải là cái gì của riêng mình, nhưng là con đường để đi đến với Chúa. 
Ăn chay cầu nguyện có đủ không?

Cái nhìn mới này về thế giới, và từ đó là về xã hội không phải là không có kết quả cụ thể. Tiếp nối với cầu nguyện và ăn chay, Giáo hội phải có các phương tiện để dò tìm các kẻ săn mồi, loại họ ra khỏi sứ vụ tông đồ và các công việc quản trị. Và cũng phải dạy một cách cụ thể cho các chủng sinh, các linh mục phương cách để đương dấu với môi trường đồi bại, dẫn đến tội lỗi. Các linh mục lầm lỗi trước hết họ cũng là người, cũng là thành phần của xã hội.

Giáo hội qua thử thách này, có thấy mình có bổn phận phải chất vấn xã hội về các mâu thuẫn của nó? Làm thế nào lại cổ động cho tự do tình dục gần như không giới hạn, làm thế nào lại áp đặt cho tất cả các loại nghiện hình ảnh khiêu khích trên các phương tiện truyền thông và trên các bức tường… để rồi sau đó lại ngạc nhiên khi có người sa ngã? Những sự kiện đau đớn này, không chỉ ảnh hưởng đến Giáo Hội, nhấn mạnh đến trách nhiệm giáo dục nặng nề về thế nào là tự do. Xây dựng lại xác tàu, đó là chuẩn bị cho rất nhiều vụ đắm tàu …  Ngược lại, các tấm gương của các cha mẹ kitô hữu, các gia đình hiệp nhất, đó là các tấm gương cho trẻ em. Mời gọi phụ huynh dành thời gian với con cái, lắng nghe con cũng là một cách để ngăn ngừa tình huống lạm dụng. 

Một số lượng lớn người Công giáo kêu gọi thanh tẩy Giáo Hội. Nhưng liệu sự thanh tẩy chỉ liên quan đến cải cách thể chế?

Không, cải cách Giáo hội trước hết không phải là cải cách các hình thức thể chế nhưng là cải cách tâm hồn. các sự kiện giúp chúng ta mỗi người phải nghe lại câu hỏi Chúa Giêsu đã hỏi Thánh Phêrô: “Này anh Si-môn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?” (Ga 21,15) và rút ra hệ quả mà câu trả lời này mang đến.

Chính khi đối diện với Chúa Kitô, mà trong đời sống hàng ngày, người mục tử sẽ tìm được sức mạnh để hoàn thiện sứ vụ của mình trong sự thật và trong lòng trung tín. Và khi đó người mục tử mới nghĩ đến việc cải cách các thể chế, mà các thể chế thì không có lời hứa của đời sống vĩnh cửu. Cuối cùng, một chữ để kết luận: HY VỌNG; chúng ta cùng tin tưởng vào Mẹ Maria, Mẹ của Giáo hội.
 

Tác giả bài viết: Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: www.phancico.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây