Giáo xứ Vinh Hương

Để tránh ngồi tù, anh chấp nhận đi hành hương

Chủ nhật - 05/08/2018 16:09

Ngày 25 tháng 7 vừa qua, tòa án Venise, nước Ý không lên án một thanh niên phạm pháp. Lý do tòa khoan hồng? Thanh niên này chấp nhận ‘thi hành án tù’ bằng cách đi hành hương trên con đường Thánh Giacôbê Compostelle.

Thanh niên phạm pháp người Ý 22 tuổi, dưới ảnh hưởng của ma túy, anh phạm một vài tội. Một sự kiện rất hiếm, quan tòa không đưa anh vào tù… mà vài tháng trước ngày anh ra tòa, quan tòa đã đề nghị “thay vì đưa anh vào tù, tôi mong anh đi hành hương đền thờ Thánh Giacôbê Compostelle.”

Thanh niên chấp nhận và anh lên đường. Kết quả: vì anh đã đi bộ 1.500 cây số đến đền thờ Thánh Giacôbê Compostelle ở Tây Ban Nha nên quan tòa xem như anh đã ‘đền xong án phạt’ của mình, một tiến trình hội nhập duy nhất và độc đáo. Một câu chuyện hội nhập và cũng là một tiến trình thiêng liêng.

Đi hành hương hoặc đi tù

Chúng ta ít biết về người thanh niên tội phạm này. Anh người gốc Bắc Phi có quốc tịch Ý và gia đình nghèo. Anh nhanh chóng rơi vào con đường nghiện ngập và cũng rất sớm, anh có hồ sơ ở tòa. Trong một lần  tái phạm nặng hơn các lần trước, quan tòa có sáng kiến giao anh cho tổ chức Lunghi Cammini (Đi bộ đường dài), một tổ chức vừa mới được thành lập ở Mestre (miền bắc nước Ý), tổ chức này đề nghị các thanh niên trẻ đi bộ như một cách để hội nhập vào xã hội.

Thời gian đầu, thanh niên trẻ theo một khóa để thích ứng vào môi trường làm việc. Anh cũng làm một vài việc thiện nguyện với tổ chức Lunghi Cammini và có kết quả tốt. Sau vài tháng, với sự hợp tác của cơ quan trợ giúp xã hội của Tòa án Venise, tổ chức Lunghi Cammini quyết định chuẩn bị cho anh một chương trình đặc biệt để anh có thể ‘ở tù’ một cách ngoài mong đợi.

Một tiến trình giáo dục

Theo lời khuyên của tổ chức Lunghi Cammini, tòa đề nghị thanh niên này đi hành hương và áp đặt các điều kiện rõ ràng cho anh. Anh phải đi bộ đến cùng. Không được dùng ma túy, rượu và thuốc là. Về phần thanh niên, anh cam kết trong bất cứ trường hợp nào cũng không được dùng điện thoại cầm tay. nếu một trong các điều kiện này không được tôn trọng, anh sẽ bị vào tù ngay lập tức.

Giao kèo trong túi, anh lên đường với ông Fabrizio, “thiên thần hộ thủ” của anh, một giáo sư về hưu 68 tuổi. Ông Fabrizio có nhiệm vụ giám sát xem anh có tuân thủ các điều kiện đã quy định hay không. Hai khách hành hương có số tiền túi là 40 âu kim mỗi ngày để ăn ở trong suốt con đường 1500 cây số dài phải đi.

Cãi cọ và cầu nguyện

Đường đi không phải lúc nào cũng dễ chịu. Anh thanh niên trẻ hay nổi giận và có những giây phút nghi ngờ. Con đường dài, thời gian trôi qua với những lần cãi cọ nhau và cầu nguyện. Dần dần một sợi dây liên kết thật mạnh đã nối kết hai người lại với nhau. Vượt qua được các giây phút nản chí, cuối cùng họ cũng đến được đền thờ Thánh Giacôbê Compostelle. Khi trở về Venise, mỗi người làm chứng cho tiến trình xúc động mà họ đã sống và tình bạn đã nảy sinh ra giữa họ với nhau.

Ông Fabrizio mô tả cuộc hành hương này đối với ông đúng là một “bài học để mở ra, để thông cảm, để chấp nhận người khác”. Còn về thanh niên trẻ, cuộc hành hương đã làm cho anh “suy nghĩ về cuộc đời của mình”. Anh cho biết, anh biết ơn ông  Fabrizio vô cùng: “Sự hiện diện của ông đối với tôi như chiếc gai liên tục chích vào tôi. Nhưng chiếc gai này vừa đau đớn vừa tốt cho tôi: nó cho tôi thấy một đời sống thật và các giá trị đích thực. Thêm nữa, tôi lại tìm được một người ông!”

Còn với bà Isabella Zuliani, giám đốc tổ chức Lunghi Cammini thì tiến trình hội nhập như thế này là giải pháp để tránh các hiểm nguy của việc giam tù. Sức mạnh của họ: được đánh động bởi sự khó khăn và từ bỏ. Theo bà, đây là phương tiện tốt nhất để giúp các thanh niên trẻ tìm được chính lộ cho cuộc đời của mình.

Tác giả bài viết: Marta An Nguyễn dịch

Nguồn tin: www.phancico.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây