Giáo xứ Vinh Hương

Gioan tẩy giả: Hai không một có

Thứ tư - 24/06/2020 17:36
Trong tâm tình chuẩn bị mừng lễ thánh Gioan Tẩy Giả, suy gẫm về cuộc đời thánh bổn mạng tôi khám phá ra Chúa quan phòng tặng cho thánh nhân một danh hiệu hợp thời: “hai không một có”.

Thánh Gioan Tẩy Giả xuất hiện như vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước và là nhân vật dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Vị ngôn sứ này được xuất hiện khá nhiều lần trong Kinh Thánh Tân Ước và lần xuất hiện khiến tôi ấn tượng và khám phá ra danh hiệu “hai không một có” chính là qua ngòi bút của thánh sử Mátthêu. Trong bối cảnh bị cầm tù, Gioan Tẩy Giả băn khoăn về nhân vật mình đã dành một đời để loan báo: Hình như có cái gì sai sai ở nơi Con Người đó vì: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10) nhưng Con Người ấy lại đến với dân chúng bằng một tấm lòng nhân hậu và thương xót. Gioan Tẩy Giả sai môn đệ của mình đến hỏi trực tiếp nhân vật ấy: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác? (Mt 11,3). Sau khi trả lời câu hỏi của môn đệ Gioan giúp họ xác tín vào Đấng Thầy mình đã loan báo, Đức Giêsu nói cho đám đông nghe về ông Gioan: “Anh em ra xem gì trong nơi hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Mt 11,7-10).

“Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?” Hình ảnh cây sậy làm tôi nhớ tới những buổi chiều của tuổi thơ khi anh chị em trong xóm kéo nhau ra bờ sông vui đùa. Chạy đuổi nhau nói cười vui vẻ dưới bãi cát bồi dài thăm thẳm với cái nắng vàng nhạt và làn gió nhè nhè hòa trong thanh âm xào xạc của những bụi sậy phất phơ. Cây sậy lúc đó được bọn trẻ trâu chúng tôi cắt làm kèn vui thổi gọ nhau í ới. Những đám sậy phất phơ bên bờ sông được các bà mẹ chúng tôi cắt và phơi khô làm chất đốt. Mới đây, tôi còn đọc được một bài báo nói rằng ở một vùng miền Tây, người dân dùng cái đọt của cây sậy hiểu nôm na là sậy non để muối và nó trở thành món dưa muối cũng khá thú vị. Cây sậy có nhiều công dụng ấy chứ! Đúng vậy! Nhưng hình ảnh cây sậy được đề cập đến ở đây là một cây sậy phất phơ trước gió. Cây sậy mềm! Nó mềm nên nó uốn cong mình theo chiều gió! Chúa Giêsu hỏi đám đông phải chăng Gioan Tẩy Giả là một cây sậy? Hình ảnh này khiến tôi khám phá ra cái không đầu tiên: Gioan Tẩy Giả không nhu nhược. Cái không này của vị ngôn sứ Tiền hô cho Chúa được thấy rõ nhất trong biến cố cuối cuộc đời của Ngài. Các thánh sử ghi lại câu chuyện xảy ra trong hoàng cung thời vua Hêrôđê (Mt 14, 3-12). Gioan Tẩy Giả không nhu nhược, không thỏa hiệp nhưng can đảm lên tiếng làm chứng cho sự thật. Đối lại với hình ảnh đẹp của Gioan Tẩy Giả là Hêrôđê – một ông vua quyền thế nhưng hèn nhát và nhu nhược dùng chính mạng sống của một ngôn sứ để lấp liếm và che giấu sự thật, để bảo vệ danh dự của mình qua lời thề lãng xẹt quá chớn trước một cô gái.

Cũng trong lời giới thiệu của Đức Giêsu, Gioan Tẩy Giả hiện lên là một con người khác hẳn với thế giới giàu có và sa hoa vì những kẻ ăn mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện còn vị ngôn sứ thì ở trong hoang địa. Cái không thứ hai nơi Gioan Tẩy Giả chính là không sa hoa. Kết thúc Tin Mừng của thánh lễ ngày mai, tác giả Luca viết: “Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel” (Lc 1,80). Ngày Gioan xuất hiện trước dân chúng là một con người nghèo khó và gẫn gũi với thiên nhiên: “Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” (Mt 3,4). Theo nghiên cứu của các nhà sử học thì Gioan Tẩy Giả thuộc nhóm Essence – một trong các nhóm tôn giáo chính của đất nước Dothái thời Chúa Giêsu. Nhóm này sống quanh biển Chết, nơi tìm được những cuộn Kinh Thánh Qumran cổ. Essence có nghĩa là những người thánh thiện. Vì phản đối các lạm dụng của những vị thượng tế ở Giêrusalem nên họ rút lui khỏi đời sống công khai về ở ẩn (có lẽ vào khoảng năm 150 trước công Nguyên) và định cư tại Qumran. Các thành viên của nhóm Essence sống khổ hạnh, ăn chay thường xuyên, suy niệm Kinh Thánh mỗi ngày, thường xuyên thanh tẩy, sống độc thân và chia sẻ của cải với nhau. Gioan đến với dân chúng mang trong mình căn tính của con người thuộc về nhóm tôn giáo này. Ông là nhân chứng cho một lối sống theo lời khuyên Phúc Âm trong bài giảng của Chúa Giêsu không lâu sau đó: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20).

“Một vị ngôn sứ chăng?” Kết luận của lời giới thiệu cũng chính là cái có duy nhất Chúa Giêsu nói về Gioan Tẩy Giả. Nói cách đơn giản là Gioan có sứ mạng trong mình. Sứ mạng ấy được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (Lc 1,76a ). Sứ mạng ấy không gì khác là việc đi trước và mở đường cho Đấng Cứu Độ: “Con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1,76b). Cuộc đời của Gioan Tẩy Giả đã sống sứ mạng này: đã đón nhận ơn gọi từ Thiên Chúa và sống trọn vẹn cuộc đời mình cho sứ mạng ấy! Chính ông đã nhận mình là tiếng hô trong hoang địa, tiếng ấy hô lớn để nói cho dân một sứ điệp rằng hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi (Mc 1, 2-3). Một điều đáng chú ý nơi vị ngôn sứ tiền hô này là ngài luôn biết được vai trò và vị trí của mình. Khi đã hoàn thành sứ mạng, ngài ý thức mình là bạn của chàng rể, ý thức niềm vui của chàng rể cũng là niềm vui của chàng và đặc biệt là khi sân khấu đã kéo màn thì ngài những chỗ cho diễn viên chính: “Ngài phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 30). Một sự nhượng bộ trong tự do để Thiên Chúa được nhận biết!

Là Kitô hữu, qua Bí tích Rửa tội tôi được chia sẻ với Chúa Kitô chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế. Đời sống của tôi phải phản chiếu hình ảnh của Chúa Giêsu trong chính những hành động thường nhật. Chiêm ngắm thánh Gioan tôi nhận ra mình được thôi thúc mạnh mẽ để nhìn lại việc sống tính ngôn sứ trong đời tôi. Liệu tôi đã sẵn sàng sống “hai cái không” để được “một cái có” trong đời chưa? Nhìn lại thực tế của xã hội hôm nay, con người ta chạy theo lối sống hưởng thụ, sa hoa quy về chính mình. Tôi có sẵn sàng lội ngược dòng để sống làm chứng cho một lối sống nghèo khó thanh thoát vì Nước Trời hay không? Ai trong chúng ta cũng hiểu Chúa không cổ vũ cho một xã hội nghèo nhưng Chúa muốn chúng ta không thu tích, không giữ lại cho riêng mình mà biết chia sẻ để mọi người cùng được hưởng cái tốt lành của công trình sáng tạo. Cái không sa hoa của thánh Gioan mời gọi tôi không sống trong “cung điện” là sự an toàn của bản thân nhưng biết mở ra với tất cả mọi người đặc biệt là những người gần tôi nhất bằng chính sự cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia để giúp nhẹ bớt gánh nặng của cuộc sống. Theo gương thánh Gioan tôi có sẵn sàng sống theo sự thật khi mà cuộc sống hôm nay người ta thường nói với nhau câu cửa miệng rằng: “Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt; lươn lẹo, lạng lách lại lên lương.” Thánh Gioan Tẩy Giả đã sẵn sàng hi sinh mạng sống mình để sống cho sự thật. Còn tôi, tôi có dám hi sinh những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm để sống và làm chứng cho chân lý?

Thiên Chúa đã chọn thánh Gioan Tẩy Giả làm ngôn sứ chuẩn bị lòng người đón nhận Đức Kitô bằng chính lời rao giảng và cuộc sống của Ngài, lối sống “hai không một có”. Nguyện xin thánh Gioan Tẩy giả cầu thay nguyện giúp cho chúng con, cho tất cả những người nhận Ngài làm bổn mạng và cho mọi Kitô hữu biết mở lòng đón nhận Chúa và sống sứ mạng làm nhân chứng cho Ngài trong chính cuộc sống thường nhật của chúng con.

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Tác giả bài viết: Hương Thảo Nguyên

Nguồn tin: www.dongten.net

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây