Giáo xứ Vinh Hương

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu: Nền văn minh tình thương

Thứ năm - 30/06/2011 20:25

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu: Nền văn minh tình thương

“Hỡi những ai vất vả gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ bổ sức cho các ngươi”.

 

Chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh tiến bộ. Trong vòng vài thập niên, khoa học kỹ thuật tiến nhanh tới mức không ngờ. Đời sống vật chất của con người được nâng cao rất nhiều. Nhà cao cửa rộng hơn. Ăn uống đầy đủ hơn. Có nhiều tiện nghi hơn. Có nhiều tiền bạc của cải hơn. Tuy nhiên con người vẫn không thấy hạnh phúc. Cuộc sống tiến bộ hơn nhưng lại làm con người cảm thấy mệt mỏi hơn. Cuộc sống trở nên như gánh nặng.

Cuộc sống trở nên một gánh nặng vì con người quá vất vả. Chưa bao giờ cuộc sống đầy đủ như hôm nay. Nhưng chưa bao giờ cuộc sống lại vất vả như hôm nay. Phải lo âu tính toán nhiều hơn. Phải bươn chải chạy vạy nhiều hơn. Phải cạnh tranh nhiều hơn. Chính vì thế mà phát sinh nhiều bệnh mới. “Stress” là căn bệnh điển hình của thời đại. Hưởng thụ như một ảo ảnh, càng đuổi theo lại càng lùi xa.

Cuộc sống trở nên gánh nặng vì con người đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Chưa bao giờ người ta giàu có như hôm nay. Nhưng chưa bao giờ người ta chán sống như hôm nay. Số người tự tử tăng một cách đáng sợ. Bi thảm là những người tự tử thường trẻ tuổi. Và những người chán sống thường lại là những người dư thừa vật chất.

Đứng trước những lo âu vất vả của con người. Chúa chạnh lòng thương, bày tỏ Trái Tim Chúa như phương thuốc chữa trị. Và Chúa ân cần đưa ra hai lời mời gọi:

Lời mời gọi thứ nhất: Hãy trở về với Trái Tim Chúa: “Hỡi những ai vất vả gồng gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ bổ sức cho các ngươi”. Con người được tạo dựng do tình yêu thương của Thiên Chúa. Nguồn gốc con người ở nơi trái tim yêu thương của Thiên Chúa. Đi xa nguồn gốc, con người lạc hướng, đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Muốn tìm lại ý nghĩa đời mình, phải quay về nguồn cội, nơi mình được phát sinh ra. Càng xa Chúa, càng khắc khoải băn khoăn. Càng về gần Chúa, càng bình an thư thái. Thánh Augustinô đã cảm nghiệm được chân lý này. Khi còn tuổi trẻ, ngài đã tìm kiếm chân lý qua các thứ triết lý, tìm kiếm hạnh phúc qua hưởng thụ. Nhưng càng tìm kiếm càng thấy trống rỗng. Càng hưởng thụ càng thấy chán ngán. Sau cùng được ơn ăn năn trở lại, gặp được Chúa, ngài đã thốt lên một câu bất hủ: “Lạy Chúa, Chúa tạo dựng nên con cho Chúa. Nên lòng con mãi khắc khoải băn khoăn cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Từ đó ngài tiến bước trong tình yêu Chúa, được rửa tội, dâng mình cho Chúa,  làm linh mục, làm giám mục, và làm thánh. Ngài đã tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.

Lời mời gọi thứ hai: Hãy học với Trái Tim Chúa: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hầu hết những xung đột trên thế giới đều phát xuất từ tính kiêu căng và lòng độc ác. Vì kiêu căng nên hay tự ái, cạnh tranh với người khác. Vì độc ác nên tàn nhẫn chà đạp người khác. Cuộc sống trở nên một bãi chiến trường. Người trở nên kẻ thù của người. Vì thế tâm hồn con người không lúc nào được nghỉ yên. Muốn được bình an thư thái phải học nơi Trái Tim Chúa sự hiền lành khiêm nhường. Người hiền lành khiêm nhường chiến đấu với chính mình chứ không chiến đấu với người khác. Người hiền lành khiêm nhường quên mình vì người khác chứ không quên người khác vì mình. Khi biết quên mình để nghĩ đến người khác, ta góp phần xây dựng hoà bình trên thế giới. Khi biết chiến đấu để thắng được chính mình, ta  được bình an trong tâm hồn. Khi sống hiền lành khiêm nhường như thế ta xây dựng một nền văn minh mới. Không phải nền văn minh khoa học kỹ thuật mà là nền văn minh của trái tim. Không phải nền văn minh gây ra chán nản mệt mỏi, nhưng là nền văn minh đem hạnh phúc an vui. Đó chính là nền văn minh tình thương. Nền văn minh ấy ta chỉ xây dựng được trong Trái Tim Chúa.

Ta hãy siêng năng đến với Thánh Tâm Chúa, để tìm được ý nghĩa cuộc đời và để được Chúa dạy bảo ta con đường hiền lành khiêm nhường. Đó chính là con đường đưa ta đến sự thật và sự sống.

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường. Xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

Tác giả bài viết: TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Nguồn tin: giaophanvinh.net

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây