Giáo xứ Vinh Hương

Ngôn ngữ nhà đạo

Thứ tư - 09/08/2017 18:08
Một khi kinh sách đã trở thành của nuôi linh hồn thì người Công giáo Việt Nam “nói kinh” ra cửa miệng không còn là chuyện cổ tích, cường điệu nữa. Người Công giáo Việt “nói kinh” như “nói ca dao tục ngữ”, “nói Kiều”. Ngôn ngữ kinh sách đã tỏa lan ra, hóa thân vào đời thường. Ở đâu, lúc nào, chạm đến một việc gì, là sẵn có ngay một hạng mục ngôn ngữ để nói, để diễn tả, để vận vào. Đúng là Chúa ở khắp mọi nơi.

- Từ một cái hắt hơi của trẻ thơ, đã có mẹ vỗ về “Đức Bà chữa con!”

- Từ một phản xạ sinh học tự nhiên, một tiếng kêu : Giêsu, Giêsu Maria, Giêsu Ma, Giêsu Maria Giuse, Chúa ôi, lạy Chúa tôi, Chúa tôi lòng lành vô cùng = Trời ơi, Trời đất ơi, chèng đéc ơi, Thánh thần thiên địa ơi…
 
- Từ một kiểu thề bồi, đoan hứa : Nói dối tội trọng, tội trọng mất linh hồn sa địa ngục, chết tươi ăn năn tội chẳng kịp, lấy đức tin mà thề, có Chúa làm chứng, Chúa phạt nhãn tiền, mất phép thông công = Nói dối như cuội, trời đánh thánh phạt, trời tru đất diệt, đèn trời soi xét, nhật nguyệt làm chứng, sinh ngang đẻ ngược…

- Từ những lời nói ví von : Phản bội như Giuđa, chối như Phêrô chối Chúa, cứng lòng - yếu nhân đức tin như Tôma, tin như kinh tin kính, độc ác như quân Giudêu, chước mốc ma quỷ cám dỗ, dốc lòng chừa đến chết, tối như ở lâm bô, nóng như lửa hỏa ngục, mát như ở thiên đàng, đỗ cụ - làm cha, ao nhà thờ, ruộng Đức Bà, nhà có người đi tu, đẹp như người nhà thầy, hiền như ma sơ = tin như thánh nói, ma đưa lối quỷ đưa đường, mưu ma chước quỷ, tối như đêm ba mươi, nóng như chảo lửa, hiền như bụt, thật như đếm, đẹp như tiên, ngọt như đường cát, mát như đường phèn…

- Cho đến những khẩu ngữ mang tính ẩn dụ, hàm ý : Xác đất vật hèn, hư đi đời đời, ngã lòng trông cậy, đi đàng nhân đức, nhịn nhục bằng lòng, vâng theo ý Chúa, chịu sự khó cho nên, bền đỗ đến cùng, nhờ lời cầu bầu, giờ phút lâm chung, lúc rình sinh thì, về chầu Chúa, Chúa gọi, lên thiên đàng, xuống địa ngục, hưởng nhan thánh Chúa, thiên đàng vĩnh phúc, nơi chốn khách đày, ở chốn ba đào = Một cuộc bể dâu, thiên định, mệnh trời, số trời, quy tiên, mãn phần, khuất núi, Tây dương cực lạc, mỉm cười nơi chín suối…
 
 
 
- Cho đến tên gọi và các thứ bậc trong đạo : Đức Cha, cha chính, cha xứ, cha sở, ông cố, kẻ giảng, thầy xứ, trường thử, trường tập, trường Latinh, trường lý đoán, hàng phủ, hàng xứ, ban hành giáo, chánh trương, phó trương, trùm họ, quản giáo, câu biện, bõ ngãi, bề trên, nhà dòng, nhà phước = Tổng đại diện, giám quản, tổng phụ trách, tổng cố vấn, hương hào, lý trưởng, hội đồng mục vụ giáo xứ, chủ tịch, tiểu chủng viện, đại chủng viện, hội dòng, tu viện…

Ở một mức độ khác, bài bản, sư phạm và nghệ thuật hơn, ngôn ngữ nhà đạo là những thành ngữ, những câu vè, những bài ca vãn chủ yếu mang ý nghĩa giáo huấn (có vè dân gian và vè trong sách vở). Trường hợp Vè Cụ Sáu của linh mục Trần Lục (1825-1892) với 2544 câu lục bát, song thất trong các tác phẩm : Hiếu Tự Ca, Nữ Tắc Thường Lễ, Nịch Ái Vong Ân; Vè Cha Bá (1891-1981) với hàng ngàn câu tứ tự trong tác phẩm : Kinh Thánh Là Bánh Trẻ
- Rộng rãi Chúa đãi của cho/ So đo Chúa co của lại

- Mặc ai chuốc lợi mua danh/ Còn ta học đặng đạo lành thì thôi.

- Thiên đàng, địa ngục đôi quê/ Ai khôn thì về, ai dại thì xa.

+ Tự hào là người có đạo :

- Anh em bốn bể còn xa/ Cùng chung một hội Y-Ghê-Xa mới gần.

- Thứ nhất đền thánh Phapha/ Thứ nhì Cửa Bạng, thứ ba Thần Phù.

- Thứ nhất Hoa Kỳ, thứ nhì Cần Xây.

- Con Đức Bà là con nhà thiên quốc

- Con Đức Chúa Trời là con nước thiên đàng.

+ Hôn nhân lứa đôi :

- Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ

Đôi ta trinh tiết đợi chờ cưới nhau

- Tôi quỳ lạy Chúa Ba Ngôi

Tôi lấy được vợ, tôi thôi nhà thờ

+ Lễ lạy trong năm :

- Ba vua, lễ nến, Tết đến sau lưng.

- Chúa Nhật lễ lá, ném đá, Phục Sinh.

- Tháng Giêng ăn Tết ở nhà

Tháng hai ngắm đứng, tháng ba ra mùa

Tháng tư tập trống, rước hoa

Đốt đèn làm tạm, chầu giờ tháng Năm…
 
 
Còn nhiều, rất nhiều, dễ đến mấy pho bách khoa toàn thư, nhưng trong giới hạn một bài báo, chúng tôi trưng dẫn hết ra đây. Mong đón nhận được từ nhiều nguồn, để hợp tác biên tập, bàn giao cho thế hệ mai sau.

Nói cho vui chuyện. Chỉ cần nghe qua lời nói và cách nói là người ta có thể nhận ra, nếu không muốn nói là phân biệt được rõ ràng, người bên đạo và người bên lương. Từ ngôn ngữ đến hành động, từ lời ăn tiếng nói đến cung cách đi đứng, ứng xử, có một cái gì đó không thể diễn ra thành lời được, cho phép biết ngay người ấy là có đạo. Chúng tôi liên tưởng tới, rất nhiều lần rồi, hình ảnh các chủ chiên, các tu sĩ nhà đạo mình bị phát hiện rất tình cờ ở đâu đó, mặc dù đã dân sự hóa trang phục.

Văn là người. Ngôn ngữ là người. Xem văn biết người.
Nguồn tin: Công Giáo và Dân Tộc:
 

Tác giả bài viết: LÊ ĐÌNH BẢNG

Nguồn tin: www.cgvdt.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây