Giáo xứ Vinh Hương

Người giữ khóa thành Vatican

Chủ nhật - 19/01/2020 20:38
Mỗi khi bình minh ló dạng, ông Gianni Crea lại chậm rãi và cần mẫn thực hiện công việc thường nhật mà không ít người ao ước: mở từng cánh cửa nối liền với lịch sử của Tòa Thánh.


Ông Gianni Crea vô cùng quen thuộc với những đường nét của lịch sử. Hầu hết thời gian trong suốt 6 năm qua, ông chịu trách nhiệm mở cửa cho hệ thống các công trình thuộc về Bảo tàng Vatican, theo tạp chí National Geographic. Ông trải nghiệm sự yên lặng đẹp đẽ thiêng liêng của nhà nguyện Sistine vào buổi hừng đông, nghiên cứu những mảng tối của các bức họa xuất phát từ bàn tay của họa sĩ nổi tiếng Caravaggio, và thán phục trước những bố cục tinh tế của Ai Cập cổ đại.

2.797 chiếc chìa khóa

Người tín hữu nhiệt thành này nhẹ nhàng nói về công việc của mình: “Vâng, tôi là người giữ khóa chính, nhưng tôi cũng chỉ là người gác cổng mở cửa vào một viện bảo tàng”. Thế nhưng, đây không phải là một viện bảo tàng thông thường, mà là nơi giữ gìn “lịch sử của nghệ thuật, và lịch sử của Kitô giáo”. Đối với ông Crea, Bảo tàng Vatican là viện bảo tàng lớn nhất và lưu giữ lịch sử đẹp đẽ nhất từng tồn tại trên thế giới này.

Ông đã làm việc cho Vatican suốt 20 năm và cách đây 6 năm thì bắt đầu được trao trọng trách đứng đầu tổ giữ khóa (tiếng Latinh là clavigero) gồm 6 thành viên. “Khi tôi nắm trong tay những chiếc chìa khóa bị bào mòn theo thời gian, là lúc tôi biết mình phải đảm đương trách nhiệm quan trọng”, người giữ khóa thành Vatican kể lại. Buổi sáng của ông bắt đầu từ 5 giờ 30 trong một tầng hầm được bảo quản nghiêm ngặt, nơi giữ tổng cộng 2.797 chiếc chìa khóa. Ông Crea và đội của mình, hiện gồm 10 người chia làm 2 ca sáng chiều, thay phiên nhau mở và đóng 300 cánh cửa mỗi ngày, để 700 nhân viên của hệ thống Bảo tàng Vatican đến làm việc. Tổ giữ khóa di chuyển trên quãng đường dài 7,5 km, xuyên qua những công trình đón nhận đến 28.000 lượt khách tham quan/ngày.

“Tôi biết rõ cái mùi luôn chờ đợi tôi khi mở cánh cửa đầu tiên trong ngày, đó là mùi của năm tháng lắng đọng, của lịch sử còn vương vấn, cái mùi mà những con người tồn tại trước thời chúng tôi từng hít thở”. Cũng trên mảnh đất này, “những tiền nhân trong lịch sử đã bước đi, bày tỏ tình yêu và rơi lệ”, ông Crea cảm thán.

Ngôn ngữ của bản năng

Bảo tàng Vatican cất giữ, bảo vệ và phục hồi hàng chục ngàn tác phẩm vô giá trải dài từ thời cổ đại đến ngày nay, nhưng có lẽ không gì có thể hơn được nơi diễn ra mật nghị hồng y bầu chọn chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ. Ông Crea vẫn còn nhớ như in cái cảm giác xúc động dâng trào vào thời khắc lần đầu tiên tháp tùng người giữ khóa tiền nhiệm mở cánh cửa nhà nguyện Sistine vào năm 1999. “Cái đẹp thể hiện qua những chi tiết - từng chuyển động, từng hoa văn, từng thớ thịt sống động của nhân vật”, ông Crea hồi tưởng. “Có điều gì ở đó, một điều thật sự đặc biệt và hết sức diệu kỳ”, ông nói.

Về mặt tổng quát, các bức phù điêu của danh họa Michelangelo bao phủ diện tích 1.115 m2 của nhà nguyện. Những cảnh tượng từ Sách Sáng Thế và hơn 300 nhân vật được thể hiện một cách tỉ mỉ và sống động. Ông Crea từng chứng kiến khách tham quan không kể đức tin, tôn giáo, đều cảm động trước vẻ đẹp thần thánh này. Trên thực tế, một số khoa học gia cho rằng con người có bản năng phản ứng một cách xúc động trước nghệ thuật. “Một bức họa sẽ lay động được tâm hồn của con người khi từng nhân vật thể hiện rõ ràng sự chuyển động của chính linh hồn họa sĩ”, triết gia, nghệ sĩ Leon Battista Alberti vào năm 1435 đã viết, cách thời điểm hoàn tất nhà nguyện Sistine gần một thế kỷ. “Chúng ta nức nở trước nỗi đau khổ, cười sảng khoái cùng với niềm hoan hỉ và đau đớn vì những cảnh tượng đau lòng”.

Tiểu thuyết gia người Nga Leo Tolstoy từng cho rằng, nghệ thuật là “phương tiện mang đến sự hợp nhất và hòa hợp giữa các cá nhân, cho phép họ cùng nhau trải nghiệm cùng một cảm giác”, điều mà họ có thể cảm thấy trước khi thực sự nhận ra. Giống như Tolstoy, ông Crea tin vào năng lực của nghệ thuật về khía cạnh đoàn kết những cá thể khác nhau. “Ai nấy đều có thể phát hiện một thứ gì đó đẹp đẽ và đầy xúc động. Theo quan điểm của tôi, Bảo tàng Vatican là nơi bất cứ người nào cũng nên đến thăm một lần trong đời, vì nơi đây mang đến sự thấu hiểu về nghệ thuật và lịch sử, dù bạn theo tôn giáo nào”, người giữ khóa thành Vatican phân tích. Giống như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng viết trong cuốn sách La mia idea di Arte (Ý của tôi về nghệ thuật), bất kỳ ai, không kể trình độ học vấn, giàu hay nghèo, đều nên được tiếp cận với nghệ thuật, và Bảo tàng Vatican là công cụ đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo, một công cụ của hòa bình.

Trên hết, nghệ thuật giúp kết nối từng tâm hồn với nhau, thông qua sự sẻ chia văn hóa, lịch sử và lòng bác ái. Vì những lý do trên mà những năm gần đây, Vatican thỉnh thoảng vẫn cho phép một số nhóm nhỏ khách tham quan được đi theo ông Crea vào rạng sáng để mở khóa các công trình của thành quốc. Bước vào nhà nguyện Sistine khi trời còn tờ mờ và không một bóng người, hay chứng kiến phòng Bản đồ địa lý được thắp đèn… là những cảm giác có thể làm họ “xúc động đến nghẹt thở”. Đây cũng chính là mong muốn của người giữ khóa, chia sẻ với nhiều người những cảm xúc tuyệt vời mà ông trải nghiệm trong 20 năm qua. “Tôi chỉ là một người giữ khóa bình thường, nhưng đối với tôi, điều đẹp đẽ nhất là có thể bảo quản và trông coi những chiếc chìa khóa của lịch sử”, ông Crea kết luận.
 

GIANG VÔ YÊN


Nguồn tin: www.cgvdt.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây