Giáo xứ Vinh Hương

Nỗi sợ thiêng liêng và không thiêng liêng

Thứ bảy - 23/12/2017 22:48

 

Không phải nỗi sợ nào khi được tạo ra cũng bằng nhau, ít nhất là về mặt tôn giáo. Có nỗi sợ lành mạnh và tốt đẹp, một dấu hiệu của sự trưởng thành và tình thương yêu. Cũng có nỗi sợ xấu, chặn lại sự trưởng thành và tình thương yêu. Nhưng cần giải thích điều này rõ hơn.

Trong các giới tôn giáo có nhiều hiểu lầm về nỗi sợ, đặc biệt xung quanh phần Thánh Kinh nói rằng nỗi sợ Chúa là khởi nguồn của minh triết. Những đoạn kinh văn như vậy, cũng như tôn giáo nói chung, quá thường xuyên bị sử dụng để nhân danh Chúa mà khơi lên một nỗi sợ hãi không lành mạnh trong lòng con người. Chúng ta cần sống trong “nỗi sợ thiêng liêng”, nhưng nỗi sợ thiêng liêng là một loại sợ rất đặc biệt mà chúng ta không nên nhầm với những nỗi sợ hãi như chúng ta thường hiểu.

“Nỗi sợ thiêng liêng” là gì? Loại nỗi sợ nào là lành mạnh? Loại nỗi sợ nào làm khởi lên minh triết?

Nỗi sợ thiêng liêng là nỗi sợ của tình thương yêu, nghĩa là, loại nỗi sợ được tình thương yêu truyền cảm hứng. Đó là nỗi sợ dựa trên sự tôn kính và kính trọng đối với một người hay một sự vật mà chúng ta thương yêu. Khi chúng ta thương yêu đích thực một người nào chúng ta sẽ sống trong một mối băn khoăn lành mạnh, một nỗi lo lắng để hành động của chúng ta không bao giờ làm người đó thất vọng, hoặc xâm phạm hay thiếu tôn trọng người đó. Chúng ta sống trong nỗi sợ thiêng liêng khi chúng ta băn khoăn làm sao để không phản bội lòng tin hay lo lắng chuyện thiếu tôn trọng một ai đó. Nhưng điều đó rất khác so với chuyện sợ hãi một ai hay sợ hãi chuyện bị trừng phạt.

Quyền lực xấu hay thẩm quyền xấu bắt buộc người khác sợ hãi chúng. Chúa không bao giờ là loại quyền lực hay thẩm quyền đó. Chúa bước vào trần gian chúng ta như một em bé yếu đuối và quyền năng của Chúa cũng theo cách đó. Trẻ con không đe dọa ai, mà chúng gợi cảm hứng về nỗi sợ thiêng liêng. Chúng ta cẩn trọng trong lời nói và hành động của mình khi ở cạnh trẻ con không phải vì chúng đe dọa chúng ta, mà đúng hơn là chính tính chất yếu đuối và sự ngây thơ vô tội của chúng đã gợi lên một nỗi lo trong chúng ta khiến chúng ta muốn là những gì tốt đẹp nhất khi ở cạnh chúng.

Phúc âm là để gợi lên loại nỗi sợ đó. Chúa là Tình Thương, là quyền năng nhân từ, là uy quyền độ lượng, không phải là một người nào đó để sợ hãi. Thực ra [nếu thế gian này ai cũng đáng sợ hãi thì] Chúa là người cuối cùng trên thế gian này mà chúng ta phải sợ. Chúa Giê-su đến để dỡ bỏ nỗi sợ hãi cho chúng ta. Hầu như bất kỳ mặc khải nào trong Thánh Kinh (khi Chúa xuất hiện) đều bắt đầu với những từ sau: “Đừng sợ!” Những gì làm chúng ta hoảng sợ không đến từ Chúa.

Trong sách thánh Do Thái, trong sách Cựu ước Ki-tô, vua David được xem như người lĩnh hội điều này tốt nhất. Trong số tất cả nhân vật trong Cựu ước, kể cả các vị Mô-sê và các nhà tiên tri vĩ đại, David được mô tả như nhân vật hiện thân rõ rệt nhất cho cái gọi là bước đi trên mặt đất này trong hình ảnh và đồng dạng với Chúa, thậm chí ngay cả khi ông phạm vào lòng tin tưởng đó rất nặng. Cho dù có tội lỗi lớn, nhưng chính David, chứ không phải các vị các nhà tiên tri hay ông Mô-sê, là dòng dõi của Chúa Giê-su. David chính là hình ảnh Chúa Kitô trong Cựu ước. Ông bước đi trong nỗi sợ thiêng liêng đối với Chúa, mà không bao giờ trong nỗi sợ hãi không lành mạnh.

Chỉ xin dẫn ra một ví dụ nổi bật: Sách các Vì Vua kể lại một câu chuyện, ngày nọ David đang cùng binh lính từ chiến trường trở về. Đoàn quân của ông đói lả. Thức ăn duy nhất còn lại là bánh mì trong đền thờ. David hỏi xin bánh mì đó và được đáp là bánh đó chỉ được duy nhất sử dụng bởi các thầy tế trong nghi lễ thiêng liêng. Ông trả lời thầy tư tế đại ý thế này: “Ta là Vua, do Chúa đặt ở đây để hành động một cách có trách nhiệm nhân danh người. Chúng ta thông thường không hỏi xin bánh mì của điện thờ, nhưng đây là ngoại lệ, là một vấn đề cấp bách, binh lính cần bánh mì, và Chúa hẳn muốn chúng ta làm điều đó một cách có trách nhiệm.” Và thế là ông lấy bánh mì trên điện thờ và cho quân lính ăn. Trong Phúc âm, Chúa Giê-su khen ngợi hành động này của David và yêu cầu chúng ta bắt chước như vậy, người nói với chúng ta rằng chúng ta không phải được tạo ra cho Lễ Xa-bát, mà là Lễ Xa-bát được tạo ra cho chúng ta.

Một người mẹ trẻ kể cho tôi nghe câu chuyện này: Đứa con trai 6 tuổi của cô vừa mới đi học. Cô dạy cậu bé quỳ xuống cạnh giường hàng đêm trước khi đi ngủ và đọc vài kinh buổi tối. Một đêm nọ, chỉ sau khi bắt đầu đi học một thời gian ngắn, cậu bé nhảy phóc lên giường khi chưa quỳ xuống đọc kinh. Ngạc nghiên, cô hỏi con: “Con không cầu nguyện gì nữa hay sao?” Cậu trả lời: “Không, con không cầu nguyện. Cô giáo con ở trường nói với chúng con là chúng con không phải cầu nguyện. Cô nói là chúng con phải nói chuyện với Chúa… mà tối nay con mệt và chẳng có gì để nói cả!”

Giống Vua David, cậu bé cũng đã phân biệt được thế nào thật sự là đứa trẻ của Chúa và Chúa đúng thật không phải là một luật lệ để tuân theo mà là một sự hiện diện bao dung mong muốn một mối quan hệ thương yêu lẫn nhau, một mối quan hệ của nỗi sợ thiêng liêng.

Tác giả bài viết: Ronald Rolheiser - J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây