Giáo xứ Vinh Hương

Sửa lỗi hay kết án?

Thứ năm - 08/09/2011 01:01

Sửa lỗi hay kết án?

- Ranh giới giữa “sửa lỗi” và “kết án” quả là mỏng manh!

Sáng Chúa nhật rảnh rỗi, lang thang trên các trang mạng nhà đạo lớn nhỏ, nhận thấy một điều khác thường: Các bài viết về vấn đề sửa lỗi cho anh em xuất hiện nhiều hơn những CN khác, số lượng tác giả cũng rất phong phú. Bài Tin Mừng hôm ấy, CN 23TNA (Mt18,15-20), quả đã gợi ý cho nhiều người chia sẻ. Tất cả đều nhằm mục đích làm cho cộng đoàn tốt đẹp hơn và trở nên một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất trong Chúa.

Thế nhưng, một số bài chỉ xoay quanh vấn đề làm thế nào để sửa lỗi anh em được hiệu quả nhất. Nếu người đọc đứng ở góc độ người có lỗi cần được giúp đỡ, đôi khi những ý ngay lành đó lại trở nên phản tác dụng. Phải chăng vì mạch văn và ý nghĩa của đoạn Tin Mừng (Mt18, 15-17) quá rõ ràng, nên chúng ta cứ từ đó phân tích như một công thức định sẵn mà quên rằng “một người có lỗi là mỗi người trong cộng đoàn đều liên đới trách nhiệm” (bài của Đức cố Gm Nguyễn Sơn Lâm)?

Trong trình thuật trước đó, Đức Giêsu không hề muốn loại bỏ người có lỗi, mà ngược lại: “Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?”(Mt18,12). Và trình thuật tiếp theo, khi ông Phêrô hỏi phải tha thứ như thế nào khi có người anh em xúc phạm mình, Đức Giêsu đã trả lời dứt khoát: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”(Mt18,22).

Thiết nghĩ, muốn sửa lỗi anh em, trước hết phải khiêm tốn sửa lỗi chính mình (bài của Đức Gm Ngô Quang Kiệt), giúp đỡ anh em bằng tình yêu thương và lòng tha thứ, bằng độ lượng và bao dung, bởi vì chính chúng ta cũng không phải là người vô tội.

Nếu đọc một bài viết mà chỉ thấy “chúng ta” sửa lỗi “anh em”, hoặc “hãy” thế này, “phải” thế kia thì người “anh em” sẽ nghĩ gì? Ranh giới giữa “sửa lỗi” và “kết án” quả là mỏng manh!

Một sự ngẫu nhiên thú vị: Cụm từ “sửa lỗi anh em” (được dùng nhiều nhất trong các bài viết), dù có đảo lộn thứ tự các từ thế nào đi nữa, vẫn có ý nghĩa và rất … hợp lý. “Sửa lỗi anh em”; “Anh em sửa lỗi”; “Anh sửa lỗi em”; “Em sửa lỗi anh”; “Lỗi anh em sửa”; “Lỗi em anh sửa”; “Anh lỗi, em sửa”; “Em lỗi, anh sửa”; “Sửa em, anh lỗi”; “Sửa anh, em lỗi” ... … …

Xin mượn câu cuối đoạn Tin Mừng để thay lời kết: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.(Mt18,20)

Tác giả bài viết: Huuchanh

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây