Giáo xứ Vinh Hương

Tiếng chuông cuộc đời

Thứ tư - 30/05/2018 17:35
- Ước mong sao mỗi ngày có thêm nhiều tiếng chuông giữa cuộc đời được gióng lên, để con cái trong các cộng đoàn ý thức hơn và sống tử tế hơn với Thượng Đế, với con người và với chính mình.
 
Tuần trước, được tham dự Thánh lễ tại một giáo xứ nọ mừng 10 năm lên hàng giáo xứ, đồng thời, cũng khánh thành một tháp chuông mới nhân dịp này. Nhiều người trầm trồ về vẻ đẹp của tháp chuông cũng như tiếng chuông từ tháp ngân vang xa mãi theo dòng đời. Tiếng chuông, sao mà thân thương, thánh thiêng và gần gũi vậy.

Nói về tiếng chuông từ các giáo đường, với ý nghĩa tâm linh, tiếng chuông được coi là tiếng Chúa, cất lên để gọi mời con cái trong gia đình giáo xứ, trở về với mái nhà chung, để cùng cầu nguyện, cùng hiệp lễ với nhau và cùng cầu nguyện cho nhau và cho Giáo hội. Tiếng chuông còn báo tin cho cộng đoàn biết trong gia đình giáo xứ có người ra đi, tạm biệt mọi người, về nhà Cha. Rồi tiếng chuông đó còn gióng lên khi giáo xứ có những biến cố đặc biệt, có những thăng trầm đến. Do đó, tiếng chuông có lúc ngân vang, giọng réo rắt, có lúc não nề như ai oán, có lúc trầm hùng như tiếng trống trận, và có lúc cũng lạc giọng vì giông bão cuộc đời.

Về khía cạnh tâm linh là thế, tiếng chuông từ các thánh đường vẫn mãi là một tiếng vang hướng về đời sống tinh thần, và cũng là nét độc đáo của các xứ đạo, tạo nên một sức sống siêu nhiên và hiệp nhất cho cộng đoàn. Bên cạnh đó, tiếng chuông có thể được cất lên không khi đời sống nhân bản của con người đang bị tục hóa mỗi ngày. Từ một bào thai mới hình thành trong dạ mẹ đã bị đe dọa và giết bỏ, cho đến một em bé vừa chào đời đã bị chính người thân chôn vùi vội trên cát, để cho côn trùng vây lấy một tấm thân đơn côi, yếu ớt giữa dòng đời. Tiếng chuông đó có được vang lên khi nền tảng đạo đức của các gia đình, đặc biệt các gia đình trẻ, đang bị thử thách nặng nề. Với sự leo thang thần tốc của chủ nghĩa cá nhân và thực dụng, hạnh phúc của các gia đình được đặt lên bàn cân, được xem là một mặt hàng trao đổi, mua bán. Chính sự leo thang của một ý thức hệ chú tâm vào những lợi nhuận hiện tại, vào những lợi ích của mỗi cá nhân và gia đình, vào sĩ diện của bản thân và danh giá vọng tộc, nên giá trị của tình yêu vợ chồng không còn là một sự tự nguyện trao hiến, tự nguyện hy sinh, tự nguyện đồng hành, mà thay vào đó là sự mặc cả, yêu sách, thậm chí là các điều kiện cần và đủ.

Đau khổ cho một xã hội chưa chú trọng đến hệ thống giáo dục con người về nhân cách, về đạo đức, về ý thức làm người, và về tình người. Bên cạnh những thánh đường, thường có những trường học, nơi đó có còn giúp các em ý thức về tương quan giúp đỡ lẫn nhau từ nơi gia đình, bạn hữu, nơi xã hội, nơi trường học nữa không, hay chỉ là nơi tập tành cho các em cách thống trị người khác với những chức vụ này nọ, hoặc biến các bạn cùng lớp thành ổ bánh mì cho mình mỗi sáng. Muốn được an phận vì sự năng động và tinh nghịch của tuổi học trò, thì hãy biếu xén, quà cáp hay nịnh hót mỗi khi có dịp. Đó có phải là lúc đang hủy hoại nhân cách, hủy hoại trang giấy trắng cuộc đời của các em nhỏ, và như thế, có cần gióng lên những tiếng chuông cảnh tỉnh và khuyến cáo, những tiếng chuông kêu cứu hay những tiếng chuông não nề vì thế hệ tương lai của Giáo hội và xã hội đang đi vào ngõ cụt, bế tắc vì sự tắc trách của người lớn.

Tiếng chuông đó có thể được vang lên khi công lý, sự thật đang bị bóp méo cách này, cách khác. Người ta chạy trốn trách nhiệm, chạy trốn sự thật do chính mình gây ra cho bao người khác. Vì mãnh lực đồng tiền đã làm cho lương tri những con người cầm cân nảy mực bị chai cứng, sự thật trong con người họ chỉ còn là “đầu tiên - tiền đâu” rồi mọi cái sẽ được giải quyết, bất chấp tính mạng con người đang bị đe dọa hay bệnh tật đang hoành hành. Tiếng chuông đó có được vang lên khi công lý pháp đình bị bóp méo đáng thương. Câu chuyện đó đây đang xôn xao là một điển hình. Con người sống bằng cái tâm thì luôn bị thiệt thòi, bị dọa nạt, bị trù dập và chụp mũ, còn những kẻ có cái đầu với mái tóc màu đen mà bên trong không có bộ óc, thì vẫn hiên ngang, vẫn nhởn nhơ, vẫn sống như chưa hề biết gì trong thế giới này.

Những ai đang đi lại trên các nẻo đường cuộc đời, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe những tiếng chuông từ các giáo đường ngân nga, làm cho tâm mỗi người bình yên hơn, thanh thản hơn. Nhưng thử hỏi, có lúc nào giữa một xã hội như thế, tiếng chuông được ngân lên vang xa, thì lòng người trăn trở nhiều hơn, âu lo nhiều hơn và có cố gắng làm một điều gì đó cho đời, cho người; để rồi mai đây, khi nhắm mắt chia tay cuộc đời, tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng; bởi biết là một chim én không làm nên mùa xuân, nhưng gương sáng vẫn mãi là “hữu xạ tự nhiên hương” đó sao. Ước mong sao mỗi ngày có thêm nhiều tiếng chuông giữa cuộc đời được gióng lên, để con cái trong các cộng đoàn ý thức hơn và sống tử tế hơn với Thượng Đế, với con người và với chính mình.
 

Tác giả bài viết: petbninh

Nguồn tin: www.gpbanmethuot.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây