Giáo xứ Vinh Hương

Tôi biết tôi đã tin vào ai

Thứ năm - 27/04/2017 17:50
- “Tôi biết tôi đã tin vào ai”. Đó phải là lời khẳng định của mỗi người tín hữu, nếu họ muốn sống đúng với danh xưng này.

Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã định nghĩa về Đức tin như sau: “Tin không gì khác hơn là sờ chạm được vào bàn tay Thiên Chúa trong đêm đen của trần thế, và cứ thế - trong tĩnh lặng - lắng nghe Ngài, nhìn thấy tình yêu”. Định nghĩa này được nói trong bài huấn từ kết thúc tuần tĩnh tâm cho giáo triều ngày 23-2-2013, trước ngày chấm dứt sứ vụ Giáo Hoàng. Vì thế, ta có thể coi đây như một di chúc của vị Giáo Hoàng trước khi rút lui vào đời sống chuyên tâm cầu nguyện. Với tư cách là một nhà thần học lớn của Giáo Hội, Đức Bênêđitô XVI đã đưa ra nhiều định nghĩa về đức tin. Dù mỗi định nghĩa nhấn mạnh tới một khía cạnh, nhưng tất cả đều diễn tả sự gặp gỡ, tiếp xúc, tín thác nơi một Đấng đang hiện diện cụ thể trong đời.

Trong thư gửi cho Timôthê là người môn sinh của mình, Thánh Phaolô đã viết: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2Tm 1,12). Thư này được viết trong tù, vào lúc Phaolô cảm thấy mọi người đều bỏ rơi mình. Ông thấm nỗi cô đơn, chưa biết tương lai sẽ như thế nào. Giữa chốn lao tù, trong cảnh xiềng xích, Phaolô vẫn kiên vững một niềm tin, vì ông xác tín Thiên Chúa là “Đấng có đủ quyền năng bảo toàn giáo lý đã được trao phó cho tôi, mãi cho tới Ngày đó”(2Tm,1,12). Người ta dễ dàng tin tưởng vào Chúa khi gặp  những điều tốt lành trong cuộc sống. Tuy vậy, giữa cơn phong ba bão táp của cuộc đời, để tuyên xưng đức tin vào Chúa, đòi hỏi phải có lòng kiên định đến mức anh hùng. Ông Gióp trong Cựu ước đang có một cuộc sống phong lưu đầy đủ, bỗng chốc rơi vào cảnh cùng cực: mất hết của cải và con cái. Bạn bè, người thân, thậm chí người vợ cũng xa lánh. Ông phải ngồi trên đống tro. Hình ảnh này vừa diễn tả cảnh cùng khốn, vừa cho thấy ông khiêm tốn sám hối. Trong hoàn cảnh đó, ông Gióp vẫn kiên định và cố gắng để không xúc phạm Chúa. Ông vẫn tin vào Chúa mặc dù ông không hiểu việc Ngài làm. Ông vẫn biện minh cho sự vô tội của mình và không chấp nhận lý luận của những người bạn đến thăm. Đó là kết quả của một niềm tin vững vàng, một niềm cậy trông tín thác nơi Chúa. Khi kiên định trong đau khổ, chắc chắn ông Gióp cũng thốt lên điều mà Phaolô sau này tâm niệm: tôi biết tôi đã tin vào ai.

“Ai” mà Phaolô nhắc đến không phải là một nhân vật huyền thoại mơ hồ. Vị đó là một Đấng cụ thể, là Thiên Chúa tối cao. Ngài là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Giacóp, tức là của các tổ phụ Israen. Ngài là Thiên Chúa, Đấng đã can thiệp trong lịch sử để hướng dẫn, tha thứ và chúc lành cho con người của mọi thời đại. Đấng ấy đang hiện diện trong cuộc đời. Ngài đã chinh phục Phaolô và biến đổi ông từ một người bách hại các tín hữu đến một vị tông đồ nhiệt thành, dấn thân truyền giáo cho các dân ngoại. Trải qua vô số gian truân trong các hành trình truyền giáo, ông đã cảm nhận rõ ràng Chúa luôn ở với ông. Ngài soi sáng hướng dẫn và ban cho ông sức mạnh, để ông can đảm nhiệt thành thực thi sứ vụ.

Trong chốn lao tù, đêm đen của trần thế, Phaolô đã chạm được vào bàn tay của Thiên Chúa và ông đã để Ngài dẫn dắt trong thinh lặng. Mặc dù những người thân đã xa lánh, nhưng ông biết vẫn có Chúa hiện diện ở đó, bên cạnh ông, để chia sẻ gian nan trong ngục tối và để thêm sức cho ông. Ông cũng tin rằng, trong bất cứ tình huống nào, ông cũng không nản lòng, vì “Ơn Ta đủ cho con”, như lời Chúa đã cam kết (2Cr 12,9). Chính nhờ sự xác tín vào Thiên Chúa, mà Phaolô can đảm lên đường truyền giáo, dẫu biết rằng khó khăn và thử thách đang chờ đợi ở phía trước. Trong lời từ biệt tín hữu Ephêxô, Phaolô đã nói với họ: “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20,22-24). Chỉ một khi biết rõ Đấng mình tin tưởng là ai, thì thánh nhân mới có cam đảm và kiên vững trước mọi phong ba bão táp như vậy.

Người tín hữu tức là người tin vào Chúa. Tuy vậy, đối với nhiều người, “tin vào ai” hoặc “tin như thế nào” vẫn là một điều mơ hồ. Một khi xác tín: “Tôi biết tôi đã tin vào ai”, người tín hữu sẽ an tâm phó thác để Chúa dẫn đường, dù qua bao cơn nguy khốn. Đó là niềm tín thác của một em bé đơn sơ, đang ở trên một con tàu có cha mình làm thuyền trưởng. Mặc dù phong ba bão táp dữ dội, em vẫn tin chắc cha em sẽ điều khiển con tàu tới bến an toàn. Tình yêu mến và sự tin tưởng nói với em rằng: cha em là người giỏi nhất thế gian này. Niềm xác tín nơi Chúa cũng giúp chúng ta tìm thấy sự bình an, như em bé ngủ yên trong lòng mẹ, thư thái và an bình, vì chẳng có nơi đâu trên thế gian an toàn và ấm áp hơn.

“Tôi biết tôi đã tin vào ai”. Niềm xác tín ấy cũng giúp chúng ta có sức mạnh. Tác giả thư Do Thái đã viết: “Chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu Kitô là Đấng khai mở và kiện toàn Đức Tin” (Dt 12,1). Cuộc sống này là một cuộc đua. Ai muốn nhành nguyệt quế phải kiên trì và chấp nhận những khổ chế hy sinh. Trong cuộc đua thiêng liêng, người tín hữu nhận được sức mạnh nhờ niềm tin vào Đức Giêsu. Họ chắc chắn Người đang ở bên họ để tăng thêm sức mạnh, khích lệ động viên và giúp họ về đích trong vinh quang.

Một ngày nọ, tại Xêdarê, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai? ... Các anh bảo Thày là ai?” (x. Mt 16, 13-20). Câu hỏi này khiến các ông ngỡ ngàng. Họ đã theo Chúa được vài năm rồi, mà xem ra chưa lúc nào đặt vấn đề nghiêm túc về căn tính của thày mình. Sau này, sau khi phục sinh, Người cũng hỏi Phêrô ba lần: “Simon con ông Gioan, con có yêu mến Thày hơn những người này không?” (Ga 21,15). Câu hỏi này cũng làm cho Phêrô lúng túng. Ông chỉ biết trả lời : “Lạy Thày, Thày biết rõ mọi sự. Thày biết con yêu mến Thày” (Ga 21,17). Nếu đối với câu hỏi ở Xêdarê, Phêrô đã tuyên xưng đức tin, thì lúc này, ông khẳng định lòng mến. Lòng mến ấy chân thành và tha thiết, có Chúa biết và làm chứng cho ông. Nhận biết Chúa là ai và thành tâm yêu mến Người, đó là những câu hỏi vẫn đang được đặt ra cho những ai muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, bởi vì Người không chấp nhận một đức tin mờ ảo hay một tình mến nửa vời.

Trong cơn lốc cuộc đời hôm nay, một hiện tượng xem ra càng ngày càng phổ biến tới mức báo động, đó là lối sống đức tin hời hợt, thiếu chiều sâu. Con người vẫn khao khát Thiên Chúa, vẫn đi tìm kiếm Ngài. Tuy vậy, thay vì tìm kiếm một hình ảnh đích thật về Thiên Chúa, nhiều người chỉ chạy theo những ảo ảnh hoặc những “thượng đế” do họ tưởng tượng và bày vẽ ra. Nếu từ ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài, thì trong xã hội thời nay, đang có một khuynh hướng ngược lại, đó là con người tạo dựng một “thiên chúa” theo hình ảnh mình, phù hợp với những tham vọng sở thích trần tục và dễ dãi. Do đó mà càng ngày càng xuất hiện nhiều hình thức mê tín dị đoan. Tôn giáo có nguy cơ trở thành một mớ đa thần hỗn loạn. Tình trạng buôn thần bán thánh, lo lót cho các vị thần để thăng quan tiến chức ngày càng ăn sâu vào não trạng của người dân, ngay cả một số lớn các quan chức và giới trí thức.
Đối với số đông người tín hữu công giáo, việc dạy và học giáo lý không được quan tâm. Nhiều người tự cho việc đi lễ mỗi tuần một lần là đủ “bổn phận” của người có Đạo. Hậu quả của lối sống Đạo thiếu giáo lý là một đức tin sơ sài, chỉ chú trọng đến bề nổi và những sinh hoạt kiểu hội hè, nặng tính thế tục. Cũng vậy, một số người có thói quen lượng giá đời sống đức tin của một cộng đoàn qua những bộ đồng phục hoặc những tổ chức bên ngoài mà ít nhấn mạnh đến đời sống nội tâm và tình bác ái. Họ tin Chúa, nhưng chưa hiểu rõ Chúa là ai đối với họ. Chính vì vậy, khi gặp gian nan thử thách, họ dễ ngã lòng và chao đảo. Đó là những người mang danh có Đạo, nhưng lại không biết mình tin vào ai.

“Tôi biết tôi đã tin vào ai”. Đó phải là lời khẳng định của mỗi người tín hữu, nếu họ muốn sống đúng với danh xưng này. Niềm xác tín ấy không dừng lại ở một công thức, hay một lời tuyên xưng nơi môi miệng, nhưng là kim chỉ nam cho đời sống hằng ngày và chi phối bao trùm trọn vẹn con người của mỗi chúng ta.
 
Mùa Phục Sinh 2017
 
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
 

Nguồn tin: www.hdgmvietnam.org

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây