Giáo xứ Vinh Hương

Tôn trọng người khác trong một cộng đồng phân cực

Chủ nhật - 29/10/2017 08:09


Thời buổi này, chúng ta sống trong một thế giới và trong các cộng đoàn rất phân cực. Trong đó, chúng ta không hiệp nhất. Một mức độ phân cực nào đó trong mọi cộng đồng là bình thường và lành mạnh. Tuy nhiên, chua cay, tinh thần thấp kém, và sự thiếu tôn trọng là đặc nét nhiều nhất trong các cuộc tranh luận chính trị, giáo hội, và luân lý hiện nay là điều không bình thường và rất không lành mạnh. Chúng ta đừng cố lừa dối mình khi nghĩ rằng điều này là lành mạnh và tệ hơn nữa, đừng nhân danh sự thật, công lý, hay Thiên Chúa để biện minh cho sự thiếu tôn trọng đối với những người suy nghĩ khác chúng ta. Chúng ta không phải là chiến sĩ thần thánh, mà chỉ là những con người đầy giận dữ với tấm lòng thương xót có tính phân biệt chọn lựa.

Có thể những nhãn hiệu như tự do và bảo thủ không định danh chính xác các nhóm, kiểu người mà chúng ta luôn phân tách hiện nay, nhưng như một tổng thể hóa thì những danh xưng này vẫn có giá trị. Chúng ta phân tách cách gay gắt, tự do với bảo thủ, bảo thủ với tự do, và thay vì xem chúng ta như một cộng đồng với những nỗ lực chiến đấu chung, chúng ta thích nói về “chúng ta” và “bọn họ” hơn, nghe giống như trong các nhóm giao tranh. Không có một sự chung nhất phổ quát nữa.

Nghiêm trọng hơn, chúng ta không thể và ngay cả không có một cuộc trao đổi tôn trọng với nhau. Ngày nay thật hiếm có một cuộc trao đổi về bất cứ vấn đề nhạy cảm nào về chính trị, luân lý và quan điểm trong giáo hội mà không xuống cấp thành kiểu dán nhãn và thiếu tôn trọng. Thấu cảm, thông hiểu, và thương mến trở thành cực kỳ phân tách chọn lọc, nghiêng về tư tưởng riêng và một chiều. Chúng ta chỉ lắng nghe và tôn trọng những gì chúng ta yêu thích. Hơn nữa, cả tự do hay bảo thủ đều như vậy. Những gì chúng ta thấy ở họ thật đáng buồn, một hình thức quá nhạy cảm, quá nghiêm túc, hoang tưởng về người khác, nóng giận, thiếu vắng niềm vui và thiếu tính hài hước.

Phái bảo thủ thì có khuynh hướng biện minh cho điều này bằng việc đặt nặng tầm hệ trọng các tranh điểm họ muốn bảo vệ: phá thai, đời sống gia đình, kết hôn truyền thống. Các điểm họ trình bày với tất cả tầm hệ trọng thích đáng, là quá nghiêm túc và phái tự do cũng đồng thuận là không thể trao đổi cho có ý nghĩa thật sự được. Sự thật đang được bảo vệ là bất diệt và không thương lượng, vậy thì trao đổi để làm gì?

Phái tự do cũng nói vậy: Tại sao lại thảo luận những điều hiển nhiên hợp lý, đơn giản là nhân quyền, và đã từ xa xưa, nó đã được trân trọng lưu giữ trong nguyên tắc dân chủ? Những vấn đề này thậm chí không cần phải tranh luận. Hơn nữa, trong nhóm tự do, thường có sự khinh miệt đầu óc đối với những gì bị cho là bất dung hẹp hòi từ chủ nghĩa tôn giáo chính thống cực đoan. Mặc dù có những nỗ lực thuyết phục đáng kể với phía đối lập, phái tự do vẫn thiếu một ít chân thành trong mong muốn có một trao đổi thực sự về các vấn đề như phá thai, kết hôn đồng tính, và giá trị gia đình. Họ, cũng như phe bảo thủ, rõ ràng đã có một định kiến về mặt luân lý. Tại sao phải trao đổi?

Xác quyết vững mạnh không phải là một lỗi, nhưng điều đáng lo là thiếu tinh thần cởi mở để có một đối thoại tôn trọng nhau, trên những vấn đề nhạy cảm, tình trạng này chung chung phổ biến trong các lãnh vực tôn giáo cũng như chính trị.

Trong lãnh vực Giáo hội, chúng ta muốn giữ mình ở một tầm mức cao hơn: đón nhận chuyện xấu bằng lòng tử tế, giận dữ bằng thương xót, đối nghịch bằng thông hiểu, phỉ báng mà không trã đũa, bất dung bằng kiên nhẫn, và đón nhận mọi thứ, mọi người bằng đức ái. Đa số là đã không xảy ra như vậy. Và đáng buồn thay, trong nội bộ Giáo hội, các trao đổi của chúng ta về các vấn đề nhạy cảm là tấm kiếng phản chiếu tận căn tư tưởng khắc khe, một chiều mà chúng ta nghe tranh cãi gay gắt hơn trên các diễn đàn. Kết quả cũng như nhau: người trở lại giảng cho người trở lại nghe, tâm hồn chúng ta ngày càng chai hơn là mềm, thái độ chúng ta càng chua cay và cách biệt, và rồi chúng ta bị đẩy xa khỏi tha nhân trong lòng Giáo Hội cũng như trên chính trường.

Đến một lúc, khi bất hòa, giận dữ, thiếu dung thứ, thiếu kiên nhẫn, thiếu tôn trọng và thiếu đức ái làm tê liệt cộng đoàn và chia rẽ những người thiện tâm với nhau, thì chúng ta, những người đi theo Đức Giêsu được kêu gọi để noi theo gương yêu thương bao la của Ngài, để tái định lại chúng ta trong vài nguyên tắc căn bản: tôn trọng, nhân ái, thông hiểu, nhẫn nại, và rộng lượng đối với những người đối lập mình. Và đây cũng là lúc chúng ta cùng ở với nhau trong một gia đình mà mọi người cần có nhau.

Không có “chúng tôi” và “họ”, chỉ có “chúng ta”

Học giả Kinh Thánh, Ernst Kaseman, đã từng giả thuyết rằng những gì sai trái trong thế giới và trong Giáo Hội là bởi những người tự do không phải là những người ngoan đạo và những người ngoan đạo không phải là những người tự do. Thật chính xác. Hiếm khi thấy một người lãnh đạo vừa lần chuỗi vừa đi bộ vì hoà bình. Phái tự do trội ở điểm này, phái bảo thủ trội ở điểm kia. Mỗi bên có hình mẫu riêng của mình, đó là những Mel Gibson và Michael Moore, các vị thánh bảo trợ của lòng mộ đạo hay công chính. Chúng ta cần một thánh bảo trợ cho cả hai.

Có lẽ chúng ta thấy được vị bảo trợ đó ở bà Dorothy Day, người mà ở cả hai phía, tự do và bảo thủ, đều  tôn trọng và nhìn nhận như một vị thánh và sẽ được Giáo Hội phong thánh sớm. Bà vừa sốt sắng vừa tự do, một phụ nữ thong dong tự tại, vừa hướng dẫn cuộc đi bộ vì hoà bình, vừa sốt sắng lần chuỗi. Bà cũng có thể đứng lên vững mạnh vì chân lý, vì sự sống, và vì công chính, không đặt đồng hạng những gì là căn bản vĩnh cữu trong tất cả các quan hệ, bà nói chuyện trong tinh thần nhân ái, tôn trọng, lân tuất và với một óc hài hước!

Tác giả bài viết: Ronald Rolheiser  -  J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây