Giáo xứ Vinh Hương

Người Công giáo được mời gọi xây dựng xã hội yêu thương

Thứ tư - 22/02/2017 18:08
Chú ý: Bài viết này chưa được xuất bản, chỉ có những người có quyền thao tác mới có thể xem được nội dung.
 
Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam với các linh mục địa phương thăm một hang đá Đức Mẹ ở giáo phận Vinh hôm 16-2. Ảnh: Giaophanvinh

Một đại diện của Vatican vừa kêu gọi người Công giáo ở miền trung Việt Nam hãy xây dựng một xã hội yêu thương và huynh đệ tại một buổi lễ mừng hồng phúc tử đạo của một thừa sai người Pháp vừa được phong chân phước ở Lào.

Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam đã viết một bức thư được đọc trong Thánh lễ tạ ơn đặc biệt ở tỉnh Hà Tĩnh để mừng hồng ân tử đạo của Chân phước John Baptist Malo (1899-1954) thuộc Hội thừa sai hải ngoại Paris.

Đức Tổng giám mục Girelli đang ở Việt Nam nhưng chính quyền địa phương đã không cho ngài tới tham dự thánh lễ do Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp của giáo phận Vinh chủ tế hôm 16-2.

Đức cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên đọc thư của đức tổng giám mục trong Thánh lễ được tổ chức trong khuôn viên nhà thờ Vĩnh Hội ở huyện Hương Khê.

Trong thư, Đức Tổng giám mục Girelli nói rằng Chân phước Malo đã loan báo Tin mừng và phục vụ người nghèo khổ ở Trung Quốc 18 năm. Sau khi cha bị trục xuất khỏi Trung Quốc, cha tới Lào và sống ở đó 16 tháng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.

“Cha Malo đã yêu châu Á và vùng đất Đông Dương này. Cha đã trở nên người Trung Quốc với những người Trung Quốc, trở nên người Lào với những người Lào. Quả thật, một vị tử đạo không chỉ chết cho Thiên Chúa mà còn chết cho những người mà mình hằng yêu mến”, Đức Girelli viết.

Đức tổng giám mục kêu gọi cộng đoàn hãy noi gương Chân phước Malo làm chứng cho Đức Giêsu Kitô và các giá trị Kitô giáo trong hòan cảnh khó khăn như những thách đố trong tiến trình tục hóa và những giới hạn tự do khi họ thực hành đức tin của mình.

Đức tổng giám mục cũng nói rằng “Tôi bị ngăn cấm tới Vĩnh Hội mặc dù hiện tại tôi đang ở Vinh”. Lời ngài được hiểu là ám chỉ việc ngài không được phép tới tham dự sự kiện này.

“Thiên Chúa có chương trình của Ngài cho Giáo hội tại Việt Nam và Ngài cần anh chị em cộng tác thực hiện. Tương lai của Giáo hội phụ thuộc vào anh chị em và đức tin của anh chị em” –  vị đại diện Vatican nói.

Cuối cùng ngài mời gọi họ “hãy yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Châu Á và yêu mến tổ quốc của anh chị em”.

“Tình yêu là một thực tại mà Việt Nam và Lào cần xây dựng cho tương lai của mình trong bầu khí hòa bình”, ngài nói thêm.

Các thánh tử vì đạo ở Lào

Chân phước Malo là một trong 17 vị tử đạo Công giáo gồm linh mục, giáo lý viên và giáo dân được phong chân phước hôm 11-12-2016 tại thủ đô Viên Chăn của Lào.

Theo tài liệu giáo hội, Chân phước Malo bị Pathet Lào, được trợ giúp của cộng sản bắc Việt, bắt năm 1954 tại Thakhek. Ngài bị giải giao cho cộng sản Việt Nam để bỏ tù ngài ở Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Nhiều tù binh Pháp cũng bị giam ở đây.

Đức cha Hợp nói Chân phước Malo qua đời ngày 28-3-1954 khi đang trên thuyền đi qua đoạn sông Ngàn Sâu để tới trại Đô Lương. Ngài qua đời vì bị kiệt sức, bỏ đói và tra tấn và được chôn trên bờ sông. Năm 1990, ngài được cải táng trong khuôn viên nhà thờ Vĩnh Hội.

“Hôm nay chúng ta quy tụ nơi đây để tỏ lòng biết ơn Chân phước Malo và các thừa sai khác đã hy sinh mạng sống các ngài để làm chứng cho Tin mừng ở Lào và Việt Nam”, Đức cha Hợp nói.

Trong bài giảng của mình, Đức cha Michael Hoàng Đức Oanh, cựu giám mục của giáo phận Kontum, mời gọi cộng đoàn hãy theo gương Chân phước Malo bằng cách xây dựng một xã hội huynh đệ, liên đới, an bình và tôn trọng nhau.

Đức cha Oanh thúc giục mọi người hãy cầu nguyện cho những anh chị em ở giáo xứ Song Ngọc bị công an đánh đập và câu lưu trong khi họ đi nộp đơn kiện Formosa vì gây ô nhiễm tại Tòa án Kỳ Anh hôm 14-2. “Tình yêu Chúa Kitô đòi hỏi anh chị em tìm kiếm chân lý, công bằng và quyền con người làm con Thiên Chúa”, Đức cha Oanh nói.

Trên 80 linh mục và đại diện Hội thừa sai hải ngoại Paris và Giáo hội Lào cũng tham dự Thánh lễ với trên 7.000 người tham dự. Các nhà ngoại giao Pháp cũng có mặt tại buổi lễ nổi bật với chương trình diễn nguyện đậm màu sắc dân tộc.

Giáo phận Vinh coi sóc ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình với trên 550.000 giáo dân. Họ gánh chịu những đàn áp tôn giáo và ô nhiễm môi trường. Họ phản đối những vấn đề này và lại chịu thêm những áp bức từ chính quyền.

Nguồn tin: www.vietnam.ucanews.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây