Giáo xứ Vinh Hương

Canh tân việc đào tạo linh mục cho thế kỷ 21

Thứ sáu - 09/12/2016 16:59
Chú ý: Bài viết này chưa được xuất bản, chỉ có những người có quyền thao tác mới có thể xem được nội dung.

Đức hồng y Beniamino Stella
Không giả hình cũng không cứng nhắc, biết cảm nhận vẻ đẹp. Đó là chân dung người linh mục trong tương lai được phác họa trong một văn kiện của Bộ Giáo sĩ. Đồng thời văn kiện này còn đề ra các tiêu chí cho lộ trình đào tạo linh mục và đồng hành hướng đến chức linh mục thừa tác. Văn kiện nêu lên những phẩm chất cần được vun đắp và lưu ý linh mục không phải con người “làm phận vụ” nhưng “lắng nghe”, không phải “kế toán viên” mà là “người Samaria nhân hậu”.
 
“Ơn gọi linh mục – Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis” * (tạm dịch: Nguyên tắc căn bản vể đào tạo linh mục), là tên một “sắc lệnh” của Bộ Giáo sĩ, vừa được đăng trên báo L’Osservatore Romano, ấn bản tiếng Ý, ngày 8 tháng Mười Hai 2016, ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Văn kiện mang chữ ký của Đức hồng y Beniamino Stella, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ; Đức Tổng giám mục Joël Mercier, thư ký; Đức Tổng giám mục Jorge Carlos Patron Wong, thư ký đặc trách chủng viện; và Đức ông Antonio Neri, phó thư ký. Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn và truyền công bố sắc lệnh này.
 
Sắc lệnh này cập nhật Huấn thị 1985 trình bày những yêu cầu của việc huấn luyện chủng sinh hướng đến chức linh mục thừa tác. Có thể nói sắc lệnh này nhằm bảo đảm những điều kiện lãnh nhận “hồng ân” thiên triệu của Chúa. Cũng nên nhắc lại, đề tài Thượng Hội đồng Giám mục 2018 sẽ dành cho giới trẻ và cũng sẽ đề cập đến mục vụ ơn gọi, về việc phân định “ơn gọi”.
 
Sắc lệnh gồm 8 chương: Những tiêu chuẩn chung, Ơn gọi linh mục, Nền tảng của việc huấn luyện (căn tính linh mục, đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, đồng hành cá nhân và cộng đoàn…), Huấn luyện ban đầu và thường huấn, Những chiều kích của việc huấn luyện (nhân bản, thiêng liêng, tri thức, mục vụ), Các vị tham gia đào tạo, Tổ chức học tập, Tiêu chí và chuẩn mực (tuyển sinh, trả về, bỏ về, sức khỏe thể chất và tâm lý, người có khuynh hướng đồng tính, bảo vệ trẻ vị thành niên, đồng hành với các nạn nhân…).
 
Đức hồng y Stella nhấn mạnh, đây là lúc cần “tái khởi động, canh tân, chú trọng” việc huấn luyện linh mục, dưới sự thúc đẩy của Đức Thánh Cha Phanxicô mà “tính chất linh đạo và tiên tri là đặc trưng các huấn từ của ngài”.
 
Văn kiện nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha “vẫn thường” nói với các linh mục, “nhắc các ngài nhớ linh mục không phải là một viên chức, mà là một mục tử (số 84) được xức dầu để phục vụ Dân Chúa, là người có trái tim nhân hậu và thương xót của Đức Kitô dành cho đám đông dân chúng đang mệt mỏi và chán nản”.
 
Ngài nhận định việc thi hành chức linh mục thừa tác gặp những cám dỗ cụ thể như: sống “bạc nhược”, “nguy cơ thực thi phận sự linh thánh như một viên chức”, “sự thách đố của nền văn hóa đương thời”, “sự cám dỗ của quyền bính và giàu có”, “sự thách đố của đời sống độc thân”, “việc cống hiến hết mình cho sứ vụ” có thể sút giảm theo thời gian (số 84).
 
Còn số 88 thì nhấn mạnh chiều kích “huynh đệ” của đời sống linh mục.
 
Về các phẩm chất cần vun đắp, thì có: “khiêm nhường, can đảm, óc thực tiễn, lòng quảng đại, trí phán đoán ngay thẳng và biết phân định, khoan dung và cởi mở, yêu sự thật và sự trung thực” (số 93).
 
Văn kiện đặc biệt nhấn mạnh về khả năng biết “lắng nghe”: “Để có khả năng phân định khi làm mục vụ, cần phải đặt vào trung tâm đời sống của mình thái độ biết lắng nghe mang tính Tin Mừng, việc lắng nghe giúp người mục tử tránh được cám dỗ sống xa rời thực tế, hành động “đơn thương độc mã”, chính thái độ lạnh lùng và khô khan này sẽ biến linh mục thành “kế toán viên tinh thần” chứ không phải một ‘người Samaria nhân hậu’” (số 120).
 
Cũng chính thái độ lắng nghe này sẽ bảo vệ linh mục không trở thành con người “làm phận vụ”; đây là đoạn thực sự rất “Thánh mẫu học”: “Người mục tử sẽ học cách thoát khỏi những định kiến, và không coi sứ vụ chỉ gồm một loạt các việc phải làm, hoặc những chuẩn mực phải áp dụng, nhưng sẽ biến cuộc đời mình thành một “địa điểm” đón nhận và lắng nghe Chúa và anh em mình” (số 120).
 
Chương nói về “đào tạo nhân bản” tiếp tục lưu ý về việc đồng hành với người sẽ làm linh mục, gồm có quan tâm đến sức khỏe, việc dinh dưỡng, các hoạt động thể chất và nghỉ ngơi.
 
Văn kiện còn khẳng định những chuẩn mực được đưa ra vào năm 2005: một ứng viên có khuynh hướng đồng tính (các số từ 199-201) –không phải chỉ những khuynh hướng “nhất thời” mà thôi– không thể được truyền chức phó tế; chỉ có “ý muốn” làm linh mục thôi thì không đủ, đương sự không có “quyền” được nhận chức thánh, việc xem xét truyền chức thuộc về Giáo hội vốn đồng hành với các ứng viên chịu chức thánh.
 
Về việc bảo vệ trẻ nhỏ và những người lớn không thể bảo vệ mình, văn kiện có một chương phản ánh những yêu cầu được các Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI và Phanxicô đề ra, nói những vị đồng hành phải bảo đảm  ứng viên không dính líu vào “các vụ phạm tội hoặc những tình huống có vấn đề thuộc lĩnh vực này” (số 202). Đàng khác, ai “đã từng trải qua kinh nghiệm đau đớn trong việc này” phải nhận được sự đồng hành cần thiết.
 
Phải đưa việc bảo vệ trẻ em và những người lớn không thể bảo vệ mình vào các môn học đào tạo linh mục tương lai.
 
Trong phần kết luận, văn kiện nhắc lại Công đồng Vatican II (Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis 18 ) lưu ý các linh mục phải học nơi Mẹ Maria “mẫu gương hoàn hảo” cho cuộc sống linh mục của mình.
 
(Theo Zenit)
 


–––––––––––––––––––––
 
* Toàn văn Sắc lệnh “Ơn gọi linh mục – Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis”:
 
–  Bản tiếng Pháp (pdf): Le don de la vocation presbytérale
 
–  Bản tiếng Anh (pdf): The Gift of the Priestly Vocation
 
–  Bản tiếng Ý (pdf): Il Dono della vocazione presbiterale
 
 
Thành Thi chuyển ngữ

Nguồn tin: www.hdgmvietnam.org

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây