Giáo xứ Vinh Hương

Lực cản ân sủng

Thứ bảy - 03/12/2016 21:04
Chú ý: Bài viết này chưa được xuất bản, chỉ có những người có quyền thao tác mới có thể xem được nội dung.


(RV) Mỗi chúng ta đều mang trong mình những lực cản đối với với ân sủng cần phải phát hiện và xin Chúa giúp đỡ, bằng cách nhìn nhận mình là tội nhân. Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi trong thánh lễ sáng tại nhà nguyện thánh Martha hôm 01 tháng 12 năm 2016, Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng. ĐGH nhấn mạnh đến các lực cản tiềm ẩn phía sau những lời nói sáo rỗng, tự biện minh hay xét đoán người khác.

Đức Giáo hoàng phân biệt hai loại lực cản. Có những "loại lực cản 'mở' được phát sinh từ thện chí" như Saulê dám chống lại ân sủng nhưng "đã bị thuyết phục để thực thi ý muốn của Thiên Chúa". Chính Chúa Giêsu đã bảo ông dừng lại và Saulê được biến đổi. "Những lực cản này đều tốt lành" với ý nghĩa là họ đang "đón nhận ân sủng để biến đổi". Vì thực ra, tất cả chúng ta đều là tội nhân.

Trái lại, "những lực cản tiềm ẩn" mới thực sự nguy hiểm vì chúng không tỏ hiện ra bên ngoài. "Mỗi người trong chúng ta đều có những lực cản ân sủng tiềm ẩn riêng", nhưng chúng ta phải tìm cho ra "và đặt nó trước mặt Chúa để Người thanh tẩy chúng ta". Đó là thứ "lực cản mà thánh Stêphanô cáo buộc các thầy thông luật: chống lại Chúa Thánh Thần, trong khi họ muốn thể hiện như thể tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa". Nói lên điều này, Stêphanô đã phải trả giá bằng chính mạng sống mình: "Những lực cản tiềm ẩn đó thuộc loại nào mà mỗi chúng ta đều sở hữu? Chúng luôn hiện diện để ngăn cản quá trình biến đổi. Luôn luôn như thế! (...) Chính ma quỉ rắc gieo kháng lực để ngăn cản chương trình của Thiên Chúa".

Đức Thánh Cha đã đề cập đến ba loại lực cản tiềm ẩn. Đó là lực cản của những "lời nói sáo rỗng". Để rõ hơn, Đức Giáo Hoàng trở lại với trình thuật Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu cho biết không phải cứ nói "Lạy Chúa, lạy Chúa" là được vào Nước Trời. Cũng như trong dụ ngôn về người cha sai hai cậu con trai đi làm vườn nho: Một người nói "không", nhưng sau đó lại đi, còn người kia nhanh nhảu "vâng dạ" mà không thực hiện.

"Đồng ý một cách xã giao" nhiều khi cũng có nghĩa ngược lại... Đó cũng là lực cản của những lời sáo rỗng, một người luôn tự biện minh thì cũng "luôn có lý do để phản đối". Do đó, khi có nhiều biện bạch, thì "không có hương thơm của Thiên Chúa" mà là "mùi hôi hám của ma quỉ". "Người Kitô hữu không cần phải biện minh vì đã được minh chứng bằng Lời Chúa. Vì vậy, tôi không tìm lý do để thoái thác điều Chúa dạy tôi phải thực hiện", Đức Giáo Hoàng giải thích.

Tiếp nữa là loại lực cản của việc xét đoán người khác, khi chúng ta kết án người khác là khi ta không nhìn thấy chính mình. Nghĩ rằng mình không cần hoán cải là lúc chúng ta chống lại ân sủng, như người pharisêu và người thu thuế.

Lực cản ân sủng đáng ngại không phải là những tác động khách quan bên ngoài, mà là những lực cản khó khăn nhất hiện hữu hàng ngày trong tâm hồn ta". Lực cản ân sủng là một dấu hiệu tốt "bởi nó cho biết rằng chính Chúa đang tác động trong mỗi chúng ta". Vì vậy, phải "phá đổ nó để ân sủng có thể đến với chúng ta". Cuối cùng, lực cản ân sủng luôn tìm cách giấu mình trong những lời nói trống rỗng, những hình thức tự biện minh và xét đoán người khác v.v..., nó luôn tìm cách "không cho ta được Chúa biến đổi, bởi lẽ luôn luôn có Thập Giá". "Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có Thập Giá", Đức Giáo Hoàng giải thích. Do đó, chúng ta không sợ lực cản ân sủng, nhưng phải cầu xin Chúa trợ lực bằng cách nhận mình là tội nhân.

Đức Giáo Hoàng kết luận: "Cha muốn nói với các con rằng không nên lo sợ khi chúng ta nhận ra lực cản ân sủng trong tâm hồn mình. Trái lại, cần thưa rõ ràng với Chúa: 'Lạy Chúa, xin nhìn xem, con tìm cách che đậy nó để Lời Chúa không thấm được vào trong con'. Và nói lên được lời này thì đẹp lắm, phải không? "Lạy Chúa, với quyền năng của Ngài, xin cứu con. Xin cho ân sủng Chúa chiến thắng mọi lực cản của tội lỗi'. Mọi lực cản ân sủng đều là kết quả của tội nguyên tổ mà chúng ta mang trong mình. Như vậy, lực cản ân sủng có xấu xa không? Không đâu! Điều tồi tệ là chúng ta khư khư giữ lấy nó để chống lại ân sủng Chúa. Có lực cản ân sủng là bình thường, nghĩa là chúng ta phải nhìn nhận rằng: 'Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi, xin cứu giúp con'. Chúng ta hãy chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh với suy tư như thế".

Tác giả bài viết: Huuchanh chuyển dịch từ "Pape François: nous devons nous libérer de nos résistances à la grâce"

Nguồn tin: fr.radiovaticana.va

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây