Giáo xứ Vinh Hương

Theo Đức Phanxicô, phẩm giá của kẻ yếu là mục tiêu còn lớn hơn mặt trăng

Chủ nhật - 21/07/2019 21:01
Chú ý: Bài viết này chưa được xuất bản, chỉ có những người có quyền thao tác mới có thể xem được nội dung.
Cách đây 50 năm, cũng như hàng triệu người trên khắp thế giới, Đức Phaolô-VI xem trực tiếp truyền hình bước chân đầu tiên của con người trên mặt trăng | Vatican Media
 
Năm mươi năm sau người đầu tiên bước chân lên mặt trăng, Đức Phanxicô hy vọng con người chuyển qua các mục tiêu lớn hơn như công chính cho các dân tộc hay phẩm giá cho kẻ yếu. Đó là lời kêu gọi của Đức Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 21 tháng 7-2019 ở quảng trường Thánh Phêrô.
 
Ngày 21 tháng 7 năm 1969, con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, thể hiện giấc mơ phi thường nhất. Lúc đó là 3h56 giờ nước Pháp, phi hành gia Neil Armstrong đi trên mặt trăng cùng với phi hành gia Buzz Aldrin. Hai người đi bộ trên mặt trăng hơn hai giờ, họ lượm các mẫu đá và chụp hình.
 
Một kỳ tích khoa học
 
Đức Phanxicô mong: “Ước gì kỷ niệm bước tiến vĩ đại này của nhân loại thắp sáng các khát vọng còn lớn hơn, tiến đến các mục tiêu còn lớn hơn, để có phẩm giá cho kẻ yếu, công chính cho các dân tộc, tương lai cho căn nhà chung”, Đức Phanxicô ngỏ lời như trên trước đám đông tụ họp ở quảng trường Thánh Phêrô trong một ngày nắng ấm rực rỡ.
 
Ngày 20 tháng 7 – 1969, ba phi hành gia Mỹ Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins ở trên quỹ đạo chung quanh mặt trăng và chuẩn bị đi bộ trên mặt trăng bằng mô-đun Đại Bàng. Ngày hôm sau phi hành gia Neil Armstrong sẽ là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, sau đó là phi hành gia Buzz Aldrin, còn phi hành gia Michael Collins ở lại trên tàu. Họ thực hiện giấc mơ từ ngàn xưa của con người, đặt chân lên mặt trăng, một kỳ công kỹ thuật và khoa học chưa từng có.
 
50 năm trước đây, khi các phi hành gia Mỹ vừa đặt chân lên mặt trăng mùa hè năm 1969, Đức Phaolô-VI đã ngỏ lời với họ: “Vinh dự cho các ông, những nghệ nhân của kỹ thuật không gian vĩ đại! Vinh dự cho những người đã thực hiện được chuyến bay táo bạo nhất trong các chuyến bay!”
 
Đức Phaolô VI ngạc nhiên
 
Từ Castel Gandolfo, biệt thự mùa hè của các giáo hoàng, Đức Phaolô-VI ở trong số hàng triệu người theo dõi chuyến bay kỳ công lịch sử này. Sự kiện dường như tác động sâu đậm đến ngài vì sau đó ngài nhắc lại nhiều lần sứ mạng của phi hành gia Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins. Một thời gian ngắn sau khi họ trở về Trái đất, ba phi hành gia Mỹ đã được Đức Phaolô-VI tiếp kiến ở Vatican. Trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 13 tháng 7 năm 1969, Đức Giáo hoàng cũng đã bình luận về “sự kiện đặc biệt và kỳ diệu” này, khoa học và kỹ thuật cho thấy sự táo bạo “đánh dấu đỉnh cao của sự chinh phục và để báo trước cho người khác mà ngay cả trí tưởng tượng ngày nay cũng không dám mơ”.

Buổi tiếp kiến với Đức Phaolô VI ngày 16 tháng 10-1969
 
Vatican News nhắc lại, khi đó Đức Phaolô VI đã tuyên bố: “Con người, tạo vật của Thiên Chúa, còn bí ẩn hơn cả mặt trăng bí ẩn, con người là trọng tâm của công việc này, đã tự cho thấy mình thật cao cả. Con người cho thấy khía cạnh thần thánh của mình, không phải tự chính mình nhưng là trong nguyên lý và trong định mệnh của mình”.
 
“Vinh dự cho con người, vinh dự cho phẩm giá, cho tinh thần, cho sự sống của con người”, sau đó Đức Phaolô-VI trích thánh vịnh số 8: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?”
 
Chiêm niệm và hành động
 
Trước đó trong bài giáo lý, Đức Phanxicô kết hợp hai yếu tố: chiêm niệm và hành động. Phải phối hợp hai thái độ này nếu chúng ta “muốn tận hưởng cuộc sống với niềm vui”. Một mặt đó là đặt mình dưới chân Chúa Giêsu, lắng nghe Ngài khi Ngài mặc khải cho chúng ta bí ẩn của mọi chuyện. Thiên Chúa luôn làm chúng ta ngạc nhiên khi chúng ta thật sự lắng nghe Ngài, khi đó các bóng mây sẽ biến mất.
 
Mặt khác, “hãy chăm chú và sẵn sàng tiếp đãi”, khi Ngài tỏ ra trong khuôn mặt của một người đang cần đến sự tươi mát hay cần đến tình huynh đệ. Ngài mời gọi chúng ta noi theo gương Thánh Marta và Maria, chăm lo đến các gia đình và cộng đoàn, để chúng ta tất cả cảm nhận mình sống trong tinh thần chấp nhận, tinh thần anh em.
 
Vì thế mọi người thấy mình như ở nhà mình, đặc biệt những người bé nhỏ và nghèo khó.

Đức Phaolô-VI theo dõi chuyến bay Apollo 11 từ viễn vọng kính ở Castel Gandolfo


Xem thêm:
50 năm con người bước chân lên mặt trăng
- Rước lễ trên mặt trăng


Tác giả bài viết: www.cath, I.Media, -21.07.2019 - Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: phanxico.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây