Giáo xứ Vinh Hương

Bạo hành trong hôn nhân

Thứ hai - 29/08/2011 19:30

Bạo hành trong hôn nhân

- Bạo hành là một hành động bệnh hoạn. Nó có nguồn gốc từ nhiều yếu tố khác nhau.

 

BẠO HÀNH TRONG HÔN NHÂN

CĂN BỆNH MÃN TÍNH CỦA XÃ HỘI

Thỉnh thoảng báo chí, truyền thanh, truyền hình hoặc internet loan tin chị này cầm dao cắt đứt dương vật chồng ném vào thùng rác, ném xuống sông, bỏ vào máy xay. Anh kia dùng giao hăm dọa vợ, hay dùng súng bắn chết vợ con rồi quay lại tự sát. Hoặc chồng đánh vợ ngất xỉu phải vào nhà thương… Khi nghe, xem hoặc đọc những tin như vậy chúng ta thường cảm thấy xót thương cho các nạn nhân, và   nguyền rủa những kẻ vũ phu, những người có tâm địa độc ác. Nhưng những lần vợ chồng đánh chửi nhau, gây thương tích cho nhau mà giấu diếm, hoặc phải âm thầm chịu đựng thì thường ngày vẫn xẩy ra như cơm bữa, và trong nhiều trường hợp chính mình lại là nạn nhân.    

Đúng vậy, chuyện bạo hành trong hôn nhân là một chuyện dài không có hồi kết thúc. Nó không chỉ xẩy ra ở Hoa Kỳ mà xẩy ra mọi nơi trên thế giới, đặc biệt ở những nơi mà dân trí thấp kém, trình độ văn hóa chưa được khai phóng. Nơi mà những cổ tục và tập quán còn man khai. Những nơi đó việc vợ bị chồng đánh đập, chà đạp nhân phẩm, hoặc việc vợ tru trếu, chửi bới, cào cấu chồng là chuyện thường ngày xẩy ra. Hành động này phát xuất từ nhiều nguyên nhân trong đó bao gồm văn hóa, xã hội, giáo dục, kinh tế, và đạo đức. Ngoài ra, tâm lý cũng là một nguyên nhân chính trong những nguyên nhân vừa kể. Vậy chúng ta phải nhìn bạo hành trong hôn nhân dưới cái nhìn tâm lý như thế nào? Và đâu là những phương pháp trị liệu cho hội chứng tâm bệnh này.

 ĐẠI CƯƠNG VỀ BẠO HÀNH HÔN NHÂN

Khi đề cập đến bạo hành trong hôn nhân là nói đến những va chạm và hành động gây thương tổn về thể lý, tâm lý, và tâm linh giữa hai người trong cuộc. Giữa vợ và chồng. Sau đây là một số những hình thức bạo hành thông thường:

Bạo hành Thể lý:

Là những hành động bao gồm đánh, đập, xiềng, xích, đấm, đá, cào, cấu, cắn, xé, đâm, chém, hoặc bắn bằng súng…

Là những lần bỏ đói, khát không cho ăn, uống. Đau ốm không lo thuốc men. Không đưa đến bệnh viện.

Những hành động này phần lớn gây đau đớn thể xác, đôi khi gây bệnh tật, thương tích, hoặc chết người.

Bạo hành Tâm lý:

Là  những thái độ lạnh nhạt, thờ ơ, bỏ rơi, kình chống, thiếu cộng tác.  Là những cấm đoán chủ quan. Những hành vi theo dõi, dò xét, nghe lén. Những hành động ghen tương, giận hờn không tha thứ cho nhau.

Là những khủng bố về mặt đạo đức, như cấm không được đọc kinh, cầu nguyện, tham dự các nghi lễ tôn giáo…

Cũng như những hành động bạo hành thể xác, những bạo hành tâm lý để lại trong người nạn nhân những dồn nén, uất ức, tủi nhục, đau đớn có khi trở thành tâm bệnh. Những bệnh tật thể xác như nhức đầu, táo bón, mất ngủ, cao áp huyết, hoặc đột quỵ.

Bạo hành Ngôn ngữ:

Những lời nói khích bác, chọc ghẹo, nhục mạ, dọa nạt, la hét, chửi bới. Những lời nói vu khống. Những lời nói làm đau đớn, tủi nhục, coi thường và làm hạ phẩm giá của nhau.  

Bạo hành Sinh lý:

Là những hành động vũ phu, cưỡng ép, cưỡng chiếm nhằm thỏa mãn dục vọng mà từ ngữ chuyên môn gọi là bạo dâm, cuồng dâm. Những đòi hỏi nhằm thỏa mãn thú tính trong những hoàn cảnh nạn nhân mệt mã, đau yếu, hoặc bệnh tật. Hoặc ngược lại, những dồn nén sinh lý do việc luôn luôn bị từ chối hàng tuần, hàng tháng, hoặc hàng năm.  

Bạo hành sinh lý có thể đưa đến nhiều chứng bệnh về cơ thể, cũng như tâm lý và tâm thần. Thông thường nhất là hội chứng lãnh cảm, bất lực, liệt dương... Với cái nhìn phân tâm học, việc thiếu dung hòa sinh lý còn có thể đưa đến tâm bệnh.

Bạo hành Kinh tế:

Là lường gạt, gian dối hầu chiếm đoạt tài sản, gia tài của nhau. Keo kiệt, hà tiện trong chi tiêu khiến cho cuộc sống trở nên thiếu thốn và gò bó. Hoặc ngược lại, xài phí, cờ bạc, nghiện ngập…gây khủng hoảng cho kinh tế gia đình.

VÒNG TRÒN LUẨN QUẨN

Thông thường khi có những hành động bạo hành xẩy ra dưới hình thức này hay hình thức khác, người chủ động cũng như nạn nhân bao giờ cũng lo tránh né, bào chữa. Phần vì sợ mất mặt với gia đình, bà con, bạn bè. Phần vì muốn hành xử theo cảm tính, nín nhịn cho xong. “Nói ra xấu thiếp, hổ chàng”.

Người có hành động vũ phu nếu như không trấn át được nạn nhân thì sẽ dùng khổ nhục kế, xuống nước năn nỉ. Thề độc, nào là xe cán, sét đánh, cọp tha, sấu ăn, hay cá mập phanh thây… Đứng trước những thái độ ấy, và với cái quyết tâm giả dối ấy, nạn nhân nặng về tình cảm, nhẹ dạ, sẽ dễ dàng tha thứ.  Nhưng rồi sau khi mặm nồng, êm ấm trở lại được vài hôm, vài tuần, có khi vài tháng, chứng nào tật nấy, và cái vòng luẩn quẩn sẽ tái diễn: Phạm lỗi, xin lỗi, tha lỗi, và tái phạm.

Phạm lỗi:

Người bạo hành sẽ dùng thủ đoạn, tình cảm, sức mạnh hoặc áp đặt để xúc phạm đến nạn nhân với lý luận là người vợ sẽ chẳng thể nào bỏ mình đâu. Hoặc người chồng sẽ chẳng làm gì được mình đâu. Bỏ mình là chết đói, bỏ mình là mất mặt, là tan nát sự nghiệp… Họ cũng dùng con cái, mặt mũi và thanh danh gia đình, đạo đức xã hội và tôn giáo để gây đau khổ, chết chóc cho chồng hoặc cho vợ dưới các hình thức thể lý, tâm lý, ngôn ngữ, sinh lý, và kinh tế.  

Xin lỗi:

Người bạo hành sau khi làm lỗi nếu không thể lấn át hoặc che đậy hành động của mình sẽ xuống nước năn nỉ, xin lỗi.

Họ lợi dụng các yếu điểm của nạn nhân như nặng về tình cảm, nặng về xác thịt, nặng về con cái, quá đề cao mặt mũi, nhẹ dạ, hoặc đạo đức tình cảm để đánh vào những yếu điểm ấy.

Như trên vừa trình bày, sẽ có những màn năn nỉ rất thiết tha, rất chân thành khiến nạn nhân mủi lòng. Chỉ một lần này thôi. Mở cửa nhà. Mở cửa phòng. Mở cửa lòng. Và kẻ có tội lại từ từ đột nhập.

Tha lỗi:

Sau những màn năn nỉ, than van, thề hứa, nạn nhân bỗng mủi lòng xót thương, độ lượng và tha thứ. Rồi màm tha lỗi, làm hòa lại xẩy ra. Sau những giây phút làm hòa thường là những giây phút ân ái mặn nồng trở lại. Đem nhau đi ăn nhà hàng. Sánh vai bên nhau đi nhà thờ, đi chùa. Rủ nhau đi xi nê, đi mua sắm. Hạnh phúc lại về. Nhưng một cái nhưng bất ngờ.

Tái phạm:

Vì không thật lòng, không muốn chừa và vì chỉ muốn lợi dụng lòng tốt, sự tha thứ của người phối ngẫu, hành động bạo hành lại xẩy ra, và thông thường cũng vẫn là những hành động mà họ đã làm cho nạn nhân đau khổ trước đó. 

Cái vòng luẩn quẩn trên là một cái vòng không có lối thoát cho những kẻ lưu manh, hoặc những nạn nhân nhẹ dạ.

NGUYÊN NHÂN

Đâu là nguyên nhân của những hành động bạo hành? Có nhiều nguyên nhân, nhưng sau đây là một vài nguyên nhân xét về khía cạnh tâm lý: Yêu miễn cưỡng. Thiếu trưởng thành tâm lý.  

Yêu miễn cưỡng:

Đây là một lỗi lầm rất lớn cho những người nghĩ rằng “cứ lấy đi rồi sẽ yêu”. Hoặc cho rằng mình sẽ mang mặc cảm tội lỗi nếu không thương hại người nào đó đang theo đuổi và đau khổ vì mình. Lấy về sẽ ấm tấm thân. Lấy theo môn đăng hộ đối. Hoặc cứ thử đi, nếu không hợp thì bỏ.  

Lấy rồi sẽ yêu. Thương hại mà lấy. Hoặc lấy rồi không hợp thì bỏ. Đây là những nguyên nhân chính trong khía cạnh tâm lý đã gây nên không biết bao nhiêu cuộc tình đổ vỡ, không biết bao nhiêu là nước mắt, và tủi hận cho nhiều đôi tình nhân. Tâm lý bỏ thì thương, vương thì tội ấy chính là lý nguyên nhân của bạo hành.

Ở điểm này cũng cần phải kết luận rằng, cha mẹ dùng quyền cưỡng ép con cái trong vấn đề hôn nhân là một trọng tội. Người dùng quyền lực, tiền bạc, và bất cứ hình thức mua chuộc nào để chiếm đọat thân xác, hay cuộc đời người khác ngòai sự tự nguyện yêu thương của người ấy cũng phạm trọng tội. Bạn bè làm chứng gian, che dấu cho nhau để lường gạt tình yêu và tình cảm người khác cũng can dự vào những hành động tội lỗi đáng trách.

Tình yêu không thể lừa dối. Không thể mua chuộc. Và cũng không thể áp đảo, cưỡng ép.

Thiếu trưởng thành tâm lý:

Trong hôn nhân, yếu tố tâm lý cũng chiếm một địa vị rất lớn. Con người bao gồm ba cuộc sống tập hợp gồm thể lý, tâm lý và tâm linh. Cuộc sống tâm lý chính là gạch nối và dung hòa giữa thể lý và tâm linh. Chính vì thế, nhiều người dù có chức quyền cao. Dù học thức rộng. Dù nhiều tiền nhưng hành động, nói năng, và cư xử vẫn thiếu tự trọng, thiếu trưởng thành, và không được đời kính nể.   

Vụng về trong giao tiếp. Tự ty và mặc cảm trong cung cách xử thế. Không dễ hòa hợp và nhận thức thế nào là nên hay không nên. Không tự chủ đuợc bản thân, ham muốn nên thường hành động nông nổi, ích kỷ, theo bản năng, cố chấp, hoặc những đòi hỏi của đam mê.   

Với suy nghĩ, nói năng và hành động như thế không cho phép những kẻ bạo hành phân biệt và nhận ra sự khác biệt cần thiết và hữu ích trong cá tính của người phối ngẫu, những khả năng của nhau, và những điều kiện sống của nhau. Và kết quả là dẫn đến những hành động vũ phu, bạo hành

Thiếu tự tin: 

Đây là một trong những hội chứng tâm lý thường thấy xuất hiện trong cuộc sống. Trong gia đình hiện tượng này được che đậy bởi hình ảnh sợ. Sợ chồng. Sợ vợ. Sợ bị chồng bỏ. Sợ bị vợ bỏ. Sợ chồng giận, vợ giận. Sợ mất lòng. Sợ gia đình mất hạnh phúc.  

Những loại người này thiếu tự tin này đối với vợ con, hay chồng con thì lớn lối, hung hãn nhưng khi ra trước công chúng hoặc đối diện với quần chúng thì bẽn lẽn, rụt rè, co cụm, và tránh né.

Một hình thức thứ hai của cá tính và hội chứng thiếu tự tin này là họ đóng kịch đạo đức rất hay, đến nỗi người ngoài mới giao tiếp với họ lần đầu rất dễ ngộ nhận. Họ lịch sự, nhũn nhặn, nhẹ nhàng, và tỏ ra hào sảng. Nhưng mặt trái cuộc đời họ là những gì hoàn toàn tương phản. Để tự che dấu và bào chữa sự yếu kém ấy, những người này không còn lối nào khác hơn là trút đổ lên đầu, lên cổ vợ hoặc chồng là những người mà họ nghĩ rằng họ có thể lợi dụng được.

Tự tôn:

Nếu thiếu tự tin là một hội chứng tâm lý tiêu cực, thì tự tôn cũng là một trong những hội chứng tâm lý tương tự. Người chồng hoặc người vợ tự tôn luôn luôn cho mình là đúng. Luôn luôn muốn làm chủ. Luôn luôn muốn kiểm soát, khống chế vợ hoặc chồng mình. Họ luôn luôn muốn chồng hoặc vợ phải nể mình, phải phục mình, và không làm trái ý mình. Nhưng trong thực tế lại không có những yếu tố cần để người khác kính nể và mến chuộng.

Đối với những người mang tâm tính này không có chữ sai, chữ kém, hoặc chữ sửa đổi trong tự điển cuộc sống của họ. Bởi vì họ luôn luôn biết tất cả, ngoại trừ cái yếu điểm là họ không biết mình là ai và đang làm gì!

Thiếu đạo đức:

Khi trình bày về tâm lý đạo đức, Lawrence Kolberg đã đưa ra bảng xếp hạng trong đó có ba thước bậc, và mỗi thước bậc lại chia thành hai mức khác nhau.

Theo nhà tâm lý đạo đức này, thì bậc thứ nhất của trưởng thành đạo đức là biết sợ và tránh làm điều xấu để khỏi bị phạt.  Tiếp đến là biết thế nào là được khen và cố gắng làm điều tốt để được khen. Sau cùng là ý thức được những luật lệ cần thiết chung quanh cuộc sống xã hội, và tự đưa ra những chuẩn mực đạo đức cho cuộc sống.

Người bạo hành đã không chứng tỏ được sự trưởng thành này. Không những không ý thức được điều tốt, và đón nhận cũng như tự ra cho mình những chuẩn mực đạo đức tối thiểu, mà họ còn chưa hiểu nổi thế nào là những hành động xấu, không chấp nhận sự sửa phạt của lương tâm, của xã hội về hành động xấu xa của mình.

 LÀM SAO TRỊ LIỆU

Vì bạo hành trong hôn nhân là một tâm bệnh, và nó sẽ tái đi, tái lại nên việc trị liệu của nó cần phải có những hướng dẫn rất thực tế, và chuyên môn.  Trong hoàn cảnh bạo động gia đình xẩy ra, có ít nhất những phương pháp sau đây cần áp dụng: Đối diện sự thật. Hãy thương lấy mình. Trị liệu chuyên nghiệp.

 Đối diện sự thật:

Người bạo hành phải nhận ra mình có hành động ấy. Ý thức được hành động bạo hành gây đau khổ cho vợ, cho chồng. Chỉ khi nào sự nhận thức này được xác nhận, và ý thức lúc ấy mới hy vọng chấp nhận trị liệu.

Đối với nạn nhân của bạo hành cũng phải đối với sự thật là không nên bao che, không nên nhẹ dạ và dễ dàng tha thứ, tin tưởng vào những lời hứa hẹn sửa đổi suông. Nên nhớ điều này hành động ấy sẽ được tiếp tục tái diễn, và vì thế, một là chấp nhận sửa đổi, hai là tìm cách trốn chạy. Không thể sống chung hòa bình với người có hành động bạo hành.

Bước đầu trị liệu, do đó, chính là sự ý thức của người hành động và của nạn nhân. Che đậy, viện dẫn lý do này khác chỉ là lẩn trốn thực tế.

Hãy thương lấy mình:

Bước tiếp của hành động trị liệu đó là mỗi người phải nhận ra rằng mình cần phải thương lấy mình trước. Hãy thương lấy mình bằng cách tránh xa những cám dỗ, những lý do có thể gây nên những hành động bạo hành. Thương lấy mình là sống trưởng thành với cuộc sống và suy tư của mình.

 Đối với nạn nhân của bạo hành, việc thương lấy mình là phải nghĩ đến mình, đến con cái mình. Nguyên tắc “Fight or Fly” là một nguyên tắc tâm lý rất hữu hiệu. Nếu nghĩ rằng mình có khả năng chinh phục, có sức chịu đựng và tha thứ mãi hành động bạo hành ấy thì cứ việc chịu đựng. Bằng nếu nghĩ rằng mình không có khả năng chịu đựng, không sống hạnh phúc được với người chồng, người vợ bạo hành thì con đường tốt nhất là xa khỏi con người ấy.

Thỉnh thoảng ta thường thấy trên các đài phát thanh, truyền hình, báo chí hoặc internet  những quảng cáo có thầy nọ, thầy kia làm bùa, gọi hồn, trấn yểm để mang người yêu trở về. Hoặc những vấn kế như kê bàn ăn, làm nhà bếp, chuyển giường ngủ theo hướng nam, hướng bắc… thì gia đình sẽ có hòa khí, hạnh phúc, bằng an. Chỉ cần một chút lý trí và hiểu biết, chúng ta cũng thấy đây là những lời xảo trá, lường gạt những kẻ nhẹ dạ, thiếu tự tin và thiếu trưởng thành. Nếu chỉ cần chuyển cái bàn ăn, kê lại gường ngủ, hoặc đổi lại hướng nhà bếp thì làm gì cần đến các văn phòng luật sự, tòa án, nhà tù, hoặc các bệnh viện tâm thần cho những kẻ bắn vợ, cắt dương vật chồng. Hoặc những người đã đem cả gia tài, sự nghiệp nướng vào những sòng bài đen đỏ, những nghiệp ngập say sưa.

Tóm lại, muốn sống trưởng thành, sống hạnh phúc, và sống bình an với chính mình, với vợ với chồng thì điều cần biết nhất vẫn là tôi là ai? Và tôi như thế nào lúc này? Tôi cần phải thay đổi quan niệm, lối sống và hành động như thế nào cho phù hợp với hiện tại của mình.

Để biết thế nào là thương lấy mình, thì trước hết người chồng cũng như người vợ phải cố gắng sống bằng khả năng và ngành nghề của riêng mình. Trước khi bước vào đời sống hôn nhân, cũng như đang khi sống trong đời sống ấy phải chứng tỏ cho chồng hoặc cho vợ rằng mình là người có lối sống và tinh thần tự lập, trách nhiệm. Không mang mặc cảm ăn bám, hoặc sống dựa. Không để chồng hoặc vợ khinh bỉ vì mình ươn lười hoặc thiếu thiện chí và cố gắng.  

Trị liệu chuyên nghiệp:

Tuy nhiên, như đã vừa trình bày, bạo hành có yếu tố của tâm lý bất ổn, nên việc trị liệu cần thiết phải có những giúp đỡ chuyên môn.

Như đã trình bày, hành động bạo hành bắt đầu với nhiều lý do chằng chịt từ thể lý đến tâm lý và tâm linh. Hành động này có thể phản ảnh những cảnh xào xáo ngay chính trong gia đình họ. Và họ cũng là những nạn nhân của hành động bạo hành trong gia đình khi còn nhỏ.

Cũng có thể, họ là nạn nhân của ảnh hưởng xã hội, sống trong bối cảnh chung quanh người ta cãi cọ, chửi bới, và bắt nạt lẫn nhau. Ảnh hưởng của bạn bè   bước vào con đường nhậu nhẹt, rượu chè, nghiện hút, cờ bạc. Cảnh người bắt nạt người, người làm khổ người đã ảnh hưởng đến tâm lý sống của những kẻ bạo hành. 

Tùy theo tầm nhìn, ảnh hưởng và quan niệm của mỗi cá nhân, mỗi trường hợp, trường hợp chữa trị chuyên nghiệp đây có thể là:

Sự can thiệp của cảnh sát, tòa án.

Những lời khuyên của các vị lãnh đạo tinh thần, của những bậc trưởng thượng trong dòng họ, gia đình, cũng như bạn thân có tầm ảnh hưởng lớn.

Sau cùng nhất là văn phòng các bác sỹ tâm lý, bác sỹ tâm thần.

Tóm lại, bạo hành là một hành động bệnh hoạn. Nó có nguồn gốc từ nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng đây không phải là căn bệnh không có thuốc chữa, chỉ có một điều là cả hai có muốn chữa hay không? Và có may mắn tìm đúng thầy, đúng thuốc hay không?!!!

Tác giả bài viết: Tiến sĩ tâm lý Trần Mỹ Duyệt

Nguồn tin: http://tamlinhvaodoi.net/

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây