Giáo xứ Vinh Hương

Chuyện viết nhân ngày phụ nữ VN 20/10

Thứ tư - 24/10/2012 18:59

Giao ước

Giao ước



Chuyện viết nhân ngày phụ nữ VN 20/10




Việt Nam bây giờ có ngày Phụ Nữ 20 tháng 10.

Cô giáo lớp dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài, nói rằng: “Hôm nay là ngày 20/10 anh chị có biết ngày này là ngày gì không?”

“Là ngày Phụ Nữ VN, các chị đang ở VN các chị cũng là Phụ Nữ, nên các ông chồng, các người yêu nên tặng hoa, tặng quà cho các chị ngày hôm nay nữa đấy …”

Các học viên cười ồ vui vẻ.

Trên đường đi nhìn thấy hoa các em sinh viên, học sinh bày bán bên đường, tôi thầm nói: “Bán làm gì cho mệt các em, những ngày Lễ dành cho phụ nữ này, tôi thấy mỗi ngày một vắng vẻ đi, hoa bán có phần ế ẩm, các em phơi nắng, hứng bụi để rồi hết ngày tính sổ lại, được lời bao nhiêu? Hay là mệt mỏi vì cả ngày mà chẳng có đồng lời nào, có khi lại thâm vốn…, đừng mệt nhọc vì ngày này nữa các em ạ.”

Không hiểu người nào hình thức nghĩ ra ngày này, chứ thực chất ngày này có ý nghĩa gì với phụ nữ Việt Nam đâu? Đa số phụ nữ VN không biết ngày 20 tháng mười là ngày gì? Họ vẫn đầu tắt mặt tối, ngày này qua ngày nọ chẳng có gì khác thường trong ngày này. Thật thương cho thân phận người phụ nữ Việt Nam.

Tôi còn nhớ một câu chuyện mà ít người ngờ đến, nhưng nó thật sự đã xảy ra. Cách đây mấy năm, tôi có người bạn thân ở Biên Hòa, nhà cô ta giàu có, chồng là Giám đốc công ty xây dựng của riêng mình, anh ta làm ăn rất phát đạt, vì sự quen biết của anh rộng lớn. Anh thường vắng nhà, hoặc khuya lắm mới về đến nhà, vì rất nhiều công trình ở xa (Tôi nghe cô bạn nói thế).

Mỗi tháng anh cho vợ 10 triệu để tiêu xài riêng. Anh còn cho vợ trưng dụng xe riêng và tài xế tùy thích, cũng nhờ thế, mà tôi được hưởng lây cái sang của bạn tôi. Mỗi khi xe cô bạn đến đầu hẻm đón tôi đi đâu, là bà con trong xóm tôi trầm trồ vì sự quen biết quá sang trọng của tôi. Những lúc ấy tôi suy nghĩ “Giàu có cũng hạnh phúc và hãnh diện thật!”.

Nhiều năm chơi thân với nhau, nhưng không ở gần bên nhau, một hôm bạn rủ ngủ lại nhà cô ấy, và cô ấy tâm sự.

“Chị ơi! Ông ấy có vợ nhỏ có con với họ rồi chị ạ. Giờ tính làm sao hả chị? Em muốn li dị quá”

Tôi bất ngờ, chẳng biết nói sao?

Suy nghĩ mãi tôi nói: “Li dị rồi L làm gì lo cho con? Các con đang học đại học, nếu như vào hoàn cảnh của mình, chồng lương ba cọc ba đồng. Không nuôi nổi miệng anh ta, mà còn đèo bồng hư đốn như thế, thì mình đồng ý li dị ngay. Đằng này các con đang học Đại học, đầy đủ điều kiện tiền bạc để học lên, riêng L mỗi tháng có 10 triệu để tiêu xài, giúp đỡ cho bà con, cho người nghèo, nhất là có chút đỉnh để đi cứu trợ người nghèo với các nhóm từ thiện …

Có nên li dị để rồi vừa khổ con, vừa khổ mình không? Mình rất thực tế. Tình cảm hai người bây giờ như không còn gì nữa, li dị hay không li dị cũng chẳng tìm đâu ra sự thủy chung của những người đàn ông đó. Hay là cứ như thế mà sống. Vừa không phạm lỗi với Giáo Hội, vừa hy sinh cho cuộc sống của con cái, như thế cuộc đời mình càng cao quý và đáng giá hơn là li dị L. ạ.”

Cô bạn suy nghĩ và chấp nhận ý kiến của tôi.

Tết năm đó, anh chồng báo cho vợ nhỏ đem con đến chúc Tết gia đình và cũng có ý là ra mắt vợ lớn luôn. Chị bạn buồn phiền bỏ lên phòng để họ tự đón tiếp nhau. Vài năm sau cô ấy lại đến nhà với đứa con thứ hai.

Cô bạn tôi thật sự buồn chán đến cùng cực, cô theo chúng tôi đi làm từ thiện cho qua tháng ngày. Một lần cô rủ tôi đến viếng Đức Mẹ ở Giáo xứ Hòa Bình, khi được tin Mẹ Hòa Bình chảy nước mắt máu. Trước tượng Mẹ bạn tôi chỉ biết khóc, tôi không cầm lòng được với bạn, chỉ biết cầu xin Mẹ tìm cách nào để xoa dịu được nỗi đau của bạn tôi.

Thế mà người chồng Giám Đốc ấy không dừng lại ở đó, anh ta còn có nhiều người đàn bà khác nữa. Nghe đâu họ ghen lẫn nhau dữ dội.

Cô bạn nhờ hết nhóm này đến nhóm kia cầu nguyện. Chẳng biết phải cầu nguyện như thế nào khi anh ta cứ như con vụ bị xoáy vào cơn lốc không chịu dừng. Anh ta là dân Đạo gốc từ Miền Bắc vào Nam, sau năm 75. Hai người gặp nhau khi anh là bộ đội phục viên với hai bàn tay trắng. Nhờ một cơ may quen với một vị lãnh đạo… anh ta bắt đầu đi lên bằng những phi vụ bao che. Nghe cô kể, thời chúng ta ăn bo bo thay cơm, thì cô đã có quá nhiều tiền chỉ biết mua vàng, những ngày tháng ấy có lẽ là những ngày tháng hạnh phúc nhất của bạn tôi.

Sau đó họ ra khỏi vùng kinh tế mới, đi dần ra Long Khánh cơ ngơi vững vàng, và cuối cùng ở trong ngôi nhà cao nhất trên xa lộ Hà Nội đi về hướng Biên Hòa.

Với tình trạng gia đình như thế, thì chúng ta đều biết được không khí trong gia đình của họ như thề nào. Người đàn ông như đang say men chiến thắng tiền, tình, chẳng còn biết điểm dừng, không còn xem gia đình là tài sản quý giá nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho anh ta, anh ta coi thường gia đình. Anh ta còn quên mất mình là người Công Giáo, không đi xưng tội, Rước Lễ, họa hoằn lắm thì anh ta đi dự các lễ trọng cho là có dự trước mặt con cái.

Cô bạn tôi đau lòng nói với tôi:

“Em chỉ còn biết cầu xin Chúa cất ông đi cho ông bớt phạm tội”

Và một ngày bác sĩ phát hiện ra anh ta bị ung thư bao tử. Anh nằm bệnh viện, khi chúng tôi đến thăm thì chỉ thấy cô bạn và các con anh đang săn sóc cho anh. Anh xuống sắc thật nhanh, nghe lời vài người khuyên, cô bạn đưa anh vào gặp Linh Mục ở Nhà Thờ bên cạnh bệnh viện cho anh xưng tội. Chẳng hiểu anh xưng tội gì rất lâu và LM thì chỉ có đôi mắt ái ngại buồn phiền nhìn người vợ dìu chồng từng bước đi về lại bệnh viện.

Anh khỏe được vài tháng đi lại bình thường, nhưng sau đợt giải phẫu thứ hai thì anh nằm tại chỗ. Linh Mục có đến tận giường với anh một lần nữa. Anh tắt hơi sau khi vợ anh nói với anh vài lời: “Tôi không hề muốn nói lời tha thứ gì cho anh cả, nhưng vì Chúa tôi chỉ biết nói chúc anh đi bình an”.

Người vợ không còn giọt nước mắt nào cho người đầu ấp tay gối với mình. Bà con, bạn bè đến. Cô vợ nhỏ cũng đưa hai con đến, họ cũng được phát vành khăn sô trắng. Một cô bạn ở gần ngã ba Suối Cát trợn mắt lên khi phát hiện điều lạ lùng:

- Mày đó hả? Mày làm vợ nhỏ của ổng hả? Trời ơi! Sao mày ác thế!

Cô bạn ở Suối Cát vội vàng kể cho mọi người nghe:

“Năm đó trong xóm tôi rộ lên tin con nhỏ này (tức vợ nhỏ), lấy chồng giám đốc giàu có lắm, không hiểu sao nhà nó lại không mời nhà tôi, nên tôi không đi dự đám cưới nó. Tuy thế nghe lời đồn, tôi cũng tò mò muốn ra đường xem đám cưới ra sao, mặt chú rể như thế nào mà nghe nói giàu lắm? Rồi đúng lúc nhà trai đến thì tôi lại bận việc không ra xem được. Nghe nói đám cưới rất linh đình, công khai, đông người tham dự. Trời ơi! Nếu ngày đó mà tôi ra xem, thì đâu có cái cảnh vợ 2 con như thế này…”.

Cô vợ bé đáng tuổi con cháu, nên cúi đầu im lặng, chuyện gạo đã thành cơm từ rất lâu, ai cũng chỉ biết ngớ người ra.

Cái xã hội lạ lùng, nhà chỉ cách nhau mấy chục cây số, mà cái đám cưới bất hợp pháp như thế xảy ra một cách đường đường chính chính.

Chuyện còn lạ hơn nữa, một cô gái khác dẫn đứa bé lên hai đến xin cho cháu để tang cho Bố, cô bạn tôi thẳng thừng đuổi về và dặn con trai: “Không cho một con nào đến nữa”.

Cô gái này ra về nhưng cho mẹ bế cháu đến, bà này cũng mặt dạn, mày dày, cứ tự nhiên đến, tự nhiên cột trên đầu cháu mình một vành tang trắng và ngồi luôn trong nhà. Cô bạn tôi mệt mỏi vì người đến viếng đông, phần lo tiếp đãi các quan khách làm ăn của chồng, nên không có giờ quan tâm đến chuyện ấy nữa.

Đêm đó, tôi ở lại, ngồi chung trong căn phòng có bà mẹ vợ lạ đời như thế. Bà nói rằng:

“Các cô, các chị nghĩ sao? Khi ông ta cứ đến nhà tôi, đưa tiền cho con tôi, lúc thì đưa cho tôi, cả xấp giấy năm trăm ngàn mà không hề đếm. Thời buổi khó khăn, kiếm việc không ra để nuôi nổi bản thân, một người giàu có mê mẩn con mình, cung cấp tiền bạc quá đầy đủ như thế, thì còn mong muốn điều gì nữa? Làm sao con tôi từ chối được? Có làm vợ nhỏ mà của cải dư gia như thế thì cũng là phúc đức lắm rồi. Tôi chẳng trách móc con tôi được…”

Chẳng ai nói lời gì với bà, bà cứ thế ngồi ôm cháu qua đêm, để sáng sớm hôm sau đưa linh cữu ông rể hờ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Một điều làm lòng tôi rất xốn xao. Không hiểu sao phút cuối cùng, tôi lại đứng gần bà ấy và thấy việc bà làm. Bà bảo cháu “Lạy Bố đi con” cho đứa bé gục đầu xuống ba cái. Khi quan tài từ từ hạ, tôi chợt nghe đứa bé kêu thất thanh và đưa tay về phía quan tài “Bố! Bố, bà… Bố” quay qua bà và chỉ hòm Bố. Đứa bé khóc, bà đứa bé quẹt nước mắt, tôi cũng không cầm lòng… Tôi nhìn thấy ở đây có một gia đình thắm thiết lắm, đứa bé thân tình với Bố, nhận ra Bố qua tấm hình, và biết được Bố đang đi xa không còn gần bé, nên bé la thất thanh chỉ vào quan tài của Bố như vậy… Rồi bà tháo khăn trên đầu bé xuống, bật quẹt lên, tự đốt khăn tang của bé và lấy tay hắt tàn xuống mồ.

Sao gây chi nên nỗi khổ này nhỉ?

Đàng kia ba mẹ con người vợ nhỏ mắt cũng đỏ hoe.

Còn nghe đâu, xa xa có hai ba người phụ nữ cũng tiễn chân anh ta, họ đi thật xa không dám đến gần.

Cô bạn kể: “Ông ta nhiều vợ lắm, tụi nó tranh giành, ghen tuông với nhau om sòm. Em bây giờ nhẹ người rồi. Chúa đã thương nhận lời em xin …”

Chuyện người đàn ông phản bội gia đình, phản bội lời thề hứa trong Hôn Nhân Công Giáo, ngoại tình với nhiều người, gây nhiều cảnh trớ trêu trong cuộc sống, thế mà cũng là bài học cho người đàn ông chứng kiến cảnh đám tang đó.

Vợ chồng chị bạn cũng tham dự đám tang này. Chúng tôi đều là dân đồng hương xa quê với nhau. Cứ tưởng đàn ông, chồng chị…, họ nhìn cảnh đám tang đó mà tự nhủ với lòng: “Đừng nên đi vào con đường bội bạc đó” mà gây ra nhiều thảm cảnh. Thế nhưng chồng chị bạn lại có cái nhìn khác.

Anh chồng chị bạn này, cũng không kém gì anh chồng cô bạn vừa mới qua đời. Có điều anh chồng này nghèo nàn làm không đủ ăn, mà quỷ quyệt hơn, toan tính hơn, anh ngoại tình từ năm 2004 đến đám tang 2009 trên, mà chị bạn không hay biết gì. Sau đám tang vừa dự, anh chàng tìm ra một kế sách vẹn toàn cho mình và cho các người anh yêu. Anh ta đưa cô bồ lâu năm nhất thế vợ mình đến Đại Học Y Dược hiến xác vào năm 2010.

Làm cách này anh ta được một công đôi ba việc. Thứ nhất người yêu anh ta khỏi phải chịu cảnh đau lòng vì không được đến gần bên quan tài, như trường hợp đám tang vừa rồi. Thứ hai, anh đề phòng sau khi chết cũng không lộ diện được các bóng hồng của cuộc đời anh.

Ai dè, vợ anh nhìn thấy thẻ hiến xác, gọi điện cho bác sĩ liên quan đến việc hiến xác. Bác sĩ trả lời:

- “Hiến xác là một cử chỉ thiêng liêng đáng tôn trọng, và rất cần thiết cho Y học. Khi đến hiến xác, thường có người gia đình đi kèm, xem như có sự thỏa thuận và đồng ý trong gia đình. Nếu có trường hợp mượn người giả mạo chị là vợ, thì chị có quyền hủy giấy xác nhận ấy đi, và khi ông nhà qua đời, chị không báo, thì cũng không làm sao ở đây nhận được xác của ông nhà. Rất cám ơn chị. Chúc chị mọi việc được như ý”.

Chuyện bại lộ, anh ta vẫn một mực nói lên lòng yêu khoa học của mình, nói lên sự cao cả của mình, mà sự cao cả ấy lại giấu kín cả vợ con. Chị bạn chẳng có gì làm chứng cớ, đành bỏ qua.

Đến tháng 8 năm 2011, một đứa cháu của chị bắt gặp anh chở người yêu kèm theo một em bé đi trên đường Trần Hưng Đạo, đứa cháu đi sát vào anh, gọi tên và khèo vào tay anh, nhưng anh ta giả lơ như không hề quen biết.

Đứa cháu này sinh nghi, nói lại với chị, chị hỏi anh, anh lên giọng nạt nộ chị:

- Ai nói với bà thế? Đứa nào? đứa nào? Nói tầm bậy, tầm bạ không, bực mình quá.

- Ông làm gì phải gào lên như thế? Có hay không, tự ông biết rõ hơn ai hết.

Anh lầm bầm còn muốn gây chuyện với chị.

Lần này thì sự nghi ngờ của chị không còn nữa. Chỉ là chưa bắt được quả tang thôi. Chị biết rõ tình ý của chồng chị “chưa bắt được tay, chưa vây được cánh, thì chưa đánh được đòn” với anh ta đâu.

Gia đình chị cũng là gia đình Công giáo, chồng chị theo Đạo từ lúc cưới chị. Gần 40 năm nay giữ Đạo. Anh ta theo chị, bề ngoài giữ Đạo rất sốt sắng. Chị đi Lễ, anh đi Lễ, chị chắp tay, anh chắp tay, chị đi Rước Lễ, anh đi Rước Lễ, chị đọc kinh tối trong gia đình anh cũng đọc, vì thế dù anh đi đâu về khuya cách mấy, chị vẫn chờ anh về đọc kinh rồi mới đi ngủ.

Đêm đó chị cầu nguyện thật tha thiết “Xin Chúa thương con, cho con biết được sự thật. Chúa biết chồng con rất cứng lòng, không bao giờ biết nhận điều sai của mình nếu không có người phát hiện. Chính Chúa biết rõ mọi điều sai trái của ông, xin giúp con làm sáng tỏ mọi việc, đừng để con cứ phải mù mờ trong phán quyết hằng ngày, mà không cải thiện được sự tốt trong gia đình…”

Cầu nguyện xong, chị nói với bà Mẹ chồng bịnh tật của chị, đang ngồi trầm ngâm vì tin con trai ngoại tình:

- “Má nè, con mà bắt quả tang chồng con ngoại tình, thì con bỏ nhà đi đó nhe Má, con không chăm sóc được Má nữa đâu. Má đừng buồn con, con sống với chồng con như bát nước đầy, mà chồng con phản bội, là con li dị ngay đó Má”.

Bà già ngồi buồn và suy nghĩ “Hèn gì mà vợ nó phỏng vấn đi nước ngoài bị rớt, nó lại buồn xo mấy ngày nay, mình thì vui mừng vì có vợ nó ở nhà chăm sóc cho mình, vợ nó đi rồi, có ai đâu chăm sóc cho mình như vợ nó?”

Bà lo buồn và mong mọi sự như lời con trai bà thề thốt “Không có gì”.

Thế mà chỉ mấy phút sau, tin ấy là sự thật.

Chị suy nghĩ mãi, mới nhớ ra cái địa chỉ email mà chị và con gái hì hục tạo cho chồng, để ông làm quen với internet, biết gởi thư cho bà con, bạn bè nơi xa, rất nhanh chóng mà không tốn tiền.

Trời ơi! Chị mở ra thì như tối sầm mắt lại, anh ta chát chít tràn đầy trên messenger. Chị bấm bụng gọi anh đến gần máy, bình tĩnh mở cho anh xem, gọi con trai lớn của anh năm đó đã 35 tuổi cùng xem.

Chị giữ đúng lời, bỏ bà Mẹ chồng đang mang bịnh già lại cho anh, chị đi thật xa 20 ngày để tìm hiểu thêm về mối quan hệ của anh, và cũng để tránh sự cải vã trong gia đình. Anh ta thật quá xem thường chị, xem thường gia đình, còn có thể ngoại tình ngay trong nhà mẹ con chị.

Con cái chấp nhận cho chị ly hôn: “Phải chi Ba cứ như những người đàn ông hư hỏng khác, ngang nhiên hẹn hò, công khai như mấy ông chú của con, thì con không bị sốc. Ba luôn đọc kinh, luôn chắp tay nghiêm túc trong nhà thờ, làm ai cũng lấy Ba làm cái gương để soi. Ba chửi các em Ba thậm tệ, khi các em Ba ngoại tình, hư đốn, li dị… Ai nhìn Ba cũng không tin điều đó xảy đến với Ba. Té ra Ba lấy những việc làm đó, để che đậy tội lỗi của mình. Ba đi Rước Lễ hằng ngày cho Mẹ con tin là Ba không bao giờ ngoại tình. Ba giữ Đạo cách nào thế?

Ba làm con kinh sợ …”

Thấy con cái bỗng dưng trong một lúc mất đi người Cha, chị cũng đau lòng, thương con, không nở li hôn, chị rút hồ sơ lại. Con chị bây giờ đang buồn phiền không cần đến Cha, chứ một ngày nào đó nó sẽ rất cần Cha nó. Chị cho anh về lại nhà, và sống bình thường với anh. Con chị không phục chị.

Cứ tưởng việc chị làm là hợp tình hợp lý, là nói lên được sự cao thượng đối với chồng. Nhưng chị sai rồi. Chồng chị không còn là của chị nữa, anh sống như không phải anh sống. Gia đình này không là gia đình của anh nữa, anh luyến tiếc cuộc tình vụng trộm mùi mẫn 8 năm qua của anh, bỗng dưng bị cắt đứt. Chị không thể nào cố gắng hơn.

Một năm sau, chị đề nghị anh li dị, anh đồng ý ký ngay, không một lời phân bua hay một tí tần ngần.

Chị biết chị đang làm sai Luật Hôn Nhân Công giáo, nhưng chị làm sao giữ được người đàn ông này khi lòng anh không muốn hướng về mẹ con chị. Anh không còn bắt chước chị đi dự Lễ nữa, anh không cần phải Rước lễ nữa. Anh cũng không cần phải nói lời gì nhẹ nhàng với chị để tìm sự bình an trong gia đình.

Chị sống với anh như bát nước đầy. Chị chăm chút anh từng tí một, về tư cách, lòng đạo đức, cũng như hình thức bên ngoài, cứ tưởng như thế là chị xây cho các con chị một mái nhà đạo đức bền vững trong suốt 40 năm qua.

Chị không tiếc công. Chị không buồn phiền nhiều. Chị chỉ thấy mình mang tội trước mặt Chúa. Vì mình, mà để cho anh khinh mạng Bí Tích Chúa ban.

Chị không biết rồi đây anh sẽ ra sao? khi lời Phúc Âm luôn hiển hiện “Kẻ nào phạm đến Thánh Thần thì không được tha”.

Chị kể lại: “Tuy chia tay rồi, nhưng chị vẫn luôn cầu xin Chúa cứu chữa cho anh ta”

Có những cuộc đời bất hạnh như thế đến với Phụ nữ, mà có ai nghĩ gì đến họ đâu? Hôm nay mừng ngày hai mươi tháng mười, rồi lại đến ngày tám tháng ba, mừng người Phụ nữ. Cứ mừng trên sách trên vở, trên giấy, trên tờ, trên ti vi, trên phong trào… Còn người phụ nữ thì vẫn cứ đắm chìm trong bạo lực, trong bất công, trong phản bội, trong bất tín bất trung, rồi thì phán quyết: Không bao giờ lỗi ở một phía, không ít thì nhiều, cả hai cùng có lỗi.

Như thế là công bằng của xã hội, như thế là đã nâng cao sự tôn trọng của phụ nữ lên ngang hàng với đàn ông rồi.

Tôi nghĩ rằng, người phụ nữ tầm thường như chúng tôi đây, không hề muốn có những ngày như thế, không hề muốn chờ cho các ông tặng cho một cành hoa, một món quà, trong những ngày như thế. Mà chúng tôi muốn Xã hội này, Giáo hội này, giúp làm sao cho các ông hiểu như thế nào là trách nhiệm khi mình quyết định một việc gì.

Hình như xã hội Việt Nam hôm nay đa số đàn ông phải học, và tìm hiểu lại hai từ “Thủy chung” là như thế nào rồi.

 

Kính tặng những người đàn bà đau khổ.

Nguồn tin: www.chuacuuthe.com

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây