Giáo xứ Vinh Hương

Dạy con làm việc thiện

Thứ ba - 01/03/2016 08:10
Ra Tết, con em có số “vốn” kha khá từ nguồn lì xì của ông bà nội ngoại, họ hàng, đồng nghiệp của cha mẹ. Bé rất quý và ngày nào cũng đem ra đếm rồi cất vào túi cẩn thận. Khi được hỏi sẽ dùng tiền ấy như thế nào, cháu nói sẽ ủng hộ người nghèo. Em thấy vui vì con không có tính bo bo giữ của. Nhưng em phải làm gì để giúp con biết chia sẻ một cách thiết thực và ý nghĩa nhất?

Giúp con biết cảm thông và chia sẻ là một trong những bài học đầu đời quan trọng mà các bậc cha mẹ cần dạy trẻ.

Deborah Spaide - người sáng lập Câu lạc bộ chăm sóc trẻ em Hoa Kỳ - đã so sánh: “Giống như cho trẻ sử dụng đôi chân của mình khi mới tập đi, chúng ta cần phải cung cấp cho trẻ cơ hội làm từ thiện, thể hiện sự quan tâm, tình thương đến những người kém may mắn hơn mình”. Trẻ sinh ra đã có sẵn lòng thương người nhưng cũng có tính ích kỷ. Vậy thì bạn hãy giúp con thực hành lòng thương xót từ những bước đi chập chững ban đầu: chỉ cho con thấy cảnh em bé đang khóc vì đói ở cổng chợ hay cụ già ngày ngày đi bán vé số, những người vất vả mưu sinh, người thân trong nhà cần cù chịu khó lao động để bé biết thương người khác.

Khi trẻ lớn thêm, dặn con đem theo một ít tiền bỏ giỏ tại nhà thờ hoặc nhớ gửi vài đồng lẻ vào thùng từ thiện ở trung tâm mua sắm... Người lớn nên nói dễ hiểu để đầu óc non nớt của đứa trẻ hình dung được hành trình của những đóng góp nhỏ nhoi ấy, chẳng hạn số tiền trong thùng sẽ được gom lại rồi mang đi mua áo ấm, gạo, mì tôm để biếu những người nghèo hoặc làm những việc công ích khác. Từ đó trẻ có những suy nghĩ tích cực về cách sử dụng của cải vật chất cũng như tiêu tiền, sẽ có cách đóng góp và giúp đỡ người khác.

Bạn nên giúp con mình trải nghiệm việc làm từ thiện trực tiếp bằng cách dẫn con đến nhà dưỡng lão, trung tâm nuôi trẻ mồ côi và người già vô gia cư, cho con cùng tham gia vào một bữa phục vụ ăn uống cho mọi người. Trẻ độ tuổi Mầm non trở lên đã có thể làm chân “chạy bàn” như xếp ghế nhựa quanh bàn ăn, chuyển những khay cơm ra bàn, thu dọn khay đã dùng, giúp người lớn những việc lặt vặt phù hợp. Càng cho con trực tiếp tham gia thì bé càng có những suy nghĩ lớn hơn và thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm (chia sẻ quần áo cũ và đồ dùng học tập với bạn nghèo, nghĩ ra cách gì đó để thu thập và phân phối đồ chơi cho trẻ em xóm trọ, xin thầy cô dán một thông báo trong trường học để thu hút sự đóng góp từ bạn cùng lớp,...).

“Tiền riêng của con” được xem là một động lực hữu ích cho việc thúc đẩy con biết quản lý tiền bạc đúng cách theo nguyên tắc: chi tiêu - tiết kiệm - chia sẻ. Tiền làm từ thiện được trích ra trong khoản “chia sẻ”. Việc đóng góp công sức, thì giờ, tiền bạc cho gia đình là nghĩa vụ và sau này là trách nhiệm của mỗi người với gia đình mình. Làm tốt ở trong nhà rồi mới ra cộng đồng. Ngoài ra, bạn cũng cần khuyến khích con, thay vì đơn giản là đưa tiền cho một tổ chức từ thiện nào đó, có thể mua mấy cuốn tập, món đồ chơi, mấy đôi vớ hay một món đồ phù hợp nào đó cho trẻ em nghèo, như thế sẽ thực tế hơn.

Bạn lựa đúng lúc để nói với con về ý nghĩa và niềm vui của việc cho đi, chứ không phải làm điều tốt để được ca ngợi hay được phần thưởng. Chẳng hạn khi đi qua một người sống dưới gầm cầu là một dịp để bạn nói với con về thực tế là một số gia đình không có đủ tiền để trả cho một nơi để sống. Khi đi thăm những người già neo đơn ở các trung tâm cơ nhỡ, bạn có thể nói với con rằng không phải ai cũng có được cuộc sống sung túc, đầy đủ con cháu khi về già, những người này quý sự quan tâm của chúng ta ra sao... Trẻ sẽ hiểu, không đợi khi có đủ tiền mới làm từ thiện, mà lòng tốt cũng là một kho tàng có thể cho đi mà không bao giờ vơi.
 
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI
http://www.cgvdt.vn/
 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây