Giáo xứ Vinh Hương

Đời sống hôn nhân - Một vài chia sẻ mục vụ

Thứ tư - 22/04/2015 20:54

Không ít lần ta nghe kể về những câu chuyện vui buồn của các cặp vợ chồng. Trên phim ảnh, sân khấu, không khó để tìm thấy những chuyện bi hài đủ loại về tình yêu; và trong thực tế cũng chẳng thiếu bao giờ những tình huống tương tự như thế. Khi người ta yêu thương nhau, cuộc sống chung sẽ rất tuyệt vời. Khi người ta còn yêu thương nhau, mỗi giây phút gắn liền với nhiều kỷ niệm đẹp. Còn lúc đã ghét nhau và khi đã nhạt nhòa tình cảm, thì chỉ cần “nhìn thấy mặt là thấy ghét rồi”, và cuộc sống sẽ trở thành tệ hại như hỏa ngục.

Hình như không có môt giới hạn nào về thời gian để loại bỏ chuyện xung đột nơi đời sống hôn nhân - già hay trẻ, mới cưới hay đã làm lễ kỷ niệm 1 năm, 10 năm, 25 hay 50 năm thành hôn - Tất cả đều có thể xảy ra. Ai cũng biết vậy, mà đâu là giải pháp cho vấn đề này? Người ta có thể chung sống dù có nhiều cách biệt và có thể chia tay dù có nhiều thỏa hiệp. Người ta có thể yêu nhau dù có trăm ngàn cản trở và cách xa và có thể chia tay nhau dễ dàng chỉ vì những chuyện cỏn con. Đúng là “con tim có lý lẽ riêng” (Pascal), nhưng trong nhiều chuyện yêu đương, người ta cũng cần phải suy nghĩ nhiều.

Kết quả của những mối tình nhạt nhòa và tan vỡ vì nhiều lý do xem ra có vẻ là đề tài thịnh hành, gợi hứng cho thơ và nhạc. Nhưng những ai là nạn nhân của sự đổ vỡ trong tình yêu này lại chẳng thấy “tình là sợi tơ,là thơ hay là nhạc” chút nào, mà chỉ là cay đắng mà thôi! Thêm một điều, xin đừng nghĩ “chia tay chỉ là chuyện riêng của chúng tôi”. Trong thực tế chúng ta có thể thấy rằng một gia đình tan nát và ly dị nhau không chỉ là nỗi đau của vài con người - của vợ chồng và con cái hay người thân đôi bên, mà đó còn là một sự tổn thất cho cộng đồng xã hội (vì gia đình là tế bào của xã hội). Đó là thất bại của một cam kết bị phá bỏ; của một kế hoạch sống cho tương lai đã được hoạch định mà không bao giờ được hiện thực hóa.

Khi nói về chuyện lập gia đình và hôn nhân như là một cam kết trọn đời, chúng ta sẽ phải “đụng hàng” với lối sống và cách suy nghĩ tự do “hơi quá” như hiện nay. Nếu chuyện sống chung, sống thử và chuyện tình yêu như hoa với bướm “khi vui thì đậu khi buồn nó bay” là mode sống phổ biến, thì chuyện sống có “trách nhiệm với nhau” lại phải cần bàn đến hàng giờ và cần nhiều người có trách nhiệm vào cuộc.

Đối với người Kitô hữu và với những ai vẫn còn tin rằng tình yêu và hôn nhân là “chuyện trăm năm” nghiêm túc và ly dị không luôn là giải pháp tối ưu cho những chuyện xung đột nho nhỏ trong gia đình, thì xin cùng chia sẻ với nhau những góp nhặt, những kinh nghiệm vắn tắt sau đây của những người làm công tác mục vụ gia đình.

1. Điều gì tàn phá đời sống hôn nhân và gia đình?

Thói chỉ trích và phê bình không ngừng nghỉ là nguyên nhân gây tổn thương đầu tiên. Để khám phá thế giới, con người vẫn thực hành việc quan sát và nhận xét về những gì mình bắt gặp. Việc ý kiến nầy nọ cũng là chuyện tự do và là quyền cá nhân mỗi người. Tuy nhiên, trong nhiều mối tương quan giữa con người, kiểu tự do “có sao nói vậy” hay “thấy sao nói vậy” dễ dàng làm tổn thương lòng người.

Thiếu sự cảm thông và tha thứ. Từ quan sát và nhận xét, người ta có thể hiểu thêm về nhau; và ai cũng biết chẳng một người nào là hoàn hảo cả. Càng thiếu cảm thông, chấp nhận người khác trong sự khiếm khuyết của họ, ta càng cảm thấy khó tha thứ và yêu thương.

Sự dối trá và lừa gạt gia tăng. Mỗi người luôn có một “khu vườn bí mật” của mình. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, và nhất là vì sợ xấu hổ, người ta có thể che dấu sự thật về mình, về những gì mình làm hay mình suy nghĩ. Trong hoàn cảnh sống hiện thời, sự dôi trá luôn gia tăng và là nguyên nhân tàn phá lòng tin, tăng phần phản bội.

Thói quen nghiện ngập tai hại như rượu chè, ma túy, cờ bạc, chuyện tình dục thiếu lành mạnh… tàn phá môi trường sống của gia đình. Về điều này, nhiều người vẫn hay đổ lỗi cho hoàn cảnh xã hội, cho môi trường sống, nhưng xét cho cùng, người ta có suy nghĩ và tự do lựa chọn để thoát khỏi những ảnh hưởng này, như hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” vậy!

Sự xúc phạm vô tình và những chấn thương tâm lý tích tụ. Đó là những lời nói, cử chỉ, hành vi ít được kiểm soát hay vô tình (một lời nói cạnh nói khóe, sự nóng giận vô cớ, nụ cười mỉa mai thoáng qua,…). Ngay cả những đôi vợ chồng hạnh phúc vẫn không tránh được những “thoáng vô tình” như vậy. Nếu không cẩn thận và cứ để cho sự vô tình “tích tiểu thành đại”, các chấn thương tâm lý gia tăng và tích tụ, họ có thể phá đổ hạnh phúc của mình.

2. Điều gì có thể cứu vớt đời sống hôn nhân và gia đình?

Sự quan tâm đến nhau cách nhẹ nhàng trong đời sống hằng ngày. Mỗi một con người có một lịch sử, một bối cảnh rất riêng, và chỉ khi nào ta khám phá được điều riêng này mới có thể nói rằng “tôi hiểu bạn”. Người ta có thể biểu tỏ sự hiểu biết này nơi việc quan tâm đến người khác bằng một lời chào hỏi, khích lệ, cám ơn, động viên nhau. Chuyện tế nhị này rất cần thiết và quan trọng trong gia đình.

Một chút hài hước và hòa đồng. Mỗi người trời sinh mỗi tính khí, và không phải ai cũng vui tươi, hài hước. Tuy vậy, người biết cười bằng lòng với chính bản thân mình, cười với giới hạn và khả năng vốn có, có thể làm cho người khác sống vui bằng thái độ rộng mở của mình và làm giảm đi những xung đột không cần thiết.

Đối thoại trong tin tưởng. Người ta luôn đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống và mỗi một vấn đề cần tìm giải pháp khác nhau. Riêng trong gia đình,khi có “vấn đề” với người khác, cách giải quyết là trao đổi hay đối thoại trong tôn trọng và tin tưởng. Cải vã hay to tiếng chưởi bới nhau không là đối thoại và cũng chẳng giải quyết chuyện gì cả.

Tương quan thể lý và đời sống tính dục lành mạnh. Đây là điểm “tế nhị” đối với nhiều người, vì hay có nhiều trường hợp làm “chuyện ấy” hoang sơ như cây cỏ, hay chỉ vì “bổn phận”. Thiên Chúa đã ban cho con người thân xác, trong tương quan giới tính nam – nữ bổ sung, hổ trợ nhau (St 2,18-23). Việc quan hệ vợ chồng trở thành dấu chỉ biểu lộ tình yêu, và là khả năng trao ban hạnh phúc không giới hạn và không tính toán thiệt hơn. Khả năng biểu lộ này cần người ta học hỏi như là một nghệ thuật sống.

Sự tha thứ. Nếu chấp nhận mỗi người là một tội nhân với khiếm khuyết và lầm lỗi vốn có hoặc hay mắc phải, thì chuyện tha thứ là cần thiết. Chuyện to tiếng hay có những điều gây hiểu lầm và làm khổ nhau trong gia đình giữa vợ chồng là chuyện hay xảy ra. Người ta có thể hàn gắn sau những khi đụng độ bằng sự tha thứ hơn là tranh luận quy tội ai đúng ai sai. Việc tha thứ tuy vậy không là thái độ dửng dưng hay thỏa hiệp với điều xấu, hoặc là chuyện “chịu đựng vì không thể làm gì khác được”. Để tha thứ và để được tha thứ, ta cần đến lòng rộng lượng và sự khiêm nhường. Tha thứ là mở ra một cánh cửa, một con đường mới để mình không bị đóng kín trong chuyện bế tắc cũ và để người khác không đi lại vết xe đổ.

Kinh nguyện và đời sống tâm linh. Có nhiều đôi vợ chồng đã trải qua khó khăn thử thách nhờ lời cầu nguyện và cuộc sống đạo đức. Kinh nghiệm thiêng liêng với Thiên Chúa (từ đời sống tâm linh cá nhân hay chia sẻ trong gia đình) đã giúp họ tìm thấy can đảm để đương đầu với nghịch cảnh, sức mạnh để đón nhận sự thật và để sống trong tha thứ, yêu thương, đón nhận người khác.

Martin Luther King có nói rằng: “Tình yêu là sức mạnh duy nhất có khả năng biến đổi một kẻ thù thành bạn hữu”. Ta thử hỏi: vậy điều gì đã biến một người bạn trăm năm thành kẻ thù trong một quyết định tích tắc? Chắc chắn không là tình yêu mà chỉ là những tính toán vị kỷ và sự thù ghét như sức mạnh chế ngự trái tim chúng ta. Thánh Phao lô nói với các đôi bạn rằng: “Như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự anh em hãy có đức yêu thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện. Nguyện xin bình an của Đức Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới " thụ hưởng " để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện xin Lời Đức Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em” (Cl 3,12-17).

Mong ước sao đây cũng là lời chúc cho mọi người muốn hạnh phúc trăm năm.

* Có tham khảo một số tài liệu mục vụ gia đình của nhóm CFC – Consultori Familiari di ispirazione Cristiana.

Tác giả bài viết: Lê An Phong, SDB

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây