Giáo xứ Vinh Hương

Không nên chủ quan khi trẻ hay nổi nóng

Thứ năm - 04/08/2011 02:26

Đa số trẻ hiện nay thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc. Ảnh minh họa: Visual Photo

Đa số trẻ hiện nay thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc. Ảnh minh họa: Visual Photo
- Trẻ làm nhiều thứ, từ chế độ ăn, chế độ ngủ, ép trẻ phải học quá sớm, quá nhiều...

“Con không được vòi thêm bánh kẹo nữa, ở nhà đã có nhiều quá rồi!” Mẹ vừa nạt xong, bé Linh, 5 tuổi (quận Phú Nhuận, TP HCM) bỗng khóc òa lên, lăn ra đất nằm ăn vạ giữa siêu thị, có dỗ dành cách mấy cũng không nín được.

Chị Lan, mẹ bé Linh cho biết, con gái chị lâu nay vốn được tiếng là ngoan ngoãn trong khu chung cư, gặp ai cũng lễ phép dạ thưa. Thế nhưng, khoảng hai tháng nay, bé dần có những biểu hiện thiếu kiềm chế cảm xúc, nhất là khi không được chiều chuộng như ý muốn.

“Những lúc như thế bé gào ré lên, có khi còn ném đồ chơi vào người bố mẹ. Ban đầu, mình chỉ cần ôm bé vào lòng và nựng thì bé sẽ ngoan trở lại. Không hiểu sao gần đây bé càng lúc càng bướng bỉnh và khó chiều. Đáp ứng yêu cầu của bé mãi cũng không xong, mà hễ không chiều bé là thể nào cũng có chuyện”, chị Lan kể.

Chuyện càng lúc càng thêm nghiêm trọng, khi giữa tháng sáu vừa rồi, chị Lan được cô giáo chủ nhiệm lớp mầm non của bé Linh mời đến để trao đổi về vấn đề giữa bé và các bạn trong lớp. Theo lời cô giáo, trong giờ sinh hoạt cùng các bạn, không hiểu tranh giành đồ chơi thế nào, bé Linh đã ném khối rubic vào một bạn, khiến mặt bạn ấy bị chảy máu. Bị cô phê bình, bé òa lên khóc nức nở rồi dùng dằng xách cặp đòi tự đi về. “Nghe cô giáo kể mà mình bàng hoàng. Ban đầu chỉ nghĩ là do tính đua đòi thường thấy của trẻ nhỏ, có ai ngờ lại thành ra cơ sự như thế”, chị Lan buồn rầu nói.

Đối với chị Tuyết (quận Tân Bình, TP HCM), chuyện về cậu con trai 6 tuổi tên Huy của vợ chồng chị lại càng thêm phức tạp. Đang ở tuổi ăn tuổi lớn, so với nhiều bé trai khác, Huy tỏ ra khá đằm tính, ít vòi vĩnh bố mẹ. Mọi phát triển về thể chất lẫn tâm lý của Huy đều ở mức bình thường, duy chỉ có điều, những khi Huy tập trung suy nghĩ hay thực hiện một công việc gì, bé thường có thái độ cáu kỉnh, bực dọc.

“Một lần dùng cơm tối xong, cả nhà đang quây quần xem tivi thì nghe cái 'rầm' ở phòng riêng của bé. Hoảng hốt, vợ chồng mình chạy ù sang thì thấy dưới sàn vung vãi những miếng xếp hình lego, còn bé thì đang ôm gối khóc rưng rức. Thì ra là mãi không xếp được hình mẫu trên sách, bé tức tối ném mạnh bộ đồ chơi xuống đất. Kể từ đó, mình thấy bé có vẻ hay bực bội, thậm chí khóc lóc mỗi khi không đạt được mục tiêu nào đó”, chị Tuyết lo lắng tâm sự.

Theo bộ chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi được Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố hồi tháng 7/2010, khả năng kiềm chế những cảm xúc tiêu cực là một trong những chỉ số quan trọng cho thấy trẻ có thể phát triển về mặt tình cảm và quan hệ xã hội hay không. Mới đây, một nghiên cứu theo dõi 1.000 trẻ em từ khi chào đời đến tuổi 30 của Đại học Duke (New Zealand) cũng đã chỉ ra, những trẻ thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc khi đến tuổi trưởng thành sẽ mắc những sai lầm như hút thuốc, có thai trong lúc học phổ thông, bỏ học giữa chừng,... Ngoài ra, những đứa trẻ như thế khi ra đời sẽ phải chịu sự thua kém về thu nhập, địa vị xã hội so với các trẻ bình thường.

Tại những diễn đàn trực tuyến dành cho các bậc phụ huynh ở Việt Nam, những chủ đề xoay quanh hội chứng thiếu kiềm chế cảm xúc tiêu cực ở trẻ cũng nhận được đông đảo sự quan tâm của các ông bố bà mẹ, xen lẫn những ý kiến bàn luận trái chiều nhau. Ở một chủ đề bàn luận về vấn đề này của diễn đàn webtretho..., thành viên có nickname hangphuong... nhận định: “Bé còn tuổi đang lớn, việc tự do thể hiện cảm xúc là điều nên được khuyến khích. Cứ để bé thoái mải phát triển tâm lý, không nên áp đặt quá mức”. Trong khi đó, một số thành viên khác lại có ý kiến hoàn toàn ngược lại: “Đây không chỉ là vấn đề tâm lý thông thường, mà còn liên quan sâu sắc đến tính cách của trẻ. Nên uốn nắn trẻ ngay từ đầu, nếu cứ để như thế đến tuổi trưởng thành thì hậu quả khó mà hình dung nổi!”

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng Bộ môn Tâm lý học, ĐH KHXH&NV TP HCM cho biết, việc trẻ thiếu kiềm chế cảm xúc là một trong những vấn đề khá phổ biến hiện nay. Đa phần trẻ em ở thành phố, sinh ra trong bệnh viện rồi về nhà, do ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nên khả năng vận động của trẻ bị hạn chế, trẻ không có nhiều cơ hội trải nghiệm được bản thân, dẫn đến những ức chế nhất định trong tâm lý của trẻ.

“Hơn nữa, do nhiều bậc phụ huynh hiện nay có xu hướng ép trẻ làm nhiều thứ, từ chế độ ăn, chế độ ngủ, ép trẻ phải học quá sớm, quá nhiều, thậm chí còn ép trẻ luyện chữ đẹp,…mà chưa thực sự lắng nghe, tôn trọng sở thích của trẻ, dẫn đến việc trẻ chỉ biết nghe theo sự sắp xếp của bố mẹ mà thiếu sự sẻ chia, không tự do phát huy phát huy được bản thân, khi đó trẻ sẽ căng thẳng khi gặp một vấn đề nan giải, bức bối”, Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc bố mẹ quá nuông chiều trẻ cũng là một trong những nguyên nhân gây nên việc trẻ không kiểm soát được cảm xúc. Do quen với việc được chiều chuộng nên khi một yêu cầu, đòi hỏi nào đó không được đáp ứng, trẻ cũng thường có biểu hiện vòi vĩnh bằng mọi cách.

Về lâu dài việc trẻ hay la hét, nóng tính, thiếu khả năng kiềm chế sẽ có những ảnh hưởng nguy hiểm đối với việc hình thành nhân cách sau này. Trẻ dễ thiếu kiên nhẫn trong cuộc sống, trong giải quyết công việc.

Khi trẻ đang có biểu hiện giận dữ, thiếu kiềm chế cảm xúc, cần phải lôi kéo trẻ sang các hoạt động khác. Đối với trẻ lớn cần nhẹ nhàng đặt những câu hỏi để trẻ ý thức được hành động của mình. Nên cho trẻ tiếp xúc với tivi dưới 2 tiếng mỗi ngày, thời gian tiếp xúc với bố mẹ mỗi ngày tối thiểu phải được 2 tiếng. Bên cạnh đó, giáo viên ở trường cũng cần phải đối xử công bằng với các trẻ. Bố mẹ nên lựa chọn hình thức giải trí phù hợp cho trẻ, hướng trẻ đến các trò chơi với hình thức chơi mà học, học mà chơi, đặc biệt là các trò chơi dân gian để trẻ tăng khả năng khám phá bản thân, tiến sĩ Điệp chia sẻ.

 

Tác giả bài viết: Lê Phương - Mai Nhật

Nguồn tin: vnexpress.net

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây