Giáo xứ Vinh Hương

Ly Dị - Bi hài kịch của tình yêu (1)

Thứ hai - 18/02/2013 18:29

.

.
- Khóc cho một người đi

“Ai đem con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng nó bay”.

Ly dị là một sự kiện không có gì lạ trong xã hội Âu, Mỹ, và cũng không phải là hiếm xảy ra trong những xã hội Á Đông ngày nay. Tuy nhiên, giữa lúc con số những vụ ly dị tại Hoa Kỳ nói chung, và trong giới trẻ nói riêng, đang có khuynh hướng tăng cao trong số những người thuộc thế hệ ra đời sau Thế chiến thứ hai (người Mỹ gọi là baby boomers.) Quan niệm chung vẫn cho rằng ly dị là giải pháp cuối cho những cuộc hôn nhân trắc trở, cho những người đã từng yêu nhau, nhưng phai nhạt trong tình cảm, trong gối chăn, và trong mọi ràng  buộc về cuộc sống. Nó là yếu tố hiện thực của những cặp vợ chồng mà giá trị ràng buộc của gia đình, của nòi giống, của sự hy sinh, và của tình yêu không còn là vấn đề trong sự kết hợp của một người nam và một người nữ.

Tối hôm đó, đứa con gái đem bài ra hỏi bố mẹ “đường sá hay đường xá”. Anh nói “đường sá” mới đúng còn chị thì cãi “phải là đường xá”. Không chịu thua, anh nói trước đây khi học, thầy toàn viết là “đường sá”. Chị cũng phản đòn: “Sách toàn ghi là 'xá' này. Tác giả sách toàn là giáo sư, tiến sĩ cả đấy!”. Tội nghiệp con bé con, hết nhìn bố lại nhìn mẹ, chẳng biết “sá” hay “xá”. Anh, Chị không hiểu sao những gì anh, chị nói ra cả hai phía đều nghĩ là chị hay anh đang muốn “xỏ xiên”. Anh phản bác tất cả ý kiến của chị và chị cũng “gào rống” không kém. Thế nhưng chị cũng thú thực là: “Mỗi khi nghe anh ấy đưa ra ý kiến, mình lại thấy nó ấu trĩ, trẻ con, ngu xuẩn, như kiểu chuyện viễn tưởng ấy”;  Còn anh thì bực bội nói “đàn bà ngu muội hay lảm nhảm và cằn nhằn những chuyện không đâu xuốt ngày!”  Những câu chuyện như thế cứ làm cả nhà ầm ĩ suốt ngày. Từ chuyện khắc khẩu, hay xỏ xiên lẫn nhau, anh P, chị T chuyển sang cãi vã ‘mày, tao’ rồi “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” đến cuối cùng thì lôi nhau ra tòa nhưng tận trong thâm tâm họ vẫn còn thương nhau mà chưa muốn nói lời từ biệt.

Các cặp vợ chồng thường ly dị vì nhiều nguyên do khác nhau, nhưng thường thì bởi vì một trong hai người cảm thấy không vui và không cảm thấy trọn vẹn hạnh phúc hay an toàn trong mối quan hệ tương quan. Một số cặp thì thường xuyên có những cuộc cãi vã lớn mỗi ngày, với những cú “tấn công” cộng những lời “chỉ trích,”  bình luận lẫn biện hộ, cùng với sự tức giận. Và cuối cùng sau mỗi trận chiến sẽ có một sự “gãy đỗ” và họ kết thúc chuyện với một sự im lặng đáng sợ cùng với sự xa cách, bởi cả hai cùng giữ lại trong mình một nỗi tức giận bị kìm nén và cảm giác xa lạ trong lòng cùng khinh tởm lẫn nhau.

Q yêu T, và cô biết T cũng yêu mình nhưng cô chẳng thích chút nào sự ràng buộc vô hình của gia đình “đè” lên tâm trí Q mỗi ngày. Q tâm sự với chị : “Tớ phải đi làm rồi đi chợ, mà bực mình nhất là chồng tớ thích ăn thịt bò mà tớ lại chúa ghét món đó. Tớ chỉ muốn chợ một lượt cho cả tuần; nhưng ông xã nhất quyết lắc đầu và muốn phải mua đồ tươi, đồ ngon hang ngày. Chịu thôi. Tớ quyết định giải thoát cho anh ấy và thế là chia tay. Sống độc thân cho khỏe.” Q lúc nào cũng nhìn thấy sự “xấu xí” của “đối tác” mặc dù T đã hoàn thành khá tốt vị trí của một người chồng thậm chí nói hơn hẳn trong hy sinh và nhường nhịn. Ngày Q đưa đơn ly dị ra, T không nói câu gì, hút điếu thuốc rồi đứng ngồi không yên. Anh biết, khi cưới Q là cả một bài toán với anh. Q khác anh, cô như con ngựa bất kham, ham vui không phải mẫu người phụ nữ của gia đình. Nhưng T vẫn hy vọng, với tình yêu chân thành của mình, Q sẽ khác. Nhưng lần này anh đã tính sai trong cuộc đời mình.

Đôi lúc, trước khi ly dị một trong hai người đã có một cuộc ngoại tình, và sự phơi bày của cuộc ngoại tình đó sẽ châm ngòi cho quả bom ly dị. Trước khi ly dị, các cặp vợ chồng sẽ thường cảm thấy sự ngăn cách về mặt tinh thần lẫn cả thể xác.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định ly dị và gửi đơn ra tòa. Nhưng tôi ngớ người ra vì vợ đã gửi đơn ly dị từ trước đó vài tuần rồi.  Tôi đã tát cô ấy một lần, dù trong lòng tôi không hề có ý định đó và tôi cũng biết đánh vợ là sai nhưng không thể kiềm hãm được. Tôi đã làm tổn thương vợ nhiều lần, đó là những lần tôi nóng giận không thể kiềm chế, và cũng có vài lần tôi bỏ đi ăn vụng hay đi chơi thâu đêm cho khuây khỏa. Mỗi đêm nằm ôm con ngủ, tôi lại khóc vì thương con, cứ nghĩ tới cảnh 2 đứa 2 nơi, cuộc sống sẽ thiếu thốn cả tình cảm và vật chất là tôi không cầm được nước mắt. Thấy tôi khóc, con gái ôm tôi và nói: “Ba thương con nhất đúng không ba? Ba sẽ nuôi con nhé?” Nước mắt lại chảy dài, thế là tôi lại nói chuyện với vợ. Tôi nói “Anh thương con quá. Chỉ vì người lớn làm nên chuyện mà bây giờ ảnh hưởng tới con, chia lìa 2 chị em”. Vợ tôi bảo: “Coi như là số phận của tụi nó”, và cô ấy quyết định sẽ ly dị, dù tôi có phân tích thế nào đi chăng nữa.

Khi chia tay thường là nước mắt, và là những nỗi đau? và đôi khi lại là sự tiễn biệt.

Khi chia tay ai cũng có thể khóc cho một cuộc tình đổ vỡ không như là mơ, khóc cho tình yêu không cùng chung lối, và khóc về hình bóng đã mãi xa rồi…

“Tôi xin người cứ gian dối
Nhưng xin người đừng lìa xa tôi…”

Đôi khi khi chia tay, cái bất hạnh lại thuộc về người đàn ông vì họ chưa đủ can đảm chấp nhận? Đàn ông họ sẽ đau hơn, nếu biết rằng hạnh phúc khi yêu rất dễ tìm, nhưng thật khó giữ, ranh giới giữa hạnh phúc và bất hạnh luôn lấn chiếm và gậm nhấm lấy nhau.

Vậy khi chia tay các bạn có khóc không?

Tại sao lại không khóc nhỉ?

Tôi nghĩ mọi người sẽ khóc, có thể ngay lúc ấy, nhưng cũng có thể không phải đợi mãi tới bây giờ. Giữa dòng đời, dường như thời gian vẫn đang xô nhau vội vã. Giữa những dối lừa và trung thực, con người như lúc tĩnh, lúc mê. Giữa yêu thương và lòng thù hận, con người lại không chấp nhận sự tha thứ. Giữa cái tôi và sự hy sinh đi ngang nhau, tình cảm bị dẫm đạp mà không còn coi là thiêng liêng nữa…Tình yêu của chúng ta lại trở thành thứ tình vô duyên, bị coi khinh, bị hành hạ, bị vò xé, bị xúc phạm và bị nguyền rủa không thương tiếc.

Vậy khi ly thân có phải là liều thuốc chữa tình cảm vợ chồng bị rạn nứt hay không?

Xin thưa tùy mỗi trường hợp mà câu trả lời khác nhau. Nếu xếp mức độ thành công sau cuộc ly dị của hai vợ chồng tỉ lệ thuận với điều này, ta sẽ có mức cao nhất là khi hai người cùng cố hết sức để hàn gắn mọi chuyện. Nếu một trong 2 người nói rằng phải có một điều gì đó thay đổi chứ không cuộc hôn nhân này sẽ kết thúc và tỷ lệ cứ này giảm dần cho tới lúc một trong hai người hoặc cả hai không hề muốn thay đổi mọi chuyện.

Vậy ly thân có phải bước đầu tiên dẫn đến ly dị không? Và cuộc tình thật sự tan vỡ?

(còn tiếp phần 2)
 

Tác giả bài viết: Biết Văn

Nguồn tin: www.giadinhnazareth

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây